THỰC TẠI TỐI HẬU
Nguyễn Thế Đăng
Khi đưa tâm thức lên tầng tâm linh, người ta có thể tiếp xúc, thấy và sống được thực tại tối hậu. Điều này đã được chứng minh trong suốt lịch sử Phật giáo: sau Đức Phật, vị đạt đến thực tại tối hậu hoàn toàn (giác ngộ viên mãn) thì suốt dòng thời gian luôn luôn có những người đạt đến thực tại ấy, dù không trọn vẹn bằng Đức Phật. Với hệ Pali, có bốn cấp độ trong kinh nghiệm Niết-bàn, và với hệ Sanscrit, có mười cấp độ (mười địa) trong kinh nghiệm thực chứng Pháp thân. Niết-bàn hay Pháp thân là thực tại tối hậu của đạo Phật.
Ở đây chúng ta nói đến những tính cách của thực tại tối hậu, để định hướng cho mình, tùy theo khuynh hướng của mỗi người, để đến một lúc nào tiếp xúc được với nó, hoặc ít nhất cũng có một niềm tin vào sự hiện hữu của thực tại đó.
Bình đẳng
Kinh Đại bát Niết-bàn nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Thực tại tối hậu ấy vốn có nơi mỗi chúng ta, và đạo Phật là những con đường, những pháp môn phương tiện để khai mở cho chúng ta thấy trực tiếp kho tàng Phật tánh đó.
Chỉ một sự bình đẳng của Phật tánh này thôi, làm cho đạo Phật là đạo của hòa bình, không chiến đấu giành giựt, không tranh đua được mất, không tìm lợi thế hơn thua. Chỉ là quay lại chính mình, quay đầu là bờ, xoay cái nghe nghe lại tự tánh (kinh Lăng-nghiêm), về lại nguồn gốc, quay về nương tựa (quy y)… Đạo Phật không dẫn người ta đi ra ngoài để đến với một vị giáo chủ nào đó, mà đưa người ta về với chính mình, sống trong kho tàng Phật tánh của chính mình.
Sự bình đẳng của Phật tánh là tuyệt đối, bất chấp sự khác biệt về hình tướng và cuộc đời của mỗi người, vì sự khác biệt ấy là do nghiệp mỗi người tự tạo và có tính cách tạm thời, có thể biến đổi. Lấy thí dụ Phật tánh là vàng, tất cả chúng ta đều có bản chất là vàng, nhưng vàng ấy thành món đồ gì, tách trà, cây viết, con dao… là do mỗi người tự tạo bằng nghiệp của mình.
Có mặt ở bất cứ nơi nào, thời gian nào
Một định nghĩa của thực tại tối hậu là tánh Không. Tánh Không là sự không có hiện hữu nội tại độc lập của tất cả mọi hiện hữu. Tánh Không là sự không có tự tánh của bất cứ sự vật gì. Bất cứ sự vật gì, bất cứ hiện hữu gì ở bất cứ nơi đâu đều không có tự tánh, đều là tánh Không. Như vậy, tánh Không có mặt ở tất cả mọi chỗ, tất cả mọi thời, tánh Không là toàn khắp.
Thực tại tối hậu là tánh Không ấy thì toàn khắp, có mặt trong từng mảnh nhỏ, trong từng khoảnh khắc của cuộc đời mỗi người, không ai thiếu hụt, không ai có nhiều hơn ai. Tánh Không có mặt trong mỗi hạt bụi, mỗi khoảnh khắc của cuộc đời mỗi người, đây là sự bình đẳng tuyệt đối. Đạo Phật là những con đường cho chúng ta trở lại với bản lai diện mục của chính mình, chính là tánh Không bình đẳng trong mọi không gian mọi thời gian ấy.
Không hai (Bất nhị)
Không hai không chỉ là một lời tuyên bố, mà đúng ra, một chứng ngộ, một cái thấy rốt ráo về thực tại. Đây là một từ có mặt trong hầu hết kinh điển Phật giáo. Chẳng hạn, phẩm “Nhập Pháp môn Bất nhị” kinh Duy-ma-cật nói: “Bồ tát Phổ Thủ nói: Ngã và vô ngã là hai. Ngã còn không thể đắc, vô ngã làm sao có thể đắc. Thấy thật tánh của ngã thì không còn sanh khởi hai ý niệm. Đó là vào Pháp môn Không hai”.
Thay vì phải diệt trừ ngã để đạt đến vô ngã, và khi vô ngã hoàn toàn thì người ta không thể sống được trên cõi đời này để làm Phật sự, thì với Pháp môn Không hai, người ta cần “thấy thật tánh của ngã là không thể đắc”, bấy giờ ngã và vô ngã là không hai, vấn đề của Bồ-tát đã được giải quyết.
“Bồ-tát Na-la-diên nói, Thế gian và xuất thế gian là hai. Thế gian tánh Không, tức đó là xuất thế gian, trong đó không có đi vào, không có ra khỏi, không tiến bộ, không lui sụt. Đó là vào Pháp môn Không hai.
Bồ-tát Thiện Ý nói, Sanh tử và Niết-bàn là hai. Nếu thấy tánh sanh tử thì không có sanh tử, không có trói buộc, không có giải thoát, không sanh, không diệt. Hiểu như vậy, đó là vào Pháp môn Không hai.
Bồ-tát Điện Thiên nói, Minh và vô minh là hai. Thật tánh của vô minh tức là minh. Minh cũng không thể nắm lấy, lìa tất cả số lượng, trong đây bình đẳng không có hai. Đó là vào Pháp môn Không hai”.
Tính cách “bình đẳng không có hai” này không phải là một thực tại đồng nhất, một thứ, đơn điệu, thậm chí chết chóc, mà là một thực tại có đủ sự khác nhau, sai biệt, biến đổi, nhưng vẫn là không hai. Những biểu hiện thành sắc thanh hương vị xúc pháp, sắc thọ tưởng hành thức, mắt tai mũi lưỡi thân ý… chính là tánh Không, không hai, không khác. Như Tâm kinh Bát-nhã nói: “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc, sắc tức là Không, Không tức là sắc…”.
Thực tại tối hậu là tánh không hai như vậy.
Nối kết với thực tại tối hậu là con đường tất yếu
Như đã nói ở trước, tôn giáo (religion) có nguyên nghĩa là “nối kết trở lại” với thực tại tối hậu. Nối kết trở lại với thực tại tối hậu là con đường, là cách sống tất yếu của con người.
Chúng ta thấy, lịch sử loài người đã đi từ lối sống săn bắn hái lượm đến nông nghiệp, từ nông nghiệp tiến đến công nghiệp, rồi hậu công nghiệp và bây giờ là mạng toàn cầu, trí thông minh nhân tạo… Những thể chế chính trị, kinh tế, xã hội đều tiến hóa từ bộ lạc đến quốc gia quân chủ, và bây giờ là dân chủ với thị trường tự do. Nhưng trải qua nhiều mô hình phát triển của xã hội như vậy, tôn giáo vẫn tồn tại, điều đó chứng tỏ con người còn thiếu thốn một nhu cầu căn bản mà tối hậu. Nhìn chung, lịch sử loài người là một cuộc hành trình đi đến (hoặc đi về) thực tại tối hậu qua những bước tiến bộ trong mọi lãnh vực xã hội của mình. Một chúng sanh đã tiến hóa đến cấp độ con người, nó tất yếu phải tiến hóa tiếp tục, để bước vào và sống trong thực tại tối hậu.
Thực tại tối hậu luôn luôn bao trùm chúng ta, đi đâu, ở đâu chúng ta cũng không thể ra ngoài nó. Các giác quan chúng ta luôn luôn tiếp xúc với nó, dù đó là mắt hay tai mũi lưỡi thân ý. Có điều chúng ta không nhận ra nó, vì thiếu mục đích sống, thiếu chánh niệm tỉnh giác.
Không những tất cả chúng ta đều bình đẳng vì đều có Phật tánh, chúng ta cũng bình đẳng trong cơ hội để thấy ra nó. Chúng ta bình đẳng trong “tài liệu học tập”, trong “dữ kiện” vì ai cũng có sắc thanh hương vị xúc pháp, và mọi thứ ấy có ngay trước mắt tai mũi lưỡi thân ý của chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhìn ra “thật tánh của ngã”, “thật tánh của sanh tử”, “thật tánh của vô minh” để hoàn thành công cuộc tiến hóa đã nhiều kiếp của chúng ta.
Chúng ta không thể từ chối hoặc trì hoãn sự tiến hóa tất yếu này. Như một hạt giống đã thành cây, nó phải ra hoa và thành quả. Ngay cả lấy lý do là vì hoàn cảnh, thì hoàn cảnh ấy dù tốt dù xấu, vẫn là sự biểu lộ của thực tại tối hậu là tánh Không. Ngay cả lấy lý do là vì nghiệp thì nghiệp ấy vẫn là không có tự tánh, nghĩa là tánh Không.
Đạo Phật là những chỉ bày (khai thị) để chúng ta thấy được (ngộ) và sống trọn vẹn (nhập) trong thực tại tối hậu.
Nguyễn Thế Đăng Văn Hóa Phật Giáo số 312 ngày 1-1-2019
https://thuvienhoasen.org/a31157/thuc-tai-toi-hau