Your vision will become clear only when you look into your heart.... Who looks outside, dreams. Who looks inside, awakens. Carl Jung
Monday, October 4, 2021
Dịch bệnh và phẩm giá con người
Dịch bệnh và phẩm giá con người
Nguyễn Viện
Nhại theo Hegel, điều gì hợp lý thì tồn tại hay cái gì tồn tại thì hợp lý. Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta thấy vô số điều bất hợp lý vẫn tồn tại. Tồn tại một cách ngang nhiên và thách thức bất chấp lý trí. Và con người vẫn sống trong những mâu thuẫn, nhiều khi là tai ương ấy.
Những ngày qua, dịch bệnh Covid-19 đã càn quét Sài Gòn còn hơn một nỗi thù. Chưa bao giờ số người chết lại nhiều và nhanh như thế. Cũng chưa bao giờ người Sài Gòn lại khốn khổ đến thế. Sợ hãi và tù túng ngay trong mỗi căn nhà bất kể giàu nghèo. Con người va chạm vào cái chết và bị trói buộc trong những hàng rào kẽm gai, những cánh cổng hàn kín, những khối bê tông nặng nề… Con người bị hạch hỏi giấy đi đường, bị đè xuống ngoáy mũi để tìm kiếm kẻ khủng bố vô hình.
Nhưng điều đau đớn nhất là không mấy ai nhận ra, con người bị hạ nhục.
Với những biện pháp hành chánh cấm đoán thô bạo bởi những kẻ muốn kéo đám mây điện toán vào Việt Nam, không biết bao nhiêu số phận đau thương đã phải hứng chịu những mất mát và sự cùng cực của cuộc sống. Từng đoàn người dắt díu nhau tháo chạy khỏi thành phố, bởi không chết vì bệnh thì cũng chết vì đói. Từng gia đình ngóng đợi cứu trợ mỗi ngày. Và không một ai thoát khỏi nỗi ám ảnh tìm kiếm lương thực, kể cả những người không hề thiếu tiền.
Giữa sợ hãi và cái vô lý, con người vẫn ngoan như cừu. Và trớ trêu thay, khi được chích vaccine cũng không một ai lại không hí hửng như một ân huệ được ban, một điều mà lẽ ra phải là tất yếu.
Dường như Việt Nam luôn là một trường hợp ngoại lệ so với những chuẩn mực chung của thế giới. Sự khác biệt ấy phải gọi là gì? Tôi ngại phải nói ra những từ khó nghe.
Với tư cách là một nhà văn, tôi sẽ viết gì về những ngày tháng kinh khủng như một biến cố lớn lao của lịch sử nhân loại thế này?
Quả thật, tôi thấy mình bất lực trước nỗi đau khổ và cái chết của đồng bào mình phải gánh chịu. Tôi thấy mọi thứ vô nghĩa. Nhưng dù thế nào tôi vẫn phải sống. Không trốn chạy cũng không quị lụy.
Hơn bao giờ hết, tôi vẫn là người quan tâm đến ý nghĩa cuộc sống. Và lại đến lúc tôi một lần nữa nhại theo Hegel, cái gì hạnh phúc thì có ý nghĩa hay cái gì có ý nghĩa thì hạnh phúc. Ở đây, cũng một lần nữa chúng ta thấy một nghịch lý nói như kiểu người Sài Gòn là “nói vậy mà không phải vậy”.
Vâng, điều có ý nghĩa, rất nhiều khi cũng là nỗi đau khổ hay sự hy sinh, mất mát. Con người dẫu sao vẫn có thiên hướng về sự cao cả. Và giữa những bi thương, người Sài Gòn không chỉ biết lo sợ mà còn biết đùm bọc nhau. Những nhóm thiện nguyện nở rộ như sự trượng nghĩa vốn có của người Sài Gòn. Và tôi nhìn thấy ở đấy ý nghĩa của cuộc sống, sự lân tuất với tha nhân. Tất nhiên, cứu trợ nhau trong hoạn nạn chỉ là một biểu hiện đơn giản nhất của lòng lân tuất.
Tôi muốn nói đến vấn đề phẩm giá. Sự lân tuất giữa con người với nhau đầu tiên và sau cùng vẫn phải là sự tôn trọng phẩm giá con người như một cá thể tự do.
Chúng ta có được sống trong phẩm giá của một con người không? Dường như Việt Nam vẫn là một ngoại lệ.
Có thể đấy là điều tôi sẽ phải viết như cách của một nhà văn theo đuổi sự khác biệt về phẩm giá con người.
Không biết từ bao giờ, người ta đã không còn nhận ra phẩm giá của mình bị chà đạp. Và vì thế, người ta chấp nhận bị chà đạp như một điều hiển nhiên. Không thắc mắc, không phản đối. Ai sao mình vậy.
Đấy là một tâm thức khốn cùng của kẻ nô lệ.
Xưa nay, tôi vẫn nghĩ nhà văn không có trách nhiệm với ai ngoài chính mình. Sự cô độc ngạo nghễ của một con người vĩ đại là từ khước tất cả. Nhưng nếu không có tương tác thì sự sáng tạo có ý nghĩa gì? Ngay cả điều mà tôi muốn nói đến là phẩm giá, nếu không đặt trong mối tương quan xã hội thì liệu phẩm giá có cần thiết không?
Và chỉ trong mối tương quan xã hội, tự do mới cần được nhìn nhận như một phẩm giá cốt lõi nhất của con người.
Và cũng chưa bao giờ như lúc này, con người chẳng những mất tự do mà còn mất cả các điều kiện tối thiểu để tồn tại.
Và chúng ta im lặng.
Không phải sự im lặng triết học hay tâm linh. Hố thẳm hay đỉnh trời. Đó là sự im lặng của vô tri.
Từ bao giờ con người trở nên tăm tối? Hay con người vốn dĩ tăm tối?
Tôi nghĩ đến những giấc mơ con người, giấc mơ của tự do và vượt thoát. Nhưng dường như sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang phản bội con người. Nó kiểm soát con người từ trong suy nghĩ đến thị hiếu biểu đạt. Nó tinh vi hơn các nhà chính trị. Nó mị dân hơn nhà cầm quyền. Nếu các nhà chính trị hay cầm quyền chỉ có thể kiểm soát hành vi cụ thể của con người, thì các big tech đã kiểm soát con người đến cả cảm xúc cá nhân.
Đến lúc này, những đối kháng giữa các thể loại ý thức hệ đã bị xóa mờ. Con người đang chứng kiến sự bắt tay giữa các thế lực cầm quyền vốn xung đột nhau, cũng như sự cấu kết giữa các big tech với các nhà cầm quyền mà chúng ta gọi một cách mỹ miều là toàn cầu hóa, không gì khác là chia chác quyền lợi của họ trên số phận từng con người bất kể đâu trên mặt đất. Thế giới chỉ còn là một công xưởng.
Cuối cùng con người đã bị nhào nặn và ngược trở lại thành công cụ phục vụ cho những tham vọng của họ.
Con người hoàn toàn mất tự do từ tư cách cá nhân đến danh xưng nhân loại. Càng ngày càng lệ thuộc vào họ.
Ở một góc độ khác, chúng ta cũng đang chứng kiến một thái độ đạo đức giả của những kẻ tự nhận đứng về phe nước mắt. Họ nhân danh sự bất công này để cổ xúy hay im lặng về một sự bất công khác, không chỉ ở xứ sở khốn khổ này mà còn ở những nơi được coi là văn minh tiến bộ. Chính điều này, nó đã làm nhiễu loạn các giá trị. Và làm cho phẩm giá con người bị bôi nhọ.
