...Vào một buổi sáng đẹp trời nào đó
quý vị đứng trên bãi biển ở miền Nam đảo Sri Lanka ngắm nhìn những đứa trẻ tung
tăng thả diều trong gió, một vài tháng sau sóng thần đã nhận chìm chúng hay vào
một buổi sớm mai quý vị ngồi ở một quán cà phê khu phố Tây thành phố New
Orleans ngắm nhìn những người qua lại trên hè phố, nhưng chỉ vài ngày sau cả
thành phố này ướt sũng trong nước và nổi lềnh bềnh những xác người. Và những con
đường từ Islamabad đến Kashmir là những con đường trong hòa bình lẫn trong
chiến tranh, nhưng rồi sau 8 giờ sáng thứ bảy của tuần lễ đầu tháng qua, tất cả
chỉ còn là đống gạch vụn. Trong khi đó, những công bố khiêm tốn về bão bão
Rita, bão Wilma cũng có hàng trăm người chết - nhiều trường học bị cuốn đi,
nhiều trẻ em không còn được cắp sách đến trường.
Thưa quý vị,
Sóng thần, bão tố và động đất đã đi
qua, để lại những hoang tàn đổ nát, những mất mát đớn đau. Gần một năm trôi qua,
thế giới đã trải qua bao cơn khiếp sợ bởi những thiên tai hãi hùng như đợt sóng
thần vào tháng 12 năm 2004 ở Ấn Độ Dương làm hơn 200 ngàn người chết, trận động
đất ở đảo Sumatra, Indonesia vào tháng 3 năm 2005, cơn bão Katrina đổ bộ vào Mỹ
hồi cuối tháng 8 vừa rồi và mới đây là trận động đất ở miền bắc Pakistan làm
hơn 70 ngàn người thiệt mạng. Hội nghị về giảm thiên tai trên thế giới được tổ
chức tại Kobe, Nhật Bản hồi đầu năm nay đã cho biết, thiên tai trong 10 năm qua
đã làm hơn 2 tỉ rưỡi người bị ảnh hưởng và gây thiệt hại về kinh tế vào khoảng
690 tỷ Mỹ kim.
Kể cả những quốc gia hùng mạnh nhất
như Hoa Kỳ cũng phải thừa nhận sự yếu ớt đến bất lực của mình khi đối mặt với
những thảm họa thiên nhiên. Một khi thiên nhiên đã nổi giận, khoảnh khắc giữa
bình yên, tang tóc chỉ trong chớp mắt và có ai tránh được? Có ai nghĩ đến những
tai họa mà một ngày nào đó có thể sẽ xẩy đến cho mình và có nghĩ đến nguyên
nhân nào đưa đến những thảm cảnh như thế. Một số người thắc mắc nếu Thượng
Đế có quyền năng sáng tạo, tại sao Ngài lại để cho sóng gió tàn phá, giết hại
như vậy. Và một số người khác tự hỏi đức Phật với trí tuệ và lòng từ bi vô biên
sao không cứu độ hết chúng sanh thoát khỏi cảnh khổ và nỗi chết.
Thưa quý thính giả,
Trước hết chúng ta thử tìm hiểu nguyên
nhân nào dẫn đến những tai hoạ như vậy. Theo các nhà khoa học, sự ấm nóng quả
địa cầu đã gia tăng gấp đôi mối đe dọa về bão tố trong 30 năm qua vì bề mặt đại
dương trở nên ấm hơn. Đây không phải là một hiện tượng tự nhiên mà là hậu quả của
sự thay đổi khí hậu do con người gây ra bởi khí thải carbone dioxide và
methane, phát ra từ các nhà máy đốt than đá hay dầu khí, các chất độc phế thải
từ nhiên liệu hóa học, khí ga của máy lạnh thải hơi đã giữ lại phóng xạ làm
tăng nhiệt độ toàn cầu. Khói xăng từ xe cộ và việc đốt rừng để lấy đất nuôi bò
cũng là một nguồn quan trọng phát tán khí carbone dioxide vào bầu khí quyển.
Các thứ khí này được gọi chung là khí có hiệu ứng nhà kính (greenhouse gases).
Những khí thải hóa học này tạo nên sự phá hoại đại tầng khí quyển, gây ô nhiễm nghiêm
trọng trên mặt địa cầu và khiến cho khí hậu hỗn loạn. Độ ấm nóng quả địa cầu gia
tăng làm chảy các tảng băng ngàn năm ở Bắc Cực và Nam Cực, làm mực nước biển
tăng cao, tạo ngập lụt bão tố. Các quốc gia như Bangladesh và Hoà Lan, và các
thành phố như New York, Tokyo và Buenos Aires, có thể sẽ bị đe dọa tràn ngập
nước vì ở thấp hơn mực nước biển.
Như vậy nguyên nhân của các thiên
tai như bão tố, lụt lội, cơn nóng không có gì là xa lạ, chính là là do con
người tạo ra qua việc gia tăng tiêu thụ xe hơi, xe gắn máy, máy bay, điện lực,
sự sản xuất hàng ngàn chất liệu hóa học mỗi năm, sự kỹ nghệ hóa canh nông, sự
khai thác quá mức các mỏ nhiên liệu. Tất cả sự việc nói trên đều có liên hệ lẫn
nhau, tạo nên nhân quả.
Theo Phật giáo, luật Nhân Quả cho
rằng tất cả mọi sự, mọi vật, không chừa một sự việc gì, đều xảy ra từ một hay
nhiều nguyên nhân nào đó. Như người cầy cấy thì sẽ được thóc lúa. Không thể nào
trồng lúa mà ra cam được. Lẽ dĩ nhiên, muốn được mùa cần phải có thêm những yếu
tố phụ mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Duyên, như nước, phân bón, ánh sáng mặt
trời và công sức của người cầy cấy chăm sóc. Ngoài ra cần phải có thời gian,
không thể nào vừa mới gieo mạ là có cây lúa trổ bông ngay. Con người làm ác hay
lành cũng tương tự, nghĩa là phải hội đủ nhân, duyên và thời gian thích hợp thì
quả mới trổ.
Có nhiều người trong đời sống hiện
tại làm rất nhiều điều ác mà vẫn sống sung sướng giầu sang, tại vì trong những
kiếp sống thuộc về thời quá khứ, họ đã làm những điều lành, đến nay quả lành
mới trổ. Còn những nhân ác gieo trồng trong kiếp hiện tại chưa hội đủ nhân
duyên nên chưa trổ quả thế thôi. Phật giáo xếp loại nhân quả này vào loại nhân
quả khác thời, tức là loại nhân quả mà thời gian đi từ nhân đến quả phải có một
khoảng thời gian. Khoảng thời gian này có thể là gieo nhân trong đời này sẽ gặt
quả ngay trong đời này, hay gieo nhân trong đời này nhưng sẽ gặt quả ở đời sau
hoặc là gieo nhân trong đời này sẽ gặt quả ở các đời sau hay các kiếp sau. Nói
như vậy cho có vẻ đơn giản nhưng thực sự nhân quả trùng trùng điệp điệp và vô
cùng phức tạp. Chỉ có các bậc giác ngộ mới biết hết được.
Luật Nhân Quả áp dụng chung cho tất
cả chúng sinh không phân biệt. Mọi người tạo ra nghiệp riêng biệt, chỉ chịu báo
riêng biệt. Nhiều người tạo ra nghiệp chung tức cộng nghiệp thì chịu báo chung.
Một xã hội tốt lành là kết quả tốt của cộng đồng cùng gieo nhân tốt. Bất kỳ một
kết quả nào cũng do các nhân gieo trồng từ quá khứ. Quá khứ này có thể là ngày
hôm qua, tháng qua, năm qua hay từ nhiều kiếp trước. Mỗi người mỗi nghiệp, nên
khi gieo nhân có thể không cùng thời gian, không cùng địa điểm và họ không hẳn
cùng tạo một loại nhân giống nhau, nên gặt quả cũng có giống nhau và cũng có
thể khác nhau, cũng có khi cùng thời cùng nơi, cũng có thể khác thời, khác nơi.
Ví như nợ ngân hàng, số nợ mỗi người mỗi khác nhau, thời gian mượn nợ khác nhau
nhưng đi ra ngân hàng trả nợ cùng lúc cùng ngày vì đã đến kỳ đáo hạn “due
date”.
Quả báo chung của hơn 200 ngàn người
trong thảm hoạ sóng thần hay hơn 70 ngàn người trong trận động đất mới đây ở
Pakistan cũng tương tự như vậy. Do những nhân duyên nào đó họ cùng hội tụ trong
một môi trường. Nay nhân duyên và thời tiết hội đủ là cùng nhau nhận quả. Con
người và thiên nhiên không phải là hai thành phần cách biệt, tất cả đều có liên
hệ lẫn nhau. Cũng có trường hợp nhiều người tạo nghiệp chung nhưng vì họ có
nghiệp riêng tốt nên họ bị tách rời ra để nhận quả ở một nơi khác. Một nhóm
khách du lịch đi bằng voi, tự nhiên voi không nghe lời người hướng dẫn mà tự đổi
hướng cắm đầu cắm cổ chạy lên vùng núi cao và nhóm khách này nhờ vậy thoát chết
khi sóng thần ập vào vùng biển PhuKet.
Thưa quý thính giả,
Trở lại câu hỏi đức Phật với trí
tuệ và lòng từ bi vô biên sao không cứu độ hết chúng sanh thoát khỏi các cảnh
khổ, nỗi chết.
Chúng tôi xin thưa đức Phật là bậc
đại từ, đại bi thương hết thảy chúng sinh, không phân biệt màu da hay chủng
tộc. Ngài xót thương nhân loại bằng sự bình đẳng tuyệt đối. Đức Phật không phải là đấng toàn năng có khả
năng ngăn chận các thiên tai như bão lụt, động đất, sóng thần..v..v.. hay đáp
ứng tất cả lời cầu xin của mọi người để mọi người không khổ đau hay dùng thần
thông đưa chúng sinh về cõi an lạc được. Phật là người đã giác ngộ và giải
thoát hoàn toàn, Ngài thấu rõ tất cả, toàn diện và vô bờ bến, thấu rõ mọi liên
hệ nhân duyên và nhân quả ba đời của tất cả chúng sinh, nhưng chính ngài không
thể làm những điều trái với luật thiên nhiên nhân quả được.
Đức Phật là bậc toàn giác, là
vị Đạo sư đã tự mình tìm ra được con đường giải thoát ngang qua kinh nghiệm bản
thân, không có ai truyền dạy cho Ngài, không có ai ban phép cho Ngài, không
phải do thần khởi, cũng không phải là hiện thân hay hóa thân của một đấng thần
linh nào. Ngài là một người như chúng ta, nhưng chính nhờ tự lực cá nhân, tìm
ra được con đường giải thoát. Sau khi chứng ngộ, Ngài đã giảng dạy giáo pháp
cho mọi người, nếu ai có nhân duyên thực hành giáo pháp, kể từ vua chúa cho đến
người gánh phân, kẻ khốn khó đều được chứng ngộ như Ngài. Cho nên Ngài đã nói:
“Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Ngài là người
chỉ dẫn đường lối cho chúng ta tu hành, Ngài không thể tu thay cho chúng sinh
mà con người phải tự mình tu mới giải thoát được khỏi khổ đau phiền não do tham
sân si trói buộc, mới ra khỏi sinh tử luân hồi được. Cho nên Ngài đã nói: “Các
người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Ngài khuyên chúng ta nên nương
tựa vào chính chúng ta và đi theo con đường giải thoát bằng nỗ lực của chính chúng
ta.
Phật không thể
chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh
tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lòng từ bi của Phật vô biên như ánh sáng mặt trời chiếu sáng khắp nơi, căn cơ chúng
sinh không kể lớn hay nhỏ, thấp hay cao, ngu si hay đần độn đều được ánh mặt
trời chiếu sáng, nhưng khả năng tiếp thu vẫn khác biệt rất nhiều giữa chúng
sinh với nhau. Có người vừa mới sinh ra đã mù cả hai mắt, tuy ở trong ánh sáng mặt
trời mà không thấy được ánh sáng mặt trời như thế nào. Côn trùng sống dưới đất
và những vi sinh vật ở nơi tối tăm, tuy cũng trực tiếp hay gián tiếp cảm nhận
được ánh sáng mặt trời, nhưng chúng không thể biết được lợi ích của ánh sáng mặt
trời là thế nào. Ngay cả khi Phật Thích Ca còn tại thế, tại những vùng được
Ngài giáo hóa, cũng có rất nhiều người không biết Phật là ai. Các đức Phật ba
đời, khi còn hành đạo Bồ Tát, đều phát lời nguyện “độ hết thảy chúng sinh”. Vậy
mà các đức Phật tuy thành Phật rồi nhưng vẫn còn vô lượng chúng sinh chìm đắm
trong biển khổ. Tại sao vậy? Tại vì lời phát nguyện “độ chúng sinh” của các
ngài chỉ có nghĩa là đem ngọn đèn Tuệ đi giáo hóa chúng sinh. Nếu chúng sinh
không chịu vâng theo lời dạy mà tu hành, bản thân cứ tiếp tục làm chuyện ác,
thì họ phải lãnh quả báo xấu, đúng theo quy luật nhân quả, chư Phật và chư Bồ
Tát cũng không thể xóa bỏ nghiệp ác của họ được. Chữ
“độ” không có nghĩa là “cứu rỗi”, mà có nghĩa là giáo hóa, để cho chúng sinh
biết được Chân Lý, mà tự tu, tự độ.
Khi Phật còn tại thế, ngoài điều
Ngài nói không thể chuyển nghiệp của chúng sinh được, Ngài cũng nói là không
thể độ thoát cho những chúng sinh mà Ngài không có duyên độ họ. Người không có
duyên là người không tin Phật Pháp, không muốn được hóa độ. Vì vậy, khi Phật Thích
Ca còn tại thế, tuy vua Lưu Ly xứ Kosana dấy binh tàn sát dòng họ Thích Ca, mà
Ngài không thể nào dùng phép thần thông để ngăn chận được vụ thảm sát. Nhưng đức
Phật có thể dùng Phật pháp, tuỳ căn cơ cao thấp mà dìu dắt chúng sinh, chúng
sinh nào hiểu biết thì giảng cao, người mê mờ thì giảng thấp từ tu thiện, tu
phúc, trừ tai, miễn họa, đến tự thanh tịnh tâm. Vì vậy nói là Phật độ chúng
sinh nhưng thực ra là chúng sinh tự độ nếu không thì làm trái với quy luật nhân
quả.
Thưa quý thính giả,
Nói tóm lại, đức Phật là một vị Thầy dẫn đường sáng suốt, một vị thầy thuốc tài
giỏi, nhưng chúng sinh phải tự mình cất bước lên mà đi thì mới tới đích, có
bệnh phải uống thuốc mới hết bệnh, tức là tự học, tự tu, tự độ. Đức Phật không
thể làm trái luật Nhân Quả, không thể uống thuốc giùm khiến người đau hết bệnh,
không thể ăn giùm khiến người đói được no. Đức Phật chỉ có thể khuyên bảo,
truyền dạy chúng sinh bỏ ác làm thiện, từ loại thiện phiền não đến loại thiện
không phiền não, tức là khởi đầu bằng việc đoạn trừ mọi ác nghiệp dẫn đến ba
cõi khổ, rồi cố gắng làm mười việc lành để sinh cõi trời hay sinh làm người, đó
là thiện phiền não. Rồi tu đạo Bồ Tát, đạo thành Phật, thành thiện không phiền
não, thành trí tuệ Phật. Thế nên, trí tuệ là quan trọng bậc nhất của đạo
Phật và bao trùm toàn diện mục đích phải có của các hàng Phật tử nếu muốn đi
trên con đường giải thoát đến giác ngộ viên mãn. Trí tuệ này xuất hiện khi bản
thân người Phật tử hành trì các pháp môn tu để thanh tịnh tâm và giữ gìn giới
hạnh.
Tâm là chủ yếu vì tất cả các pháp
đều do tâm tạo. Vậy làm thế nào để thanh tịnh tâm?
Phật nói: “Không làm các điều
ác, Nên làm các việc lành, Tự thanh tịnh Tâm, Đó là lời chư Phật dạy”.
Đây là quá trình tu tập của mỗi người chúng ta để tự giải thoát khỏi luân hồi sinh
tử.
Ban
Biên Tập
(Bài này đã được phát thanh ngày 12 tháng 11 tại Nam California và 13 tháng
11, 2005 tại Houston Texas)