Tuesday, November 9, 2021

COP26: Biến đổi khí hậu có thể cướp đi 80% thu nhập tại các nước nghèo nhất

Đăng ngày: 08/11/2021 - 13:16
Ảnh minh họa : Lũ lụt tại một khu vực dân nghèo tại Madagascar, ngày 27/02/2015. AFP PHOTO / RIJASOLO Thanh Hà Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland, Anh Quốc, bước vào tuần lễ thứ nhì. Mọi chú ý tập trung vào câu hỏi làm thế nào để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất thế giới đối mặt với thách thức Trái đất bị hâm nóng. Tổ chức phi chính phủ Christian Aid báo động khí hậu là thảm họa dẫn đến sự “sụp đổ kinh tế” đối với nhiều nước. Báo cáo của hiệp hội phi chính phủ Christian Aid, quy tụ hơn 40 tổ chức Thiên Chúa Giáo tại Anh Quốc, được công bố hôm 08/11/2021, dự báo thu nhập đầu người tại những nước nghèo, chủ yếu là các đảo quốc có nguy cơ giảm đi “19,6 % từ nay đến năm 2050 và sẽ mất đi gần 64 % so với hiện tại vào cuối thế kỷ này, nếu như quốc tế dửng dưng trước nhu cầu cấp bách chống Trái Đất bị hâm nóng". Ngược lại nếu như giữ được nhiệt độ của Trái đất tăng 1,5°C, thiệt hại nói trên theo thứ tự sẽ là 13 % và 33 %. Tổ chức phi chính phủ Christian Aid nghiên cứu 65 nước trong tổng số các quốc gia tham dự COP26 tại Glasgow lần này. Tuy nhiên đáng lo ngại hơn cả, là nền kinh tế của “6 trong số 10 quốc gia bị tác động nhiều nhất” có nguy cơ "sụp đổ”. Biến đổi khí hậu có thể cướp đi đến 80 % thu nhập bình quân đầu người từ nay cho đến cuối thế kỷ tại những nước này. Châu Phi bị nặng nhất. Thí dụ, theo dự phóng của tổ chức Christian Aid, thu nhập bình quân đầu người ở Sudan, đến năm 2050, sẽ giảm đi từ 22 đến 34 % so với hiện tại tùy theo “yếu tố” thời tiết. Thiệt hại sẽ lên tới từ hơn 51 % đến 84 % đến cuối thế kỷ này. Châu Mỹ Latinh cũng bị tác động không kém. Suriname và Guyana sẽ là những khu vực đang chịu áp lực rất lớn. Tại hội nghị Glasgow, tổ chức Christian Aid nhấn mạnh : trước những “thiệt hại khổng lồ về mặt kinh tế nói trên, nhu cầu hỗ trợ các nước nghèo càng khẩn cấp hơn bao giờ hết. Lãnh đạo các nước giàu không thể chần chừ”. Khí hậu: Bắc Kinh thừa nhận “đường còn dài”, Úc báo trước vẫn khai thác than Trung Quốc là nguồn thải khí carbone lớn nhất thế giới. Trước thềm hội nghị Glasgow, chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ “trung hòa khí thải gây hiệu ứng lồng kính trước năm 2060”. Tuy nhiên hôm 07/11/2021, chính phủ Trung Quốc nhìn nhận trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, “đường còn dài”. Trong khi đó tại Canberra, chính phủ Úc khẳng định “tiếp tục bán than đá trong nhiều thập niên nữa”. Trả lời đài truyền hình ABC, bộ trưởng bộ Tài Nguyên Keith Pitt tuyên bố “than đá của Úc có chất lượng cao nhất trên thế giới”, do vậy Canberra sẽ không đóng cửa các mỏ than hay các nhà máy điện sử dụng than đá. Đây vẫn là nguồn năng lượng của thế giới và nhu cầu tiêu thụ, theo ông, sẽ tiếp tục tăng thêm cho đến tận năm 2030. Trung Quốc và Úc từ chối tham gia thỏa thuận ngừng khai thác than đá vừa được khoảng 40 quốc gia cam kết nhân hội nghị chống biến đổi khí hậu ở Glasgow. Source: https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211108-cop26-bi%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BB%95i-kh%C3%AD-h%E1%BA%ADu-c%C3%B3-th%E1%BB%83-c%C6%B0%E1%BB%9Bp-%C4%91i-80-thu-nh%E1%BA%ADp-t%E1%BA%A1i-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngh%C3%A8o-nh%E1%BA%A5t