Trong số hai
nhà văn viết truyện ngắn còn lại của thời kỳ trước thế chiến thứ
nhất, William
Sydney Porter (O. Henry) là người
viết chuyện cho các tạp chí được nhiều người mến mộ và có nhiều
tài năng hơn ông tự nhận đầy đủ về mình.
Trong bất cứ truyện nào của ông, tính nhạy bén và tài
sử dụng ngôn ngữ và nhân vật cũng trội hơn nét nghiêm trang hấp dẫn. Trong rất nhiều truyện ngắn
của ông đều có bóng dáng của kẻ lừa gạt khôn khéo. Truyện “A Municipal Report” (Bản tường trình của thành phố)
mà chúng tôi cho in trong tập này, là một trong số ít truyện ông tránh được lỗi viết
vội vàng, và thói quen hay sử dụng phong cách rối rắm khó hiểu, để thật
sự sống theo nguyên tắc của mình.
Người cuối
cùng trong số ba người là Wilbur Daniel Steele, nhà văn mà đến năm 1957 vẫn còn sống và sáng tác.
Không dễ xếp loại ông, cũng không đồng điệu với các thị hiếu
và xu hướng thời đại, ông chưa hẳn là nhà văn đúc kết lại ba thế hệ
phát triển truyện ngắn, vì những truyện ngắn hay nhất của ông vẫn
còn giữ phong cách nhàn nhã từ tốn và cốt truyện phức tạp của
thời truyện ngắn thời kỳ đầu (nhiều truyện được chia thành hồi hoặc thành chương) thay vì được gom lại trong một diễn
tiến duy nhất liên tục và căng thẳng. Đồng thời để phục vụ mục đích của
mình, Steele cũng áp dụng tính hiếu kỳ về tâm lý (vốn điển hình cho truyện của James), ý thức rõ về địa điểm xảy ra câu chuyện mà phong trào viết về
bản sắc địa phương đã trau luyện cho ông, và trường phái ấn tượng
sáng chói vốn là dấu son lớn của Crane.
Trừ Edith Wharton ra, ông là nhà viết truyện ngắn có tầm cỡ
của Mỹ trước và trong thời thế chiến thứ nhất. Khi cơn hạn hán kéo dài đã qua đi, và
những hứa hẹn của những năm 1890 đã được
gìn giữ đúng cách, mọi việc đến rất nhanh, và truyện ngắn của Mỹ, cùng
với các thể loại nghệ thuật khác, sẽ bùng nổ thành cái mà lịch sử
có thể gọi là thời kỳ huy hoàng nhất.
4
Trong tác phẩm Memoirs, Sherwood Anderson làm chứng nhân cho sự dễ
dàng và thóat thai gần như kỳ diệu
mà theo đó ông đã viết tập truyện Winesburg , Ohio –tại một căn phòng ở Chicago khi ông tập
trung dồn hết sức để sáng tác, có khi viết đến hai, ba chuyện trong
vòng một tuần. Nếu lời kể của ông về việc sáng tác là những truyện
ấy là thật, thì nó cũng sánh ngang với những sáng tác nở rộ trong
thế kỷ 20. Tập truyện ngắn Winesburg cũng nói lên
tiếng nói của thế kỷ 20 khi chúng nổi loạn chống lại ảnh hưởng dây dưa, khuynh hướng đè nén
của giai cấp trung lưu, lòng mộ đạo của ngươì vùng Midwest, thói giả
đạo đức kiểu Thanh giáo, sự hạn
hẹp của xóm làng --tất cả những thứ
đã kìm hãm, giới hạn “nếp sống thực trọn vẹn” mà Anderson và
cả thế hệ của ông khát khao.
Nếu xét từng truyện một thì các truyện trong Winesburg
, Ohio không tiêu biểu cho tác phẩm hay nhất và phong phú nhất của
Anderson, và chúng ta phải thừa nhận điều ấy bằng cách chọn một
truyện ngắn từ một tác phẩm khác là
The Triumph of the Egg (Sự
Chiến Thắng Của Qủa Trứng). Nhưng xét chung thì cả hai tác
phẩm đều rất ấn tượng và đều được xem là quan trọng hàng đầu trong
các tác phẩm của Sherwood Anderson.
Những truyện ấy mang tính cách tân không chỉ vì bất chấp khuôn
mẫu đạo đức thông thường. Sự phản
đối mãnh liệt những truyện ấy gợi lên thậm chí có thể phần nào
mang tính thẩm mỹ kín đáo, vì xét theo tiêu chuẩn quy ước thì chúng
không hẳn là truyện ngắn, ngay bạn của Anderson, Floyd Dell, Mencken, và
những nhà điểm sách cũng nói như vậy.
Chúng là những mô tả ngắn về các mảnh đời bị chôn kín, là
sự thoi thóp của các khát vọng bị dồn nén, là nét phác họa về
các nhân vật bị qụy ngã trong cách hành xử kiểu bộ lạc thôn xóm, là
những ghi nhận chớp nhóang về nỗi dằn vặt đằng sau tấm màn che được
kéo xuống (và thỉnh
thỏang được vén lên). Chúng không chỉ không có cốt truyện hẳn
hoi, chúng còn không sử dụng cả cách gây ấn tượng gợi cảm mà cả Crane
lẫn Steele từng dùng để tạo dấu ấn chỉ qua hình ảnh sống động. Những truyện này của Anderson diễn ra lặng lẽ, như
sự vật trong đêm tối. Cho đến nay
những độc giả ngưỡng mộ nồng hậu truyện của ông cũng không thể
nói rõ chúng ảnh hưởng đến họ như thế nào. Văn phong của ông đơn điệu, ông sử dụng
phương pháp kể chuyện hơn là tạo kịch tính. Vậy mà các nhân vật trong Winesburg nhìn có vẻ như người mang
nỗi xấu hổ khủng khiếp của kẻ bị bắt gặp đang vướng vào một
chuyện riêng tư gì đó không nói được.
Những tình cảm bị dồn nén trong đời họ tuôn trào như những
tiếng rên khóc, khiến người ta chú ý và thương cảm, trong khi những
nhân vật được khéo dựng lên và điều khiển lại không tạo được nơi
người đọc. Rõ ràng ở đây ta thấy
Anderson chịu ảnh hưởng mạnh của Chekhov: Chekhov là một trong những
nhà văn mới và thú vị đã làm choáng ngợp tâm tư Anderson, và cũng không phải
hoàn toàn vô lý khi một nhà điểm truyện sau này gọi Anderson là
“Chekhov tuổi dậy thì.” Có thể
nói một cách chính xác rằng chính tính đồng điệu mạnh mẽ với
Chekhov này đã làm tập truyện ngắn Winesburg
, Ohio trở thành nổi tiếng—William Faukner nói nó là sáng tác nổi
tiếng nhất của Anderson. Chúng tôi
đã chọn “Unlighted Lamps” (Những ngọn đèn không được thắp sáng) vì, ngoài chủ đề thất vọng, mất mát,
khát khao và uổng phí của kiếp con người vốn là linh hồn của tập Winesburg, nó còn chứa đựng bối cảnh phong phú
về khu hội chợ trong quận hạt và
bãi đua ngựa thường thấy trong các truyện khác (không thuộc tập Winesburg) của ông. Chỉ riêng truyện này cũng đủ để đại diện, và là đại
diện tốt, cho nhà văn Anderson.
̣(Còn tiếp)