Sunday, October 31, 2021

COP-26: Đất lở núi tan rồi, liệu người VN có chờ hành tinh cũng tan chảy?

COP-26: Đất lở núi tan rồi, liệu người VN có chờ hành tinh cũng tan chảy? • Cao Vĩnh Thịnh • Gửi cho BBC từ Hà Nội 29 tháng 10 2021 https://www.bbc.com/vietnamese/forum-59090653 Thượng đỉnh khí hậu LHQ COP26 là gì? Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) nhóm họp ở Glasgow, Scotland, Anh quốc năm nay là chủ đề mà tôi được nghe nhiều nhất từ những người bạn trong mấy ngày qua, có người chia sẻ với sự hào hứng tích cực còn một vài bạn thì không. Họ ngao ngán và thấy bất lực như chính cảm giác của tôi, khi tôi đối diện với vấn nạn môi trường và biến đổi khí hậu tại Việt Nam vậy. Nhưng cho tới cùng, đối với cá nhân tôi, thì tôi thấy hội nghị COP26 rất quan trọng nếu không nói là "cực kỳ quan trọng với toàn nhân loại", các quốc gia tham gia hội nghị cần có sự thống nhất chung và quyết tâm để cứu hành tinh này. Chưa kể tới các quốc gia đều nhận thấy rõ đó là, ở nhiều nơi trên toàn cầu đang phải đối mặt với xác suất xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều hơn. COP26: Việt Nam có sẵn sàng chống biến đổi khí hậu? COP26: Trung Quốc không cam kết gì mới về chống biến đổi khí hậu COP26: Nước nào vận động để thay đổi phúc trình? Nồng độ khí nhà kính đạt mức cao mới vào năm 2020 Tôi may mắn là người được đi thăm thú nhiều nơi ở Việt Nam, được nhìn thấy rất nhiều cảnh đẹp hùng vĩ mà tạo hoá ban tặng cho mảnh đất hình chữ S và con người Việt Nam. Nhưng cũng vì thế nó giải thích tại sao mà tôi cũng như một số bạn bè hay buồn phiền, không buồn làm sao được khi phải chứng kiến hay được nghe kể những câu chuyện về con người, họ không gìn giữ lấy mà đang ngày đêm nghĩ thật nhiều cách lách luật để tàn phá môi trường tự nhiên. Tàn phá vẻ đẹp hùng vĩ mà tạo hoá đã ưu ái ban tặng, cũng như phá huỷ đi những điều tốt đẹp cho thế hệ tương lai. Từ đất chảy Tây Nguyên... Có một lần trong chuyến đi công tác vào cuối năm 2020 của tôi, tôi được gặp và nghe nhà văn Nguyên Ngọc tâm sự. Ông kể về cuộc hành trình của cuộc đời ông để gìn giữ rừng Tây Nguyên. Các bạn có biết không đã từng có một vùng đất Tây Nguyên vô cùng khác với hiện tại, Tây Nguyên không phải là cao nguyên duy nhất mà là một loạt các cao nguyên liền kề. Chúng đều được bao bọc về phía Đông bởi những dãy núi và khối núi cao chính là Trường Sơn Nam. Với đặc điểm thổ nhưỡng đất đỏ Bazan ở độ cao khoảng 500m đến 600m so với mặt biển, Tây nguyên cũng là khu vực ở Việt Nam còn nhiều rừng với thảm sinh vật đa dạng, trữ lượng khoáng sản phong phú hầu như chưa khai thác và tiềm năng du lịch lớn. Thế nhưng, vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2020 mùa bão lũ ập đến và nhà văn Nguyên Ngọc đã gọi tên chính xác thảm hoạ này là " Đất Chảy". Ông giải thích đơn giản như thế này: Khi còn rừng tự nhiên thì mưa xuống chỉ có 5% nước chảy trên bề mặt đất, 95% sẽ ngấm xuống đất thành nước ngầm. Khi mất rừng tự nhiên thì ngược lại, chỉ có 5% ngấm xuống thành nước ngầm, hơn 90% sẽ chảy tràn trên mặt đất. Ngày này, nhìn thấy màu xanh đó nhưng chỉ toàn cây bụi lẹt đẹt với cỏ, với cao su, keo, cà phê - là những loại cây không có bộ rễ giữ nước ( mà các báo cáo với thống kê cứ gọi vống lên một cách gian dối là " độ che phủ" ), 95% nước mưa chảy thành thác trên mặt đất quét hết mọi thứ, làng mạc và con người. Và đỉnh điểm của 2020 là đất chảy - từng quả núi, từng ngọn núi lớn nổ tung rồi chảy ra thành nước, thành thác, vùi lấp xóm làng, ruộng đồng, con người, nuốt gọn từng gia đình, từng cộng đồng người, tất cả, tất cả… Đến'bốc hơi' rừng thông Đak Đoa Rừng thông tại Đăk Đoa, thuộc huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, bị tàn phá để làm sân golf (ảnh do tác giả bài viết cung cấp) Chúng ta cần nhớ là Việt Nam từng có hơn 30 triệu ha rừng tự nhiên. Hiện nó chỉ còn 41% diện tích, tức là 14 triệu ha được phủ xanh, trong đó 10 triệu là rừng tự nhiên, 4 triệu ha rừng trồng. Nếu diện tích rừng trồng được trồng bằng các loại cây hủy hoại môi sinh như cây keo thì thật là thảm họa lớn. Hay như vụ biến đất rừng Đak Đoa trở thành dự án sân golf chẳng hạn, họ chặt hạ đi toàn bộ cánh rừng thông có tuổi thọ 50 năm. Đầu năm 2021, nhiều chính sách phê duyệt của Chính Phủ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. Ngày 1/4/2021, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đăk Đoa do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô 174,01 ha đất rừng. Đấy chỉ một thời gian ngắn nữa thôi các bạn sẽ chỉ còn nghe về rừng thông Đăk Đoa như một câu chuyện ngày xửa ngày xưa, có một khu rừng thông thơm ngát mùi nhựa và vỏ thông, mùi đất. Trong những tán thông tiếng ve râm ran hoà với tiếng chim, bướm lượn từng đàn như những cánh hoa sáng chập chờn dưới nắng. Nơi đó còn có đồi cỏ hồng Glar nổi tiếng, mọi người thường tới đó tản bộ và chụp những bức hình kỷ niệm. Những thứ đẹp đẽ tự nhiên đó sẽ được thay thế là sân golf, bất chấp những hậu quả như trôi đất, mất nguồn nước của bà con dân tộc sống tại khu vực. Hết rừng tự nhiên thì còn Vườn quốc gia, ví dụ ở Thanh Hoá có khu bảo tồn Vườn quốc gia Bến En, ở Vĩnh Phúc có khu bảo tồn Vườn quốc gia Tam Đảo v.v... Bây giờ, trong con mắt của những ông chủ tập đoàn lớn khi họ nhìn vào những khu rừng này chỉ giống như một miếng bánh ăn gọn. Chuyện làm bạn phát điên hơn thế có thể là việc bạn rất dễ nhìn thấy những hình ảnh giao bán công khai phân lô bán đất trên các trang website của họ, ngay cả khi dự án này còn đang trong thời gian chờ Chính phủ phê duyệt. Từ quan ngại với các tập đoàn vụ lợi Một phần hình ảnh Vườn quốc gia Tam Đảo ngày nay (hình do tác giả bài viết cung cấp) Vườn quốc gia Tam Đảo rất gần nơi tôi sống, để đi đến nơi đây tôi chỉ mất hơn một tiếng chạy xe máy. Khu rừng là lá phổi cực kỳ quan trọng điều hoà gần Hà Nội nói riêng và các vùng lân cận nói chung. Tuy nhiên, ngay trong chính lõi rừng của Vườn quốc gia Tam Đảo, tập đoàn Sun Group đã được duyệt dự án xây dựng khu phức hợp giải trí cao. Họ ngày đêm tàn phá không tiếc tay lõi rừng, chặt hạ cây rừng tạo đường đi lớn và xây dựng khu nghỉ dưỡng cho mục đích bất động sản. Ngày đêm xăm soi lùng xục đất đai, tài nguyên kiếm lợi riêng, họ bỏ ngoài tai mọi ý kiến phản đối, sự lo ngại về an toàn địa chất, nguồn nước, và rất quan trọng là yêu cầu khẩn cấp của việc bảo tồn đa dạng sinh vật học tồn tại trong lõi rừng quốc gia Tam Đảo, để tiếp tục các dự án làm ăn. Tôi thực sự thấy nực cười và có cảm giác xen lẫn giữa phẫn nộ và 'kinh tởm' khi họ chặt hạ cả một cánh rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh, vườn quốc gia, phá tan hệ cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học, rồi họ thay vào đó là những căn nhà phân lô với một hệ sinh thái nhân tạo giả tạo, lòe bịp. Và họ khoác nên mình với cái tên mỹ miều là " Dự án du lịch kết hợp nghỉ dưỡng bền vững", " Du lịch xanh bảo tồn" v.v… khi vận động chính sách duyệt dự án từ Chính Phủ. Tới chờ đợi hành động cụ thể của tân Thủ tướng Còn nhiều và còn nhiều nữa những vấn nạn môi trường tương tự như vậy do các tập đoàn lớn gây ra và đằng sau họ - chắp cánh cho sự nghiệp làm giàu bằng mọi giá của họ là ai thì ai cũng biết. Tôi chỉ liệt kê một số những vụ điển hình để làm rõ cho các bạn hiểu hơn việc Chính Phủ Việt Nam đang làm gì để chống lại biến đổi khí hậu và tàn phá, hủy hoại môi trường. Tôi cho rằng chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu chỉ là cung cấp cho chúng ta sự "ảo tưởng về sự can thiệp và an ninh", nhưng trên thực tế phần lớn không xác định và giảm thiểu các nguyên nhân cơ bản của biến đổi khí hậu, hoặc tạo cơ sở cho một chiến lược thích ứng trung hạn và dài hạn để có thể thực sự đối phó và tôi cũng đã công khai trình bày quan điểm này của mình tại Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt hôm 28/10/2021 với sự tham gia trong số các khách mời, là một nhà khoa học về Biến đổi Khí hậu đến từ Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. Tôi được biết trong hội nghị COP26 sắp diễn ra tại Glasgow sẽ có sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, mong rằng Thủ tướng trong kỳ hội nghị này sẽ có những cam kết chung thật mạnh mẽ với các quốc gia thành viên. Và khi quay trở về Việt Nam, Thủ tướng sẽ có những bước tiến lớn để cải cách chính sách luật môi trường cho thật sự bảo vệ được môi trường, quan tâm tới những nhóm người yếu thế, cần nhấn mạnh những giải pháp thích ứng hoặc lồng ghép biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển. Nhất là vấn nạn phá rừng, biến đất rừng thành đất dự án… "Mối quan hệ sinh tử của sự sống là Đất và Nước được kết chặt vào nhau bằng Rừng. Năm mươi năm nay, với lòng tham vô độ, bất chấp mọi lời kêu cứu thất thanh, ta đã chặt đứt cái khâu sinh tử: Rừng. Phá sạch sành sanh rừng rồi. Không còn rừng, rừng tự nhiên, thì núi chảy ra như nước. Chảy hết núi rồi, thì đến gì nữa?," lời nhà văn Nguyên Ngọc vẫn còn văng vẳng bên tai. Và nếu chúng ta không đồng lòng để kéo phanh khẩn cấp thì chắc có lẽ câu trả lời cho nhà văn Nguyên Ngọc đúng nhất sẽ là: Hành tinh này cũng tan chảy nhanh thôi, mà trước hết có thể bắt đầu từ ngay mảnh đất hình chữ S này, phải không các bạn? Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà hoạt động độc lập trong lĩnh vực bảo vệ, gìn giữ môi trường. Tác giả từng làm việc tại Thời báo Kinh tế Việt Nam, tốt nghiệp đại học Báo chí & Tuyên truyền và đang tu nghiệp về y khoa tại Hà Nội.Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn Tròn Thứ Năm với sự tham gia của tác giả và các khách mời PGS. TS. Lê Anh Tuấn từ Cần Thơ và nhà báo Nguyễn Giang, BBC News Tiếng Việt, từ London, thảo luận về Biến đổi khí hậu với Việt Nam và COP-26 nhóm họp tại Glasgow, Scotland, Anh quốc.