HUYỀN THOẠI TU THIỀN DỄ ĐIÊN
VÀ THƠ NGUYỄN LƯƠNG NHỰT
VÀ THƠ NGUYỄN LƯƠNG NHỰT
Nguyên GIác
Huyền thoại thường nghe: tu thiền dễ bệnh khùng khùng điên
điên. Sự thực: y khoa Hoa Kỳ từ nhiều thập niên đưa ra các cuộc nghiên cứu chứng
tỏ lợi ích của thiền tập. Sự thực nữa: trong hàng chục triệu người khùng khùng
điên điên trên khắp thế giới, đại đa số không biết gì về Phật giáo. Thêm sự
thực nữa: Phật giáo gần với khoa học hơn bao giờ hết, trong khi hầu hết các tôn
giáo khác đều hoang tưởng với các tín lý vô căn cứ… và hoang tưởng là một dấu
hiệu của bệnh tâm thần phân liệt.
Từ rất lâu rồi, có lẽ cũng hơn nửa
thế kỷ, thỉnh thoảng lại nghe lời đồn rằng những người tu thiền hay luyện khí
công sẽ dễ bị điên. Hình như huyền thoại này ban đầu xuất phát từ các tiểu
thuyết võ hiệp Kim Dung, trong đó có một số nhân vật bị “tẩu hỏa nhập ma” –
nghĩa là, lửa nội hỏa sẽ chạy loạn kinh mạch Nhâm Đốc nào đó, và thế là khùng
khùng điên điên, tuy rằng võ công có khi thâm hậu xuất chúng. Lời đồn từ tiểu
thuyết bỗng nhiên ám ảnh đời thường ở nhiều người dân thành thị.
Khi nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ trao
tặng thi tập “Di Cảo Thơ 1987-2009” (sẽ viết tắt: DCT) của nhà thơ quá cố
Nguyễn Lương Nhựt (NLN), có nói thêm với người viết rằng, “Nhựt nó giống bạn
đó, hồi mới lớn cũng tu Mật Tông và rồi Thần Quyền, vậy mà nó cứ vô rồi ra nhà
thường điên mấy chục năm.”
Thiệt sự là nhận định của bạn Nguyễn
Lương Vỵ chẳng có chất thơ chút nào, cũng chẳng hề dựa vào thống kê y khoa nào.
Tôi chỉ cầm tập thơ và nói, để rồi sẽ đọc xem anh bạn kia thơ phú ra sao, mà
sao lại có chuyện người điên và thơ điên. Trong lòng tôi nghĩ thêm, cũng phải thanh
minh thanh nga chứ, vì huyền thoại kia hại vô cùng, mà cũng chẳng hề gần sự
thật. Thêm nữa, thời nhỏ tôi từng học thần chú với Hòa Thượng Thích Thiền Tâm,
và lòng mình rất mực dịu dàng, an lạc… Nhưng thôi, để mình đọc rồi sẽ viết, tội
nghiệp thằng này quá, không ngờ thằng em của bạn đau khổ cùng cực như thế, tôi
nói với NL Vỵ như thế.
Trước tiên xin nói sơ về thi tập.
Dày 208 trang, gồm ba phần chính:
--- Lời giới thiệu của nhà thơ
Nguyễn Lương Vỵ, anh ruột của NLN;
--- 237 bài thơ của NLN;
--- và phần Lời Bạt với 4 bài viết
của nhà thơ Lê Giang Trần, hai người em của NLN là Nguyễn Lương Việt và
Nguyễn Lương Đức, và BS Lê Đình Đại, bác sĩ chuyên khoa Tâm Thần Đà Nẵng và là
người chữa trị bệnh tâm thần cho NLN nhiều năm.
Nếu chỉ thuần đọc thơ, nếu không đọc
về cuộc đời tác giả, có khi chúng ta thấy thi sĩ NLN có ngôn ngữ thơ rất tỉnh
táo, khi anh trân trọng ghi lại lời Đức Phật dạy về pháp ấn vô thường, như qua
bài bốn câu sau, bài thứ 30 trong tập:
30. ĐIÊN THƯƠNG XÓT
Điên thương xót Kiếp Người như Chớp
Bóng
Cõi phù sinh cơn mộng nhỏ tan tành
Tâm tha thiết chìm vào cơn mộng lớn
Nấm mồ hoang cỏ mọc gọi xuân xanh.
Cõi phù sinh cơn mộng nhỏ tan tành
Tâm tha thiết chìm vào cơn mộng lớn
Nấm mồ hoang cỏ mọc gọi xuân xanh.
Thơ như thế là có vần, cuối câu 1 và
3, cuối câu 2 và 4. Tự thấy thân phận là điên thương xót, nghĩa là khi đó đang
tỉnh và tự ý thức hoàn cảnh đang chữa bệnh. Chữ Hán Việt như “phù sinh” hiếm
người đời thường sử dụng. Cũng như hình ảnh vô thường thường gặp trong Kinh
Phật, như tia chớp, như bóng nắng, như cơn mộng và cái chết. Tài năng nhà thơ
NLN nằm ở hình ảnh trái nghịch nơi câu cuối (mồ hoang là hình ảnh bi thảm, cỏ
mọc là hình ảnh vui mừng) và “gọi xuân xanh” làm bật dậy những niềm hạnh phúc, an
lạc. Chỉ đọc thơ như thế, không ai ngờ anh NLN đã mang bệnh điên trong thời
gian dài 35 năm.
Nguyễn Lương Vỵ (Lời Giới Thiệu, các
trang 9-21) phân tích về bố cục thi tập rằng sách “Di Cảo Thơ” của NLN gồm 3
tập thơ: 100 Bài Thơ Điên (1987 – 2007); Cỏn Con (1988 – 2008) gồm 68 bài thơ;
Góp Nhỏ, gồm 60 bài thơ (không thấy ghi thời gian sáng tác). Và 9 bài thơ lẻ,
được chọn lọc trong khoảng trên 20 bài thơ không nằm trong tập thơ nào. Tổng
cộng có 237 bài thơ trong Di Cảo.
Sơ lược cuộc đời NLN: sinh ngày
01.07.1954, tại huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Là con trai thứ hai trong một gia
đình gồm 5 anh em (4 nam, 1 nữ). Cựu học sinh trường Trần Cao Vân (Tam Kỳ). Tốt
nghiệp sĩ quan, trường bộ binh Thủ Đức (khóa 7/73), cấp bậc chuẩn úy QL/VNCH,
đóng quân tại sư đoàn 7 bộ binh cho đến ngày 30.04.1975. Giáo viên cấp 1 (từ
1976). Bệnh nhân tâm thần phân liệt từ tháng 8.1978 cho đến ngày từ trần
30.12.2013, hưởng thọ 60 tuổi. NLN đã lập gia đình với cô giáo cấp 1 Nguyễn Thị
Vui, sinh hạ được 2 người con (1 trai, Nguyễn Lương Nhựt Quang - 1 gái, Nguyễn
Nguyệt Vương) nay đã trưởng thành.
Trong Lời Giới Thiệu, Nguyễn Lương
Vỵ viết:
"Tuy có tư chất thông minh, trí
nhớ tốt, nhưng NLN lười học, thích suy nghĩ những chuyện khác thường, khác
người, nhất là những chuyện tâm linh huyền bí siêu nhiên. NLN đã theo học thần
quyền, mật tông Phật giáo từ rất sớm (16, 17 tuổi). Phải chăng đây là dấu hiệu
đầu tiên của bệnh tâm thần phân liệt còn đang tiềm ẩn?!" (DCT, trang
10)
Có phải đây là ngôn ngữ “tẩu hỏa
nhập ma” trong truyện kiếm hiệp Kim Dung? Hiển nhiên, đây là một huyền thoại,
một thành kiến không có căn cứ. Bởi vì bệnh tâm thần phân liệt (Schizophrenia)
có nhiều nguyên nhân.
Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế
Giới (WHO), toàn cầu có khoảng 23 triệu người bệnh tâm thần phân liệt; theo
thống kê của tổ chức Schizophrenia and Related Disorders Alliance of America
(SARDAA) riêng tại Hoa Kỳ có 3.5 triệu người bệnh này. Có thể tin rằng đại đa
số trong hàng chục triệu bệnh nhân đó không hề tập cái gì huyền bí để dẫn tới tâm
thần phân liệt cả. Cũng như, có thể tin rằng đại đa số bệnh nhân đó không phải Phật
tử, hoặc không hề biết gì về Phật Giáo.
Có một điều phảng phất trong Nguyễn
Lương Nhựt là hình ảnh liên hệ tới nhà Phật. Thí dụ, như trong bài thơ nơi
trang 64, hình ảnh thùng phước sương của chùa được ghi lại, cho thấy NLN sống
bằng lòng từ bi của người chung quanh.
93. NHÀ THƠ ĐIÊN
Tôi: nhà thơ điên của lớp người
Sống bởi phước sương dở khóc cười
Nhe răng một cái nhai ngôn ngữ
Phun ra mớ khỉ, mớ đười ươi…
Sống bởi phước sương dở khóc cười
Nhe răng một cái nhai ngôn ngữ
Phun ra mớ khỉ, mớ đười ươi…
Trong phần Lời Bạt, Bác sĩ Lê
Đình Đại với bài viết nhan đề “Thi Ca Và Tâm Thần Học Trong Thơ Nguyễn Lương
Nhựt” ghi về trường hợp NLN nhập viện chữa trị tâm thần phân liệt:
“Thời gian nằm viện tại bệnh viện
Tâm thần Biên Hòa: 2 năm.
Thời gian nằm viện tại khoa Tâm thần
bệnh viện Nguyễn Trãi quận 5 Sài Gòn: 6 tháng.
Thời gian nằm viện tại Bệnh viện Tâm
thần Hòa Khánh thành phố Đà Nẵng: 3 năm 6 tháng.
Tổng thời gian nằm viện: Hơn 6 năm.
Tính đến thời điểm 13/05/2005.” (DCT, trang 193)
Theo đúc kết của Nguyễn Lương Vỵ:
Nếu tính chung thời gian NLN thọ bệnh là gần 35 năm cho đến ngày từ trần, từ
khi được gia đình đưa đi điều trị tại bệnh viện Nguyễn Trãi (Sài Gòn, 06.1980),
bệnh viện tâm thần Biên Hòa (Đồng Nai, 09.1981), bệnh viện tâm thần Hòa Khánh
(Đà Nẵng, 10.1983); Tổng thời gian điều trị nội trú tại các bệnh viện trên là
hơn 6 năm, chưa kể thời gian điều trị ngắn hạn nhiều lần ở bệnh viện tâm thần Tam
Kỳ.
Thơ của NLN hay dị thường. Như vậy,
nhà thơ NLN khi lên cơn điên sẽ ra sao?
BS Lê Đình Đại kể:
"Nguyễn Lương Nhựt rất dễ bị
loạn trương lực cấp với Haloperidol và cả với Aminazin nữa . Anh thích hợp với
Tisercin, có thể xem như thần dược của đời anh. Tôi đã từng chứng kiến Nhựt vẹo
cổ, ưỡn người, trợn mắt, khó thở, khó nói, hốt hoảng vã mồ hôi trông rất dữ dội.
Vậy cơn tâm thần phân liệt cứng tê xương chắc là anh mô tả tình trạng này chứ
trong tâm thần học không hề có cơn tâm thần phân liệt cứng tê xương. Đúng là
thi sĩ có khác." (DCT, trang 187)
Hoàn cảnh gia đình của NLN được BS
Lê Đình Đại ghi nhận:
“Nói đến gia cảnh của anh thật
dễ: Nghèo! Vợ là giáo viên tiểu học vừa nuôi hai đứa con dại, vừa nuôi chồng
điên loạn. Bệnh cảnh lại xảy ra sau 1975, cả dân tộc vừa trải qua một cuộc
chiến vô cùng ác liệt: nghèo, dói, chiến tranh, bệnh tật, mất cha, mất chú, anh
em mỗi người tha hương mỗi ngã, trong cái thời bao cấp chật vật ấy, nếu không
có sự đùm bọc lẫn nhau, tài ba của mẹ anh, lòng chung thủy của vợ anh thì chắc
gì Nguyễn Lương Nhựt sống nổi.” (DCT, trang 190).
Nguyễn Lương Nhựt điên điên khùng
khùng, nhưng thơ lại hay và uyên bác dị thường. Thí dụ như bài thơ 43. MỘT MÌNH,
đoạn thứ tư, nơi trang 85, trích:
IV
Một mình ta khóc giữa nghìn thu
Hẹn Địa Tạng Vương xuống ngục tù
Âm dương cách biệt ai nào biết?
Giải thoát muôn đời cát bụi ru…
Hẹn Địa Tạng Vương xuống ngục tù
Âm dương cách biệt ai nào biết?
Giải thoát muôn đời cát bụi ru…
Có một chi tiết, chúng ta có thể
đoán, rằng thi sĩ Nguyễn Lương Nhựt từng có lúc tập Thiền và rồi hốt hoảng, lan
man nghĩ ngợi. Như bài thơ 48 ở trang 88:
48 MANH ĐỘNG
Nghi. Thiền tọa. Sao ta manh động!
Phật Trời Ơi! Cứu sống con thơ…
Cỏn con – Con dại – Con khờ
Nghĩ mình lầm lạc – Nghĩa thơ thẩn hoài…
Phật Trời Ơi! Cứu sống con thơ…
Cỏn con – Con dại – Con khờ
Nghĩ mình lầm lạc – Nghĩa thơ thẩn hoài…
Trong khi đó, có những bài thơ rất
tỉnh, và rất đằm thắm đạo tình… Như bài thứ 6 trong nhóm bài Góp Nhỏ, in nơi
trang 105:
6. MÊ NGỘ
Mê lầm là bệnh thế nhân
Ngộ ra mới biết tự tâm mỗi người
Tu Nhân Tích Đức ở đời
Chuyển Mê thành Ngộ -- Khổ dời thành An.
Ngộ ra mới biết tự tâm mỗi người
Tu Nhân Tích Đức ở đời
Chuyển Mê thành Ngộ -- Khổ dời thành An.
Nói ngắn gọn, thơ của người điên
Nguyễn Lương Nhựt rất mực đau đớn và xuất sắc. Đây là những sáng tác dị thường của
một nhà thơ bệnh tâm thần phân liệt trong 35 năm. Tìm mua, xin liên lạc: nhaxuatbansong@gmail.com hay luongvynguyen2@gmail.com.
…
o …
Tới đây, chúng ta tìm hiểu về huyền
thoại rằng tu thiền dễ bị điên khùng. Đó là một huyền thoại rất là tiểu thuyết,
không hề có thực với người tu đúng chánh pháp. Vì tu thiền là để giải thoát,
không hề có chuyện để tìm đường vào bệnh viện tâm thần.
Theo tự điển Wikipedia về mục từ Tâm
thần phân liệt, bệnh này qua con mắt người đời thường như chúng ta (không phải bác
sĩ) có thể nhận ra là, trích:
“Nhiều bệnh nhân tâm thần phân
liệt mắc chứng hoang tưởng, hoặc có những niềm tin đặc thù kỳ quái dù cho nó có
lố bịch thế nào đi chăng nữa. Trong những trường hợp tệ nhất, bệnh nhân cố hết
sức và khăng khăng bảo vệ niềm tin ảo tưởng của mình mặc cho những bằng chứng
trái ngược hiện ra ngay trước mắt…
…Ảo giác là tri giác không có đối
tượng. Ảo giác có thể ở bất kỳ giác quan nào (ví dụ ảo thanh, ảo thị, ảo khứu,
ảo xúc, ảo vị giác) nhưng ảo thanh là hay gặp nhất và có giá trị chẩn đoán cao
cho tâm thần phân liệt.” (1)
Có thể tóm lược về bệnh này: hoang
tưởng, ảo tưởng, nghe ảo thanh, thấy ảo thị, ngửi ra mùi ảo khứu, cảm thọ ra ảo
xúc, nếu như ảo vị giác…
Nghĩa là, nói như ông bà mình nói:
thấy gà, ra vịt… Nghĩa là, trái nghịch với tất cả các phương pháp nhà Phật. Đức
Phật dạy rất nhiều phương pháp để giải thoát. Trong đó, lời dạy cốt tủy nhất
là: trở về ngay với cái tức khắc trước mắt và bên tai. Như thế, làm gì mà có thế
giới ảo khởi lên được, nghĩa là sẽ tức khắc xa lìa tất cả ảo thanh, ảo thị…
Nghĩa là, không bao giờ có hoang tưởng nào hết.
Tới đây, chúng ta thử suy nghĩ xem
trong Kinh Phật đã từng có chuyện gì như “bệnh tâm trí” hay không? Có thể thấy
rằng, không nhận ra thực tướng, là sẽ hoang tưởng, và tới mức nào đó, hoang
tưởng sẽ dẫn tới tâm tư hỗn loạn, thí dụ, tưởng rằng còn có thể gặp lại người
chết như thời người đó sinh tiền (Các tôn giáo nhất thần, với quan điểm Phục
Sinh, hay sống lại ngày sau, chính là một dạng hoang tưởng).
Trường hợp Kinh MN 87, Đức Phật dạy
rằng khổ là do ái sanh, và khi ái quá độ thì sẽ phát điên cuồng. Kinh này trong
bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu, trích:
"Này Bà-la-môn, đây là một pháp
môn, do pháp môn này, cần phải được hiểu là sầu, bi, khổ, ưu não do ái sanh ra,
hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn, thuở xưa, ở tại Sāvatthi này, người cha của
một người đàn bà mệnh chung…, người anh mệnh chung…, người chị mệnh chung…,
người con trai mệnh chung…, người con gái mệnh chung…, người chồng mệnh chung.
