Saturday, November 6, 2021

Đại dịch COVID-19 sẽ sớm kết thúc?

Source: https://saigonnhonews.com/doi-song/dai-dich-covid-19-se-som-ket-thuc/?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=dai-dich-covid-19-se-som-ket-thuc Đại dịch COVID-19 sẽ sớm kết thúc? • Đơn Dương 6 tháng 11, 2021 Một số ý kiến lạc quan được đưa ra trong những ngày chuẩn bị bước vào nhiều dịp lễ hội sắp tới, rằng đại dịch COVID-19 sẽ sớm chấm dứt, vào khoảng đầu năm 2022. Tác giả Leana Wen trong bài viết vừa được xuất bản ngày 6 Tháng Mười Một trên Washington Post dẫn chứng thực tế và đưa ra nguyên do để dẫn đến dự đoán lạc quan này. Wen cho rằng virus đột biến làm bùng phát trận dịch trong những tháng qua ít gây chết người hơn, mặc dù các đột biến mới dễ lây lan hơn và nguy hiểm hơn. Hơn nữa, chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục cố gắng đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua việc tiêm chủng rộng rãi. Tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của quốc gia, nói cả nước nên đặt mục tiêu ít hơn 10,000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Thời tiết bắt đầu trở lạnh, sẽ khiến mọi người ở trong nhà nhiều hơn, và số ca lây nhiễm có thể vì thế mà giảm bớt. Việc nghiên cứu và đánh giá mức độ an toàn của vaccine COVID-19 đối với trẻ em được thực hiện trên diện rộng từ Tháng Sáu nhưng đến nay vẫn còn nhiều người chưa tin. Ảnh: Bé Avery Shih 6 tuổi được tiêm vaccine COVID-19 (Moderna) liều thứ hai vào ngày 25 Tháng Sáu 2021 tại Trung tâm Kaiser Los Angeles (Ảnh: Getty Images) Trẻ em ít bị nhiễm bệnh như người lớn, nhưng hàng trăm trẻ em đã chết vì bệnh COVID-19. Hơn 1 trong 4 trường hợp nhiễm mới là ở trẻ em. Việc chích ngừa cho trẻ em là điều đáng quan tâm. Rất may, Pfizer cho biết dữ liệu dành cho trẻ em từ sáu tháng tuổi đến bốn tuổi có thể sẵn sàng vào cuối năm 2021, điều này giúp cho việc cấp phép có thể thực hiện vào đầu năm 2022. Bên cạnh đó, Merck vừa công bố kết quả đáng chú ý đối với một loại thuốc kháng virus có tên là Molnupiravir mà hãng cho biết có thể cắt giảm khoảng 50% tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong. Molnupiravir là thuốc uống mỗi ngày hai viên, tiện lợi hơn nhiều so với phương pháp điều trị hiện tại. Thật ra thuốc kháng virus không phải là “cách chữa trị” cho bệnh nhân COVID-19, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu được chích ngừa và… không phải dùng đến nó. Tuy nhiên, có khoảng 70 triệu người Mỹ cho đến nay vẫn chọn cách không chích ngừa. Nếu uống một viên thuốc có nghĩa là những bệnh nhân bị nhiễm trùng có một nửa khả năng phải nằm giường bệnh, điều đó có thể giúp giảm bớt căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và cứu vô số mạng sống. Cho đến nay, Molnupiravir mới chỉ được thử nghiệm trên những người chưa được tiêm chủng, nhưng nó có khả năng giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của COVID-19 đối với những người đã được chích ngừa. Ngoài Merck, một số công ty dược phẩm khác, như Roche và Pfizer, có thuốc điều trị COVID-19 bằng đường uống trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Điều đó có nghĩa là trong vòng vài tháng, sự kết hợp giữa chích ngừa và điều trị sớm có thể khiến COVID-19 giống như một bệnh cúm nhẹ hơn là một “bản án tử hình.” Làn sóng chống chích ngừa COVID-19 tiếp tục bùng nổ nhiều nơi ở Mỹ (Ảnh: Andrew Lichtenstein/Corbis via Getty Images) Scott Gottlieb, thành viên hội đồng quản trị hãng dược Pfizer, cho biết hãng này đã thử nghiệm thuốc trên hơn 1,200 người trưởng thành chưa chích vaccine COVID-19. Loại thuốc này sẽ được dùng kết hợp với một loại thuốc kháng virus có tên là Ritonavir. Thời gian điều trị là năm ngày. Mặc dù vậy, ông Gottlieb cũng nhấn mạnh là không nên coi thuốc mới là công cụ thay thế cho việc chích ngừa. Và trong tương lai có thể sẽ có vaccine COVID-19 mới. Ông Gottlieb cũng cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào đầu năm 2022, ít nhất là tại Mỹ, sau khi khống chế được làn sóng lây nhiễm do Delta gây ra. Nhận định về thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ có những quốc gia đầu tiên thoát đại dịch nhờ vào sự kết hợp giữa tỷ lệ chích ngừa cao và khả năng miễn dịch tự nhiên ở những người từng nhiễm virus, như Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha và Ấn Độ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định từ nay đến cuối năm 2022 là thời điểm mà các quốc gia có thể kiểm soát được loại virus này, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong sẽ giảm. Nhận định trên được đưa ra dựa trên cơ sở WHO đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới được tiêm chủng. COVID-19 đã “thao túng” toàn cầu kể từ khi xuất hiện, gây bệnh cho hơn 250 triệu người, làm chết hơn 5 triệu người. Riêng tại Mỹ, không phải là quốc gia đông dân nhất, nhưng là nơi thiệt hại nhiều nhất với 47,2 triệu người nhiễm và gần 800,000 người chết vì COVID-19. Suốt tuần qua, mỗi ngày đều có trên 80,000 người nhiễm và hàng ngàn ca tử vong do COVID-19 gây ra. Đại dịch sẽ kết thúc vào đầu năm, hay cuối năm 2022? Bao giờ thế giới thoát khỏi bầu trời đen tối này? Không ai có thể trả lời được, chỉ biết mọi người có thể sẽ phải “sống chung với COVID-19” và các biện pháp đề phòng tránh vẫn phải được áp dụng, kể cả khi số người được chích ngừa tăng lên.