Lời dạy này đã mở ra một con đường thênh thang cho một tâm hồn tràn đầy lý tưởng. Khi tâm đủ lớn dung chưa tất cả mọi thứ khó dung thì khi ấy tâm mới trở nên quảng đại. Tâm ấy là Bồ tát tâm, Tứ vô lượng tâm, có khả năng lớn trong bao dung và thâu nhiếp. Khi tâm không còn phân biệt thị phi, hơn thua, dơ sạch thì người ấy mới có khả năng tự tại như đất. Và khi đón nhận tất cả mọi thứ hơn thua thị phi nhân ngã, lại có khả năng chuyển hóa như đất cho hoa thơm trái ngọt thì thì hành giả học hạnh như đất sẽ sinh khởi những đức tính cao thượng, dùng những đức tính ấy để nhiếp hóa chúng sinh. Thành ra, khi chúng ta trang bị học hạnh như đất thì dù có vào ra sinh tử, lui tới trong đời sống ngủ trược ác thế mà tâm Bồ đề vẫn không thối chuyển, như nhiên thường tại. Lời dạy này không chỉ dành riêng cho Tôn giả La Hầu La mà dành cho tất cả mọi người áp dụng hành trì. Bởi ai cũng cần học hạnh như đất để kiện toàn đạo nghiệp. Trong tâm thức của mọi người ai cũng có những hạt giống xấu, bất thiện. Và ai cũng có khả năng tu tập để chuyển hóa những hạt giống ấy trở nên thanh cao, thánh thiện. Nhờ đó ta tự rọi soi vào tâm mình để tự điều chỉnh, kiện toàn. Cho nên, đất muôn đời vẫn là tấm gương cao quý để mỗi người tự rọi soi.
.....
Hạnh của đất cũng được đức Phật đưa ra như là biểu mẫu của tình bạn chân thật, cao quý nhất. Trong một đoạn kinh khác đức Phật dạy kết bạn có bốn thứ: Một là kết bạn như hoa, hai là kết bạn như cân, ba là kết bạn như núi, bốn là kết bạn như đất. Sao gọi là kết bạn như hoa? Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu, khô héo rồi bỏ đi. Kết bạn cũng thế: hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại bỏ làm lơ. Sao gọi là kết bạn như cân? Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi dễ nhau. Sao gọi là kết bạn như núi? Hòn núi vàng loài chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng rực, kết bạn cũng thế, khi sang thì sang với nhau, khi vui thì đồng vui. Như thế gian nói, thấy sang bắt quàng làm họ. Sao gọi là kết bạn như đất? Tất cả mọi vật đều nương dựa nơi đất mà sinh, làm bạn nuôi dưỡng để ủng hộ, ân hậu không bạc.
Trong bốn loại bạn, thì làm bạn như đất là tình bạn chân thật, cao quý nhất. Đây là mối quan hệ bạn bè nương tựa nhau để cùng tiến bộ, là tấm gương bạn bè chân tình, cao quý - một trong những yếu tố tạo nên tinh thần tùy hỷ trong đạo Phật. Khi thấy bạn có những tiến bộ, mình không sanh lòng ganh tỵ; khi thấy bạn gặp cảnh ngộ thiệt thòi, kém sút, mình cũng không sanh tâm khi dể, rẫy ruồng. Đó là đức tính của đất, và nên kết bạn như đất mới bền vững.
Trong truyền thống Đại thừa Phật giáo, có một vị Bồ tát lớn, gọi là Bồ Tát Địa Tạng. Một vị bồ tát lớn có hạnh nguyện rất cao thâm: chừng nào địa ngục chưa trống không thì Ngài vẫn chưa dừng nghỉ công việc hóa độ (Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng Bồ đề). Danh hiệu Địa Tạng rất thâm sâu và đầy ý nghĩa. Danh hiệu ấy có nghĩa là trái đất với tính cách vững chãi và dày dặn của nó có khả năng chứa đựng và ôm ấp được tất cả (Địa ngôn kiên, hậu, quảng hàm tàng). Tuy biết rằng khổ đau và phiền não không có giới hạn, nhưng hạnh nguyện cứu đời của một vị Bồ tát cũng không có giới hạn. Chừng nào còn có khổ đau, còn có phiền não, thì vị Bồ tát còn chưa dừng tay cứu độ. Trái đất của này cần những con người như Bồ Tát Địa Tạng, và mọi người cũng cần học làm theo hạnh nguyện của ngài. Cuộc đời còn có nhiều khổ đau phiền não, oan trái và thù hận, Bồ tát Địa Tạng với năng lực lớn sẽ hóa giải tất cả. Ngài cũng có năng lượng vững chãi và bao dung của đất, vì thế nên Ngài có thể ôm ấp và chuyển hóa tất cả.
Có một bản kinh với tên gọi: “Tâm địa quán”, bao gồm 13 phẩm. Chủ đề của bản kinh là quán tâm như đất. Đây là một lộ trình tu học đi từ địa vị phàm phu lên bậc thánh trí giác ngộ giải thoát. Khi tâm được quán chiếu như hạnh của đất, thực hành như hạnh của đất thì lộ trình giác ngộ sẽ được mở ra. Và khi tâm đã được vững chãi, bao dung như đất thì lý tưởng Bồ tát được thực hiện trọn vẹn. Ngoài ra trong giới pháp Đại thừa còn có Kinh Phạm võng Bồ tát tâm địa giới. Đây là giới pháp cho hàng Đại thừa Bồ tát có tâm lớn như đất. Hạnh của đất trong kinh tạng Nikāya hay Đại thừa đều mang ý nghĩa như vậy. ....
Học theo hạnh của đất để những nỗi khổ niềm đau, tủi nhục, giận hờn, khổ đau buồn chán được ôm ấp và chuyển hóa. Học theo hạnh của đất để tâm càng ngày càng đủ lớn để thâu nhiếp và bao dung. Học hạnh như đất để hoa hoa trái từ bi và trí tuệ khai mở trong tâm thức chúng ta, trên quả địa cầu này ngày càng thêm tươi đẹp.
Tạp chí Văn hóa Phật giáo số, 312.