Từ khi người chồng mệnh chung, người đàn bà này phát điên cuồng, tâm tư hỗn
loạn, đi từ đường này qua đường khác, đi từ ngã tư đường này qua ngã tư
đường khác và nói: “Người có thấy chồng tôi đâu không? Người có thấy chồng tôi
đâu không?”..."(2)
Trường hợp khác, nghĩ về những điều
bất khả, cũng có thể bị điên loạn. Trong Kinh AN 4.77, bản dịch của HT Thích Minh
Châu, Đức Phật dạy rằng:
“— Có bốn điều này không thể nghĩ
đến được, này các Tỷ-kheo, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng
loạn và thống khổ. Thế nào là bốn? Phật giới của các đức Phật... Thiền giới
của người ngồi Thiền... Quả dị thục của nghiệp... Tâm tư thế giới..."(3)
Ghi nhận rằng, bản Sujato dịch điều
thứ tư là "Speculation about the world" và bản Thanissaro dịch là
"Conjecture about [the origin, etc., of] the world" (Lập giả thuyết
về thế giới, thí dụ cội nguồn thế giới, vân vân...). Tóm gọn, điên loạn vì, tự
tách ý thức ra xa khỏi “cái bây giờ và ở đây” và nghĩ ngợi về bốn điều bất khả.
Có một câu thường được dẫn ra như
lời Đức Phật: "Tất cả người đời đều điên khùng." (“All worldlings are
mad”)... Theo học giả Bodhipaksa, trong Kinh Pali không hề có câu nói đó. Đúng
ra là từ luận thư: ngài Buddhaghosa viết như thế trong Thanh Tịnh Đạo, vì người
đời thấy vô thường là thường, thấy khổ là vui, thấy vô ngã là ngã, thấy bất
tịnh nghĩ là thanh tịnh. (4)
Trong Kinh AN 4.49, Đức Phật chỉ nói
là "điên đảo" (nghĩa là nói trật, nói trái nghịch) chứ không nói là
điên loạn hay điên khùng. Trích bản dịch của HT Thích Minh Châu:
"Trong vô thường, nghĩ là
thường, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo... Trong khổ nghĩ là không khổ...
Trong vô ngã, nghĩ là ngã... Trong không thanh tịnh, nghĩ là thanh tịnh, này
các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo."
(5)
Kinh Phật cũng ghi một trường hợp sẽ
bị bệnh điên khùng là kẻ la mắng bậc thánh.
Trong Kinh AN 11.6, bản dịch HT
Thích Minh Châu, Đức Phật dạy rằng:
"Này các Tỷ-kheo, nếu có
Tỷ-kheo nào mắng nhiếc, chỉ trích, quở trách các bậc Thánh là những vị đồng Phạm
hạnh, thời không có sự kiện, không có cơ hội rằng người ấy không gặp một trong
mười một tai họa. Thế nào là mười một?
Không chứng điều chưa chứng, đã
chứng được thời mất đi, diệu pháp không được tỏ rõ, hay là tự kiêu trong diệu
pháp, hay là không hoan hỷ sống Phạm hạnh, hay phạm một tội ô uế, hay từ bỏ Phạm
hạnh và hoàn tục, hay là thọ bệnh nặng, hay là đạt đến điên cuồng loạn tâm,
hay là bất tỉnh khi mệnh chung, sau khi thân hoại mạng chung rơi vào cõi dữ, ác
thú đọa xứ, địa ngục."(6)
Như thế, Kinh Phật giải thích về
nhiều lý do có thể bị điên khùng: điên loạn vì ái quá độ (tới mức, như tưởng
người chết vẫn còn như sinh tiền); điên loạn vì suy nghĩ, lý luận về bốn điều
bất khả; điên loạn vì ác nghiệp mắng nhiếc bậc Thánh.
Như thế, trừ trường hợp thọ nhận ác
nghiệp, các trường hợp điên loạn khác đều là từ hoang tưởng.
…
o …
Câu hỏi bây giờ là, chúng ta nên tụng
kinh, trì chú, niệm Phật và thiền tập như thế nào để đúng với chánh pháp?
Như phân tích nơi trên, chúng ta
hiểu được vì sao nhà Phật chú trọng vào pháp sám hối trước tất cả các pháp. Bởi
vì chúng ta không biết mình đã làm gì trong các kiếp quá khứ, nên cần sám hối để
nhẹ nghiệp, và cũng là chận các ác nghiệp có thể gặp duyên để xảy ra trong kiếp
này. Điểm cốt tủy, cần thấy rằng chánh pháp do Đức Phật dạy đã dập tắt tất cả
các hoang tưởng, và như thế là bứng gốc ngay cội rễ điên loạn. Nghĩa là, chuyện
tu thiền bị điên loạn chỉ là huyền thoại, không thực.
Câu hỏi kế tiếp là, thế nào là
đúng với chánh pháp?
Hỏi như thế, để khi mở ra đọc
kinh nhật tụng, ngay từ dòng chữ đầu nghi thức là "Án lam xóa
ha" cho tới câu cuối nghi thức là “Nguyện quy y Phật... Nguyện quy y Pháp...
Nguyện quy y Tăng..." đều giữ được tâm cho đúng chánh pháp.
Đức Phật trong Kinh SN 11.3 giải
thích rất minh bạch về pháp. Bản dịch của HT Thích Minh Châu là, trích:
“…hãy niệm nhớ đến Pháp: “Đây là
Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà
thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu.”
Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm
nhớ đến Pháp, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu
diệt.” (7)
Lời Đức Phật nói về pháp vừa dẫn cực
kỳ quan trọng.
Bản dịch Bhikkhu Sujato viết: “…visible
in this very life, immediately effective, inviting inspection, relevant, so
that sensible people can know it for themselves.”
Bản dịch Bhikkhu Bodhi viết: “…directly
visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally
experienced by the wise.”
Bản dịch của Piyadassi Thera:
"…to be realized by oneself
and gives immediate results, a Dhamma which invites investigation and leads up
to Nibbana, a Dhamma to be understood by the wise each for himself."
Bản dịch của Thanissaro Bhikkhu:
"…to be seen here & now,
timeless, inviting verification, pertinent, to be realized by the wise for
themselves."
Nghĩa là chứng nghiệm trực tiếp,
ngay tức khắc, ngay ở đây và bây giờ, không để tới ngày mai, cũng không phải
chuyện hôm qua, thấy được, ứng dụng được hiện tiền, và vượt dòng thời gian.
Làm thế nào để tụng kinh, trì chú, niệm
Phật và thiền tập đúng chánh pháp như thế, để có thể chứng nghiệm ngay ở đây và
bây giờ, vượt thời gian và hướng tới Niết bàn?
Câu trả lời đã được ghi ngay trong
bài Bát Nhã Tâm Kinh: Sắc tức thị Không, Không tức thị sắc…
Nghĩa là, hãy thấy nơi từng âm thanh
tụng lên là tức khắc biến vào rỗng rang không tịch. Ngay từ dòng đầu “Án lam
xóa ha…” của kinh nhật tụng, đọc lên là thấy ngay âm vang biến vào rỗng rang không
tịch, không có gì để níu giữ, thì sẽ không thể có hoang tưởng nào hiện ra. Và
đó chính là: Sắc (âm vang hiển lộ) tức thị Không (tan vào rỗng lặng)… Và rồi từ
Không (rỗng lặng) lại hiện ra Sắc (âm thanh tụng niệm kế tiếp)… Tất cả tham sân
si nếu có hiển lộ cũng đều được nhận ra và độ hết vào cõi rỗng lặng như thế.
Trường hợp Thiền tập, không tụng
niệm gì, sẽ không nghe âm thanh nào, nhưng ngay từng hơi thở hiện ra (và cảm
thọ) cũng rồi biến vào rỗng lặng… nghĩa là, nhận ra ngay tất cả Sắc/Không trên
dòng sông vô thường chảy suốt thân tâm mình. Tức khắc, cảm thọ hiện tiền như
thế… tức là đúng chánh pháp như Đức Phật dạy. Tất cả tham sân si nếu có hiển lộ
cũng đều được nhận ra và độ hết vào cõi rỗng lặng như thế.
Cũng gọi là nhận ra vô thường, nhận
ra vô ngã, nhận ra rỗng lặng không tịch của các pháp nơi thân tâm mình. Cũng là
xa lìa điên đảo vọng tưởng.
Đức Phật nói trong Kinh AN 6.47 rằng
làm được như vừa dẫn (nhận ra tham sân si, có hay không trong tâm, ngay ở đây
và bây giờ) chính là sống được với chánh pháp vượt thời gian, chứng nghiệm thiết
thực, hướng thượng. Bản dịch HT Thích Minh Châu trích:
“…này Sìvaka, pháp là thiết thực hiện
tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người
có trí tự mình giác hiểu…” (8)
Bản dịch Thanissaro Bhikkhu: “that
is one way in which the Dhamma is visible in the here-&-now, timeless,
inviting verification, pertinent, to be realized by the wise for themselves.”
(8)
Khi thấy từng khoảnh khắc trong đời
mình biến vào rỗng lặng như thế, Thiền Tông còn gọi là “không một pháp nào để
tu”… Vì tất cả những gì mình muốn bám vào để tu thực ra chỉ là tâm quá khứ dựng
lên từ ngũ uẩn đã trôi qua.
Trong nhiều kinh khác, Đức Phật cũng
nói về sống với cái tịch lặng ngay ở đây và bây giờ, và thực sự chính ngay như
cái gọi là tâm hiện tại cũng không có gì để phải bám víu.
Trong nhóm Kinh Tập, có Sn 5.8 ghi
lại lời dạy của Đức Phật về ly tham cho thanh niên Hemaka, và khi nghe xong
Hemaka tức khắc trở thành A La Hán, trích:
“1086. [Đức Phật] Hỡi Hemaka, với
các pháp khả ái nơi đây được thấy, được nghe, được cảm thọ và được nhận biết,
hãy gỡ bỏ lòng ham mê say đắm – như thế là trạng thái Niết Bàn bất tử.
1087. Hiểu được Pháp này, những
người tỉnh thức (để gỡ bỏ như trên) sẽ giải thoát ngay trong đời này. Và luôn
luôn tịch lặng, họ bước qua những dính mắc trong thế giới này.” (9)
Người ly tham, tức khắc không thấy
có quá khứ, hiện tại hay vị lai nào để níu kéo, tham giữ. Người xa lìa
quá-hiện-vị-lai như thế cũng là sống với tánh rỗng lặng, không tịch của tất cả
các pháp.
Trong Kinh Sn 5.15, Đức Phật trả lời
câu hỏi của thanh niên Mogharaja, và nghe xong, thanh niên này trở thành A La
Hán (nghĩa là, không còn tâm nào dính vào tam giới nữa). Kinh này trích:
“1118. Do vậy, con xin hỏi vị Có
Mắt Tối Thượng: Nên nhìn thế giới như thế nào để Thần Chết không nhìn thấy
mình?
1119. [Đức Phật] Hỡi Mogharaja, hãy
luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã
bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết. Thần Chết không thể thấy người đã nhìn thế
giới này như thế.” (10)
Như thế, cũng là Bát Nhã Tâm Kinh:
Tất cả hoang tưởng nếu có, tất cả điên đảo tưởng nếu có đều được đưa vào rỗng
lặng, không tịch… thì làm sao mà điên loạn hay tâm thần phân liệt được. Tất cả thế
giới chỉ là cái tức khắc trước mắt và bên tai, lấy chỗ nào cho hoang tưởng tác
quái được.
Tới đây, chúng ta nói về Công án.
Chư tổ dùng nhiều phương tiện, trong đó có Thiền sư ưa dạy Thiền qua phương
tiện Công án. Mục đích là cắt đứt dòng điên đảo tưởng của học nhân, và đưa về chứng
nghiệm với chánh pháp vượt thời gian, thiết thực hiện tại.
Để tiện dụng (vì đang đọc sách mới),
người viết xin nói về Tắc 19 và Tắc 20 trong Bích Nham Lục Tập 1, do Hòa Thượng
Thích Thanh Từ biên dịch từ bản Hán và do Ni sư Thích Nữ Thuần Bạch phụ chú
theo 2 bản Anh văn. Tắc 19 là Câu Chi Đưa Một Ngón Tay (trang 139-146) và
Tắc 20 Thúy Vi Thiền Bản (trang 147-157). Không đầy đủ phần phụ chú như bản
sách giấy, ấn bản trên mạng có thể đọc ở nhiều mạng.
Nơi Tắc 19 (sách giấy, trang
139-140), ghi rằng, trích:
“CÔNG ÁN: Hòa thượng Câu Chi,
phàm có người hỏi chỉ đưa một ngón tay.
GIẢI THÍCH: Nếu nhằm trên đầu ngón
tay hiểu thì cô phụ Câu Chi. Nếu chẳng nhằm trên đầu ngón tay hiểu thì giống
như đúc gang làm đồ dùng. Hiểu cũng thế ấy, chẳng hiểu cũng thế ấy, cao cũng
thế ấy, thấp cũng thế ấy, phải cũng thế ấy, quấy cũng thế ấy. Do đó nói: Một hạt
bụi vừa dấy lên thì cả quả đất toàn thâu, một đóa hoa chớm nở thì toàn thế giới
rúng động, một sợi lông sư tử thì trăm ức sợi lông hiện.” (11)
Học nhân hỏi bất cứ gì, ngài Câu Chi
đều đưa ngón tay lên. Nếu nghĩ rằng ngón tay có ý nghĩa cao siêu nào đó – thí
dụ, xanh đỏ trắng vàng, Phật thân, Pháp thân… – học nhân sẽ bị, nhẹ là điên đảo
tưởng, nặng là hoang tưởng. Hãy nghĩ rằng, học nhân đang muốn hỏi những câu
như: ý Tổ sư là gì, Phật Tánh là gì, làm sao vượt qua bờ kia…
Ngài Câu Chi đưa ngón tay lên chỉ có
nghĩa là, ngay cái thấy ngón tay đó, cái thấy bây giờ và ở đây, đó chính là Niết
bàn thiết thực, chứng nghiệm được, vượt thời gian.
Tương tự, Tắc 20 (sách giấy, trang
147-157), ghi rằng, trích:
“CÔNG ÁN: Long Nha hỏi Thúy Vi:
Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang?
Thúy Vi bảo: Đem thiền bản lại cho
ta.
Long Nha đem thiền bản lại cho Thúy
Vi. Thúy Vi nhận lấy, liền đánh.
Long Nha nói: Đánh mặc đánh, nhưng Tổ
sư từ Tây sang vẫn không có ý.
Long Nha lại đến hỏi Lâm Tế: Thế nào
là ý Tổ sư từ Tây sang?
Lâm Tế bảo: Đem bồ đoàn lại cho ta.
Long Nha lấy bồ đoàn đem lại cho Lâm
Tế. Lâm Tế nhận lấy, liền đánh.
Long Nha nói: Đánh mặc đánh, nhưng Tổ
sư từ Tây sang vẫn không có ý.”
(ghi theo bản giấy; bản trên mạng chỉ khác vài chữ)
Nghĩa là, Long Nha vấn đạo ngài Thúy
Vi, rồi tới vấn đạo ngài Lâm Tế, đều bị đánh, và ngài Long Nha đều nói thiệt sự
Tổ sư không hề có ý.
Nếu nghĩ ngợi rằng cao siêu là nằm
nơi thiết bản, hay bồ đoàn, là hỏng. Cả hai ngài Thúy Vi và Lâm Tế đều bảo rằng
Long Nha hãy dẹp cái trò tìm hiểu ý Tổ sư nhiều thế kỷ trước, mà hãy cảm thọ
cái nhận biết bị đánh đó, bây giờ và ở đây, đó chính là Niết bàn thiết thực,
chứng nghiệm được, vượt thời gian.
Đời sau đều khen ngợi hai vị Tông sư
Thúy Vi và Lâm Tế, và ca ngợi ngài “Long Nha căn tánh thông minh, mang một bụng
thiền đi hành cước”… Cũng nên nói rõ: hễ có ý đều là hỏng, dù là ý Tổ sư cũng
hỏng, vì ngay tức khắc phải thấy Sắc tức thị Không.
Nói tông chỉ thì đơn giản, nhưng
hành thiền cần thời gian, không phải hễ nhận ra là đủ, vì ngộ trước, cũng cần
tu sau.
Bát Nhã Tâm Kinh trong đời thường
như thế cũng chính là niệm vô thường, là trải nghiệm cái tức khắc sinh và tức khắc
diệt của các pháp, và Kinh AN 9.20 ghi rằng tu tập niệm vô thường dầu chỉ trong
khoảnh khắc sẽ có công đức lớn hơn công đức dâng cúng cho một trăm vị Độc giác
Phật, hơn công đức dâng cúng Như Lai Chánh Đẳng Giác, hơn công đức dâng cúng
các chúng Tỷ-kheo, hơn công đức dâng cúng xây chùa cho chúng Tăng trong bốn
phương... (12)
Tu được như thế, dù là tụng kinh, niệm
Phật hay thiền tập, dù là đang đi đứng nằm ngồi, dù đang ăn cơm hay uống nước…
lấy gì mà điên đảo tưởng hay hoang tưởng hiện ra. Phật pháp như thế mới thực là
thuốc chữa trị vô số bệnh điên đảo của thế gian… sao lại có cái huyền thoại Kim
Dung nào hiện ra được.
GHI CHÚ:
(1) Wikipedia về Tâm thần phân liệt:
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A2m_th%E1%BA%A7n_ph%C3%A2n_li%E1%BB%87t
(2) Kinh MN 87: https://suttacentral.net/mn87/vi/minh_chau
(3) Kinh AN 4.77: https://suttacentral.net/an4.77/vi/minh_chau
(4) All worldlings are mad: https://fakebuddhaquotes.com/all-worldlings-are-mad/
(5) Kinh AN 4.49: https://suttacentral.net/an4.49/vi/minh_chau
(6) Kinh AN 11.6: https://suttacentral.net/an11.6/vi/minh_chau
(7) Kinh SN 11.3: https://suttacentral.net/sn11.3/vi/minh_chau
(8) Kinh AN 6.47. Bản HT Minh Châu: https://suttacentral.net/an6.47/vi/minh_chau
(10) Kinh Sn 5.15: https://thuvienhoasen.org/p15a30626/sn-5-15-mogharaja-manava-puccha-cac-cau-hoi-cua-mogharaja
(11) Bích Nham Lục: https://thuvienhoasen.org/a7574/tac-17-tac-19
(12) Nghiệp và Giải Nghiệp: https://thuvienhoasen.org/a31624/nghiep-va-giai-nghiep-theo-chanh-phap
PHOTO:
Bìa “Di Cảo Thơ 1987-2009” và nhà
thơ Nguyễn Lương Nhựt.
Source: