Sunday, September 23, 2018

Great American Short Stories (5) --- Tuyển Tập Truyện Ngắn Nổi tiếng Của Mỹ



Sau Anderson một trận triều dâng vĩ đại đã đến với truyện ngắn Mỹ. Hai trong số những tiểu thuyết gia chính của thế kỷ 20, Theodore Dreiser và Sinclair Lewis, lại không bao giờ thành công với truyện ngắn, nhưng chúng ta hãy xét đến các nhà văn nổi tiếng về thể loại này như Fitzgerald, Hemingway, Faulkner, Katherine Anne Porter, Steele, Lardner, và thêm vào đó là Edith Wharton, Willa Cather và Ellen Glasgow, những người vẫn đều đặn sáng tác, dù tài năng chưa rực sáng bằng.  Chỉ riêng thể loại truyện ngắn những năm 1920 cũng đã đáng kể rồi.  Hỗ trợ cho những nhà văn nổi tiếng, vây quanh họ như những miếng gỗ bào dùng để đệm chặt một cái hộp, là một đội ngũ nhà văn tuy không nổi tiếng bằng nhưng rất đông đảo và đầy tài năng  khiến chúng ta phải kinh ngạc, mà từ tác phẩm của họ và để cạnh tranh với họ, những cây bút xuất sắc đã nở rộ.  Bạn không thể mài riù trên một bánh xe làm bằng phó mát; bạn cũng không thể đào tạo được những nhà văn vĩ đại nếu không có áp lực của một dàn tài năng vững vàng cạnh tranh với nhau.  Chính từ những nhà văn đứng hàng thứ hai cũng như từ những nhà văn nổi tiếng ấy mà truyện ngắn có được chất lượng tốt như thế.   
Chắc chắn những nhà văn lớn đã làm họ trở nên nổi tiếng.  Từ những truyện đầu tay của mình dù khi gửi đăng bị một số chủ bút từ chối vì chúng chỉ là ký sự ngắn,  Hemingway đã để ấn tượng sâu đậm nơi những người biết đến ông như một người rõ ràng là rất đặc biệt.  Những tác phẩm đầu tay của ông,  Three Stories and Ten Poems (Ba Câu Truyện và Mười Bài Thơ) va In Our Time (Thời của Chúng Ta) chỉ là cái để thử trước khi cái thực sự xuất hiện; ấy vậy mà ai ai cũng đã cảm thấy một tài năng vĩ đại sẽ xuất hiện như Edmund Wilson đã xác chứng trong bài bình duyệt của ông đăng trong The Dial *số tháng 10, 1924.  Như William Faulkner đã nói, có lẽ Hemingway đã sớm khám phá điều ông có thể làm, và đã tiếp tục đeo đuổi nó, nhưng đó chính là nhược điểm của ông: ông thiếu táo bạo.  Mặt khác, đa số độc giả đều thấy  nhiều dấu hiệu tiến bộ và phát triển từ truyện “Up in Michigan” và các bài viết ngắn đầu tay đăng trong In Our Time đến The Snows of Kilimanjaro (Tuyết Trên Đỉnh Kilimanjaro), hoặc The Old Man and the Sea (Ngư Ông và Biển Cả).  Hòa quyện vào những thay đổi này là bằng chứng cho thấy Hemingway, giống như Chekhov và James, càng ngày càng mài dũa bớt những ước thúc giả tạo của truyện ngắn, và dần dần tiến gần đến loại “tiểu thuyết ngắn được ban ân huệ” của James.  Những truyện đầu tay của Hemingway là các bài viết ngắn không đến một trang; còn truyện cuối cùng của ông, dù cũng thuộc thể loại truyện ngắn, lại dài như một quyển sách nhỏ.  Đó là một quãng đường dài từ những gì ông viết khi còn là một phóng viên trẻ ở Paris và học cách “bắt đầu bằng những điều đơn giản nhất.”
Mọi khảo lược về truyện ngắn Mỹ đều không thể bỏ qua phần luận bàn về ảnh hưởng to lớn của đặc điểm cô đọng và tính khách quan của Hemingway, cũng như hư vô chủ nghĩa đầy tính triết học trong giai đoạn ban đầu, và quy ước khắc khổ, những cái đã tạo nên mặt nạ tiện lợi cho những kẻ bắt chước ông suốt 25 năm.  Do đó chúng ta càng thấy tiếc khi cả Hemingway lẫn Ring Lardner, cũng là một nhà viết truyện lớn khác thuộc những năm 20 hiện nay đều không được nhà xuất bản của mình tái bản truyện ngắn với loại bìa mềm.  Nếu Hemingway cho chúng ta một thế hệ những người trẻ khắc khổ ít nói, lì lợm, ăn nói ngang tàng, không thích những gì bóng gió  hoặc “đưa đẩy,” ông cũng là người, hơn ai hết kể từ Stephen Crane, đã làm sáng tỏ quá trình tạo ấn tượng, và “trình tự của các diễn tiến câu truyện cùng các sự kiện góp phần tạo nên cảm xúc.”
Nhà văn lừng danh đồng thời với Hemingway và cũng đoạt giải Nobel văn chương như ông, William Faulkner, đã đem lại cho truyện ngắn một nét khác.  Dù ông tự sáng tạo ra, hay miền Nam tạo ra một màn sương và các nhà văn chỉ theo đó diễn đạt,  Faulkner vẫn là cha đẻ của trường phái Gothic mới, đặc thù miền Nam.  Ông sử dụng một ngòi bút méo mó, xây dựng những nhân vật kỳ quặc, và cũng không ngần ngại phủ choàng lên một số cảnh trong truyện của ông để đạt hiệu ứng Gothic đầy kịch tính cao nhất.  Tuy nhiên, Faulkner còn cách xa Poe nhiều.  Giống như thuật phù phép của Hawthorne, tính méo mó, bạo lực, với những xác đang mục rữa của Faulkner đi sát thực tế xã hội.  Giống Hawthorne, ông là nhà mổ xẻ tội lỗi con người; giống Poe, ông là người sống về “ban đêm,” là người tạo ra các cơn ác mộng, bởi vì trong thế giới của Faulkner tội lỗi nguyên thủy về nạn nô lệ da đen khiến mọi người phải mất ngủ, làm biến thái nhân vật và khiến tâm hồn trở nên méo mó.  Dù người ta có nhìn nhận toàn bộ tác phẩm của ông là phản ánh sự xuống dốc và mục nát của miền Nam sau Nội chiến, và, tới một mức độ nào đó, không cần phải đặt câu hỏi, người ta phải thừa nhận rằng ông đã “tạo ra một thế giới riêng biệt.”
Tưởng cũng không cần thiết phải nói thêm gì nữa về truyện ngắn.  Cho đến nay những ý tưởng cải tiến kỹ thuật viết truyện ngắn của Poe, James, Anderson, Crane, Hemingway, và Faulkner —cùng với đóng góp của Chekhov, Kipling, Joyce và Mansfield— đã trở thành tài sản của mọi người.  Phương ngữ, cái mà một thời đã là phương tiện chuyển tải nét hài hước và sau đó phong cách địa phương, đã chứng tỏ cho chúng ta thấy nó có thể hòa nhập vào được với các tình huống nghiêm túc, thậm chí chua chát qua ngòi bút Anderson và Ring Lardner, qua những tác phẩm nhỏ thanh thoát của Katherine Ann Porter, qua nét vẽ tinh tế và với thị hiếu cao tuyệt của James hay khuynh hướng Gothic miền Nam, hoặc qua cái gọi là trường phái nhạy cảm của phụ nữ, nhưng phương ngữ lại tránh được sự thái qúa của những cái đó, và dần dần nói lên cho chúng ta thấy giá trị thực sự và vị trí xứng đáng của nghệ thuật truyện ngắn.  Eudora Welty, nhà văn đầy tài năng ứng xảo tuyệt vời, đã học được từ Katherine Mansfield, James, Faulkner, Porter, và bà đã viết về những điều kỳ quặc pha trộn cả hài lẫn bi với kỹ xảo tầm cỡ như Faulkner.
Cần phải chú ý mặc dù tiểu thuyết có vẻ xuống dốc từ đỉnh cao những năm 1920 và đầu những năm 1930, riêng truyện ngắn không hề cho ta thấy dấu hiệu nào nó đã kiệt sức hoặc bị không rõ hướng đi. Khi những người hiếu kỳ trên thế giới hỏi chúng ta ai là nhà văn trẻ và giỏi của Mỹ, những người nối gót Hemingway, Faulkner, Fitzgerald, Wolfe,  và Steinbeck, chúng ta  có thể gặp khó khăn không tìm đủ người thay thế cho những tiểu thuyết gia đó, nhưng chúng ta lại ít gặp khó khăn khi nêu tên những nhà văn trẻ tuổi viết truyện ngắn xứng đáng so với các bậc tiền bối của họ.  Trong tuyển tập này chúng tôi chỉ xin giới thiệu qua một vài nhà văn như thế, để chỉ ra rằng truyền thống truyện ngắn, vốn đã đạt đến đỉnh cao những năm 1920, từ lúc ấy đến giờ đã tiến đến đâu.
Chính qua truyện ngắn chúng ta mới thấy rõ người Mỹ chúng ta, bởi vì chúng cho chúng ta ngàn mắt, ngàn cách nhìn, ngàn tình huống kể chuyện, và ngàn giây phút giúp chúng ta hiểu rõ mình hơn.  Điều mà truyện ngắn hiện đại nhắm vào có lẽ là một sự soi sáng, chứ không hẳn là một cú sốc hay “hiệu ứng”: Kể  từ Poe, phải nói chúng ta đã đi được một bước dài.  Về chủ đề, truyện ngắn nay đã bàn rộng rãi đến ngõ ngách biên địa của đời sống chúng ta: thoạt  đầu do các nhà văn viết về đặc điểm, màu sắc địa  phương giúp phát triển bao gồm mọi miền địa lý và con người, tiếp đến nhờ Anderson cùng các nhà văn nối gót ông bành trướng thêm để đi vào những hành vi con người trước đây bị cấm kỵ, và rồi được các nhà văn về sau khai thác cả đến vùng vô thức của con người.


--
* The Dial là tạp chí phê bình văn học của Mỹ từ 1840 đến 1929.


Wallace và Mary Stegner