TÌNH THẦY TRÒ
Chuyện kể về một người đã thành đạt, một hôm cùng đứa con trai về làng thăm thầy cũ. Đến một căn nhà tranh đơn sơ, hai cha con gặp một ông lão mắt đã lòa, chống gậy dò từng bước quanh sân. Người cha vội tiến đến cầm tay ông lão, thưa rằng:
Chuyện kể về một người đã thành đạt, một hôm cùng đứa con trai về làng thăm thầy cũ. Đến một căn nhà tranh đơn sơ, hai cha con gặp một ông lão mắt đã lòa, chống gậy dò từng bước quanh sân. Người cha vội tiến đến cầm tay ông lão, thưa rằng:
- Thưa thầy, thầy còn nhớ con không?
Ông lão bỡ ngỡ:
- Xin lỗi ngài, ngài là ai?
Người cha ứa nước mắt, ôm chầm ông
lão:
- Thưa thầy, con chính là X, đứa học
trò ngỗ nghịch của thầy. Ngày xưa, thầy nhiều lần phạt con về tội trốn học rong
chơi, quậy phá làng xóm. Nhờ thầy nghiêm khắc dạy dỗ, nay con đã thành danh.
Con không dám quên ơn thầy, nên tìm dịp về đây thăm viếng thầy.
Nói xong, người cha quay lại bảo con
trai:
- Nếu không có thầy, cha không thể
nào được như ngày nay. Công ơn thầy như trời biển, không những cha phải nhớ suốt
đời, mà con cũng phải khắc ghi mãi mãi.
Đối với người Phật tử, bên cạnh tình
thầy trò bình thường, chúng ta còn cảm nhận sâu sắc ân nghĩa của thầy dạy đạo. Cha
mẹ và thầy giáo thế học có công nuôi dưỡng thân xác, đào luyện tâm hồn và nâng
cao trình độ kiến thức cho ta; nhưng đó chỉ là thân ngũ uẩn sinh diệt nay còn
mai mất, chỉ là kiến thức vay mượn khi đúng khi sai. Còn người chỉ cho ta phương
pháp tu hành thoát khổ và vĩnh thoát sinh tử, nuôi lớn thân huệ mạng bất sinh
bất diệt, chính là vị thầy đạo học. Công ơn ấy gẫm ra còn nặng gấp bao lần
những ân tình ân nghĩa nói trên.
Thông thường, chúng ta hay xem trọng
ngày sinh, xem lễ sinh nhật là một trong những ngày lễ lớn của gia đình. Ít có
ai nhớ kỹ ngày mình quy y Tam bảo, thời điểm đầu tiên sinh ra thân huệ mạng của
mình. Lẽ ra, ngày chúng ta trở về nương tựa ba ngôi báu Phật-Pháp-Tăng phải là
ngày quan trọng nhất của một người Phật tử, vì đó là ngày chúng ta thật sự sinh
ra một cách có ý nghĩa. Và cũng vì thế, vị bổn sư truyền giới đại diện Tăng bảo
khai sinh cho ta, phải được tôn kính, biết ơn trong suốt cuộc đời.
Có người thích quy y một vị tu sĩ đạo
cao đức trọng, có danh tiếng, và lấy đó làm điều hãnh diện. Có người trước đã
từng quy y, sau thấy thầy khác nổi tiếng hơn, lại tìm đến xin quy y lần nữa. Có
người trong quá trình theo bổn sư tu học, thấy thầy mình có biểu hiện nào đó
làm mình không hài lòng, quay ra chê bai phỉ báng. Đây là hành vi không nên có
đối với người Phật tử. Chúng ta quy y Tam bảo vì không muốn làm kẻ cùng tử lang
thang, nguyện từ nay trở về nương theo Phật, theo giáo pháp của Phật tu hành. Đức
Phật đã nhập diệt, giáo pháp của Ngài được truyền trao qua trung gian những vị tu
sĩ là những Trưởng tử Như Lai. Khi đối trước một vị thầy phát nguyện thọ tam
quy ngũ giới, chúng ta không chỉ quy y với cá nhân vị ấy, mà là quy y với cả ba
ngôi báu Phật-Pháp-Tăng. Cho nên, một mặt ta có quyền lựa chọn bổn sư là người tài
đức có thể hướng dẫn ta tu hành theo Chánh pháp; nhưng mặt khác, ta không nên so
sánh thầy mình với các thầy khác theo ý nghĩa hơn thua. Thật ra, duyên thầy trò
không phải chỉ một vài đời mà được thiết lập. Phật dạy, người cùng đi chung một
chuyến đò là đã có duyên với nhau 500 kiếp, huống gì duyên sư đệ, phải sâu đậm
thế nào để thầy trò hạnh ngộ ở kiếp này.
Vì sao chư Tăng Ni được tôn xưng là Tăng
bảo, chỉ sau hai ngôi báu Phật và Pháp, trong khi các vị ấy cũng là những người
bình thường với đầy đủ hai thuộc tính hướng thượng và hướng
hạ của một con người? - Bởi vì các vị là những nhân vật cụ thể mà ta
có thể tiếp xúc được, học hỏi được; và thông qua các vị, ta tiếp cận với giáo
lý nhà Phật, theo gương Đức Phật tu hành, một ngày nào đó nhận ra Phật tâm sẵn
đủ. Các vị là những sứ giả trao truyền Chánh pháp của Đức Phật, nên là đại diện
cho cả ba ngôi báu. Bằng thân giáo và khẩu giáo, các vị có thể tác động trực
tiếp vào tâm thức chúng ta, dắt dẫn chúng ta đi theo con đường sáng Đức Phật đã
đi và đã đến đích.
Hiểu theo sự tướng, Tăng-già
(Sangha) là tập thể những vị tu sĩ xuất gia, sống trong tinh thần thanh tịnh và
hòa hợp. Hiểu theo lý, Tăng chúng gồm những vị đã thành tựu chánh tri kiến, tức
có cái thấy biết như thật về tất cả pháp thế gian và xuất thế. Nói khác đi,
Tăng-già được hình thành từ nội dung tâm chứng của từng cá thể trong đời sống
tập thể. Hiểu sâu thêm một mức, Tăng-già chính là biểu tượng tôn quý nhất trong
chiều sâu thẳm vô ngôn của bản thân chúng ta, nghĩa là tự tánh thanh tịnh vốn
đủ của muôn loài. Cho nên, chúng ta quý kính Tăng bảo không chỉ là tôn trọng
một cá nhân nào đó trong tập thể Tăng-già, mà còn là nhớ lại và sống với bản
tâm hằng hữu của chính mình. Đảnh lễ một vị tu sĩ với tất cả lòng thành, chúng
ta đã đảnh lễ cả Tam bảo và đảnh lễ chính ngay bản tâm hằng hữu ấy. Ngược lại, buông
lời chê bai phỉ báng chư vị Tăng Ni, chúng ta đã tự phỉ báng chính bản tâm
mình, và vô tình đóng kín cánh cửa dẫn đến giác ngộ giải thoát.
Tăng sĩ được phân ra ba hạng: Thánh
tăng, Hiền tăng và phàm phu tăng. Chúng ta không thể dùng nhục nhãn và sự hiểu
biết giới hạn của mình mà nhận định và phân biệt được hành trạng và nhân cách
của các vị. Nhìn chung, trong thời mạt pháp này, các vị tu sĩ vẫn chỉ là những chúng
sanh vẫn còn tập khí của phàm phu; chỉ khác ở chỗ các vị đang từng bước đẩy lùi
phiền não ma chướng, từng bước đi trên lộ trình hướng đến lý tưởng Giác ngộ - Giải
thoát mà các vị đã từng thệ nguyện lúc mới xuất gia. Chúng ta không
nên đòi hỏi thầy mình phải hoàn hảo như Hiền như Thánh, vì liệu chúng ta có đủ
phước duyên làm đệ tử của các bậc Hiền Thánh Tăng chăng?
Chúng ta cũng không nên nhìn vào một
số biểu hiện tập khí nơi thầy mà đánh giá phê bình, vì quá trình tu tập của
thầy vẫn còn đang tiếp diễn; miễn thầy dạy ta đúng Chánh pháp, ta theo lời dạy
ấy tu hành được nhiều kết quả tốt. Thầy trò cùng tu, cùng sống trong đạo tình đạo
vị dưới hào quang của chư Phật, Bồ-tát, có phải hay hơn là cứ mãi soi mói lỗi
lầm của người mà quên mất những khuyết điểm của chính mình. Có thể nói, trạng
thái xấu xa mà ta nhìn thấy nơi người khác chỉ phản ảnh bản chất của chính ta.
Nếu tâm ta thanh tịnh trong sáng, vạn pháp dưới mắt ta đều toát ra vẻ an bình, mọi
người chung quanh ta đều tốt đẹp dễ thương. Nếu tâm ta nhiều phiền não cấu uế,
ta sẽ thấy trên đời này không có gì đẹp cả, không một ai tốt cả - ngoài ta.
Thiền sư Ajahn Chah, cố viện chủ thiền
viện Wat Pah Pong Thái Lan và một số thiền viện khác ở Âu Mỹ, có lối dạy môn
sinh rất kỳ đặc. Nhất là đối với những đệ tử xuất cách, ngài thường chê bai
thậm tệ trước mặt mọi người. Một lần, trước đông đảo Phật tử Tây phương và bản
xứ, ngài phê bình Đại đức Thitappo - đệ tử thân cận của ngài - là “Người
đần độn nhất”. Vài hôm sau, ngài hỏi Đại đức:
- Hôm trước tôi nói vậy, ông có giận
tôi không?
Đại đức cung kính đáp:
- Làm sao con có thể giận ngài? Giận
ngài thì có khác chi nổi giận với một ngọn núi? (*)
Đây là một bài học lớn dành cho
người xuất gia trong quan hệ giữa thầy và trò. Nếu người cư sĩ chỉ mang ơn dạy
bảo của thầy, thì những tu sĩ còn mang thêm trọng ân nuôi nấng. Công ơn giáo
dưỡng của bổn sư - vừa dưỡng dục thân ngũ uẩn sinh diệt, vừa nuôi lớn thân huệ
mạng cho ta, quả là nghĩa ân cao trọng khó đền. Chúng ta khi bái sư làm lễ thế
phát là đã trao trọn đời mình cho bổn sư, một lòng hiếu kính quy thuận Người,
nguyện luôn tinh tấn tu hành theo lời Người chỉ dạy; khi có kết quả lại nối
nghiệp bổn sư mà tiếp tục truyền trao cho người kế tiếp, để mạng mạch Phật pháp
mãi mãi trường tồn.
Ngày xưa, mỗi vị thầy có một cách
dạy đệ tử khác nhau, nhất là những vị Thiền sư xuất cách. Nhưng dù thầy nghiêm
khắc quở phạt bao nhiêu, các đệ tử cũng vẫn một lòng thờ kính thầy, không dám
khởi niệm oán trách. Nhờ vậy, các vị ngộ đạo nhanh chóng, và lúc ấy càng thấy công
ơn thầy quả bao la như trời biển.
Ngày Vu lan được xem như một lễ hội văn
hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, vì nhắc nhở tinh thần báo hiếu báo ân,
những tình nghĩa không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người. Trong đó, có những ân
nghĩa của những người thầy dạy ta từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, từ những kiến
thức thế gian đến lộ trình tu tập xuất thế gian. Có thể nói, tuy mỗi người chúng
ta chỉ có cha và mẹ, nhưng thực ra ta có đến 4 vị thầy: Một là những bậc sinh
thành, hai là những người nuôi dưỡng ta khôn lớn, ba là những vị thầy dạy ta từ
việc đời đến việc đạo, và bốn là tất cả những người đã từng tiếp xúc với ta,
hơn một lần vô tình hay hữu ý đã dạy ta cách đối nhân xử thế. Làm người có đạo
đức, chúng ta không thể quên ơn của bốn vị thầy ấy; và bằng mọi cách trong khả
năng của mình, phải báo đền ân nghĩa của các Người, dù chỉ trong muôn một.