Vì thế tìm kiếm tự do thật ra chỉ là một quá trình tháo bỏ gông cùm. Một chân lý rất cũ. Nhưng xem ra đó lại là một vòng luẩn quẩn của ràng buộc và tháo bỏ. Cái mới mà chúng ta mong ước đến một lúc lại trở thành gông cùm. Dường như con người không có lối thoát.
Nhà văn – nhân chứng, nhà tiên tri hay kẻ rong chơi trên mặt đất – cũng là một nạn nhân của thời thế và thân phận con người. Tiếng kêu thét trong anh có làm anh vỡ lồng ngực hay dội vào đám đông thì cũng “mua vui cũng được một vài trống canh”. Ý nghĩa tồn sinh mặt đất mỉa mai, phù phiếm.
Tuy nhiên, dịch bệnh, cái chết và giam hãm có làm anh điêu đứng vì tự do và phẩm giá bị bó gối của mình? Số phận anh và nhân loại này chẳng lẽ chỉ để cho bọn kền kền kiếm chác? Anh có muốn kiếm chác tí không? Hay anh muốn làm gì khác?
Viết à? Viết cái gì? Thế nào?
Dặm trường vẫn ở trước mặt. Dẫu sao thì tôi cũng không bao giờ quên đánh thức phẩm giá của mình. Cái tự do suy nghĩ và biểu đạt, như ý nghĩa cuộc sống tôi. Và tôi muốn sống nó một cách hạnh phúc.
Nguồn:
https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/dich-benh-va-pham-gia-con-nguoi/
Gặp gỡ và trò chuyện 18 Tháng Chín, 2021
Dịch bệnh, từ thiện và phẩm giá con người
Song Chi phỏng vấn nhà văn Nguyễn Viện.
SONG CHI:
Chúng ta thấy trong suốt mấy tháng qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại, người SG đã tích cực làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo đang sống tại thành phố, phải nói là không có tấm lòng nhân ái cứu giúp lẫn nhau đó của người dân thì bao nhiêu người nghèo khó mà trụ nổi. Mà thật ra thì từ trước đến nay, khi nói về sự hào phóng, lòng nhân ái, người Sài Gòn gần như luôn luôn đi đầu trong mọi phong trào có tính cách xã hội từ thiện đối với đồng bào cả nước. Theo anh thì tại sao lại có cái chuyện người SG làm từ thiện nhiều như vậy? (Từ tính cách, hoàn cảnh sống và cả cấu trúc xã hội rất khác của SG so với Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác).
NGUYỄN VIỆN:
Vâng, không phải bây giờ người Saigon mới hăng hái làm từ thiện, mà sự nhiệt thành làm từ thiện của người Saigon đã có một truyền thống lâu đời, được hun đúc bởi tinh thần trượng nghĩa của người Nam bộ từ khi khẩn hoang phương Nam. Cái tinh thần khai phóng ấy của người Nam bộ kết hợp với một phong thổ hiền hòa, một thổ nhưỡng phì nhiêu đã tạo nên tính cách người Nam bộ cởi mở và trượng nghĩa. Một khí phách mà nhân vật Lục Văn Tiên của cụ Đồ Chiểu là điển hình.
Cũng không ngoại trừ Saigon là một thành phố giàu có vật chất và con người Saigon nghĩa hiệp.
Với một thành phố mà lực lượng lao động cũng thuộc loại đông đảo nhất nước được qui tụ từ khắp nơi trong cả nước như Saigon thì lượng người khó khăn khi thành phố đóng cửa, các cơ sở sản xuất, thương mại đình trệ cũng sẽ là điều tất yếu.
Và một tất yếu khác cũng cùng lúc xảy ra, nhà nước hoàn toàn thất bại trong việc phân phối lương thực cũng như cứu trợ người nghèo khó.
Trong hoàn cảnh ấy, người dân Saigon đã phải tự lo lắng cho nhau, đùm bọc nhau. Rất nhiều cá nhân cũng như các nhóm thiện nguyện ra đời. Bất chấp nguy hiểm của dịch bệnh, vượt qua mọi khó khăn của các rào cản cứng của các chốt chặn, cũng như các rào cản do các qui định bất hợp lý của chính quyền tạo ra. Họ đến từng căn nhà, từng ngõ hẻm với những phẩm vật thiết yếu và một tấm lòng nhân ái vô biên.
Trong thời gian qua, chúng ta cũng từng chứng kiến, người Saigon luôn luôn nhiệt thành với đồng bào mình khi thiên tai, hoạn nạn, bất kể ở đâu trên đất nước thân yêu này. Và đó chính là bản chất của người Saigon, đã được minh chứng. Hào phóng nhất, tận tình nhất.
SONG CHI:
Là người sống ở SG nhiều năm, đồng thời là một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành, anh nghĩ gì về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức tôn giáo trong các hoạt động thiện nguyện và trong xã hội nói chung? Nhà nước VN thì vẫn không mặn mà với việc cho phép các tổ chức hoạt động dân sự, tổ chức tôn giáo được hoạt động, dù chỉ là trong những hoạt động có tính cách thiện nguyện. Theo anh thì điều này đã gây thiệt thòi như thế nào cho người dân, và cho chính nhà nước VN?
NGUYỄN VIỆN:
Có thể nói, hoạt động thiện nguyện của các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt là của các tổ chức tôn giáo như Thiên Chúa Giáo, đã là một sứ mệnh tông đồ của người Công giáo.
Chắc hẳn là chúng ta không quên, trước 1975 các trường học Công giáo không một địa phương nào không có, cũng như sự có mặt của các nữ tu trong các bệnh viện công lập. Đặc biệt tổ chức Caritas của người Công giáo còn có tính cách toàn cầu. Thiện nguyện và hiến mình cho tha nhân là nghĩa vụ của người Công giáo.
Vì thế, trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, thì vai trò của các giáo xứ trong việc chia sẻ, tương trợ với giáo dân hay không phải giáo dân chút lương thực không phải là điều gì mới mẻ.
Có sự can thiệp của nhà nước trong việc này không? Tôi nghĩ là không, mặc dù đó không phải là điều nhà nước cổ vũ. Nhưng họ cũng không hoàn toàn cấm cản.
Những cá nhân hay tổ chức thiện nguyện tự phát, trong những nỗ lực riêng của họ, họ vẫn có thể đến tận nơi, gõ tận cửa trao quà tương trợ.
Nếu nhà nước không muốn công việc thiện nguyện này có thể tạo ra một nguồn lây nhiễm, thì chính người làm thiện nguyện lại càng không muốn hơn. Chẳng ai muốn vất vả không công và sự đe dọa chết chóc cả.
Chỉ có những tấm lòng cao cả mới có thể vượt qua những điều kinh khủng này.
Tuy nhiên, với chì thị 16+ tương đương với thiết quân luật, một số nhóm từ thiện không kiếm được giấy đi đường đã phải ngưng hoạt động. Tất nhiên điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cứu trợ cho những người khó khăn, đồng thời tạo nên những hiệu ứng không tốt với chính quyền.
SONG CHI:
Cũng trong chuyện làm từ thiện, anh nghĩ thế nào về việc một số nghệ sĩ, người nổi tiếng làm từ thiện nhưng lại đang có chuyện lùm xùm đòi kê khai thu chi các hoạt động từ thiện của họ, khiến nhiều nghệ sĩ nản lòng và không muốn làm nữa? (Phải chăng trong việc này nhà nước cũng không thật sự hài lòng với việc khi nghệ sĩ kêu gọi làm từ thiện thì người dân ủng hộ, đóng góp rất nhiều, trong khi đa số người dân lại không tỏ ra tin tưởng, mặn mà gì với các tổ chức đảng, đoàn, Mặt trận Tổ Quốc…nên bây giờ đang có chuyện nhà nước đứng phía sau, hoặc ít nhất, là khuyến khích những việc “đánh” vào uy tín của các nghệ sĩ, khiến nhiều người nản, không làm từ thiện nữa, và thế là người dân lại quay sang đóng góp cho các tổ chức của đảng, của Mặt trận Tổ Quốc?)
NGUYỄN VIỆN:
Việc nghệ sĩ hay bất cứ cá nhân uy tín nào có thể làm từ thiện thông qua việc huy động đóng góp của quần chúng đều tốt.
Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự thành công ngoạn mục từ những nỗ lực này của giới nghệ sĩ.
Điều không tránh khỏi là những cá nhân này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để huy động tài lực từ cộng đồng. Cộng thêm với sự thiếu chuyên nghiệp, kinh nghiệm đã khiến cho việc thiện nguyện đã phát sinh những bất cập, thiếu sót và cả những tiêu cực tai tiếng.
Ở một góc độ khác, việc người dân gởi gấm niềm tin của mình vào giới nghệ sĩ đã cho thấy chính quyền và các bộ phận phụ thuộc của đảng như các hội đoàn, mặt trận đã thất bại một cách mỉa mai trong vai trò kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng, chủ yếu do sự thiếu công bằng và tham ô trong việc phân phối hàng cứu trợ.
Có thể đây là lý do khiến giới nghệ sĩ đang bị bóc mẽ.
Có thể chính quyền này rất tinh vi, nhưng tôi không tin họ đứng sau những lùm xùm tai tiếng hiện nay của giới nghệ sĩ. Bởi vì điều ấy không mang lại lợi ích cho bất cứ ai. Cũng như không thể vì thế mà người dân “quay đầu” lại với chính quyền. Đơn giản là nhà nước không thể dùng cái tai tiếng hay mất niềm tin của quần chúng vào giới nghệ sĩ hoán đổi thành niềm tin qua mình.
Vả lại, nếu cần xử giới nghệ sĩ, thì công cụ pháp lý của nhà nước không thiếu.
Sự thất vọng của cộng đồng sẽ là điều thật sự đáng tiếc với những người hoạn nạn trong dịch bệnh hay thiên tai vốn đã điêu đứng sẽ càng thống khổ hơn.
SONG CHI:
Với VN và nhiều quốc gia khác, việc đối phó với đại dịch COVID-19 còn dài. Và rõ ràng là có quá nhiều bài học mà nhà nước VN cần rút ra cho việc chống dịch thời gian sắp tới, nhưng quan trọng nhất theo anh là những bài học gì?
NGUYỄN VIỆN:
Quả thật, việc chống dịch của VN nói chung, Saigon nói riêng trong thời gian qua đã quá lúng túng, dẫn đến những chủ trương, chỉ thị bất nhất tạo thêm khó khăn cho cuộc sống người dân. Người cộng sản không thoát được căn bệnh cố hữu của mình là chủ nghĩa duy ý chí, cộng với bệnh hình thức, hô khẩu hiệu và một tư duy chiến tranh.
Cái sai lầm lớn nhất là việc thu gom các F0, F1 vào các khu cách ly tập trung. Chẳng những nó vừa là một môi trường dễ lay lan dịch bệnh, vừa gây ra sự tốn kém vô ích, mà còn mang tính phi nhân.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải ghi nhận một điều rằng, chính quyền cũng biết lắng nghe để nhận ra sai lầm của mình. Và họ cũng đã dần sửa chữa.
Tôi nghĩ cái bài học khó nhất của người cộng sản là bài học về sự tôn trọng phẩm giá con người. Không thể có sự cải thiện nào đáng để chúng ta hy vọng. Các biện pháp hành chánh khắt khe, máy móc vừa qua như giấy đi đường hay những hàng rào kẽm gai, những khối bê tông chặn đường, những cánh cổng sắt hàn kín khắp hang cùng ngõ hẻm là một sự sỉ nhục con người.
Một bài học khác mà VN đã học được là chiến lược vaccine, cho dù cũng đã hơi muộn, nhưng ít nhất nó cũng sẽ cứu vãn được cái bi kịch thảm khốc mà chúng ta đang chứng kiến.
Một điều khác cũng rất quan trọng là các chính quyền địa phương đã nhìn ra tính liên đới của khu vực, cũng như tính thống nhất của cả nước. Người ta không thể tự biến mình thành một lô cốt và tử thủ trong mối liên quan với toàn thể.
Với khuynh hướng chấp nhận sống chung với virus như một điều tất yếu, nhà nước đang dần có những biện pháp nới lỏng phong tỏa, chuẩn bị cho một bình thường mới.
Tôi nghĩ đó là một hướng đi đúng.
SONG CHI:
Là một nhà văn, những điều gì gây ấn tượng mạnh, hoặc đọng lại trong anh những cảm xúc mạnh nhất trong những ngày VN xác xơ, tang tóc vì đại dịch? Nếu viết về những ngày này anh sẽ viết về điều gì?
NGUYỄN VIỆN:
Khi Saigon bùng dịch, có hai ấn tượng mạnh nhất với tôi.
Một là sự tháo chạy của người nhập cư ra khỏi thành phố, tìm mọi cách về quê vừa để tránh xa dịch bệnh, vừa để cứu thoát mình khỏi cái đói đang ập đến khi không còn công ăn việc làm.
Từng đoàn người lếch thếch tháo chạy như hình ảnh chạy loạn thời chiến tranh được tái hiện. Biết bao đau thương, khốn khó không thể tả xiết.
Ấn tượng thứ hai là những hàng rào kẽm gai vừa do chính quyền dựng lên gọi là vùng đỏ, vừa do người dân bắt chước chính quyền tự làm để bảo vệ khu xóm mình gọi là vùng xanh.
Nó cho thấy chính quyền đã không dự kiến được những hậu quả do những chủ trương của mình đưa ra.
Trong vai trò của một nhà văn, tôi hoàn toàn thấy mình bất lực trước sự khốn khổ của con người, không chỉ vì tai họa dịch vật, mà còn là những tai ương do con người gây ra cho nhau.
Nhưng trên hết, tôi nhìn thấy sự mất cân bằng của đời sống con người. Giữa con người với nhau và với chính bản thân từng người. Giữa con người với thiên nhiên.
Cận cảnh hơn, tôi thấy con người bị giản lược vào những nhu cầu sinh tồn thú vật. Không một ai thoát khỏi nỗi ám ảnh tìm kiếm lương thực. Nó khủng khiếp hơn cả dịch bệnh. Ngay cả cái chết cũng không đáng quan tâm hơn cái đói.
Tôi sẽ viết gì ư?
Tôi đang viết một truyện mới, trong đó mô tả ít nhiều cuộc sống hiện nay của con người giữa cơn bão của dịch bệnh. Nhưng tôi cũng chợt nhận ra, mọi thứ văn chương triết lý hay luận thuyết đều vớ vẩn, nhảm nhí khi con người phải chiến đấu với cái chết đang cận kề.
Vậy thì điều gì mới là quan trọng nhất? Điều gì có ý nghĩa để chúng ta sống cuộc đời khốn khó này?
Quả thật, tôi cũng không biết.
Viết gì, viết thế nào là cách tôi tồn tại sao?
Ngày 12/92021
Mời các bạn nghe phần âm thanh phát trên sóng đài Nam Radio của SBTN:
https://soundcloud.com/user-265015931/interview-writer-nguyen-vien-covid-19-in-vietnam
Bài do nhà văn Nguyễn Viện gửi cho Văn Việt.
http://vanviet.info/gap-go-va-tro-chuyen/dich-benh-tu-thien-v-pham-gi-con-nguoi/