TẦM CAO CỦA DÂN CHỦ
……Tinh thần dân chủ theo nhà Phật
Hầu hết, các nhà tư tưởng đều cho
rằng hành trạng và giáo lý của Đức Phật luôn thể hiện tinh thần dân chủ. Mặc dù
Đức Phật được biết đến như người đầu tiên sáng tạo ra triết lý hay đạo mà chúng
ta gọi là Phật giáo và đã trực tiếp truyền giảng giáo lý đó, Ngài không bao giờ
tự đặt mình vào vị trí nổi bật này. Ngài không ép buộc mọi người phải theo
mình. Đối với mọi vấn đề, Ngài đều khuyên mọi người nên suy xét trước rồi mới chấp
nhận qua sự thấu hiểu và tu chứng bản thân. Ngài không có ý định thay đổi cá
tính của đệ tử. Vì vậy trong Phật giáo, cá tính của con người luôn được tôn
trọng. Giáo pháp của Đức Phật được Ngài giảng dạy theo đường lối lý tưởng nhất,
không giáo điều, không ép buộc. Nếu đệ tử muốn trình bày điều gì, vị ấy được đề
nghị phải giữ tâm mình trong trạng thái hoàn toàn trung thực. Đây là lối giáo
dục mà người Việt Nam chúng ta đã tiếp thu từ lâu.
Đức Phật là bậc chiến thắng, không
phải chiến thắng kẻ thù mà đã chiến thắng cái gọi là các yếu tố nền tảng để
hình thành bản chất con người, từ đó mà đạo Phật đã thu hút nhiều người quy
ngưỡng Tam bảo. Các yếu tố dẫn đến một đời sống có trí tuệ và một tâm hồn bình
an đều là những nhận thức về bản chất con người của Đức Phật. Nhờ những giáo
pháp này mà những người Phật tử có thể cống hiến khả năng của mình vào việc xây
dựng một nhân sinh quan và lối sống dân chủ.
Đức Thế Tôn xem
tất cả mọi người đều bình đẳng, Ngài tôn trọng ngay cả những người bị xã hội Ấn
Độ cổ coi là hạ đẳng và Ngài không hề hối tiếc về việc từ bỏ giai cấp quí tộc
của mình. Ngài phê bình “giai cấp” là biểu hiện của sự phân chia nguồn gốc xuất
thân của con người trong xã hội. Ngài đồng ý có vua, có giáo sĩ Bà-la-môn trong
quốc gia Ấn Độ cổ đại. Ngài thừa nhận có sự bất công trong xã hội vì Ngài biết
rằng sự công bằng chân thật không bao giờ có mặt ở thế giới hiện tượng này.
Nhưng Ngài cho rằng một người Bà-la-môn chân chính hoặc một vị minh quân không xuất
phát từ giai cấp hay dựa trên những biểu hiện bề ngoài mà phải có giá trị thực
sự từ bên trong; đó là tư tưởng nhân ái và tính cách cao thượng.
Giáo pháp của Đức Phật đã khéo biện
minh để hóa giải những xung đột giai cấp trong xã hội. Một trong những nền tảng
được chấp nhận trong một xã hội dân chủ là nó phải được thiết lập và nên được thiết
lập qua tính đa dạng của các cá nhân; đồng thời, tính cách của mỗi cá nhân đều
phải được bảo vệ. Đây là giáo lý về nghiệp, giáo lý này đã được phổ biến rộng
rãi trong tư tưởng Ấn Độ. Một người trở nên tốt qua việc làm tốt và trở nên xấu
do việc làm xấu. Người phương Tây bảo đây là giáo lý về trách nhiệm cá nhân.
Theo GS. Kurt F. Leiderker “Trong xã hội dân chủ không phải mọi người đều hoàn
hảo. Tương tự, qua giao thiệp với đồng loại con người phát triển quan điểm niềm
tin về nghiệp báo. Chính quan điểm này, Phật giáo cho rằng: một người có thể và
phải hoàn hảo qua thể hiện thiện nghiệp (hành vi tốt) của anh ta… Bất kỳ xã hội
nào tôn thờ tín ngưỡng về học thuyết định mệnh thì kết quả sẽ nhốt kín con
người vào một thế giới tư tưởng và hành động ở đó con người không còn hoạt động
tự do nữa, và tự do không thể thực hiện bằng nỗ lực của mỗi cá nhân. Vị trí của
Phật giáo được xác định chắc chắn ở đó. Phật giáo ắt hẳn cống hiến lớn cho tình
thương và tự do, được thực hành một cách dân chủ ở các quốc gia và còn là niềm
tự hào của họ”.
Tinh
thần dân chủ theo dòng lịch sử Việt Nam
Không nên cho rằng học thuyết Khổng
Mạnh chủ trương dân chủ khi phát biểu, “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi
khinh”, vì nói một cách rốt ráo, Khổng Tử chủ trương trật tự hài hòa trong xã
hội theo “tam cương ngũ thường” dù đây đó có khi ngài và các đệ tử của ngài vẫn
cho rằng ý dân là ý trời. Dù sao thì giá trị công dân thời phong kiến cũng
không hoàn toàn là “con giun cái kiến”. Có thể
thấy tinh thần lấy dân làm trọng đã có trong lịch sử tư tưởng Việt Nam qua Lục
Độ Tập kinh, do Khương Tăng Hội phiên dịch xuất hiện vào thế kỷ II Tây
lịch, như trích dẫn sau, “Bồ- tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào
nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than”. Đối với những chính
quyền hà khắc, áp bức dân, thì Lục Độ Tập kinh cảnh báo: “Loài
lang sói không thể nuôi, người ác không thể làm vua”.
Tinh thần ấy, nhận thức ấy đã là tư
tưởng chủ đạo để người Việt tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm,
chống các luồng ý thức hệ ngoại lai, bảo vệ chủ quyền và văn hóa dân tộc, bảo
vệ tự do, no ấm và hạnh phúc cho nhân dân. Tinh thần ấy luôn thấp thoáng trong
suốt chiều dài lịch sử cả ngàn năm của người Việt mà sử sách còn ghi nhận sự thân
ái với dân của những vị như Bà Trưng, Bà Triệu, Bố Cái đại vương, Mai Hắc đế,
Lý Nam đế, Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền… tạo tiền đề cho việc kiến lập quốc gia Việt
Nam qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… và mở rộng cương thổ đến tận ngày
nay. Tinh thần lấy dân làm trọng ấy chính là
bước khởi đầu của tinh thần dân chủ.
Do tình trạng phải thường xuyên đối
đầu với họa ngoại xâm, tinh thần ấy có lúc nhạt nhòa trước nhu cầu chiến tranh cần
phải tập trung chỉ huy, nhưng ngay khi hòa bình lập lại, tinh thần ấy lại được
khôi phục, nhờ đó huy động được ý chí xây dựng đất nước của toàn dân. Ngày nay,
đất nước ta đang có hòa bình, đang tham gia vào tiến trình hội nhập với hệ
thống các quốc gia dân chủ trên thế giới, tinh thần ấy cần được phát huy mạnh
mẽ, một mặt đáp ứng sự mong chờ của người dân đối với hệ thống chính trị đương
đại; mặt khác thể hiện sự tin tưởng của chính quyền đối với nhân dân của mình,
cho thấy bản lãnh của những nhà lãnh đạo. Nói khác đi, tầm cao dân chủ của đất
nước chính là tầm nhìn của lãnh đạo vậy.
Source: