Your vision will become clear only when you look into your heart.... Who looks outside, dreams. Who looks inside, awakens. Carl Jung
Thursday, July 27, 2023
Phạm Quang Đức, một người anh thầm lặng
Một người anh thầm lặng
Nguyễn Hữu Việt Hưng
Anh hơn tôi 15 tuổi. Năm 1976, khi tôi được giữ lại Khoa Toán làm giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, thì anh thuộc Bộ môn Xác suất, sau đó anh chuyển về tổ A0 Khoa Toán, dạy các lớp phổ thông chuyên Toán. Tuy dạy chuyên Toán, anh chỉ dạy cơ bản, phần luyện cho học sinh đi thi quốc gia và quốc tế là việc của những người khác.
Theo quan niệm truyền thống của xã hội Việt Nam, anh không có gì nổi bật: không ánh hào quang rực rỡ của những công trình khoa học thăng hoa, không toát ra cái vẻ hứa hẹn của một người đã được quy hoạch làm lãnh đạo. Ngay bằng cấp, anh cũng chỉ có bằng đại học. Vào thời điểm đó, điều ấy chỉ có nghĩa là anh nằm ngoài diện được cử đi học nước ngoài. Bởi vì, hễ được cử đi học, thì ai cũng có bằng tiến sĩ đem về, không hề có ai trượt.
Đắn đo mãi, tôi thấy phải giải thích vì sao anh không nằm trong diện được cử đi học. Dạo cuối thập niên 1960, ở Khoa Toán xảy ra một cuộc huynh đệ tương tàn, sau này mới biết tác nhân nằm “ở trên cao”, bên ngoài khoa. Đại khái một phe được coi là “hồng”, một phe được coi là “chuyên”. Hồi ấy ai muốn đứng ngoài cả hai phe cũng không được. Cuối cùng, phe “hồng” thắng cuộc. Những người thuộc phe thua cuộc, trong đó có anh, không được chọn để làm nghiên cứu sinh. Mãi gần đây, nghe nói cả hai phe đều nhận ra cuộc tương tàn ấy chẳng đáng để tồn tại. Nhưng đã muộn.
Thường, nếu không có gì đặc biệt, anh và tôi mỗi năm chỉ gặp nhau một lần, trong cuộc họp tổng kết năm học của Khoa Toán. Nếu cứ như thế, có thể sau rất nhiều năm, tôi vẫn không biết gì về anh.
Vậy mà, không biết từ lúc nào, anh đã thành một người đặc biệt thú vị đối với tôi.
Bấy giờ vào quãng mùa đông 1978, một hôm anh và tôi tình cờ cùng đến thăm một cậu bạn vốn cùng lớp K16 với tôi, ở trong khoa. Cầm một tờ báo lớn, bỗng anh cười khà khà: “Mình lại vừa nã đại bác sang Campuchia đây”. Lúc ấy, quan hệ Việt Nam – Campuchia về hình thức rất tốt, cả hai đều là nước XHCN. Tuy thỉnh thoảng cũng nghe nói có trục trặc ở biên giới, nhưng lúc bấy giờ không ai được biết những trục trặc ấy là gì. Vì thế, tôi và cậu bạn cùng lớp ngạc nhiên lắm. Chúng tôi đổ xô về phía anh, như vồ lấy tờ báo. Chúng tôi đọc, và cùng thốt lên: “Đâu, Thông tấn xã VN bác bỏ tin nói rằng Việt Nam nã pháo sang Campuchia đấy chứ?” Anh vẫn cười khà, mắt sáng lên tinh nghịch: “Thì đấy, thế nghĩa là mình vừa nã đại bác sang Campuchia đấy”. Sau này, khi Việt Nam buộc phải đưa quân sang Campuchia tháng 1 năm 1979, cách đọc báo của anh được chứng minh là có lý.
Có một chi tiết trong lý lịch khoa học của anh, khiến tôi tò mò. Một lần, không đừng được, tôi hỏi anh: “Em xin lỗi anh trước khi hỏi một câu thật vụng. Anh được giữ lại trường, nghĩa là anh học rất giỏi. Vậy mà anh lại bị đúp từ Khoá 1 xuống Khoá 2. Anh bị đúp mà người ta vẫn giữ anh ở lại trường. Chỗ này có cái gì khó hiểu”. Anh cười khà khà, mắt long lanh: “Có gì đâu, hồi ấy, khi Đại học Tổng hợp mới thành lập, phần Khoa học Tự nhiên không là cái đinh gì so với phần Khoa học Xã hội. Tớ học thì được. Nhưng mỗi khi cắp sách đi học, qua lớp Văn, thấy Trần Đức Thảo giảng “Kiều”, hay Trương Tửu giảng “Thu điếu”… chẳng hạn, là tớ chịu không nổi, phải bỏ học, chui vào lớp Văn nghe lỏm. Tớ bỏ học Toán nhiều quá, cho nên trường bắt học lại”.
Rồi anh kể: “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến, thể thất ngôn bát cú, tổng cộng 56 chữ, vậy mà Trương Tửu giảng suốt 4 giờ. Ông nói về những gì ông biết trong nền thơ của thế giới, có nét tương đồng hay gần gũi về cảm xúc với
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo…”
Trương Tửu viết lên bảng những tứ thơ tương đồng hay gần gũi ấy, bằng nguyên tác: tiếng Latin, tiếng Pháp, tiếng Anh, chữ Hán, chữ Nhật… Ông huy động hầu như toàn bộ nền thơ của thế giới, để chiêm ngưỡng “chiếc thuyền câu bé tẻo teo”, trong khung cảnh
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.”
Anh trầm ngâm: “Được nghe những bài giảng như thế, có bị học lại Toán cũng đáng!”
Đôi khi, ít lần thôi, tôi có dịp được tán chuyện thơ văn với anh. Giọng anh vang, ấm, sang trọng, mắt bừng sáng, tinh nghịch, gương mặt rạng ngời. Anh đặc biệt thích “Tống biệt hành” của Thâm Tâm. Từ khi biết “khẩu vị” ấy của anh, mỗi lần gặp anh tôi thong thả đọc:
“Đưa người, ta không đưa qua sông,”
Anh, mắt long lanh, ngân nga nhấn từng chữ:
“Sao có tiếng sóng ở trong lòng?”
Tôi tiếp, giọng lắng xuống:
“Bóng chiều không thắm, không vàng vọt.”
Và anh, mặt hồng lên vì phấn khích:
“Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
Rồi chúng tôi lặng im, không nói gì thêm, như để nghe tiếng sóng cuộn lên.
Trong cái vẻ dân dã, anh là một nhà hiền triết. Có lần, ngay từ quãng 1978, anh nhẩn nha bảo thế này: “Người ta nghiệm ra rằng, ở đời không ai có được cả 3 điều sau đây: 1) Trung thực, 2) Giỏi chuyên môn, 3) Đảng viên.” Câu nói của anh cứ ám ảnh tôi mấy chục năm nay, không biết nó đúng hay sai.
Anh cứ như thế, lặng lẽ đi trong hành lang cuộc đời, vẻ bình thản như không có gì đặc biệt. Riêng với tôi, anh đã trở thành một trong những người thú vị nhất tự bao giờ.
Anh là Phạm Quang Đức.