Sunday, November 28, 2021

Như một lời cảnh báo: Sự phát triển cần hướng đến con người hơn

Như một lời cảnh báo: Sự phát triển cần hướng đến con người hơn 09:09 | Thứ ba, 16/11/2021 Đại dịch COVID-19 sớm muộn gì rồi cũng phải chấm dứt theo cách này hay cách khác. Và rồi, sau những tiếng thở dài vừa nhẹ nhõm vừa đau đớn, chắc chắn chúng ta sẽ phải tự vấn: Vì sao điều ấy lại xảy ra? • Sau đại dịch COVID-19: Nhìn nhận lại về lao động nhập cư • Bao giờ công nhân thoát phận ngụ cư? • Đô thị hậu COVID-19 Khi đại dịch qua đi, một cuộc cầu siêu cho những nạn nhân đã tử nạn vì COVID-19 như ý kiến của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên là điều hợp tình hợp lý: Nhà nước nên đứng ra tổ chức cầu siêu và các tôn giáo tùy theo nghi thức riêng cũng có thể tổ chức cầu siêu cho các nạn nhân của đại dịch. Và rồi, sau những tiếng thở dài vừa nhẹ nhõm vừa đau đớn vì những mất mát không gì bù đắp nổi, chắc chắn chúng ta sẽ phải tự vấn: Vì sao điều ấy lại xảy ra? Vì sao lại mất mát, thiệt hại về nhiều mặt khủng khiếp đến thế? Và tiếp đến, phải làm gì để ngăn ngừa tai họa tái diễn? Phải làm gì để không bỏ phí những bài học quá đắt giá? Cuộc tự vấn càng sâu, càng nghiêm khắc, càng có cơ may giúp tránh được việc lặp lại những sai lầm tương tự trong tương lai. Lấy thí dụ TP.HCM. Đại dịch COVID-19 đã như một loại thuốc thử làm trôi đi nhiều lớp sơn hào nhoáng và để lộ ra những thiếu thốn, yếu kém, bất cập trong sự phát triển lâu dài của thành phố. Nhìn chung, nếu sự phát triển của thành phố (cũng như của các tỉnh thành trong vùng) trong những năm qua hướng đến con người hơn, tập trung cho con người hơn thì những thực tế đau lòng mà chúng ta chứng kiến trong mấy tháng đại dịch sẽ giảm đi nhiều.
Đừng xem việc hàng trăm ngàn người bỏ về quê chỉ là hiện tượng đáng buồn mà cần xem đó là một lời cảnh báo nghiêm khắc. Ảnh: Hà An Nhìn lại, đó là một sự phát triển dựa nhiều vào việc khai thác sức lao động giá rẻ (phần lớn là lao động nhập cư từ các tỉnh đến làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp) mà thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng xã hội, cho dân sinh: công nhân sống trong điều kiện tồi tàn, chen chúc trong những khu nhà trọ chật hẹp; hệ thống y tế yếu kém, khó tiếp cận với công nhân lao động nghèo. Trong những điều kiện sống như vậy, rất khó để chống lại sự lây nhiễm khi dịch bệnh bùng phát, chưa nói đến đời sống văn hóa tinh thần của người lao động. Không chỉ là các khu trọ của công nhân các nhà máy, khu công nghiệp. Ở nhiều khu vực dân cư trong nội thành, điều kiện và môi trường sống của cư dân cũng tù đọng, dễ làm mồi cho bệnh tật không kém. Hậu quả là khi dịch bùng phát ở thành phố, số ca nhiễm rất cao, với hơn 17.000 người chết, khoảng 1.500 trẻ trở thành mồ côi vì cha mẹ, người thân, người chăm sóc đột ngột qua đời vì COVID-19. Về năng lực y tế của thành phố, chỉ cần nhớ lại những gì mà Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói tại buổi giám sát công tác phòng chống dịch của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM: “Đại dịch để lại nhiều đau thương, bài học xương máu rất quan trọng để chúng ta sẵn sàng ứng chiến với tình hình mới chưa biết sắp tới như thế nào”. Khi những chùm dịch đầu tiên bùng phát, ông cho biết, thành phố tiến hành xét nghiệm, truy vết không kịp. Cần đặt vấn đề nhà ở trong tổng thể vấn đề cơ sở hạ tầng xã hội cho người lao động, người nghèo đô thị. Đó là một chính sách nhà ở cho người nghèo đô thị gắn với quy hoạch và phát triển đô thị, là dịch vụ y tế và giáo dục cho con em công nhân lao động mà họ có thể dễ dàng tiếp cận. Dù tập trung lấy số lượng mẫu lớn, có ngày lấy 40.000 mẫu nhưng trả kết quả chỉ khoảng 10.000 do không đủ năng lực. “Dù lúc đó thành phố có những lúc đưa ra chỉ tiêu xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày, huy động hết lực lượng nhưng trả kết quả chỉ vài chục ngàn mẫu. Quyết định giãn cách để xét nghiệm phát hiện ca nhiễm ngăn chặn kịp thời nhưng lúc đó “vũ khí chiến đấu” không phù hợp”, ông Nên cho hay. “Thậm chí, đến quần áo bảo hộ cũng thiếu, có thể nói là chúng ta trở tay không kịp”, ông nói thêm mấy hôm sau. Nói đến điều trị, ông Nên cho biết: “lúc đó (khi dịch mới bùng phát - NV) chưa có thuốc điều trị, thành phố tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm COVID-19 (F0). Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì”. Đó là thực tế đau lòng với thành phố được xem là phát triển nhất nước, đông dân nhất nước. Ngoài vấn đề y tế còn là vấn đề nhà ở, môi trường sống thuận lợi cho dịch bệnh lây lan. “Tại sao Bắc Giang, Đà Nẵng và một số nơi thành công trong việc xét nghiệm, truy vết được toàn bộ ca nhiễm nhưng TP.HCM không làm được?”, Bí thư Nguyễn Văn Nên hỏi và đưa ra phân tích: Bắc Giang khi chuẩn bị áp dụng giãn cách chỉ cần phải giải tỏa, di chuyển 40.000 dân nên các lực lượng bộ đội dễ dàng di chuyển hết. Còn tại TP.HCM, riêng quận Bình Tân lúc đó khảo sát cần di chuyển 100.000 người, không nơi nào đủ sức chứa. Nhiều nơi khác như Bình Chánh, quận 4, quận 8 tình trạng tương tự. Hậu quả là hàng trăm ngàn người lao động nhập cư đến thành phố kiếm sống đã không sống nổi qua mấy tháng phong tỏa, kéo nhau lũ lượt về quê khi thành phố chỉ mới hé mở, dẫu chưa biết về quê sẽ sống thế nào.
Cảnh sống của công nhân trong xóm trọ kề Khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thế Sơn Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, thành phố còn nhiều khu nhà trọ của người lao động diện tích chật hẹp. Trước đây, khi chưa có dịch người lao động sáng đi làm, tối về, nên nơi ở chủ yếu để ngủ. Tuy nhiên, dịch 4 tháng liền phải giãn cách xã hội, vợ chồng con cái ở trong một diện tích chật hẹp sẽ không ổn. Việc này tác động lớn đến đời sống tinh thần người dân. “Thành phố đón một lượng lớn người lao động đến đây góp phần xây dựng, phát triển thành phố, nhưng việc chăm lo cho họ chưa có sự đầu tư đúng mức. Thời gian tới thành phố sẽ thực hiện tốt hơn”, ông Mãi thừa nhận và cho biết thêm thành phố đang lên kế hoạch xây một triệu căn nhà giá rẻ để công nhân, lao động, người thu nhập thấp tiếp cận được nhằm thay thế những chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, khu nhà trọ... Nhưng vấn đề không chỉ là xây nhà giá rẻ. Cần đặt vấn đề nhà ở trong tổng thể vấn đề cơ sở hạ tầng xã hội cho người lao động, người nghèo đô thị. Đó là một chính sách nhà ở cho người nghèo đô thị gắn với quy hoạch và phát triển đô thị, là dịch vụ y tế và giáo dục cho con em công nhân lao động mà họ có thể dễ dàng tiếp cận. Ngoài nhà ở đảm bảo “ở được”, đó còn là không gian và môi trường sinh sống. Làm sao để từng bước không còn những Mả Lạng, những Rạch Xuyên Tâm, những khu nhà trọ tối tăm mà người lao động tan ca về nhà chỉ để ngả lưng, ở nhiều quận huyện trong thành phố. Nhưng muốn làm gì cũng phải có nguồn lực. TP.HCM đang đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước (Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM, 3.1.2021). Tuy nhiên, theo VnEconomy (18.5.2021), một thực tế không thể phủ nhận là tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM tuy luôn ở “top đầu”, nhưng ngân sách thành phố thì vẫn bội chi kéo dài. Cụ thể, năm 2020, tổng thu ngân sách tại TP.HCM là 371.384 tỷ đồng (do dịch bệnh nên thấp hơn 2019). Trong đó, thành phố được hưởng ngân sách theo phân cấp là 65.495 tỷ đồng. Con số thụ hưởng ở nhóm 3 (18%) chỉ tương đương 34.459 tỷ đồng. Ngược lại, tổng chi ngân sách địa phương là 84.290 tỷ đồng. Nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn, tác động lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của thành phố. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 do Quốc hội ban hành năm 2020, về tỷ lệ phần trăm số thu ngân sách mà 63 tỉnh thành được giữ lại, có 16 địa phương có tỷ lệ điều tiết giữ lại là TP.HCM (18%), Hà Nội (35%), Bình Dương (36%), Đồng Nai (47%), Vĩnh Phúc (53%), Bà Rịa-Vũng Tàu (64%), Quảng Ninh (65%), Đà Nẵng (68%), Khánh Hòa (72%), Hải Phòng (78%), Bắc Ninh (83%), Quảng Ngãi (88%), Quảng Nam (90%), Cần Thơ (91%), Hưng Yên (93%), Hải Dương (98%). Các tỉnh còn lại thì được giữ 100%.
Trong buổi làm việc gần đây (tháng 5.2021) với lãnh đạo TP.HCM, khẳng định rằng TP.HCM vẫn là đầu tàu của cả nước, thể hiện ở quy mô dân số, đóng góp vào GDP và tổng ngân sách cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ủng hộ đề xuất của TP.HCM về việc điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022 - 2025 của thành phố lên 23%, tức bằng mức giai đoạn 2011 - 2016. Trước đó, thành phố từng nhiều lần kiến nghị việc tăng tỷ lệ giữ lại theo hướng trong 10 năm 2020 - 2030 cần nâng từ 18 lên 33%, tương đương 15% nhằm đảm bảo đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu cả nước. Trước đây, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố có xu hướng giảm qua từng thời kỳ ổn định ngân sách, nếu giai đoạn 2011 - 2016 là 23% thì đến giai đoạn 2017 - 2020 chỉ còn 18%. Với 18% nguồn thu ngân sách được giữ lại, liệu TP.HCM có đủ nguồn lực để lo cho cơ sở hạ tầng xã hội, cho tầng lớp công nhân lao động nghèo của mình? Cuộc tháo chạy đau lòng khỏi thành phố và các tỉnh lân cận vừa qua của hàng trăm ngàn công nhân lao động về quê, không chỉ về những tỉnh miền Tây mà cả những tỉnh rất xa ở bắc Trung bộ và cực bắc như Hà Giang, phải chăng chính là lời cảnh báo, không chỉ cho chính quyền thành phố, rằng không thể mãi khai thác sức lao động giá rẻ mà không lo cho các nhu cầu tối thiểu của người lao động. Đừng xem việc hàng trăm ngàn người bỏ về quê chỉ là hiện tượng đáng buồn mà cần xem đó là một lời cảnh báo nghiêm khắc. Rằng tăng trưởng cần hướng đến con người hơn, bằng không về lâu dài sẽ chẳng có tăng trưởng hay phát triển khi công nhân không còn muốn bán sức lao động với giá rẻ để nhận lấy cuộc sống bấp bênh, không biết ngày mai sẽ ra sao. Source: https://nguoidothi.net.vn/nhu-mot-loi-canh-bao-su-phat-trien-can-huong-den-con-nguoi-hon-32022.html Đoàn Khắc Xuyên

Saturday, November 27, 2021

GIÁO DỤC CON TIM TRONG THIÊN NIÊN KỶ MỚI

GIÁO DỤC CON TIM TRONG THIÊN NIÊN KỶ MỚI Ngày 24 tháng 11, 2021 Đức Đạt Lai Lạt Ma
“Những con voi có thể có bộ não lớn hơn chúng ta, nhưng con người chúng ta thì thông minh hơn. Trí thông minh của chúng ta là một phẩm chất riêng biệt của con người. Trong vài nghìn năm qua, thế giới đã chứng kiến một số lượng lớn những người thầy và các tư tưởng gia, bao gồm cả Đức Phật - những người đã thể hiện trí thông minh tuyệt vời của con người. “Tuy nhiên, nếu trí thông minh này bị kết hợp với sự hận thù, sân giận và sợ hãi, thì nó có thể trở nên rất huỷ diệt. Vì vậy, thay vào đó - chúng ta nên phải cẩn thận kết hợp nó với trái tim ấm áp nhân hậu. Tự bản chất, trí thông minh sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất của chúng ta, nhưng khi nó được kết hợp với lòng nhân ái và trái tim ấm áp, thì nó sẽ mang lại sự an lạc nội tâm và cải thiện được thể chất của chúng ta. “Việc trưởng dưỡng một tấm lòng ấm áp không chỉ là một vấn đề mang tính tôn giáo, mà ngay cả các nhà khoa học ngày nay cũng đánh giá cao sự đóng góp của nó trong việc tìm kiếm sự an lạc nội tâm. Là loài động vật có vú và sinh vật xã hội; khi còn bé, chúng ta được tắm mình trong tình yêu thương của mẹ, mà điều này thì chẳng có liên quan gì đến vấn đề tôn giáo cả. Nó là về sự tồn tại sống còn của chúng ta. Vì cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào cộng đồng mà chúng ta đang sống, cho nên chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau. Và để làm được điều đó, thì trí thông minh thôi là chưa đủ, chúng ta còn cần cả trái tim ấm áp nữa. “Tôi thường quan sát thấy rằng trong vài nghìn năm qua, sự tức giận và tự cao tự đại đã làm nảy sinh rất nhiều điều rắc rối trên hành tinh này. Đã có quá nhiều sự đánh nhau. Ngay cả trong cuộc đời của chính mình, tôi đã nhận thức rõ ràng về hậu quả của các cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, và trong Chiến tranh Lạnh sau đó - nguy cơ của cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Những xung đột này đã diễn ra không phải vì chúng ta thiếu trí thông minh, mà vì trí thông minh của chúng ta chưa được cân bằng với trái tim ấm áp nhân hậu. “Ngày nay, mọi người đều đánh giá cao tầm quan trọng của giáo dục, nhưng nền giáo dục nên bao gồm cả sự hướng dẫn về vai trò của lòng nhân ái đối với sức khỏe tốt của một cá nhân, cũng như sự hoà bình trong gia đình, cộng đồng và thế giới nói chung. Tôi cam kết là sẽ chia sẻ với càng nhiều người càng tốt -rằng chúng ta đều là những con người như nhau. Bởi vì điều đó giúp cho chúng ta trở thành anh chị em của nhau, chẳng có ích lợi gì khi tích lũy vũ khí và đánh nhau giữa chúng ta. Tôi tin rằng nếu quý vị thực sự trau dồi tâm từ bi, thì ngay cả khi có vũ khí trong tay, quý vị sẽ không muốn sử dụng đến nó. “Khi tôi còn là một cậu bé, tôi có một khẩu súng hơi nhưng tôi chỉ sử dụng để xua đuổi những con chim to hơn, hung hãn hơn chuyên bắt nạt những con chim nhỏ. Nhưng ngày nay, khi tôi nghĩ về số tiền được chi cho vũ khí, quân đội và “quốc phòng", tôi nghĩ điều đó là một sự sai lầm và đã trở nên lỗi thời. Chúng ta cần làm cho thế kỷ này trở thành một thế kỷ hòa bình hơn, một kỷ nguyên phi quân sự hóa. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng lý do mà chúng ta sản xuất nhiều vũ khí là vì chúng ta tức giận và sợ hãi. Nếu chúng ta có thể công nhận toàn bộ gia đình nhân loại là một cộng đồng, thì chúng ta sẽ không cần đến những công cụ hủy diệt này nữa. “Giáo dục nên bao gồm sự đào tạo về phương pháp để được điềm bình và không sợ hãi. Vì các nhà khoa học ngày nay đã nhận ra tầm quan trọng của trái tim ấm áp và sự an lạc nội tâm đối với hạnh phúc cá nhân và xã hội của chúng ta, cho nên đã đến lúc việc đào tạo để trau dồi những phẩm chất này nên được đưa vào hệ thống giáo dục phổ thông. “Tôi nuôi dưỡng lòng từ bi trên cơ sở rằng tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Bất cứ nơi nào tôi đến, cho dù đó là Châu Âu, Châu Phi hay Châu Mỹ Latinh, tôi đều mỉm cười. Trái tim ấm áp nhân hậu là điều cốt yếu nếu chúng ta muốn biến thế kỷ này trở thành một thế kỷ hòa bình và một thế giới hòa bình. Đây là điều mà tôi muốn chia sẻ với quý vị”. (Buổi trò chuyện về “Giáo dục Con Tim” trực tuyến tại Dinh thự của Ngài ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 24 tháng 11, 2021 | dalailama.com) Source: https://thuvienhoasen.org/a36859/giao-duc-con-tim-trong-thien-nien-ky-moi

Thursday, November 25, 2021

COP26 -- Bill Gates: Đầu tư vào công nghệ mới là giải pháp

25/11/2021 Phạm Phú Khải
Bill Gates (giữa) tại một sự kiện của COP26, Glasgow, Scotland, 2 tháng 11. Hội nghị Nhóm lần thứ 26 COP26 đã kết thúc trong buồn vui lẫn lộn. Gần 200 quốc gia đã đồng ý, và cam kết, cùng nhau không còn khí thải nhà kiếng (zero emission) vào năm 2050 để có thể ngăn chặn nạn hâm nóng trái đất không quá 1.5 độ C. Đó là một kết quả rất tích cực, dù hành động ra sao thì thời gian mới biết được. Tuy nhiên, bao nhiêu quốc gia và thành viên tham dự COP26 cũng bày tỏ thất vọng khi có quốc gia không cam kết để cùng nhau loại hẳn sự phụ thuộc vào than đá (“phase down”, not “phase out”), mà Ấn Độ là một trong những nước ủng hộ chủ trương này. Nếu không loại trừ than đá hoàn toàn mà vẫn còn phụ thuộc phần nào vào các nhiên liệu hóa thạch (fossil fuel) thì khả năng để có thể đạt mục tiêu không còn khí thải sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Tùy vào cách nhìn vấn đề, có người sẽ bảo kết quả COP26 là nửa ly nước vơi, còn người khác thì cho rằng là nửa ly nước đầy. Ngay sau khi COP26 chấm dứt, phó giáo sư Jessica F. Green quan ngại rằng bằng chứng về hội nghị vừa qua cho thấy có nhiều thất bại. Viết trên tạp chí Foreign Affairs vào ngày 12 tháng 11, Green biện luận rằng tuy các chính trị gia đều công nhận nhân loại đang ở trong cuộc khủng hoảng về khí hậu, ‘nhưng họ đã chứng tỏ không có khả năng thực hiện hành động có tính cách quyết định mà một cuộc khủng hoảng như vậy đòi hỏi’. Các quốc gia đã không tìm ra được 100 tỷ đô la tài trợ cho các quốc gia đang phát triển mà đã hứa 11 năm trước tại COP16. Green biện luận rằng mọi hành động thành công về khí hậu cần phải bắt đầu với việc vận động chính trị ở tầm quốc gia. Green nhận định ‘Hầu hết mọi người không có quan điểm mạnh mẽ về nồng độ CO2 trong khí quyển, nhưng họ quan tâm sâu sắc đến việc làm đảm bảo, y tế sức khỏe với giá phải chăng, không khí và nước sạch.’ Green đề nghị là nên đánh thuế các tập đoàn lớn, cung cấp việc làm an toàn và thúc đẩy năng lượng sạch, bởi đó là những chính sách được sự ủng hộ rộng rãi ở nhiều quốc gia. Nói tóm lại, đối với Green, cần phải cải tổ thuế khóa và các luật lệ thương mại để đối phó với biến đổi khí hậu. Trong khi Green hơi bi quan, thì Bill Gates cho biết ông nhìn kết quả của COP26 khá lạc quan. Cách phân tích và nhận định của Green và Gates có lẽ không khác nhau nhiều, chỉ là mối quan tâm nằm ở địa hạt khác nhau. Bill Gates là một trong những người quan tâm sâu sắc và đầu tư đáng kể vào các vấn đề liên quan trực tiếp đến nhu cầu căn bản nhất trong đời sống con người, từ thức ăn, thuốc men, dịch bệnh, vaccines v.v… cho đến biến đổi khí hậu. Trong mọi vấn đề, Gates tin tưởng vào kiến thức, khoa học và công nghệ đóng vai trò quan yếu cho các giải pháp và thách thức lớn Đối với biến đổi khí hậu, Gates tin rằng chìa khóa nằm ở chỗ giảm được phí bảo hiểm xanh (the Green Premiums), mà theo Gates, ‘thuật ngữ này đề cập đến sự khác biệt về chi phí giữa một sản phẩm có thải ra carbon và một sản phẩm thay thế nhưng không thải ra carbon.’ Bởi vì nếu các sản phẩm được tạo ra từ năng lượng xanh tốn kém hơn cho người dùng thì nó không thể thành công được, do đó Gates biện luận rằng cần phải dồn nỗ lực và đầu tư vào các công nghệ mới. Trong bài viết “Đây là cách chúng ta xây dựng một nền kinh tế không thải khí” (This is how we build a zero emissions economy), phổ biến trên trang mạng của mình là GateNotes, Gates có phổ biến một nghiên cứu gần đây của ông. Với tựa đề “Tài trợ cho Cuộc Cách mạng Công nghệ Sạch” (Financing the Clean Industrial Revolution), Gates có vẻ thuyết phục người đọc vì sao ông nhìn vấn đề biến đổi khí hậu lạc quan. Trong nghiên cứu của mình, Gates trình bày các nguồn thải ra khí nhà kiếng trên toàn cầu, trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất, vận chuyển, nông nghiệp và điện lực. Theo Gates thì một nhiên liệu được sử dụng rộng rãi nhất là xi măng. Nó là nền tảng của mọi xây dựng nhà cửa và đường xá. Ngày nay con người có thể dùng vật liệu khác, nhưng xi măng vẫn bền bỉ và an toàn hơn. Tuy nhiên, mỗi tấn xi măng được tạo ra cũng thải ra một tấn CO2, theo cách sản xuất hiện nay. Là người xuất thân từ công nghệ, và đầu tư nghiên cứu và có thẩm quyền về nó, Gates kết luận rằng chúng ta không thể đòi hỏi các quốc gia khác hay các thế hệ tương lai ngừng xây dựng tương lai của họ, vì đó là điều vô lý và không tưởng. Nhưng nếu biết đầu tư vào các sáng tạo hiện nay, nghiên cứu và phát triển (R&D), nhất là các công nghệ xanh và sạch, hùn vốn cho các công ty năng lượng sạch, thì từ năm 2022 đến 2050, Gates tin tưởng rằng bốn công nghệ đang có hiện nay có triển vọng giúp đạt được khí thải ZERO vào năm 2050. Nhưng điều quan trọng và thực tế không kém là cần đảm bảo rằng tất cả những sự thay thế về sản phẩm và dịch vụ này, kể cả các năng lượng xanh và sạch này, thì giá cả phải chăng và dễ dàng tiếp cận để mọi người trên khắp thế giới sử dụng chúng. Bốn công nghệ mà Gates trình bày trong nghiên cứu này, tuy khá mới mẻ, nhưng có triển vọng rất cao. Đó là direct air capture (DAC), sustainable aviation fuel (SAF), long duration energy storage (LDES) và green hydrogen (GH2). DAC là công nghệ mới có mục tiêu chiếm lấy, và loại trừ, khí thải carbon. Nó có triển vọng vì nếu đầu tư đúng mức, nó có khả năng loại trừ hàng tỷ tấn CO2. Hàng không chiếm tỷ lệ sử dụng năng lượng rất cao. Một chuyến bay từ San Francisco đi London và về sẽ thải một tấn CO2. Đến năm 2050, số lượng hành khách bay mỗi năm lên 8 tỷ người, gấp hai hiện nay. SAF là năng lượng có khả năng thay thế nhiên liệu hóa thạch nhưng không thải khí ô nhiễm môi trường. LDES là công nghệ mới để lưu trữ năng lượng, đặc biệt từ năng lượng tái tạo (renewable energies), với mức chứa cao nhất và dữ được lâu hơn 4 tiếng, và Hội đồng LDES hy vọng có thể đạt được dung lượng 85-140TWh (terawatt là một ngàn tỷ watts, 1012) vào năm 2040. Hydrogen có thể được sử dụng làm nhiên liệu vận chuyển và lưu trữ điện, và Green Hydrogen có nghĩa nhiên liệu xanh do tái tạo. Với mọi công nghệ mới, ban đầu giá thành mắc hơn sản phẩm cùng loại rất nhiều. Chẳng hạn, năng lượng mặt trời. Bell Labs chế tạo ra tế bào quang điện silicon (silicon photovoltaic cell) đầu tiên vào năm 1954. 20 năm sau, tấm năng lượng mặt trời tốn 100 Mỹ kim cho một watt. Giữa thập niên 1980s, giá thành xuống còn 1 phần 10, 10 Mỹ kim. Mất thêm 20 năm nữa, nó xuống thêm 1 phần 10 nữa, ít hơn 1 Mỹ kim cho một watt vào đầu thập niên 2010s. Từ bài học trên, Gates biện luận rằng bốn công nghệ này có triển vọng để có thể giúp nhân loại đạt được mục tiêu không thải khí năm 2050, với điều kiện là chính quyền, công ty và tư nhân cùng nhau đầu tư để nó có khả năng thực hiện tầm lớn (scaling or scale up). Đầu tư càng nhiều và càng nhanh thì chúng ta có thể bắt kịp cho những năm tháng hay thập niên bị bỏ lỡ cơ hội giảm thiểu khí thải trước đây. Sau khi tham dự và phát biểu tại COP26, Gates đã viết bài cảm tưởng trên mạng của mình GateNotes vào ngày 8 tháng 11, trong đó ông cho rằng đã có nhiều thay đổi trong 6 năm qua. Một trong những chuyển đổi lớn là sự đề cao sáng tạo về năng lượng sạch được ưu tiên trong nghị trình của COP26. Đối với Gates, để không còn khí thải nhà kiếng vào năm 2050, nó “sẽ đòi hỏi một cuộc Cách mạng Công nghệ xanh, trong đó chúng ta khử carbon trong hầu như toàn bộ nền kinh tế vật chất: cách chúng ta tạo ra mọi thứ, tạo ra điện, di chuyển chung quanh, trồng thực phẩm, làm mát và sưởi ấm các tòa nhà. Thế giới đã có một số công cụ mà chúng ta cần để làm điều đó, nhưng chúng ta cũng cần một số lượng lớn những phát minh mới.” Chuyển đổi lớn thứ hai là Gates thấy rằng các khu vực tư nhân hiện đang đóng vai trò trung tâm cùng với các chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận. Sự chuyển đổi lớn thứ ba là Gates đang thấy khả năng thích ứng với khí hậu thậm chí còn nhiều hơn trước. Gates cho biết ông rất vui mừng thấy Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo khác lập đi lập lại tầm quan trọng của việc thích nghi với những biến đổi trong cuộc sống. Gates kết luận rằng khi nhìn vấn đề đang cần giải quyết, sẽ luôn có người nhìn ở khía cạnh nửa ly nước vơi, trong khi ông nhìn thấy cái ly đó đang ngày càng được đong đầy. Nếu tiếp tục như thế, tức dồn nỗ lực vào sáng tạo, giảm phí tổn để đạt mục tiêu không thải khí nhà kiếng, và giúp cho các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, thì sẽ tránh được thảm họa khí hậu trong tương lai. Nửa ly nước vơi cũng là cơ hội để cho tất cả chúng ta, trong đó có Bill Gates, góp phần làm cho nó đầy lại. 30 năm, chỉ một thế hệ thôi, để đạt được mục tiêu không thải khí ô nhiễm, là một thử thách cực lớn, mà chính Gates cho rằng là thử thách lớn nhất của nhân loại hiện nay. Chúng ta có quyền lạc quan, vì những người giàu có nhất trên thế giới như Gates, đã không chỉ góp công, góp của mà còn góp trí tuệ và tâm huyết, vì tương lai của các thế hệ mai sau. Phần còn lại là bổn phận của mỗi người: Ai cũng nên tự hỏi mình có thể làm được gì cho thử thách chung này! Source: https://www.voatiengviet.com/a/gates-dau-tu-vao-cong-nghe-giai-phap/6326667.html

Monday, November 22, 2021

Trần Văn Khê – còn mãi trăm năm!

Trần Văn Khê – còn mãi trăm năm! • Huỳnh Minh Hiệp 21 tháng 11, 2021
Cố giáo sư Trần Văn Khê (ảnh: Madeinsaigon.vn) Năm nay là đúng 100 năm ngày kỳ tài âm nhạc Việt Nam Trần Văn Khê ra đời. Nhân dịp này, mời đọc lại bài viết của chính ông trên tạp chí Bách Khoa số 169, ngày 15 Tháng Một 1964, trong bài ông Khê trả lời phỏng vấn ông Nguiễn Ngu-Í.
Sinh năm 1921 tại Bình Hòa Đông (nay là làng Đông Hòa, tỉnh Mỹ Tho). Trong gia đình, bên nội bên ngoại đều biết nhạc, cha là Trần Văn Chiều tức Bảy Triều chuyên đàn kìm, đàn độc huyền và đàn cò; chế ra dây Tố Lan; cô là Trần Ngọc Viện chuyên đàn tranh, bầu gánh Đồng Nữ, học nhạc cổ trong gia đình, nhất là với cậu là ông Nguyễn Tri Khương. Biết đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, và đánh trống nhạc. Ngoài ra biết đàn qua loa: tì bà, mandoline, guitar và piano. Cựu học sinh trường Trung học Trương Vĩnh Ký (1934-1941); trường Đại học Y Khoa tại Hà Nội (1941-1944); trường chánh trị Ba Lê, trường Đại học văn khoa Ba Lê; Nhạc học viện Ba Lê (1949-1958), có bằng P.C.B (Lí Hóa Sinh) bằng thứ nhứt trường Thuốc. Tiến sĩ văn khoa Đại học Ba Lê (1958) (môn Nhạc học: Musicologie). Cựu nhạc Trưởng trường trung học Trương Vĩnh Ký (1937-39), trường Đại học Hà Nội (1941-1944). Giải nhì quốc tế về nhạc dân tộc (Budapest, 1949). Phần thưởng lớn của Hàn lâm viện dĩa hát tại Pháp (1960). Hiện làm tùy viên Trung tâm nghiên cứu Khoa học tại Pháp (Ban Nhạc học). Phó giám đốc Trung tâm học nhạc phương Đông. Phó chủ tịch quốc tế Trung tâm âm nhạc xã hội học. Nhân viên ban chấp hành Hội đồng quốc tế Âm nhạc. Hội viên của: Hội Nhà văn Pháp (Societe francaise de Musicologie). Hội Á Châu (Societe asiatique). Hội Nhạc học Pháp quốc ( Societe francaise de Musicologie). Hội Nhạc học quốc tế (Societe internationale de Musicologie) Thụy Sĩ. Hội đồng quốc tế nhạc dân tộc (International Folk Music Council), Anh quốc. Hội đồng dân tộc Nhạc học (Society of Ethnomusicology, Mỹ quốc). Đã viết bài về nhạc Việt cho các nhà xuất bản Fasquelles, Gallimard, Larousse (Pháp), Unione Tipografico Editrice (Í) (sic) đăng vào Bách Khoa từ điển về âm nhạc. Đã trình bày về nhạc Việt tại các trường đại học, đài phát thanh và đài vô tuyến truyền hình ở các nước Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Ba Tư, Nhật Bản, Maroc. Đã diễn thuyết về nhạc Việt và tham dự các đại nhạc hội quốc tế ở Pháp, Anh, Hoa Kì, Í (sic), Ba Tư, Nhật Bản, Do Thái, Bỉ… Biết qua nhạc Tây Phương để thưởng thức, tìm hiểu để mở rộng kiến văn thì tôi tán thành. Chớ phổ biến nhạc Tây Phương thật rộng rãi thì tôi không đồng ý. Lo phổ biến nhạc Tây Phương trong lúc nhạc Việt đi đến chỗ bế tắc, người dân Việt lần lần đi ra căn bản nhạc Việt, chẳng khác nào khuyến khích người Việt học tiếng Pháp để đọc sách của Corneille, Racine hay Camus, Sartre, học tiếng Anh để đọc Shakespeare hay Pearl Buck, trong khi phần đông chúng ta đang mù chữ và mù tiếng Việt. Mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng, một nhạc ngữ đặc biệt. Mà ngôn ngữ cũng như nhạc ngữ có một ngữ pháp riêng. Không thể vì ngữ pháp của một ngôn ngữ có tánh cách khoa học, mà đem nó áp dụng cho tất cả các ngôn ngữ khác. Quay về vốn cổ, để tìm đặc tính của dân tộc, lấy đó mà làm căn bản nghệ thuật. Một khi có căn bản vững chắc, thì công việc phóng tác, cải tiến sẽ không làm mất dân tộc tính. Người ngoại quốc yêu nghệ thuật không chê là chúng ta chạy theo sau họ, bắt chước họ một cách mù quáng, mà dân tộc ta không từ khước những nhạc phẩm tuy mang hình thức mới mà nội dung và căn bản bắt nguồn trong truyền thống muôn đời của đất nước. Ba-Lê, Thu 1963, Bạn Ngu-Í I- Tôi chuyên về môn Nhạc học (musicologie), áp dụng những phương pháp khoa học của phương Tây để nghiên cứu âm nhạc cổ truyền của phương Đông; mà trước hết âm nhạc cổ truyền của nước Việt. Tại nước Pháp, chỉ có trường Đại học Ba Lê và Strasbourg dạy khoa Nhạc học. Muốn vào học sinh viên phải có bằng “Dự bị Đại học” (Propédeutique) tốt nghiệp Âm nhạc viện, hoặc phải thi vào Nhạc học viện. Có bằng tốt nghiệp Âm nhạc viện hay là thi vào Nhạc học viện mà được trúng tuyển, sinh viên có thể thi bằng tốt nghiệp Nhạc học viện (Diplôme de l’Institut de Musicologie). Có bằng Dự bị Đại học, sinh viên có thể thi văn bằng “Âm nhạc sử”, một trong 4 văn bằng cần thiết để được bằng cử nhân Văn chương. Có cử nhân hay bằng tương đương thì sinh viên có thể thi tiến sĩ về Nhạc học (Đệ tam cấp, Đại học hay Quốc gia). Khi vào Nhạc học viện, người sinh viên phải có những hiểu biết căn bản như: Kí âm pháp đến bực viết ám tả âm nhạc những bài hát có hai ba bè, đại cương lịch sử âm nhạc, đại cương lịch sử văn hóa. Vào đấy, sinh viên học thêm hòa âm sơ đẳng, phân tách hòa âm (Analyse harmonique), lịch sử âm nhạc, nhạc khí học (organologie). Về phần thực hành thì sinh viên phải học phép chuyển cách chép nhạc ngày xưa ra cách chép nhạc ngày nay, phải đọc được những bản chép nhạc của người Hi Lạp, La Mã, và người Âu từ thời Trung cổ nếu sinh viên muốn chuyên về ngành: Cổ nhạc (option ancienne), phải biết thâu các giao hưởng khúc lại thành hai phần cho đàn dương cầm, nếu sinh viên chuyên về ngành “Kim Thời” (option moderne), phải biết sắp loại các nhạc khí, hay nhận ra những đặc điểm căn bản về nhạc ngữ, nếu sinh viên chuyên về ngành “nhân chủng” (hay là ngành “dân tộc học”: ethnomusiccologie). Sinh viên phải biết cách trình bày và sắp loại các tài liệu (fiches de documentation). Ngoài ra, những người thi tiến sĩ phải biết hai hoặc ba sinh ngữ (Pháp, Anh, Đức) và một hoặc hai tử ngữ (La Tinh, Cổ Hi Lạp, hay chữ Phạn, chữ Hán). Khi ra trường, nhạc học giả mới chuyên về một môn, một ngành hay một thời đại trong âm nhạc sử. Có người chuyên về âm nhạc sử (histoire de la musique) thời Trung cổ hay về thế kỉ thứ XVI, XVII, tại một số nước nào đó ở Âu Châu: nước Đức, nước Ý chẳng hạn. Trong ngành “dân tộc nhạc học” (ethnomusicologie), nhạc học giả có thể chuyên về nhạc của một dân tộc hoặc một truyền thống nhứt định. Hiện nay, tôi chuyên về ngành dân tộc nhạc học, và nghiên cứu các truyền thống âm nhạc ở Viễn Đông, và nhất là âm nhạc cổ truyền ở nước Việt.
Cố giáo sư Trần Văn Khê (ảnh: PLO) II- Tôi sanh trưởng trong một gia đình mà bên nội bên ngoại đều biết nhạc cổ truyền. Từ thuở bé, nhờ nghe thân phụ tôi là Trần Văn Chiều tức Bảy Triều và cậu tôi là Nguyễn Tri Khương hòa đàn mà nhạc thấm vào người nên lúc lên 6, tôi đã biết đàn kìm và đàn cò. Tôi còn nhớ lúc xưa, cứ mỗi lần Cô sáu Ngọc ở ngoài Vàm Rạch Gầm vào Chợ Giữa (Sầm Giang) để ca Tứ đại, cha tôi đàn phụ họa theo dây Tố Lan do người chế ra, tôi không tài nào ngủ được. Trẻ con không phép thức khuya, mà tôi vẫn núp sau tấm vách lá nghe từ chữ nhấn tiếng ngân. Lớn lên, nhứt là sau khi cha mẹ tôi qua đời, cô tôi là bà Trần Ngọc Viện nuôi tôi và dạy tôi đàn tranh, dạy cách nhấn mổ, nhấn vuốt, nhấn lật trong các bài hơi bắc, hơi ai, hơi xuân. Cậu tôi, ông Nguyễn Tri Khương, dạy tôi đàn theo nhạc lễ và đánh trống nhạc. Trong các dịp Tết, đám giỗ, đám khao hay những đêm trăng, ở nhà cậu tư của tôi, ông Nguyễn Tri Lạc, thân phụ của Anh Nguyễn Mĩ Ca, thường có những buổi hòa nhạc. Người lớn người nhỏ đều biết đàn. Cô tôi, bà Trần Ngọc Viện, lại có lập một gánh hát cải lương, gánh Đồng Nữ, nên tôi có dịp đờn cho mấy chị tập tuồng, nghe và học lóm chú mười Đờn, “Thầy hai thầy tuồng”. Trong truyền thống cổ nhạc, mỗi lần đi hòa đờn hay nghe hòa đờn là mình học thêm. Tôi đã học cách đờn chuyền của bác chín Kỳ, cách đàn cò và đánh trống nhạc với anh tư Huyện ngày anh sang Pháp thu thanh cho dĩa hát Pathé. Nay tôi vẫn còn ghi lại cách đánh trống ma chay mà anh tư Huyện dạy tôi từ năm 1949. Thành ra tuy theo Tây học, tôi vẫn có căn bản nhạc cổ truyền. Lúc ở trường Trung học Trương Vĩnh Ký, tôi đã có ý cải tiến cổ nhạc Việt bằng cách lập một giàn (sic) nhạc cổ gồm có đàn cò, đàn kìm, ống sáo nhưng cũng có đàn ghi-ta, đàn vi-ô-lông; mỗi cây, đàn theo một chiết phần dưới sự chỉ huy của một nhạc trưởng. Khi gặp các bạn như Lưu Hữu Phước, Phạm Duy, các bực đàn anh như Võ Đức Thu, Lê Thương, tôi thấy đồng ý với các bạn, các anh ấy ở chỗ tìm một nhạc ngữ mới, phù hạp với đời sống và nguyện vọng của người Việt thời nay. Tôi đã đi sâu vào ngành Tân nhạc, đã học chút ít kí âm pháp Âu Tây, đã “bạo gan” nắm lấy giàn (sic) nhạc của trường Đại học Hà Nội để giới thiệu tại các nhà hát lớn Hà Nội, Sài Gòn, tại hội chợ Triển lãm Sài Gòn bài “La marche des Etudiants” – sau nầy là bài Tiếng gọi Sinh viên rồi Tiếng gọi thanh niên (I) – bài Người xưa đâu tá (hay là bài Kinh cầu nguyện) và mấy bài loại lịch sử của Lưu Hữu Phước như Bạch đằng giang, Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng. Tôi đã tập nữ sinh trường Đồng Khánh ở Hà Nội và trường Áo Tím Sàigòn trình bày vở ca kịch “Tục lụy” của Khái Hưng và Thế Lữ do Lưu Hữu Phước phổ nhạc. Tôi đã thâu thanh cho hãng dĩa ORIA nhiều bài hát của Thẩm Oánh, Lê Thương, Võ Đức Thu, Phạm Duy. Tôi đã trình bày tại Budapest, Luân Đôn, Ba Lê cùng với những bài cổ nhạc, những bài hát của Lưu Hữu Phước, Phạm Duy, Lê Thương và nhạc phẩm Bóng hoàng hôn của Võ Đức Thu. (I) Theo chỗ tôi được biết thì bài này – Quốc ca của nước Việt cộng hòa (sic) – có một lịch sử khá li kì. Năm 1942, Lưu Hữu Phước có đặt một bài hành khúc cho một nhóm cách mạng ở hải ngoại, tên là “Quốc dân hành khúc”. Bài hành khúc này ra mắt quốc dân với lời Pháp, dưới cái tên “La march de Etudiants”. (Sinh viên Hà Nội thời ấy gồm có: Việt, Miên, Lào). Rồi sau đó mới đặt lời Việt với câu mở đầu bất hủ “Này sinh viên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi” và với cái tên “Tiếng gọi sinh viên”. Thời chánh phủ Trần Trọng Kim, một người bạn của Lưu, đảng viên Việt Nam quốc dân đảng, tự tiện đổi tên là “Tiếng gọi thanh niên”, với lời có đổi đi một ít của ca khúc “Tranh đấu” của bài “Quốc dân hành khúc”. Trước ngày toàn dân khởi nghĩa không bao lâu, Lưu mới có thể cho xuất bản “Quốc dân hành khúc” với lời của Hoàng Mai Lưu, gồm 3 ca khúc: Tranh đấu, Khải Hoàn và Kiến Thiết (Lời chú của Ngu-Í Nguiễn Hữu Ngư). Tôi đã nghĩ rằng Tân nhạc là sự tiến hóa tự nhiên của nhạc Việt trong sự gặp gỡ, đụng chạm giữa hai nền Văn hóa Á Âu. Nhưng rồi vì bịnh nặng, tôi phải nằm trong các dưỡng bệnh viện trên ba năm trời. Tôi có dịp và có thì giờ suy nghĩ, xem xét lại công việc tôi đã làm, con đường tôi đã theo. Tôi được học thêm nhạc lí Tây phương, phân tách nhạc Việt một cách tỉ mỉ hơn. Tôi thấy rằng có lẽ tôi đi chưa đúng con đường phục vụ âm nhạc Việt. Tôi đang đi xa cái chân giá trị của nhạc cổ truyền. Tôi muốn đưa nhạc Việt vào một con đường mới mà một phần tôi chưa tìm hiểu thấu đáo cổ nhạc Việt, một phần tôi chưa rành Âu nhạc. Và nhạc mới do sự phối hợp của hai nền nhạc cổ kim sẽ đi đến đâu? Tôi hoang mang chỉ nhận thấy mang máng rằng lối nhạc mà thuở ấy người ta gọi là cải cách, ngoài công dụng của nó trong cuộc cách mạng dân tộc, chưa có một giá trị nghệ thuật đáng kể. Trong 4 năm trời, từ 1954-1958, tôi đi sâu vào công việc nghiên cứu, học tập cổ nhạc Việt, tìm cái hay, cái đặc tính của cổ nhạc Việt để một mặt hoàn thành luận án tiến sĩ Văn chương (khoa Nhạc học), một mặt giới thiệu lối nhạc cổ truyền ấy cho những người yêu nhạc trên thế giới. Trong Nhạc học viện, tôi đã học hòa âm và phân tách hòa âm, với bà Dommel-Diénny, lịch sử âm nhạc với bà S. Corbin và giáo sư Jacques Chailley, dân tộc học và nhạc khí học với ông André Schaeffner, nho học với giáo sư E. Gaspardone, những đặc điểm về ngũ âm giai, cách chuyển hệ, và tiết tấu với ông C. Brailoiu. Từ năm 1958 đến nay, những hoạt động của tôi không ngoài ba công việc chánh: giới thiệu nhạc Việt, tham dự các Hội nghị quốc tế, nghiên cứu và viết những tiểu luận về âm nhạc. 1/ Tôi giới thiệu nhạc Việt bằng cách diễn tấu cổ nhạc Việt trong những buổi hòa nhạc, truyền thanh hay truyền hình trong các nước Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Ba Tư, Ấn Độ, Nhật Bản, bằng cách thu thanh vào dĩa hát, bằng những cuộc tuần du diễn thuyết về cổ nhạc Việt trong các âm nhạc viện, các trường Đại học, tại Pháp, Anh, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản. 2/ Tôi đã tham dự các Đại nhạc hội quốc tế tại Budapest (Hung Gia Lợi, 1949), Exeter (Anh Quốc, 1950), Ba Lê (1958-1960-1962), Bath (Anh quốc, 1960), Teheran (Ba Tư, 1961), Đông Kinh (Nhật Bản, 1961), Nữu Ước, Princeton, Yale, Hoa Thạnh Đốn (Mĩ Quốc, 1961), La Mã (Í Đại Lợi, 1962), Jerusalem (Do Thái, 1933). 3/ Về công việc nghiên cứu và viết tiểu luận về âm nhạc thì tôi đã may mắn đem nhạc Việt góp mặt với nhạc các nước trong những quyển Bách Khoa tự điển về âm nhạc của nhà xuất bản Fasquelles, Gallimard, bên Pháp, Unione Tipografico Editrice Torinese bên Í (sic). Hiện tôi đang dự bị cho nhà xuất bản Larousse một bài về âm nhạc Viễn Đông mà trong đó lẽ tất nhiên nhạc Việt cũng sẽ được đề cập tới. Tôi đã viết bài về sân khấu nước Việt trong quyển “Les theatres d’ Asie” (Sân khấu các nước Á Châu) do ông Jean Jacquot của Trung tâm nghiên cứu Khoa học của Pháp chủ trương, trong quyển Bách Khoa từ điển về Lịch sử kịch trường trên thế giới do nhà xuất bản Gallimard chủ trương. Tôi đã đăng những bài khảo luận về nhạc Việt trong các tạp chí Arts Asiatiques (Nghệ thuật Á Châu), Revue de musicologie (Tạp chí về nhạc học) ở Ba Lê, Franche Asie (Pháp Á) ở Tokyo, Bulletin de La Société des Etudes Indochinoises (Tập san của Hội nghiên cứu các vấn đề ở Đông Dương) tại Sàigòn. Tôi đang hoàn thành bản sơ khảo về hệ thống ngũ âm giai và phép chuyển hệ trong âm nhạc Việt. Mỗi lần đi tham dự một Đại hội nghị hay diễn thuyết tại một trường Đại học, một bảo tàng viện là tôi phải luận về một vấn đề khác nhau trong cổ nhạc Việt mà tôi đã có nói cho bạn nghe rồi trong các lá thơ hải ngoại. Hiện tôi đang dạy nhạc Việt, lí thuyết và thực hành tại Trung tâm học nhạc Đông phương ở Ba Lê, nghiên cứu nhạc Việt cho Trung tâm nghiên cứu Khoa học Pháp; bên nầy, môn nghiên cứu âm nhạc được coi là một môn nghiên cứu khoa học. Tôi vừa đi diễn thuyết ở bên Thụy Sĩ về lại chuẩn bị tham dự Đại hội Jerusalem (Quốc gia Do Thái), diễn thuyết về nhạc Việt tại trường quốc gia âm nhạc Việt tại trường quốc gia âm nhạc viện Ba Lê, trường Đại học Poitiers, Cơ quan văn hóa ở Tunis, và viện Đại Học Bruxelles (Bỉ). III- Việc làm của tôi đã trả lời câu hỏi của bạn rồi. Nhưng thái độ của tôi không tuyệt đối “chỉ nên” phục hưng hay cải tiến nhạc Việt, hoặc “chỉ nên” phổ biến nhạc Tây phương. Vả lại tại sao chỉ phổ biến nhạc Tây phương? Người dân Việt cũng cần có dịp thưởng thức những lối nhạc vô cùng sâu sắc của các truyền thống Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ, Nam Dương. Người dân Việt cũng nên biết qua các lối nhạc của mấy nước láng diềng (sic): Lào, Cam Bốt, Miến Điện hay lối nhạc đại thể của các nước Âu Mĩ. Biết qua để thưởng thức, tìm hiểu để mở rộng kiến văn thì tôi tán thành. Chớ phổ biến nhạc Tây phương cho thật rộng rãi thì tôi không đồng ý. Lo phổ biến nhạc Tây phương trong lúc nhạc Việt đi đến chỗ bế tắc, người dân Việt lần lần đi xa căn bản nhạc Việt, chẳng khác nào khuyến khích người Việt học tiếng Pháp để đọc sách Corneille, Racine hay Camus, Sartre, học tiếng Anh để đọc văn của Shakespeare hay Pearl Buck trong khi phần đông chúng ta đang mù chữ và mù tiếng Việt. Mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng, một nhạc ngữ đặc biệt. Mà ngôn ngữ cũng như nhạc ngữ có một ngữ pháp riêng. Không thể vì lẽ ngữ pháp của một ngôn ngữ có tánh cách khoa học, mà đem nó áp dụng cho tất cả các ngôn ngữ khác. Thử lấy một ví dụ cụ thể: trong ngữ pháp Anh, tiếng tĩnh từ đứng trước tiếng danh từ. Nếu vì lẽ ngữ pháp Anh tiện lợi, chúng ta áp dụng luật nói trên cho tiếng Việt hay tiếng Pháp, chúng ta phải viết “một cao người” hay “un grand homme” để cho hạp với “a tall man” của người Anh, thì “một cao người” hay “un grand homme” không có nghĩa là “một người cao” hay “un homme grand”. Trong nhạc ngữ cũng thế. Hòa âm là nền tảng của Âm nhạc Tây phương nhưng nếu đem các luật hòa âm Tây phương mà dùng để sáng tác nhạc Việt, chúng ta có thể đi đến chỗ lố bịch như viết “một cao người” thay vì “một người cao”. Thành ra, phổ biến nhạc Tây phương để quần chúng có thể thưởng thức tài nghệ chúng ta trong lúc chúng ta bắt chước người Tây phương trong cách tấu nhạc hay sáng tác nhạc thì không thành vấn đề. Phổ biến nhạc Tây phương cho thật rộng rãi để “nâng cao trình độ thẩm mĩ” của đa số quần chúng như nhiều người theo Tây học thường nghĩ, thì, theo thiểu kiến, là một việc không hợp lý và không hợp thời. Không hợp lí vì mỗi dân tộc có một quan niệm thẩm mĩ riêng, một truyền thống riêng, một sự ưa thích riêng. Nói cho can mà nghe, dầu biết rằng món thịt bò “bít tết” bổ hơn món cá kho, bạn thử đem hết tài hùng biện để phổ biến sao cho “bít tết” thay thế được cá kho thì chừng đó có lẽ nhạc phương Tây sẽ đi sâu vào sự hiểu biết và ưa thích của quần chúng Việt. Vả lại, tại sao phải biết thưởng thức nhạc Tây phương mới có được một trình độ thẩm mĩ khá cao? Đành rằng nhạc Tây phương có một truyền thống vững chắc, nhạc Tây phương sâu sắc, nhưng cạnh bên truyền thống Tây phương, còn bao nhiêu truyền thống khác cũng vững chắc cũng sâu sắc, như truyền thống Ba Tư, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa v.v…, mà hiện nay, các nhạc giới Âu Mĩ bắt đầu để ý và tìm hiểu, mà người dân Việt và người nhạc sĩ Việt chưa hề biết đến bao giờ. Không hợp thời, vì lo phổ biến nhạc Tây phương cũng như nghĩ đến việc trồng thêm một giống hoa đẹp trong vườn mà nhạc Việt đi đến chỗ bế tắc cũng như nhà đầy của quí đang cháy. Thử hỏi trong tình trạng đó, bạn chữa lửa hay bạn trồng hoa? Cổ nhạc Việt có một truyền thống, nhưng hiện nay là một cụ già mang bịnh trầm trọng, có thể gần hấp hối, cụ già ấy còn bao nhiêu điều hay để thuật lại cho đám con cháu. Tân nhạc Việt, hay nhạc Việt viết theo đại thể Tây phương, là một đứa trẻ chập chững vừa biết đi. Tìm cho nó một con đường cũng như nghĩ việc cho nó học để trở nên một luật sư hay một kĩ sư. Trong nhà bạn có một cụ già đau nặng, và một đứa trẻ vừa mới biết đi, bạn lo chạy thuốc cho cụ già đầy kinh nghiệm ấy hay là bạn lo tìm trường học cho đứa trẻ, để mặc kệ cụ già? Tôi sanh trưởng trong gia đình mang truyền thống cổ nhạc. Cũng như các bạn trẻ đồng lứa, tôi hướng về Âu nhạc để tìm một lối thoát cho nhạc Việt. Tôi vẫn biết rằng cổ nhạc Việt hợp với người Việt thời xưa. Người Việt thời nay, sống trong một xã hội mới, không còn những xúc cảm, những phản ứng như người Việt thời xưa. Nhứt định khư khư tồn cổ là đi ngược với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Phải tìm một nguồn sinh lực mới cho nhạc Việt nói chung, nhưng tìm ở đâu và tìm cách nào? Đó là cả một vấn đề mà tôi sẽ giải bày khi trả lời câu hỏi thứ 5 của bạn. Hiện giờ, tôi đã tự nhận thấy rằng đã đi chưa đúng con đường nên tôi quay về nghiên cứu cổ nhạc và chương trình làm việc của tôi là tuần tự sưu tầm, khai thác, phổ biến, chấn hưng, rồi cải tiến vốn cổ. Tôi quay về vốn cổ từ năm 1952, lúc mà mọi người đều nghĩ đến việc “cải cách” âm nhạc, chỉ trừ một vài người như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Ba. Ngày nay, một số đông nhạc sĩ từ Bắc chí Nam đã thấy sự ích lợi của việc khai thác vốn cổ. Nhưng vẫn còn chưa đủ. Tôi hiến cả cuộc đời của tôi vào việc khai thác và phổ biến cổ nhạc, vì theo tôi đó là một công việc cần thiết và cấp bách. Trào lưu trên thế giới là dung hòa Âu Á. Nhưng sự dung hòa đó thường đưa đi đến một sự phối hợp nhất thời, và đẻ ra những đứa con lai mà không ai thừa nhận. Loại nhạc ngoại lai lại được các giới thương mãi tung ra thị trường với một lối quảng cáo ồ ạt bằng điện ảnh, vô tuyến điện, hay vô tuyến truyền hình. Mà nhạc cổ, một lối nhạc có căn bản, có truyền thống, có chân giá trị thì bị bỏ vào trong một xó. Đó là nạn chung cho các dân tộc, nhứt là các dân tộc Á Phi. Nạn ấy nguy hiểm như một bịnh truyền nhiễm. Không lo ngừa thì trong chẳng bao lâu, trên thế giới, ta không còn được thưởng thức bài Nam ai, Nam bằng của nước Việt, bài Ỷ Lan của Trung Hoa, bài Rokudan của nước Nhật mà chỉ nghe những làn Sàigòn mambo, Shanghai cha cha cha hay Tokyo twist. Quay về vốn cổ, khai thác vốn cổ để giữ những “bảo vật” của mỗi gia đình âm nhạc hầu có chút gì để khoe với người trong những dịp trao đổi văn hóa. Bạn thử nghĩ trong một cuộc trao đổi văn hóa giữa nước ta và nước Pháp, nhạc sĩ Pháp độc tấu dương cầm một nhạc phẩm của Debussy, nhạc sĩ Việt độc tấu dương cầm một nhạc phẩm của Ravel thì “trao đổi” ở chỗ nào? Vì dầu nhạc sĩ Việt có độc tấu dương cầm một nhạc phẩm của Võ Đức Thu hay của bà Nguyễn Văn Tị đi nữa, cuộc “trao đổi” ấy cũng kém hào hứng vì nước Pháp đưa ra một bảo vật chính cống, còn chúng ta đưa ra một nữ trang tương tợ hoặc đồng loại với bảo vật của người Pháp (Xin nói ngay là công việc của những nhạc sĩ như các anh Võ Đức Thu, Nguyễn Xuân Khoát hay bà Nguyễn Văn Tị không phải là vô ích. Trong xã hội ngày nay, thường chúng ta tuy khuyến khích người Việt trau giồi tiếng Việt, nhưng cũng cần có người biết ngoại ngữ để tiện việc giao dịch quốc tế. Chúng ta cũng cần có những nhạc sĩ đủ tài năng sáng tác theo đại thể của người Âu Mĩ, để cho nhạc phẩm của họ được dân chúng Âu Mĩ yêu nhạc thưởng thức dễ dàng hơn. Nhưng họ chỉ có ích trong công việc ngoại giao, chớ nhạc phẩm của họ không thể đi sâu vào quần chúng Việt). Quay về vốn cổ, để tìm đặc tính của dân tộc, lấy đó mà làm căn bản nghệ thuật. Một khi có căn bản và vững chắc thì công việc phóng tác, cải tiến sẽ không làm mất dân tộc tính. Người ngoại quốc yêu nghệ thuật không chê là chúng ta chạy theo sau họ, bắt chước họ một cách mù quáng, mà dân tộc ta không từ khước những nhạc phẩm tuy mang hình thức mới mà nội dung và căn bản bắt nguồn trong truyền thống muôn đời của đất nước. Trong tình thế hiện tại, tôi chủ trương khai thác và phổ biến dân ca, cổ nhạc, để bảo vệ một kho tàng có thể bị tiêu tan, chọn lọc những bảo vật tiêu biểu cho tinh hoa dân tộc dùng trong việc trình bày văn hóa nước nhà cho một nền nhạc Việt sâu sắc và phong phú hơn. IV- Như tôi đã nói, tôi không chống lại việc phổ biến nhạc Tây phương vì bảo vệ truyền thống không phải là bế môn tỏa cảng, không tiếp nhận văn hóa nước khác. Nhưng theo ý tôi việc phổ biến nhạc Tây phương dầu có nên đi trước việc phổ biến nhạc cổ truyền của các nước láng diềng (sic) hay các nước Á Châu, vẫn phải đi sau công việc khai thác và phổ biến vốn cổ của nước nhà. Và như thế tôi xin miễn bàn về những cách gì tiện lợi và hiệu nghiệm nhất để huấn luyện nhạc sĩ và để cho quần chúng hiểu được và ưa được nhạc Tây phương. V- Muốn trả lời câu hỏi nầy cho đầy đủ, chắc phải viết đến mấy bài báo. Ưu điểm và khuyết điểm của cổ nhạc, của tân nhạc là cả một đầu đề. Đường lối và điều kiện để chấn hưng cổ nhạc là cả một chương trình. Tôi chỉ vắn tắt đưa ra vài ưu điểm hoặc khuyết điểm chánh của tân nhạc và cổ nhạc theo ý tôi, để đi sâu hơn vào việc chấn hưng cổ nhạc. Quần chúng hiện nay đòi hỏi một lối nhạc mới phù hạp với đời sống mới. Tân nhạc đã đáp lại được phần nào nguyện vọng ấy. Đó là ưu điểm chánh của tân nhạc. Khuyết điểm chánh là tân nhạc chưa ra ngoài phạm vi bài hát nhỏ và vì sự thiếu căn bản của các nhạc sĩ trẻ tuổi, mà đi lần đến một loại nhạc ngoại lai, thiếu tánh chất nghệ thuật. Khuyết điểm chánh của cổ nhạc là sự thất truyền và tinh thần thủ cựu, không cầu tiến của các nhạc sư. Thất truyền vì các nhạc sư ngày xưa hay “giấu nghề”. Dạy học trò bao giờ cũng sợ học trò hơn mình, thành ra mỗi nhạc sư giữ lại cho mình một bài hay, một ngón nhấn độc để chết rồi đem xuống mồ. Thành ra từ đời Phạm Đình Hổ (cuối thế kỉ thứ XVIII) mà các đào nương đã không biết hát các luật dương kiều âm kiều, các điệu Hà-nam, Hà-bắc, rồi đến ngày nay, các điệu xưa còn mấy đào nương hát được? Cứ mỗi một đời qua là có một số bài bản mất đi, mà không được người đặt ra bài bản mới. Thất truyền vì người học đàn, không học cho đến nơi đến chốn, chỉ biết qua loa đã tự lấy làm mãn nguyện. Trong Nam có rất nhiều nhạc công đàn cổ, đi đâu chơi chỉ biết vài bài Bắc và bài Vọng cổ là đủ rồi, mà vài bài Bắc ấy, hay bài Vọng cổ đâu có phải là cả truyền thống cổ nhạc? Vì thủ cựu, không cầu tiến nên không ai sáng tác bài mới hay có sáng tác bài mới như thầy kí Quờn hoặc cậu tôi là ông Nguyễn Tư Khương trong Nam, như ông Cả Soạn hay ông Nguyễn Quang Tổn ngoài Trung, thì không được người hưởng ứng. Lại có người thủ cựu như Hoàng Yến, viết bài lên án những ai đã “cả gan” dám đặt bài mới trong khi chưa thuộc hết bài cổ. Nhạc cổ truyền có ưu điểm chánh ở chỗ nó (dân ca và cổ nhạc) bắt nguồn tự dân tộc, phù hạp với tiếng nói, câu thơ của người Việt, với quan niệm thẩm mĩ của người Việt, dựa trên một truyền thống mà tổ tiên ta đã kết tạo từ mấy ngàn năm và lưu lại đến ngày nay, một truyền thống có căn bản lí thuyết, đầy kinh nghiệm thực hành. Nhạc Việt cổ truyền dầu có chịu ảnh hưởng nhạc Trung Hoa, nhạc Chàm và gần đây nhạc Âu vẫn còn giữ được đặc tánh của nó. Nếu ta nhìn nhận nhạc cổ truyền có một chân giá trị nghệ thuật, rằng truyền thống cổ nhạc vì những lí do chánh trị, kinh tế đang đi vào chỗ bế tắc, tôi thấy có bổn phận phải nghĩ đến việc phục hưng và cải tiến nhạc Việt. Cũng như muốn tìm một phương thuốc phải biết rõ căn bịnh, chúng ta thử xem tại sao cổ nhạc càng ngày càng suy và có cách nào cứu vãn tình thế chăng. Tại sao cổ nhạc đi đến chỗ bế tắc? Chúng ta chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, nên trong văn hóa nước Việt nói chung, có nhiều tính chất tịnh hơn động. Dân tộc Việt hoặc phải chống ngoại xâm, hoặc phải chịu đô hộ, nhứt là dưới thời Pháp thuộc, chẳng những ít có dịp phát triển truyền thống nghệ thuật mà còn chịu ảnh hưởng của dân tộc thống trị. Nhạc công, nhạc sĩ, từ xưa đến nay, chẳng những không thể mưu cầu sinh sống bằng âm nhạc lại còn bị khinh rẻ. Đến cuối triều Lê mà con nhạc công, nhạc sĩ, kịch sĩ không có quyền ứng cử ở khoa trường. Người nhạc sĩ chuyên nghiệp trong truyền thống cổ nhạc thường có mặc cảm: hoặc tự ti đối với những người trong các nghề khác, giai cấp khác trong xã hội, cả đối những người nhạc sĩ chuyên nghiệp trong truyền thống Âu Mĩ; hoặc tự tôn cho rằng không ai hiểu được cái thâm thúy của cổ nhạc và xứng đáng cho mình truyền nghề. Thầy dạy thì giấu nghề. Học trò thì không thể bỏ cả cuộc đời học một loại nhạc để rồi không nuôi nổi thân mình lại bị người trong xã hội khinh khi là phường đàn con hát. Những câu như “Xướng ca vô loại” hay “Nữ đa cầm tắc dâm” là những bức tường ngăn cản bao nhiêu người học nhạc? Các nhạc sư học theo lối truyền khẩu, thường rất thủ cựu, không nghiên cứu, không cầu tiến nên sự hiểu nhạc chỉ ở bề mặt thực hành mà không đi vào bề sâu của lí thuyết và so với các nước cùng một “gia đình âm nhạc” với ta như Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bổn – nhất là Nhật Bổn – chúng ta bị kém họ rất xa. Xem sơ qua vài nguyên nhân của sự bế tắc trong cổ nhạc Việt, thấy nguyên nhân ấy ăn sâu vào nền tảng của xã hội nước ta, chúng ta thấy rằng không phải một vài cá nhân, có thiện chí hô hào, cổ động cho cổ nhạc, tìm cách nghiên cứu hay phổ biến cổ nhạc mà đủ. Công việc phục hưng cổ nhạc là công việc của một chánh phủ, của một cơ quan văn hóa có đủ phương tiện về mặt hành chánh và tài chánh. Công việc đó phải được toàn dân hưởng ứng, mà muốn có toàn dân hưởng ứng chúng ta phải gây nên một phong trào. Công việc đó thành bại cũng còn tùy nhiều điều kiện khách quan như tình hình chính trị được ổn định, đời sống xã hội được cải thiện v.v… Thí dụ như điều kiện chính trị và xã hội đã được như chúng ta mong mỏi, ta sẽ làm gì để cho truyền thống cổ nhạc đừng mất đi? Có người nghĩ rằng muốn bảo vệ truyền thống chỉ cần sưu tầm, thâu thập tài liệu, thu thanh các làn điệu cổ, quay phim giữ lại những điệu múa v.v… Công việc đó rất có ích, nhưng truyền thống không phải là các bài nhạc loại “đồ hộp” ấy. Truyền thống là một sức sống do người thế hệ này trao lại cho người thế hệ sau. Chúng ta thấy rằng hiện nay trong truyền thống cổ nhạc, thiếu người học cũng như thiếu người dạy chỉ vì điều kiện kinh tế xã hội. Người nhạc công, nhạc sĩ cổ truyền không thể sinh sống bằng âm nhạc. Thành ra công việc phục hưng nhạc cổ truyền phải bắt đầu bằng: 1) Công việc cải thiện đời sống nhạc công, nhạc sĩ. Phải giúp nhạc công nhạc sĩ cổ truyền có thể hiến cả cuộc đời trong việc học nhạc, dạy nhạc và tấu nhạc. Bằng cách nào? a) Lập những ban nhạc cổ truyền để tấu nhạc trong nước với sự giúp đỡ của chánh quyền và tư nhân. Nhạc công được lãnh lương đều như một công chức tấu nhạc và dạy nhạc. Những ban nhạc ấy đầu tiên được thành lập ở các đô thị lớn và lần lần ở các làng mạc hay ngược lại tùy theo điều kiện của mỗi địa phương. b) Tổ chức những nhạc hội để các ban nhạc địa phương tranh tài, đoạt giải, hoặc đem cái hay cái lạ của mỗi vùng đến trình bày cho dân chúng những vùng khác thưởng thức. c) Tổ chức lại những chương trình phát thanh trong đó phần dân ca cổ nhạc không kém phần tân nhạc hay nhạc quốc tế. d) Về mặt quốc tế, mở rộng các cuộc trao đổi văn hóa để nhạc công, nhạc sĩ Việt có dịp diễn tấu tại các nước ngoài. Thanh niên có thể nhờ đó mà khuyến khích phần nào trong việc tập trau giồi cổ nhạc. 2) Đi đôi với việc cải thiện đời sống nhạc công nhạc sĩ, là công việc tổ-chức giáo-dục âm-nhạc. a) Giáo dục nhi đồng và học sinh trong các trường tiểu học, trung học. b) Giáo dục quần chúng bằng đài phát thanh, những buổi hòa nhạc tại công viên, những buổi nói chuyện về âm nhạc. c) Cải tổ chương trình đào luyện nhạc công, nhạc sĩ. Người nhạc công cổ truyền cũng phải có một căn bản văn hóa, một sự hiểu biết đầy đủ về nhạc sử, văn hóa sử, có một kĩ thuật diễn tấu khá cao để bên trong có thể giúp vào công việc giáo dục âm nhạc ở các trường, bên ngoài tham gia các nhạc hội và các cuộc trao đổi văn hóa. Như thế thì người nhạc công, nhạc sĩ cổ truyền sẽ không tự ti mặc cảm và thanh niên thấy tương lai tốt đẹp phần nào của người nhạc công cổ truyền mà để tâm học nhạc cho đến nơi đến chốn. 3) Đời sống nhạc công được cải thiện, quần chúng được giáo dục, ta cũng phải nghĩ đến việc tổ chức sinh hoạt âm nhạc. Tổ chức những buổi hòa nhạc trong nông thôn hay ở các đô thị, khuyến khích sự thành lập các giàn (sic) nhạc tài tử trong các trường, các xí nghiệp, phát giải thưởng trong những kì đại nhạc hội để khuyến khích những nông dân, công nhân sáng tác và trình bày những điệu dân ca, dân vũ phù hạp với đời sống mới, nhạc công, nhạc sĩ sáng chế hay cải tiến nhạc khí, trình bày những nhạc phẩm mới mà cấu tạo theo cổ truyền, thành lập một cơ quan toàn quốc về âm nhạc để qui định về lí thuyết, danh từ kĩ thuật, phương pháp giáo khoa dùng trong âm nhạc Việt. Tôi chỉ phác họa sơ chương trình phục hưng âm nhạc, bạn cũng thấy rằng không một tư nhân hay một đoàn thể nào có thể thực hiện được chương trình ấy. Ngoài ra các phương pháp sẽ được áp dụng thì tùy hoàn cảnh, tùy trường hợp mà thay đổi. “Tuần tự nhi tiến”, chúng ta lo việc tìm hiểu vốn cổ nước nhà, tìm học cái hay cái đẹp của nước ngoài (không phải chỉ nhạc Tây phương mà cả nhạc các nước Á Phi, mỗi nhạc sĩ sẽ chuyên về một vùng như những học giả bên nầy) để có thể áp dụng những cái tốt của người mà không làm tiêu diệt cái vốn mà tổ tiên ta đã trao lại cho chúng ta. Trong phạm vi bài trả lời cuộc phỏng vấn, tôi không thể đi vào chi tiết. Có dịp tôi sẽ thảo luận sau với các bạn về những biện pháp có thể đem ra để chấn hưng nhạc Việt. Công việc cải tiến nhạc khí, qui định kí âm pháp, hay sáng tác những nhạc phẩm mới theo lề lối cổ truyền là những con dao hai lưỡi, nếu không thận trọng, chúng ta có thể làm hại cho nền nhạc cổ truyền trong khi chúng ta có ý định muốn vun bồi vốn cổ. VI- Tương lai của nhạc Việt, theo tôi, sẽ tốt đẹp, vì sức sống của dân tộc ta rất mãnh liệt. Chỉ một chuyện phổ nhạc những câu thơ lục bát, dân tộc ta đã có hàng trăm lời (hát ru, hát ví, hát cò lả, trống quân, bao nhiêu cách hò, hát chèo, hát quan họ, ngâm thơ, hát láy v.v…) hàng ngàn làn điệu. Dạo đàn trước khi tấu nhạc, thêm những chữ chuyền, những cái láy, cái luyến, tô điểm từ tiếng nhạc bằng cách nhấn, cách rung, cách ngân, cách đổ hột, những cái ấy làm cho một điệu nhạc tùy người, tùy vùng, tùy lúc, mà có những hình thức khác nhau. Cách nhịp trống của ta cũng vô cùng phong phú. Vốn cổ đó, chúng ta chưa tìm hiểu và khai thác hết. Nhưng viễn cảnh tốt đẹp của nhạc Việt không làm cho tôi quên được hiện tại rất đáng ngại: Cổ nhạc đang suy Tân nhạc đang hỗn độn Nhạc theo đại thể Âu Châu còn ấu trĩ. Chúng ta thiếu: nhạc công có kỹ thuật tinh vi; nhạc sĩ có căn bản văn hóa nghệ thuật; học giả để tầm suy tâm nghiên cứu. Nhất là chúng ta thiếu một chánh sách rõ rệt về việc phục hưng truyền thống, giáo dục quần chúng, đào tạo diễn viên và thiếu sự đoàn-kết và đồng tâm giữa các nhạc sư, nhạc sĩ, thiếu sự trao đổi văn hóa hay tài liệu nghiên cứu giữa người Việt trong toàn quốc. Bao giờ những khuyết điểm đó được bồi bổ, chúng ta mới mong thấy nhạc Việt tiến mạnh và tiến mau. Mấy câu hỏi bạn đưa ra bao quát nhiều vấn đề, không thể trả lời cho thật đầy đủ trong phạm vi bài nầy. Nhưng cũng không thể chỉ nêu ra những ý kiến, trình bày những biện pháp mà không giải-thích. Có lẽ tôi đã quá dài dòng. Nhưng từ lâu, nhiều bạn xa gần gửi thư riêng hỏi thăm tôi về công việc tôi đã, đang và sẽ làm, về thái độ của tôi đối với cổ nhạc, tân-nhạc Việt hay Âu nhạc; nhân bài này, tôi có dịp trả lời chung cho các bạn ấy. Việc gì cũng tùy lúc, tùy thời, tùy hoàn cảnh. Chắc các bạn hiểu rằng dầu ở đâu và làm việc gì, tôi cũng thiết tha đến vấn đề bảo vệ và phục hưng cổ nhạc. Tôi đã nghiền ngẫm từ lâu những ý kiến tôi phát biểu trong bài này. Nếu các bạn ở trong một cơ quan chính phủ hay một đoàn thể tư nhân, nhờ hoàn cảnh thuận tiện hơn tôi, có thể đem ra áp dụng. Tôi rất vui mừng và thấy nhạc Việt có cơ gặp mưa thuận gió hòa và sẽ đơm hoa kết trái. TRẦN-VĂN-KHÊ (Huỳnh Minh Hiệp chép lại từ bộ sưu tập báo chí riêng) Source: https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/cao-thom-lan-gio/tran-van-khe-con-mai-tram-nam/?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=tran-van-khe-con-mai-tram-nam

COP26: Trách nhiệm của tất cả chúng ta

Hoạt cảnh đám tang tạo biểu tượng sự thất bại của hội nghị COP26, Glasgow, Scotland, Anh Quốc, 13 tháng 11. Nhân loại vẫn chưa thoát khỏi đại dịch Covid-19 đã giết hại hơn 5 triệu người cho đến nay. Nhưng Covid-19 rồi cũng sẽ qua trong vài năm nữa. Thế giới có sẵn sàng cho một đại dịch lây lan hơn, giết người hơn, thì chưa biết. Tuy nhiên biến đổi khí hậu, và hệ quả của nó trong tương lai, nhất là khi nó đến với các thế hệ con em của chúng ta, sẽ vô cùng khốc liệt. Chúng ta chỉ mới cảm nhận phần nào ảnh hưởng của nó trong giai đoạn đầu nên không thể lường được sức tàn phá khủng khiếp của nó ra sao. Nhưng nếu không hiểu biết và tìm cách đối phó kịp thời, mạng sống và sinh kế của hàng trăm triệu đến hàng tỷ người trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế mà gần hai tuần qua, tin tức khắp nơi tràn ngập về sự kiện COP26. COP26 là tên gọi tắt cho Hội nghị Nhóm 26 (Conferences of the Parties, năm nay là lần thứ 26), được tổ chức tại thành phố Glasnow, Scotland, Anh quốc, từ ngày 31 tháng 10 đến 12 tháng 11 năm 2021. Mục đích chính của COP là tạo ra diễn đàn và cơ hội để mọi thành viên quốc gia trên thế giới, từ những người đại diện cho chính quyền, cơ sở kinh doanh, chuyên gia khí hậu, cho đến các công dân trên toàn cầu, gặp mặt nhau để thảo luận, tìm sự đồng thuận và cam kết hành động chung trong mục tiêu đối phó với biến đổi khí hậu. Khoa học cho biết lượng khí thải nhà kiếng, như khí CO2 và methane, đã lên mức cao nhất trong 2 triệu năm qua, và tiếp tục gia tăng. Vì thế trái đất đã bị hâm nóng 1.1 độ C so với thời 1800s. Thập niên trước được xem là ấm nhất theo kỷ lục. Khi trái đất bị hâm nóng, ảnh hưởng tại một nơi tạo lên những ảnh hưởng dây chuyền lên nơi khác, vì tất cả mọi thứ trên địa cầu này đều liên quan mật thiết có tính cách hệ thống với nhau. Những hậu quả của biến đổi khí hậu hiện nay bao gồm hạn hán trầm trọng, khan hiếm nước, hỏa hoạn nghiêm trọng, mực nước biển dâng cao, lũ lụt, băng ở hai cực tan chảy, các cơn bão thảm khốc và suy giảm đa dạng sinh học. Nhiều nơi trên thế giới đã trải nghiệm điều này. 20 triệu người dân Việt Nam sống tại 13 tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long đã cảm nhận được phần nào tác hại của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, nhất là mưa lũ hay hạn hán, và nước mặn tràn sâu vào giòng sông, gây ảnh hưởng lên mùa màng và nền nông nghiệp, vựa lúa phì nhiêu của Việt Nam. Tại Bangladesh, biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt, bão tố và thiên tai khác đã đe dọa cuộc sống và tương lai của hơn 19 triệu trẻ em tại đây. Sự hâm nóng toàn cầu đã làm cho mực nước biển dâng lên, nhiều nơi trên thế giới đã, đang, và sẽ, bị chìm dưới nước, nhất là những quốc gia thuộc dạng đảo (Island nations). Ở nhiều nơi này, người dân không thể tiếp tục cuộc sống như trước đây, khi sức khỏe, thực thẩm, nhà cửa, an toàn và công việc không còn. Họ không còn cách nào khác là phải dời đi nơi khác để sinh sống. Để đối phó với nạn biến đổi khí hậu như thế, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã đồng ý với nhau rằng sự gia tăng nồng độ hâm nóng trái đất sẽ tác động sâu xa lên cuộc sống khắp nơi, cho nên cần phải làm sao để kiểm soát được phần nào tình trạng hâm nóng này. Nếu giới hạn được mức độ hâm nóng không quá 1.5 độ C trên toàn cầu trong thế kỷ này, nó có thể giúp nhân loại tránh những tác động xấu nhất của khí hậu và duy trì một khí hậu có thể sống được. Thế nhưng, với cung cách sống của nhân loại hiện nay, nếu không thay đổi, thì sẽ phát thải CO2 mà có thể làm tăng nhiệt độ toàn cầu lên tới 4,4 độ C vào cuối thế kỷ này. Như thế sẽ là đại thảm họa cho toàn nhân loại. Do đó mọi chính sách và hành động của tất cả các thành viên thuộc cộng đồng nhân loại đều quan trọng trong nỗ lực chung này. Cùng nhau, nếu mỗi cá nhân, cộng đồng, tổ chức, tập đoàn/công ty và quốc gia cố gắng tối đa trong khả năng của mình, thì toàn nhân loại mới đạt được mục đích cao cả này. Mỗi một phần của một độ C gia tăng gây hâm nóng trái đất đều có thể gây thiệt hại về mạng sống và sinh kế của nhiều người trên thế giới, dù chúng ta không thể thấy bằng mắt hay nghe bằng tai. Muốn thay đổi triệt để, toàn diện và ở tầm lớn thì quan trọng nhất là phải thay đổi sự vận hành nền kinh tế quốc gia và toàn cầu. Xây dựng một nền kinh tế không thải khí nhà kiếng như thế là một thách thức cực lớn, ngay cả cho các quốc gia phát triển, giàu có hiện nay, khoan nói đến các quốc gia đang phát triển, nghèo nàn. Nhưng những nước phát triển, có nền kinh tế với mức thu nhập cao, là nước đã thải khí nhiều nhất, theo dữ liệu có từ 1751 đến 2019, chiếm đến 59% lượng khí thải toàn cầu; trong khi các nước có thu nhập trung bình thì chỉ chiếm 31%, và thu nhập thấp chỉ 10%. Cho nên các quốc gia giàu có phát triển cần phải đóng góp nhiều hơn các nước khác. Sau hai tuần hội nghị và với lắm tranh cãi, 197 quốc gia thành viên đã đạt được sự đồng thuận trong cam kết và hy vọng về mục tiêu giữ nồng độ hâm nóng trong 1.5 độ C để cùng nhau ngăn ngừa thảm họa đến với trái đất, với nhân loại. Hội nghị là về những vấn đề rất lớn, như luật pháp và chính sách của mỗi quốc gia thành viên, trong ba thập niên tới, và xa hơn nữa, để cùng bảo vệ trái đất này. Nhưng tất cả đều không có ý nghĩa gì nếu không có phần tham gia và đóng góp tích cực của mỗi cá nhân thành viên trong cộng đồng nhân loại. Trong những năm qua, tôi và gia đình nhỏ của mình cũng tập thay đổi thói quen từng có trước đây. Về điện lực, chẳng hạn, chúng tôi luôn tìm cách sử dụng ánh sáng tự nhiên khi có thể, thay vì dùng đèn điện. Tôi luôn phải nhắc nhở các con tập thói quen tắt mọi dụng cụ nào sử dụng điện lực khi không còn dùng đến nó, như TiVi, máy nhạc, máy quạt, computer, đèn v.v… Tuy nước không thiếu nơi chúng tôi ở, nhưng chúng tôi vẫn tiết kiệm nước, nhất là khi nghĩ đến hàng triệu người không có nước sạch để dùng, hay phải vất vả đi thật xa để có được nguồn nước để uống. Chúng tôi khi tắm thì tắm ít hơn trước, và thường hay sử dụng lại nước đã dùng, như nước rửa rau, trái cây v.v… để tưới cây. Chúng tôi dùng các bao giấy nhiều hơn, tránh dùng bao ni lông. Dùng lại tất cả các đồ nhựa, khi có thể. Tiết kiệm, thay vì phung phí, là bước căn bản đầu tiên. Tóm lại, chúng tôi phải luôn tự nhắc nhở nếu không giảm thiểu được thì cũng không góp phần tạo ra thêm khí thải nhà kiếng một cách không cần thiết qua mọi hoạt động con người. Tôi cũng tin rằng ai trong chúng ta đều có thể làm được các điều căn bản này. Nhiều hay ít tùy theo hoàn cảnh mỗi người. Bởi vì mọi hoạt động từ mỗi cá nhân chúng ta, đều ít hay nhiều, đều thải khí nhà kiếng, do đó tất cả chúng ta đều có thể góp phần vào mục đích tránh thảm họa tàn khốc của biến đổi khí hậu. Sự tiến bộ của khoa học đã giúp nhân loại phát họa được viễn ảnh tương lai ra sao. Khi các khoa học gia hàng đầu đã dầy công tìm ra được giải pháp hợp lý để đối phó, các chính quyền/chính trị gia đã góp phần làm ra các chính sách thích đáng, thì chúng ta cũng cần có bổn phận và trách nhiệm góp phần thực hiện. Muốn tránh đại thảm họa biến đổi khí hậu thì phải bắt đầu bây giờ, nếu không thì quá trễ, và phải đến từ tận gốc như thế, thay vì trông đợi vào người khác. Bởi vì, nói cho cùng, đó là tương lai của con em chúng ta, cháu chắt chúng ta, và bao thế hệ tiếp nối sau đó. Source: https://www.voatiengviet.com/a/cop26-trach-nhiem-tat-ca-chung-ta/6315176.html

Tuesday, November 16, 2021

Biden ký luật xây dựng hạ tầng cơ sở lịch sử

Biden ký luật xây dựng hạ tầng cơ sở lịch sử, $1.2 ngàn tỷ November 15, 2021 WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Joe Biden hôm Thứ Hai, 15 Tháng Mười Một, ký thành luật xây dựng hạ tầng cơ sở trị giá $1.2 ngàn tỷ bị đình trệ từ lâu, đây một phần không thể thiếu trong chương trình nghị sự kinh tế của ông và là khoản đầu tư lớn nhất vào các các công trình giao thông bị hư hỏng trong nhiều thập niên, theo Reuters. Dự luật còn bao gồm khoảng $555 tỷ chi tiêu vào các dự án cơ sở hạ tầng “cốt lõi” như đường xá, Internet Broadband và các trạm sạc xe điện trong vòng 8 năm tới. Các giới chức hành pháp và dân cử Quốc Hội Dân Chủ chứng kiến Tổng Thống Joe Biden ký luật xây dựng hạ tầng cơ sở lịch sử trị giá $1.2 ngàn tỷ. (Hình: Alex Wong/Getty Images) Toà Bạch Ốc xem biện pháp này là “khoản đầu tư một lần trong một thế hệ” và dự kiến sẽ tạo ra hai triệu việc làm mới. Hạ viện đã thông qua dự luật vào ngày 5 Tháng Mười Một trong một cuộc bỏ phiếu tỷ lệ 228-206, với 13 đảng viên Cộng Hòa đồng ý với phía Dân Chủ. Kết quả bỏ phiếu kết thúc nhiều tuần đàm phán qua lại giữa các nhà lập pháp ôn hòa và cấp tiến, những người muốn kết hợp dự luật cơ sở hạ tầng nhỏ hơn với một kế hoạch thuế và chi tiêu lớn hơn nhằm bảo đảm việc thành phần Dân Chủ trung dung ủng hộ cả hai dự luật. Riêng Thượng Viện đã thông qua luật trong cuộc bỏ phiếu 69-30 vào Tháng Tám. “Đây là một kết quả thật khó khăn, nhưng chúng ta vẫn có thể hợp tác để hoàn thành một điều gì đó to lớn cho người dân Mỹ,” Tổng Thống Biden lên tiếng trong buổi lễ ký thông qua. “Luật xây dựng lại hạ tầng cơ sở này sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới, cũng như phát triển nền kinh tế. Nước Mỹ sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế thế giới mà chúng ta đang tham gia với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới trong thế kỷ 21,” tổng thống nhấn mạnh. Kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở là trọng điểm chính sách của Tổng Thống Joe Biden. (Hình: Alex Wong/Getty Images) Dưới đây là các chương trình tài trợ chính trong luật hạ tầng cơ sở. Ngân khoản hạ tầng cơ sở giao thông vận chuyển: $312 tỷ – Cầu đường, dự án xây dựng lớn: $109 tỷ – An toàn: $11 tỷ – Phương tiện công cộng: $49 tỷ – Đường sắt chở khách và hàng hóa: $66 tỷ – Xe điện: $7.5 tỷ – Xe buýt điện/trạm xe: $7.5 tỷ – Kết nối lại cộng đồng: $1 tỷ – Phi trường: $25 tỷ Tổng Thống Joe Biden và Phó Tổng Thống Kamala Harris bày tỏ vui mừng về luật xây dựng hạ tầng cơ sở trị giá $1.2 ngàn tỷ. (Hình: Alex Wong/Getty Images) – Cảng và bảo quản đường thủy: $16 tỷ – Tài trợ cơ sở hạ tầng: $20 tỷ Ngân sách hạ tầng cơ sở lãnh vực đa dạng khác: $266 tỷ – Hệ thống cấp nước: $55 tỷ – Internet Broadband: $65 tỷ – Xử lý môi trường: $21 tỷ – Điện, bao gồm cơ quan quản lý lưới điện: $73 tỷ – Dự trữ lượng nước miền Tây: $5 tỷ – Phục hồi cộng đồng trước thiên tai: $47 tỷ (MPL) [kn] Source: https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/tt-biden-ky-luat-xay-dung-ha-tang-co-so-lich-su-tri-gia-1-2-ty/

Sunday, November 14, 2021

What world leaders agreed to — and what they didn't — at the UN climate summit

Climate activists filled the streets of Glasgow, Scotland throughout the two-week COP26 summit, demanding world leaders keep the planet to the crucial 1.5 degree Celsius threshold.
Developing nations came to the COP26 climate summit hoping for help with the losses they're already experiencing from climate change. Many are leaving disappointed. Jeff J Mitchell/Getty Images Here's what world leaders agreed to — and what they didn't — at the UN climate summit November 13, 20213:39 PM ET World leaders signed off on a new climate change agreement after two weeks of intense negotiations in Glasgow, Scotland. While some countries committed to more ambitious cuts to heat-trapping pollution, many nations did not agree to rein in emissions fast enough for the world to avoid the worst damage from climate-driven storms, heat waves and droughts. Still, the summit's progress means that goal could still be within reach, experts say — if countries follow through on their promises. The agreement was built from compromises on many fronts, including a last minute effort by India to weaken efforts to phase-out coal. Still, it broke new ground in creating a worldwide consensus to transition away from fossil fuels and to speed up countries' ambitions to cut emissions faster. As negotiators met in closed-door sessions, thousands of activists filled the streets to remind them the world has less than a decade to get greenhouse gases under control. Emissions need to fall around 45% by 2030 to give the world a chance of limiting warming to 1.5 degrees Celsius by 2100 (2.7 degrees Fahrenheit). Instead, they're expected to rise almost 14% over the next nine years. "The negotiations have been far from easy," said COP26 President Alok Sharma. "Each and every one of you and the nations you represent have stepped here in Glasgow, agreeing to do what it takes to keep 1.5 alive." After four years of absence under former President Trump, the U.S. sought to regain its climate credibility at these talks, urging other nations to be more ambitious while trying to ensure its own policies aren't killed by a divided Congress. Developing countries, already suffering damage from more intense hurricanes and droughts, made a unified plea for climate justice. Richer countries are responsible for the bulk of climate emissions, they said, but poorer countries are suffering the most. In the end, they were among the most disappointed as COP26 ended, leaving mostly with promises that their pleas would be addressed in the future. "For us, this is a matter of survival," said Aminath Shauna, Minister of Environment, Climate Change and Technology of the Maldives. "Please do us the courtesy to acknowledge that it does not bring hope to our hearts but serves as yet another conversation where we put our homes on the line, while those who have other options decide how quickly they want to act to save those who don't." What didn't happen: nations still aren't cutting emissions fast enough As the start of COP26 approached on Oct. 31, major polluting countries released a flurry of new pledges about future emissions cuts. India, a state heavily reliant on coal power, agreed to reach net-zero emissions by 2070. Saudi Arabia pledged to go net-zero by 2060, and Brazil announced 2050. More than 100 countries signed a pledge at the summit to cut methane emissions 30% by 2030. The potent greenhouse gas has 80 times the heat-trapping power of carbon dioxide when first emitted into the atmosphere. Another coalition of countries agreed to halt deforestation by 2030, including the heavily-forested nations of Brazil and Russia. China, the world's largest emitter of greenhouse gases, held firm to its plan allowing emissions to rise until 2030, eventually declining to net-zero by 2060. But in a surprise announcement, the U.S. and China agreed to work together to "strengthen and accelerate climate action and cooperation" in the near-term. "It's the first time China and the United States have stood up — the two biggest emitters in the world — and said, 'We're going to work together to accelerate the reduction,' " Kerry told NPR. Still added together, the pledges will not reduce emissions fast enough to keep the world within the crucial limit of 1.5 degrees Celsius by 2100, as agreed to in the Paris climate talks. Instead, the world would be on track for 1.8 degrees Celsius of warming, according to an analysis from the International Energy Agency. 1.8 degrees Celsius is an improvement over the previous pledges. But it depends entirely on countries following through on their promises, and many have provided few concrete details. Even with past commitments, many governments haven't backed up words with actions. Based on what countries are currently doing on the ground, the world is headed toward 2.7 degrees Celsius of warming, or almost 5 degrees Fahrenheit. What did happen: countries agreed to speed up their climate planning The Glasgow summit marked a major moment for global action — it was the first time nations updated their plans to limit emissions since the historic Paris agreement in 2015. Generally, countries have agreed to release new plans, known as "nationally determined contributions," every 5 years. But with current climate commitments falling short, many developing countries advocated for speeding up that schedule, arguing that waiting another 5 years would mean crucial time is lost. Coalitions of poorer nations, like the Climate Vulnerable Form, urged richer countries to come back with stronger pledges every year to cut their emissions. "The safety of my children and yours hangs in the balance," said Marshall Islands climate envoy Tina Stege in the final days of negotiations. "It's time for us to level up. We need to keep returning to the table." China was one of several delegations heavily reliant on fossil fuels that pushed back on that idea, urging that countries be given "space and time" to decide on and implement their climate plans. In the end, the final agreement held as firmly as a consensus agreement can on speeding up progress, saying it "requests" countries "revisit and strengthen" their plans by 2022. Some climate experts say, while it's not binding, it at least keeps political pressure on major emitters in the near-term. Developing nations argued, at the very least, a COP26 agreement could establish a fund, or "facility" in United Nations jargon, with details to be worked out in the years to come. But in negotiations, the idea ran into a brick wall. Wealthier countries, including the U.S., didn't support it. Instead, the final compromise is that discussions, named the "Glasgow dialogue," will begin between nations about how loss and damage funding might work. Countries also agreed to provide more "technical assistance" for loss and damage issues by supporting the Santiago Network, a U.N. entity created in 2019 to provide advice and guidance for developing countries to minimize damage from climate change. With 2 million people at risk of starvation in Kenya due to an extreme drought this year, Keriako Tobiko of the country's Ministry of Environment and Forestry called the compromise a disappointment. "What we have in mind is not giving money to consultants to fly around and to come educate us, teach us about what loss and damage is," he says. What did happen: the world agreed to phase out fossil fuels... sort of World leaders have met 26 times since the 1990s to hash out complex climate agreements. While COP delegates have called for increased use of cleaner energy sources, they've shied away from explicitly calling on the world to stop using fossil fuels. Oil-and-coal-producing countries, like Saudi Arabia and Australia, have historically objected to any mention of phasing them out. But scientists warn that to limit warming to 1.5 degrees Celsius, at least 90% of coal reserves and 60% of oil and gas reserves must stay underground by 2050. As early drafts of the COP26 agreement were released, climate activists were thrilled to see that it urged countries to "accelerate the phasing-out of coal and subsidies for fossil fuels." In negotiations, the U.S. spoke out about ending subsidies for oil and gas at home. "That's the definition of insanity," Kerry said. "We're allowing [it] to feed the very problem we're here to try to cure." In later drafts, the language was tweaked to reference phasing out "unabated" coal power and "inefficient" subsidies. That opens the door for some coal power to remain, if its emissions are captured before reaching the atmosphere. China, Iran, South Africa, India and Nigeria still opposed it, arguing that developing countries have a right to use fossil fuels as richer countries have done. What didn't happen: wealthier countries still haven't provided $100 billion Developing countries arrived at the Glasgow summit deeply distrustful of a process that has done little, over the decades, to match the urgency of the climate threat--and the damage they're already enduring. Twelve years ago, wealthier countries like the U.S. promised to provide $100 billion in "climate finance" — funding to help vulnerable nations reduce their emissions with renewable energy, cleaner transportation and other projects. The money is also earmarked for adaptation projects to help communities protect themselves from climate impacts like storms and sea level rise. By 2020, richer nations pledged to provide that amount annually through both government and the private sector, but so far, have fallen short of that goal. In 2019, countries hit about $80 billion in climate finance. Much of that funding came in the form of loans, instead of grants, which developing countries say further strains their climate efforts as they struggle to repay them. The majority of the funding has also gone to emissions reductions projects, commonly called "mitigation." Countries with fewer resources say that's left a major shortfall in adaptation funding, which helps prevent damage from future climate disasters. The U.S., Japan, Norway, Sweden and others announced new climate finance pledges this year, but the $100 billion goal is still elusive and likely won't be met until 2022 or 2023. That amount is also far below the need. A U.N. report estimates that funding for climate adaptation should be five to 10 times greater than what's being spent now. To help fill that gap, negotiators from a group of African nations tried to focus countries on a climate finance goal beyond $100 billion. In early drafts, the agreement included a number: at least $1.3 trillion annually by 2030, with half dedicated to adaptation projects. In the final compromise, countries agreed to begin a two-year work plan ending in 2024 to settle on how climate finance will ramp up to meet the needs of the most vulnerable nations in the future. In the meantime, developed countries agreed to collectively double funding for climate adaptation projects by 2025. "It is inexcusable that developed countries failed to meet their commitment to deliver $100 billion annually starting in 2020 even as they provide hundreds of billions of dollars in subsidies for fossil fuels each year," said Ani Dasgupta, President of the World Resources Institute, in a statement. Source: https://www.npr.org/2021/11/13/1055542738/cop26-climate-summit-final-decision

Friday, November 12, 2021

The U.N. chief says the main global warming goal is on 'life support'

November 11, 202112:40 PM ET The Associated Press The U.N. chief says the main global warming goal is on 'life support' Alberto Pezzali/AP GLASGOW, Scotland — United Nations Secretary-General Antonio Guterres says the goal of limiting global warming to 1.5 degrees Celsius (2.7 F) is "on life support" as U.N. climate talks enter their final days, but he added that "until the last moment, hope should be maintained." In an exclusive interview on Thursday with The Associated Press, Guterres said the negotiations set to end Friday in Glasgow, Scotland, will "very probably" not yield the carbon-cutting pledges he has said are needed to keep the planet from warming beyond the 1.5-degree threshold. So far, the talks have not come close to achieving any of the U.N.'s three announced priorities for the annual conference, called COP26. One is cutting carbon emissions by about half by 2030 to reach the goal Guterres alluded to. The other two are getting rich countries to fulfill a 12-year-old pledge of providing $100 billion a year in financial climate aid to poor nations and ensuring that half of that amount goes to helping developing nations adapt to the worst effects of climate change. Subscribe to the Short Wave Podcast • NPR One • Apple Podcasts • Spotify • Google Podcasts • Amazon Alexa • RSS Guterres said the Glasgow talks "are in a crucial moment" and need to accomplish more than securing a weak deal that participating nations agree to support. "The worst thing would be to reach an agreement at all costs by a minimum common denominator that would not respond to the huge challenges we face," Guterres said. That's because the overarching goal of limiting warming since pre-industrial times to 1.5 degrees Celsius (2.7 F) by the end of the century "is still in reach but on life support," Guterres said. The world has already warmed 1.1 degrees Celsius (2 degrees Fahrenheit), leaving far less than a degree before the threshold is hit. Less than 36 hours from the scheduled close of the negotiations, Guterres said that if negotiators can't reach ambitious carbon-cutting goals — "and very probably it will not happen" — then national leaders would need to come up with new pledges next year and in 2023 during high-level meetings. He said it is "very important" that nations update their goals and send top leaders to the climate talks every year, at this point. However, Guterres would not say at what point he thinks the 1.5-degree goal would have to be abandoned. "When you are on the verge of the abyss, it's not important to discuss what will be your fourth or fifth step," Guterres said. "What's important to discuss is what will be your first step. Because if your first step is the wrong step, you will not have the chance to do a search to make a second or third one." Guterres said he agreed with youth climate activists — who have been a daily presence protesting in large numbers outside the climate talks, and at times inside — who called for the U.N. to term global warming a "climate emergency" of a high level and treat it as such. "For me, it is clear it is a climate emergency," Guterres said. "I have asked all member states to declare it, and I will be making sure that we mobilize the whole of the U.N. system based on the concept of a climate emergency." As terrible and tragic as the COVID-19 pandemic is, there's a way climate change is more of an emergency, Guterres said. "The pandemic is reversible. We have the tools and the instruments to stop it," he said. "Climate change is a global threat to the planet and to humankind. And for the moment, we have not yet all the tools and the instruments that we need to defeat it." And much of that comes down to money. The lack of movement on financial aid to poorer countries troubles Guterres, who later told negotiators the gap was a "glaring injustice." He said if he were the leader of a vulnerable small island or other endangered country he would be upset with what's not happening in Glasgow. "When I see trillions being spent by the developed world and at the same time, the suffering, the impacts of climate change more than in the global north, in hurricanes, in droughts that undermine the development of my country and the well-being of my citizens," Guterres said, putting himself in the shoes of an island leader. "I mean, it would be impossible in this situation not to feel an enormous frustration if the developed countries do not correspond to a number of basic commitments" on financial help. Peter Liese, a senior member of the European Parliament, said on Thursday he and fellow lawmakers would push for the $100 billion to be delivered "definitely next year." And that rich-poor split kept cropping up Thursday. Pushing back against the "narrative" of trying to limit warming to 1.5C put forward by rich countries, a group of developing nations said that rich countries were trying to shift the burden of combating climate change onto poorer nations. Talks are now at the point where two pathways were possible: one that was good for people and the planet, and the other that led to "carbon colonialism," said Bolivia's chief negotiator, Diego Pacheco Balanz. "We need to fight the developed countries against the carbon colonialism." Balanz was speaking on behalf of the negotiating block of developing nations that include countries from Africa, Latin America and Asia — with China and India among the latter. Guterres praised a Wednesday evening agreement between the United States and China to cut emissions this decade as a reason why he still hopes for some semblance of success in Glasgow. He said China indicating that it would seek to have its emissions going down before 2030 represented a key change in the top emitter's outlook. "I believe it will be very important that this agreement paves the way for other agreements," Guterres said in a 25-minute AP interview. But Guterres later told climate negotiators that "promises ring hollow when the fossil fuels industry still receives trillions in subsidies... or when countries are still building coal plants." "Every country, every city, every company, every financial institution must radically, credibly and verifiably reduce their emissions and decarbonize their portfolios starting now," Guterres told negotiators to loud applause. The U.N. chief said he hoped that two sticky issues that defied resolution for six years can be solved in Glasgow: creating workable markets for trading carbon credits and transparency that shows that promised pollution-reducing actions are real. Fresh drafts of the documents on regulating international cooperation to reduce greenhouse gas emissions, including the carbon markets section, were released overnight, as were new proposals containing various options for assessing and tracking financial aid for developing countries. The chair of this year's U.N. climate meeting called on negotiators from almost 200 countries to engage in "another gear shift" as they try to reach agreement on outstanding issues a day before the talks are scheduled to end. British official Alok Sharma said on Thursday that the drafts released overnight on a number of crunch topics "represent a significant step further toward the comprehensive, ambitious and balanced set of outcomes, which I hope parties will adopt by consensus at the end of tomorrow." Sharma said he was "under no illusion" that the texts being considered would wholly satisfy all countries at this stage but thanked negotiators for the "spirit of cooperation and civility" they had shown so far. "We are not there yet," he said, adding that he aimed to get a fresh draft of the overarching decision released early Friday. Source: https://www.npr.org/2021/11/11/1054772983/antonio-guterres-cop26-climate-change These researchers are trying to stop misinformation from derailing climate progress November 12, 20214:00 AM ET Sean Buchan has started every day of the past two weeks at his computer, tracking narratives about the COP26 U.N. climate summit. He looks for claims like one about the electric cars ferrying dignitaries around Glasgow being powered by diesel generators. That isn't true: the cars were recharged by generators burning lower-emission vegetable oil. "But that was subtly left out of the information when it was tweeted or posted, and it makes it seem like the whole of COP26 is running on diesel," Buchan said. "It's not false. But it is highly misleading." Buchan, an analyst at the British climate-advocacy group Stop Funding Heat, is part of a global team of activists and online researchers that has been tracking false and misleading claims about climate change while world leaders have met in Glasgow. The London-based Institute for Strategic Dialogue, which has long studied online extremism and terrorism, led the effort. "Climate is being co-opted into this universe of antigovernment sentiment. It's being weaponized by groups that have extremist or conspiracist affiliations," said Jennie King, a senior policy manager at ISD who coordinated the team. Her team's chief concern was that climate deniers and conspiracists alike would spread messages on social media that risked undermining the summit negotiations and, more broadly, global action to tackle climate change. Buchan and King say they've witnessed how online influence campaigns can thwart public policy. In 2009, climate scientists' emails were hacked ahead of another U.N. climate summit in Copenhagen. Climate deniers used the hack to manufacture a scandal known as "Climategate," fueling doubt in climate change and dealing a blow to the summit. In 2019, right-wing activists used social media to pressure European governments to drop their support for a U.N. global migration agreement by making it seem like opposition was widespread. In both cases, "we were able to look back and go, 'wow, all of this coordinated activity put some countries into doubt,'" Buchan said. "What we're trying to do is catch things like that before or while they happen, so we can maybe find a solution before it derails an entire agreement." Over the last year, ISD and its partners built what King calls an "early warning system: a set of dashboards to monitor climate discussions on Facebook, Twitter and other websites. Every day of the summit, analysts have been poring over the dashboards' constantly updating feeds of climate denialism, misleading memes and viral news articles. King has sent out daily email bulletins to hundreds of subscribers, including climate organizations, media outlets, scientists, and policy makers about the narratives gaining the most traction. Climate is now 'part of the culture wars,' says analyst King says before the summit started, she wondered whether she'd mainly see attacks on specific topics under negotiation, like carbon markets or curbing methane emissions. Instead, "climate has absolutely become part of the culture wars," she said. Many of the influencers the group has tracked are long-time climate deniers. Some are linked to the fossil fuel industry. But increasingly, they include figures who post online all kinds of hoaxes and conspiracies. And those who've long claimed that climate change is a pretext for government overreach are pointing to similar false claims about lockdowns to stop the spread of COVID-19 — both framed as auth orities' excuses to strip people of their freedom. "Language around things like climate lockdown is bleeding into spaces that were formed around anti-vax sentiment or around QAnon-affiliated arguments," King said. "These are not communities that were particularly interested or dedicated to climate to begin with, but they have found a way to connect those other world views or ideologies with fear about the future of climate change response." She says when misleading or outright false climate claims become embedded in this web of conspiracies, it makes them harder to fight. And that could hamper even more the world's ability to take big, bold action on a global crisis. https://www.npr.org/2021/11/12/1054850363/cop26-climate-summit-misinformation Source: https://www.npr.org/2021/11/12/1054850363/cop26-climate-summit-misinformation

Wednesday, November 10, 2021

Viếng mộ Chopin

Phan Thanh Lưu Mộ Chopin nằm trong nghĩa trang Père Lachaise thuộc thành phố Paris, trên sườn một cái gò mà người ta gọi là núi Louis (Mont Louis). Giữa những cây dương xỉ, những cây thông đỏ, cây acacia (cây keo), frêne (tần bì), và platane (ngô đồng) là một lối đi thẳng dẫn tới những ngôi mộ hẹp. Tiết thời đang vào thu mà vẫn thấy chim chóc đùa giỡn trong những tàng lá. Gió thổi văng vẳng bên tai như có tiếng nhạc than khóc, ảm đạm, rỉ rê. Phần đất này của thành phố, buồn, thuộc vào một thế giới của sự hủy diệt.
Trước khi đến mộ Chopin vài bước, du khách có thể đọc thấy đó đây, khắc trên đá hoặc trên những bảng đồng, những tên tuổi nổi tiếng cùng thời với Chopin: Lakanal (thành viên Hội Đồng Quốc Ước - "Convention Nationale"), Cherubini (giám đốc Nhạc viện), Habeneck (Sáng lập viên Hội Hòa nhạc thuộc Nhạc Viện), và Teresa Milanollo (nữ nhạc sĩ vĩ cầm trứ danh). Từ xa ta thấy mộ Chopin hiện ra, trắng và rõ nét. Một cái bệ cao đỡ bức tượng bằng cẩm thạch do Clésinger (chồng của Solange, con gái George Sand) thiết kế. Đó là một nữ thần nghệ thuật, tóc lưa thưa, mặt cúi xuống trong một tư thế u sầu, tay ôm hờ hững một cây đàn lia đứt dây. Ở phần trước của bệ là một tượng ảnh (médaillon) hình tròn chạm đầu Chopin. Ý tưởng của người thiết kế tượng đài là tốt, nhưng không đạt. Cái tượng ảnh phía trước thì ngày nay đã hỏng nhiều vì mưa gió, vì chùi rửa, hay vì những người hâm mộ đã sờ mó quá nhiều qua bao năm tháng. Cái công trình kỷ niệm đơn giản này là do những người quen biết và yêu mến Chopin lập nên, đứng đầu là Delacroix, nhà họa sĩ tiếng tăm và là bạn thân của Chopin, để chứng tỏ sự nuối tiếc và yêu thương, chứ không phải để chứng tỏ sự vinh quang và tài năng của người nhạc sĩ lớn. Không phải toàn thân xác của Chopin đã được chôn ở Père Lachaise, riêng quả tim đã được lấy ra mang về Ba Lan theo ước nguyện riêng và được cất giữ trong nhà thờ Thánh Thập Tự Giá ở Varsovie (Warszawa) Ngày đám tang, từ quảng trường Vendôme (nơi Chopin cư ngụ trong hai tháng cuối cùng) đến nhà thờ Madeleine, rồi từ Madeleine đến nghĩa trang Père Lachaise, những người học trò và bạn bè, những người hâm mộ, trong sự xúc động đau buồn, đã tiễn đưa không phải một thân xác bất động hay một nhân vật, mà là một con người mà tác phẩm đã biểu dương và khích lệ những tình cảm và ước mơ của họ. Từ đó, biết bao người đã đến nghiêng mình trước ngôi mộ này, đến từ mọi miền xa xôi của thế giới. Đầy thương cảm và biết ơn, kẻ hành hương cảm thấy như gần gũi hơn với người đã đem lại cho mình sự say sưa và niềm an ủi. Nhờ vào ma lực của những kiệt tác của Chopin, kẻ hành hương như cảm thấy mình sở hữu được tất cả mọi thứ có thể tưởng tượng được, cái thực thì dịu nhẹ đi hay đẹp hơn lên, cái không thực thì trở thành huy hoàng lộng lẫy. Kẻ hành hương như nghe được những âm hưởng thống thiết dưới những thể dạng rực rỡ, và hiểu những âm hưởng ấy. Những sự đốt cháy hay những dằn vặt khoắc khoải của xác thịt, sự dữ dội hay bạc nhược, hạnh phúc hay khổ đau, những thứ đó Chopin đã cảm thấy và thể hiện ra. Nghệ thuật của Chopin rất con người, trực tiếp không qua trung gian, không có gì mập mờ huyền ảo. Nó đập thẳng vào trí năng và sự nhạy cảm, bằng một thứ ngôn ngữ mà dân tộc nào cũng hiểu và ngưỡng mộ, bao lâu mà mỗi con người còn có khả năng cảm thấy cái đẹp, còn khóc, còn yêu. Và kẻ hành hương nhận thấy Chopin đã không có một ngôi mộ xứng đáng với sự vinh quang của ông. Chopin không phải chỉ là một đứa con của đất nước Ba Lan(*), một đại biểu, một người bảo vệ cho đất nước ấy, mà là một thiên tài của cả thế giới. Đáng lẽ ra tro tàn của ông phải nằm trong một đền đài hoành tráng trên một đỉnh núi để cho ánh rạng đông chiếu lên sự bất tử trong ký ức muôn đời của nhân loại. Chopin mất ngày 17/10/1849, khi 39 tuổi. Đầu năm đó ông từ Anh quốc trở về Paris trong một tâm trạng buồn bã. Chuyến đi Anh mặc dầu thành công nhưng không được thỏa mãn như ông mọng đợi. Bệnh lao phổi tái phát. Ông đi Anh cũng là để khuây khỏa nỗi lòng, nỗi buồn chưa nguôi do cuộc tình chấm dứt với George Sand hai năm trước đó. Cuộc tình này đã kéo dài trong chín năm, hạnh phúc có nhưng ưu phiền cũng nhiều. Khi bắt đầu cuộc tình, chàng 28 tuổi, nàng đã 34. George Sand là một nữ văn sĩ đã thành danh, vừa mới li dị chồng và có hai con, đầy cá tính, quyết đoán, và tiến bộ trước thời đại. Chopin lúc đó đã bắt đầu nổi danh trong môi trường nghệ sĩ và giới quý tộc Paris, nhưng đang buồn vì một mối tình thất bại với Marie Wodzinski, một thiếu nữ đồng hương mà Chopin đặt nhiều kỳ vọng vào. Dự định kết hôn với Marie không thành vì bố của Marie lo ngại tình trạng sức khỏe của Chopin (Chopin đã có một người em gái chết vì lao phổi ở tuổi 14). Mối tình với George Sand có nhiều sóng gió vì một lẽ thường : cuộc sống chung của hai nhân tài là không dễ chút nào. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong Chuyện Đời Tôi ( Histoire de ma Vie) của George Sand, thuật lại khi bà đem Chopin cùng hai đứa con mình sang nghỉ dưỡng mùa đông tại đảo Mallorca (Tây Ban Nha), khi họ ngụ trong một tu viện cũ : « Người nghệ sĩ lớn đáng thương ấy là một bệnh nhân khó chịu. Điều mà tôi e ngại đã đến. Anh ấy hoàn toàn mất tinh thần. Anh thường chịu đau đớn một cách khá dũng cảm, nhưng anh không chiến thắng được sự lo âu trong trí tưởng tượng của mình. Đối với anh, tu viện chứa đầy ma quái khủng khiếp, ngay cả những khi anh khỏe hơn. Anh không nói ra, nhưng ta phải đoán. Mỗi lần ban đêm khi tôi dẫn mấy đứa con tôi đi dạo thám hiểm những tàn tích chung quanh trở về, khoảng mười giờ đêm, tôi thấy anh ngồi trước đàn piano, mặt tái xanh, mắt hoảng hốt, tóc như dựng đứng. Phải mấy chốc anh mới nhận ra chúng tôi. Sau đó anh gắng gượng cười và đánh cho chúng tôi nghe những khúc nhạc tuyệt vời mà anh vừa sáng tác, hay nói đúng hơn, những ý tưởng khủng khiếp, xâu xé, vừa xâm chiếm lấy anh mà anh không hay, trong cái giờ phút cô đơn, buồn bã, kinh hoàng ấy. Chính lúc đó anh đã sáng tác những trang nhạc ngắn và đẹp nhất của anh mà anh gọi một cách khiêm tốn là những prélude. Đó là những tuyệt tác. Nhiều bài đã diễn tả thành ý tưởng những ảo mộng của những tu sĩ đã chết và cho ta nghe thấy những tiếng ca cất lên trong lúc mai táng; một số bài khác thì buồn dịu dàng, những bài này anh làm vào những ngày có nắng khi anh khỏe, trong tiếng cười của bọn trẻ dưới cửa sổ, giữa tiếng đàn ghi-ta vọng lại từ xa, và tiếng chim trong tàng lá còn ướt. Những bài khác nữa thì buồn ủ ê, mê hoặc đôi tai mà làm ủ rũ con tim. Có một bài đến với anh trong một buổi tối trời mưa lê thê làm lòng tê tái. Hôm đó, khi chúng tôi rời nhà thì anh còn khỏe, chúng tôi để anh ở nhà vì Maurice (con trai George Sand) và tôi cần đi Palma mua mấy thứ cần thiết. Rồi mưa đến như thác đổ. Khi trở về, chúng tôi đi bốn cây số trong sáu tiếng, đường xá ngập lụt, về đến nhà là nửa đêm, phải bỏ xe cộ, dày giép, vượt qua bao nguy hiểm chưa từng thấy. Chúng tôi vội vàng vì lo cho anh đang bị bệnh ở nhà. Khi thấy chúng tôi bước vào nhà, anh đứng hẳn dậy và la lên, rồi nói với chúng tôi với vẻ ngơ ngác, giọng lạ lùng : « À, biết mà ! Biết các người đã chết ! ». Khi hoàn hồn lại, và nhìn thấy tình trạng chúng tôi thì anh mới ý thức cảnh tượng những nguy hiểm của chúng tôi. Sau đó anh thú nhận rằng trong lúc chờ chúng tôi về, anh đã nhìn thấy tất cả những điều đó trong một giấc mơ và không phân biệt giữa mộng và thực, anh đã lịm dần trước đàn piano, tưởng là mình đã chết. Anh thấy mình chết đuối trong một ao hồ; những giọt nước nặng và lạnh rơi đều đều trên lồng ngực, và khi tôi chỉ cho anh nghe những giọt nước ấy thật sự là những giọt mưa rơi đều đều trên mái nhà thì anh tưởng như đã nghe những giọt nước ấy rồi. Anh tức giận khi tôi mô tả điều đó bằng từ “hòa âm mô phỏng”. Anh hết sức phản đối, xem sự mô phỏng đó là trẻ con đối với tai nghe, và anh có lý. Thiên tài của anh là những hòa âm bí ẩn của thiên nhiên, được diễn tả thành những cái tương đương huyền diệu trong ý tưởng âm nhạc, chứ không phải bằng sự lập lại nguyên vẹn những âm thanh ngoại lai. Sáng tác của anh đêm ấy đầy những giọt mưa nhỏ trên những viên ngói vang dội của tu viện, nhưng những giọt mưa ấy được diễn tả trong trí tưởng tượng của anh và trong tiếng nhạc của anh bằng những giọt nước mắt rơi từ trời xuống lòng anh.” George Sand còn nói thêm: “Tính anh là như vậy đó trong tất cả mọi sự. Có lúc anh nhạy cảm đối với những ngọt ngào của thương yêu, có lúc anh hờn dỗi mấy ngày liền, mấy tuần liền, vì sự vụng về của một ai đó vô tình hay do những sự phật ý nhỏ nhặt trong cuộc sống thực. Cái lạ lùng là một nỗi đau lớn không làm anh tan nát bằng một sự đau nhỏ không đâu. Hình như anh không có sức để hiểu nó trước khi cảm nhận nó. Chiều sâu những xúc cảm của anh không liên quan đến những nguyên nhân. Về sức khỏe thảm hại của anh, anh hùng dũng chấp nhận nó trong những khi có nguy cơ thật sự, nhưng lại tự dày vò một cách tội nghiệp trong những biến chuyển không quan trọng. Đó là thực tế và số mệnh của tất cả những người mà hệ thần kinh phát triển thái quá. Với sự đa cảm thái quá về những chi tiết, anh rất sợ tai họa, anh cần có sự thoải mái tinh tế, dĩ nhiên Mallorca làm anh hãi hùng sau mấy ngày bị bệnh… Thời gian ở tu viện Valdemosa là một cực hình đối với anh và là một sự dày vò đối với tôi. Anh dịu dàng, vui vẻ hồn nhiên, thích thú trong đời thường, nhưng khi đau ốm thì khó chịu đối với người thân. Không tâm hồn nào cao thượng hơn, tế nhị hơn, vô tư hơn anh; không sự giao thiệp nào chung thủy và trung thực hơn; không tinh thần nào tươi sáng hơn trong niềm vui, không trí tuệ nào nghiêm túc và chu toàn trong lĩnh vực chuyên môn của mình bằng anh; nhưng trái lại, than ôi, không tính khí nào lại bất thường bằng, không sự tưởng tượng nào lại u ám và hoang tưởng bằng, không ai dễ hờn dỗi và khó làm thỏa mãn bằng anh. Mà tất cả những thứ đó không là do lỗi của anh. Đó là do bệnh của anh mà ra. Tinh thần anh bị bóc trần. Một cánh hoa dập, bóng một con ruồi, đủ làm anh chảy máu. Ngoài tôi và các con tôi ra, mọi thứ đều đáng ghét, đều tệ hại đối với anh dười bầu trời Tây Ban Nha”. Mặc dầu hai người thuộc loại lãng mạn đa tình, nhưng tính tình và sở thích lại rất khác nhau. Trong chín năm George Sand đã chăm sóc Chopin như một người mẹ. Và sự chấm dứt cuộc tình đã để lại nhiều đau thương, nhất là cho Chopin. Chopin đến Pháp năm 21 tuổi (1831), rời Ba Lan giữa lúc đất nước này đang bị Nga xâm chiếm. Người thanh niên tài ba nặng lòng với âm nhạc phải dứt áo ra đi, để trau dồi nghệ thuật, và cần đến những thành phố văn hóa lớn của Âu châu để phát triển và thi thố tài năng. Trước khi đến Paris Chopin đã hoàn thành những tác phẩm chủ yếu của mình, nhưng không một thời kỳ nào trong lịch sử văn nghệ của Pháp đã nở rộ và sôi sục nhân tài bằng những năm 1820-1850 dưới triều vua Louis Philippe. Paris là nơi quy tụ nhân tài: Chateaubriand, Alfred de Vigny, Musset, Lamartine, Victor Hugo, Stendahl, Saint-Beuve, Heinrich Heine trong văn học; Delacroix, Ary Scheffer, Delaroche, Horace Vernet, Jean-Baptiste và Eugène Isabey, trong hội họa; Alkan, Aubert, Meyerbeer, Berlioz, Habeneck, Listz, Rossini, Kalkbrenner, trong âm nhạc. Đó là giữa thời kỳ lãng mạn. Chopin rơi vào một trung tâm văn hóa văn nghệ có một không hai. Dân Paris lại quan tâm nhiều đến những cuộc đấu tranh nổi dậy bên Ba Lan và chia sẻ những uất ức và hăng hái của dân Ba Lan trong những cuộc hội họp biểu tình. Nơi Chopin chỉ có hai thứ tình: tình yêu và lòng yêu nước. Hai thứ tình đó suốt đời đã dày vò ông. Nhạc Chopin là một sự bùng nổ của tình cảm, bắt nguồn từ hai yếu tố cơ bản đó. Ông đưa vào tác phẩm của mình tất cả những gì khích lệ tổ quốc ông. Ông ca tụng tổ quốc ông trong những bản scherzo và ballade, ông bảo vệ tổ quốc bằng những bản polonaise, làm người khác yêu mến tổ quốc ấy bằng những điệu dân ca trong những mazurka. Chất thơ và sự nhạy cảm slave lan tỏa trong khắp những tác phẩm của ông. Bao trùm con người và nhạc của Chopin là sự thanh nhã, thanh nhã đến tột độ. Tính quá nhạy cảm làm cho ông khó bằng lòng với những thực tại thô thiển cách xa những điều kiện lý tưởng; điều này cũng làm cho sức khỏe của ông vốn yếu đuối trở thành mối lo lắng thường xuyên. Kỳ vọng và ước mơ không thực hiện được. Tất cả những điều đó là lý do thảm kịch cuộc đời của Chopin. Và Chopin đã bộc lộ tất cả những điều đó qua nhạc của mình. Chopin không phải là một nhạc sĩ dương cầm xuất chúng theo nghĩa thông thường. Công chúng của ông không phải là đám đông chung đụng của những buổi hòa nhạc công cộng, môi trường của ông là những buổi hội họp thân mật ấm cúng, những salon. Ông có một cách chơi dương cầm hết sức quyến rũ. Như Listz nói, những người chưa nghe Chopin chơi thì không thể nào hiểu được cái sức quyến rũ xuyên thấu, tinh tế của chất thơ không thể tả đó. Chopin không có cái tầm cỡ của Bach, Haendel, Mozart và Beethoven. Nếu khả năng tri thức không làm ông thực hiện được những gì mà những thiên tài kia đã làm, thì sự nhạy cảm tinh tế và sự tưởng tượng lãng mạn đã khiến ông thực hiện được những gì mà những thiên tài kia không làm được. Chopin đã đưa vào âm nhạc những yếu tố mới, khởi xướng những phương tiện diễn đạt để truyền tải và phân định tách bạch những tâm trạng và cảm xúc, những sắc thái của cảm xúc, những thứ mà trước thời Chopin là thuộc địa hạt của những cái không được diễn tả và không thể diễn tả. Có thể nói trong số những nhà soạn nhạc có tiếng từ ngày ông chết, không ai là không chịu ảnh hưởng ít nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp, có ý thức hoặc vô thức, bởi thiên tài sáng tạo này. Sự xuất hiện của Chopin là một hiện tượng tuyệt vời đã tạo một hiệu ứng mạnh lên Schumann. Listz chắc chắn cũng chịu ảnh hưởng của Chopin mặc dầu hai người có tính khí hoàn toàn khác nhau. Thế mà sự quan trọng của Chopin trong lịch sử âm nhạc chưa được đánh giá đúng mức; trong một thời gian dài người ta đã xem Chopin chỉ như một món khai vị trong thực đơn âm nhạc thế giới. Từ năm 1927, giải Chopin về piano được tổ chức tại Varsovie mỗi 5 năm một lần để nhắc nhở thế giới về kho châu báu của mình là nhạc Chopin. Năm nay (2021) điều đáng chú ý là người được giải nhất Bruce Xiaoyu Liu và giải sáu J.J. Jun Li Bui đều là học trò của Đặng Thái Sơn, người Việt Nam đã đạt giải nhất năm 1980 (cả ba thầy trò đều là công dân Canada). Lẽ dĩ nhiên nhạc Chopin không phải là thứ nhạc mà mọi người đều yêu thích, và sẽ không bao giờ trở thành “đại chúng”. Để thấm thía nhạc ấy, ta phải có chút gì như bản chất của tác giả, chút gì tinh tế nhạy bén và tưởng tượng lãng mạn. Để hiểu Chopin ta cần biết đôi chút về cuộc đời ông. Nhạc của ông là tiếng vọng lên trời của những gì ông đã cảm xúc, đã yêu, đã đau khổ. Paris, mùa tảo mộ, tháng 11/2021 Phan Thanh Lưu Source: https://www.diendan.org/sang-tac/vieng-mo-chopin Trước khi đến mộ Chopin vài bước, du khách có thể đọc thấy đó đây, khắc trên đá hoặc trên những bảng đồng, những tên tuổi nổi tiếng cùng thời với Chopin: Lakanal (thành viên Hội Đồng Quốc Ước - "Convention Nationale"), Cherubini (giám đốc Nhạc viện), Habeneck (Sáng lập viên Hội Hòa nhạc thuộc Nhạc Viện), và Teresa Milanollo (nữ nhạc sĩ vĩ cầm trứ danh). Từ xa ta thấy mộ Chopin hiện ra, trắng và rõ nét. Một cái bệ cao đỡ bức tượng bằng cẩm thạch do Clésinger (chồng của Solange, con gái George Sand) thiết kế. Đó là một nữ thần nghệ thuật, tóc lưa thưa, mặt cúi xuống trong một tư thế u sầu, tay ôm hờ hững một cây đàn lia đứt dây. Ở phần trước của bệ là một tượng ảnh (médaillon) hình tròn chạm đầu Chopin. Ý tưởng của người thiết kế tượng đài là tốt, nhưng không đạt. Cái tượng ảnh phía trước thì ngày nay đã hỏng nhiều vì mưa gió, vì chùi rửa, hay vì những người hâm mộ đã sờ mó quá nhiều qua bao năm tháng. Cái công trình kỷ niệm đơn giản này là do những người quen biết và yêu mến Chopin lập nên, đứng đầu là Delacroix, nhà họa sĩ tiếng tăm và là bạn thân của Chopin, để chứng tỏ sự nuối tiếc và yêu thương, chứ không phải để chứng tỏ sự vinh quang và tài năng của người nhạc sĩ lớn. Không phải toàn thân xác của Chopin đã được chôn ở Père Lachaise, riêng quả tim đã được lấy ra mang về Ba Lan theo ước nguyện riêng và được cất giữ trong nhà thờ Thánh Thập Tự Giá ở Varsovie (Warszawa) Ngày đám tang, từ quảng trường Vendôme (nơi Chopin cư ngụ trong hai tháng cuối cùng) đến nhà thờ Madeleine, rồi từ Madeleine đến nghĩa trang Père Lachaise, những người học trò và bạn bè, những người hâm mộ, trong sự xúc động đau buồn, đã tiễn đưa không phải một thân xác bất động hay một nhân vật, mà là một con người mà tác phẩm đã biểu dương và khích lệ những tình cảm và ước mơ của họ. Từ đó, biết bao người đã đến nghiêng mình trước ngôi mộ này, đến từ mọi miền xa xôi của thế giới. Đầy thương cảm và biết ơn, kẻ hành hương cảm thấy như gần gũi hơn với người đã đem lại cho mình sự say sưa và niềm an ủi. Nhờ vào ma lực của những kiệt tác của Chopin, kẻ hành hương như cảm thấy mình sở hữu được tất cả mọi thứ có thể tưởng tượng được, cái thực thì dịu nhẹ đi hay đẹp hơn lên, cái không thực thì trở thành huy hoàng lộng lẫy. Kẻ hành hương như nghe được những âm hưởng thống thiết dưới những thể dạng rực rỡ, và hiểu những âm hưởng ấy. Những sự đốt cháy hay những dằn vặt khoắc khoải của xác thịt, sự dữ dội hay bạc nhược, hạnh phúc hay khổ đau, những thứ đó Chopin đã cảm thấy và thể hiện ra. Nghệ thuật của Chopin rất con người, trực tiếp không qua trung gian, không có gì mập mờ huyền ảo. Nó đập thẳng vào trí năng và sự nhạy cảm, bằng một thứ ngôn ngữ mà dân tộc nào cũng hiểu và ngưỡng mộ, bao lâu mà mỗi con người còn có khả năng cảm thấy cái đẹp, còn khóc, còn yêu. Và kẻ hành hương nhận thấy Chopin đã không có một ngôi mộ xứng đáng với sự vinh quang của ông. Chopin không phải chỉ là một đứa con của đất nước Ba Lan(*), một đại biểu, một người bảo vệ cho đất nước ấy, mà là một thiên tài của cả thế giới. Đáng lẽ ra tro tàn của ông phải nằm trong một đền đài hoành tráng trên một đỉnh núi để cho ánh rạng đông chiếu lên sự bất tử trong ký ức muôn đời của nhân loại. Chopin mất ngày 17/10/1849, khi 39 tuổi. Đầu năm đó ông từ Anh quốc trở về Paris trong một tâm trạng buồn bã. Chuyến đi Anh mặc dầu thành công nhưng không được thỏa mãn như ông mọng đợi. Bệnh lao phổi tái phát. Ông đi Anh cũng là để khuây khỏa nỗi lòng, nỗi buồn chưa nguôi do cuộc tình chấm dứt với George Sand hai năm trước đó. Cuộc tình này đã kéo dài trong chín năm, hạnh phúc có nhưng ưu phiền cũng nhiều. Khi bắt đầu cuộc tình, chàng 28 tuổi, nàng đã 34. George Sand là một nữ văn sĩ đã thành danh, vừa mới li dị chồng và có hai con, đầy cá tính, quyết đoán, và tiến bộ trước thời đại. Chopin lúc đó đã bắt đầu nổi danh trong môi trường nghệ sĩ và giới quý tộc Paris, nhưng đang buồn vì một mối tình thất bại với Marie Wodzinski, một thiếu nữ đồng hương mà Chopin đặt nhiều kỳ vọng vào. Dự định kết hôn với Marie không thành vì bố của Marie lo ngại tình trạng sức khỏe của Chopin (Chopin đã có một người em gái chết vì lao phổi ở tuổi 14). Mối tình với George Sand có nhiều sóng gió vì một lẽ thường : cuộc sống chung của hai nhân tài là không dễ chút nào. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong Chuyện Đời Tôi ( Histoire de ma Vie) của George Sand, thuật lại khi bà đem Chopin cùng hai đứa con mình sang nghỉ dưỡng mùa đông tại đảo Mallorca (Tây Ban Nha), khi họ ngụ trong một tu viện cũ : « Người nghệ sĩ lớn đáng thương ấy là một bệnh nhân khó chịu. Điều mà tôi e ngại đã đến. Anh ấy hoàn toàn mất tinh thần. Anh thường chịu đau đớn một cách khá dũng cảm, nhưng anh không chiến thắng được sự lo âu trong trí tưởng tượng của mình. Đối với anh, tu viện chứa đầy ma quái khủng khiếp, ngay cả những khi anh khỏe hơn. Anh không nói ra, nhưng ta phải đoán. Mỗi lần ban đêm khi tôi dẫn mấy đứa con tôi đi dạo thám hiểm những tàn tích chung quanh trở về, khoảng mười giờ đêm, tôi thấy anh ngồi trước đàn piano, mặt tái xanh, mắt hoảng hốt, tóc như dựng đứng. Phải mấy chốc anh mới nhận ra chúng tôi. Sau đó anh gắng gượng cười và đánh cho chúng tôi nghe những khúc nhạc tuyệt vời mà anh vừa sáng tác, hay nói đúng hơn, những ý tưởng khủng khiếp, xâu xé, vừa xâm chiếm lấy anh mà anh không hay, trong cái giờ phút cô đơn, buồn bã, kinh hoàng ấy. Chính lúc đó anh đã sáng tác những trang nhạc ngắn và đẹp nhất của anh mà anh gọi một cách khiêm tốn là những prélude. Đó là những tuyệt tác. Nhiều bài đã diễn tả thành ý tưởng những ảo mộng của những tu sĩ đã chết và cho ta nghe thấy những tiếng ca cất lên trong lúc mai táng; một số bài khác thì buồn dịu dàng, những bài này anh làm vào những ngày có nắng khi anh khỏe, trong tiếng cười của bọn trẻ dưới cửa sổ, giữa tiếng đàn ghi-ta vọng lại từ xa, và tiếng chim trong tàng lá còn ướt. Những bài khác nữa thì buồn ủ ê, mê hoặc đôi tai mà làm ủ rũ con tim. Có một bài đến với anh trong một buổi tối trời mưa lê thê làm lòng tê tái. Hôm đó, khi chúng tôi rời nhà thì anh còn khỏe, chúng tôi để anh ở nhà vì Maurice (con trai George Sand) và tôi cần đi Palma mua mấy thứ cần thiết. Rồi mưa đến như thác đổ. Khi trở về, chúng tôi đi bốn cây số trong sáu tiếng, đường xá ngập lụt, về đến nhà là nửa đêm, phải bỏ xe cộ, dày giép, vượt qua bao nguy hiểm chưa từng thấy. Chúng tôi vội vàng vì lo cho anh đang bị bệnh ở nhà. Khi thấy chúng tôi bước vào nhà, anh đứng hẳn dậy và la lên, rồi nói với chúng tôi với vẻ ngơ ngác, giọng lạ lùng : « À, biết mà ! Biết các người đã chết ! ». Khi hoàn hồn lại, và nhìn thấy tình trạng chúng tôi thì anh mới ý thức cảnh tượng những nguy hiểm của chúng tôi. Sau đó anh thú nhận rằng trong lúc chờ chúng tôi về, anh đã nhìn thấy tất cả những điều đó trong một giấc mơ và không phân biệt giữa mộng và thực, anh đã lịm dần trước đàn piano, tưởng là mình đã chết. Anh thấy mình chết đuối trong một ao hồ; những giọt nước nặng và lạnh rơi đều đều trên lồng ngực, và khi tôi chỉ cho anh nghe những giọt nước ấy thật sự là những giọt mưa rơi đều đều trên mái nhà thì anh tưởng như đã nghe những giọt nước ấy rồi. Anh tức giận khi tôi mô tả điều đó bằng từ “hòa âm mô phỏng”. Anh hết sức phản đối, xem sự mô phỏng đó là trẻ con đối với tai nghe, và anh có lý. Thiên tài của anh là những hòa âm bí ẩn của thiên nhiên, được diễn tả thành những cái tương đương huyền diệu trong ý tưởng âm nhạc, chứ không phải bằng sự lập lại nguyên vẹn những âm thanh ngoại lai. Sáng tác của anh đêm ấy đầy những giọt mưa nhỏ trên những viên ngói vang dội của tu viện, nhưng những giọt mưa ấy được diễn tả trong trí tưởng tượng của anh và trong tiếng nhạc của anh bằng những giọt nước mắt rơi từ trời xuống lòng anh.” George Sand còn nói thêm: “Tính anh là như vậy đó trong tất cả mọi sự. Có lúc anh nhạy cảm đối với những ngọt ngào của thương yêu, có lúc anh hờn dỗi mấy ngày liền, mấy tuần liền, vì sự vụng về của một ai đó vô tình hay do những sự phật ý nhỏ nhặt trong cuộc sống thực. Cái lạ lùng là một nỗi đau lớn không làm anh tan nát bằng một sự đau nhỏ không đâu. Hình như anh không có sức để hiểu nó trước khi cảm nhận nó. Chiều sâu những xúc cảm của anh không liên quan đến những nguyên nhân. Về sức khỏe thảm hại của anh, anh hùng dũng chấp nhận nó trong những khi có nguy cơ thật sự, nhưng lại tự dày vò một cách tội nghiệp trong những biến chuyển không quan trọng. Đó là thực tế và số mệnh của tất cả những người mà hệ thần kinh phát triển thái quá. Với sự đa cảm thái quá về những chi tiết, anh rất sợ tai họa, anh cần có sự thoải mái tinh tế, dĩ nhiên Mallorca làm anh hãi hùng sau mấy ngày bị bệnh… Thời gian ở tu viện Valdemosa là một cực hình đối với anh và là một sự dày vò đối với tôi. Anh dịu dàng, vui vẻ hồn nhiên, thích thú trong đời thường, nhưng khi đau ốm thì khó chịu đối với người thân. Không tâm hồn nào cao thượng hơn, tế nhị hơn, vô tư hơn anh; không sự giao thiệp nào chung thủy và trung thực hơn; không tinh thần nào tươi sáng hơn trong niềm vui, không trí tuệ nào nghiêm túc và chu toàn trong lĩnh vực chuyên môn của mình bằng anh; nhưng trái lại, than ôi, không tính khí nào lại bất thường bằng, không sự tưởng tượng nào lại u ám và hoang tưởng bằng, không ai dễ hờn dỗi và khó làm thỏa mãn bằng anh. Mà tất cả những thứ đó không là do lỗi của anh. Đó là do bệnh của anh mà ra. Tinh thần anh bị bóc trần. Một cánh hoa dập, bóng một con ruồi, đủ làm anh chảy máu. Ngoài tôi và các con tôi ra, mọi thứ đều đáng ghét, đều tệ hại đối với anh dười bầu trời Tây Ban Nha”. Mặc dầu hai người thuộc loại lãng mạn đa tình, nhưng tính tình và sở thích lại rất khác nhau. Trong chín năm George Sand đã chăm sóc Chopin như một người mẹ. Và sự chấm dứt cuộc tình đã để lại nhiều đau thương, nhất là cho Chopin. Chopin đến Pháp năm 21 tuổi (1831), rời Ba Lan giữa lúc đất nước này đang bị Nga xâm chiếm. Người thanh niên tài ba nặng lòng với âm nhạc phải dứt áo ra đi, để trau dồi nghệ thuật, và cần đến những thành phố văn hóa lớn của Âu châu để phát triển và thi thố tài năng. Trước khi đến Paris Chopin đã hoàn thành những tác phẩm chủ yếu của mình, nhưng không một thời kỳ nào trong lịch sử văn nghệ của Pháp đã nở rộ và sôi sục nhân tài bằng những năm 1820-1850 dưới triều vua Louis Philippe. Paris là nơi quy tụ nhân tài: Chateaubriand, Alfred de Vigny, Musset, Lamartine, Victor Hugo, Stendahl, Saint-Beuve, Heinrich Heine trong văn học; Delacroix, Ary Scheffer, Delaroche, Horace Vernet, Jean-Baptiste và Eugène Isabey, trong hội họa; Alkan, Aubert, Meyerbeer, Berlioz, Habeneck, Listz, Rossini, Kalkbrenner, trong âm nhạc. Đó là giữa thời kỳ lãng mạn. Chopin rơi vào một trung tâm văn hóa văn nghệ có một không hai. Dân Paris lại quan tâm nhiều đến những cuộc đấu tranh nổi dậy bên Ba Lan và chia sẻ những uất ức và hăng hái của dân Ba Lan trong những cuộc hội họp biểu tình. Nơi Chopin chỉ có hai thứ tình: tình yêu và lòng yêu nước. Hai thứ tình đó suốt đời đã dày vò ông. Nhạc Chopin là một sự bùng nổ của tình cảm, bắt nguồn từ hai yếu tố cơ bản đó. Ông đưa vào tác phẩm của mình tất cả những gì khích lệ tổ quốc ông. Ông ca tụng tổ quốc ông trong những bản scherzo và ballade, ông bảo vệ tổ quốc bằng những bản polonaise, làm người khác yêu mến tổ quốc ấy bằng những điệu dân ca trong những mazurka. Chất thơ và sự nhạy cảm slave lan tỏa trong khắp những tác phẩm của ông. Bao trùm con người và nhạc của Chopin là sự thanh nhã, thanh nhã đến tột độ. Tính quá nhạy cảm làm cho ông khó bằng lòng với những thực tại thô thiển cách xa những điều kiện lý tưởng; điều này cũng làm cho sức khỏe của ông vốn yếu đuối trở thành mối lo lắng thường xuyên. Kỳ vọng và ước mơ không thực hiện được. Tất cả những điều đó là lý do thảm kịch cuộc đời của Chopin. Và Chopin đã bộc lộ tất cả những điều đó qua nhạc của mình. Chopin không phải là một nhạc sĩ dương cầm xuất chúng theo nghĩa thông thường. Công chúng của ông không phải là đám đông chung đụng của những buổi hòa nhạc công cộng, môi trường của ông là những buổi hội họp thân mật ấm cúng, những salon. Ông có một cách chơi dương cầm hết sức quyến rũ. Như Listz nói, những người chưa nghe Chopin chơi thì không thể nào hiểu được cái sức quyến rũ xuyên thấu, tinh tế của chất thơ không thể tả đó. Chopin không có cái tầm cỡ của Bach, Haendel, Mozart và Beethoven. Nếu khả năng tri thức không làm ông thực hiện được những gì mà những thiên tài kia đã làm, thì sự nhạy cảm tinh tế và sự tưởng tượng lãng mạn đã khiến ông thực hiện được những gì mà những thiên tài kia không làm được. Chopin đã đưa vào âm nhạc những yếu tố mới, khởi xướng những phương tiện diễn đạt để truyền tải và phân định tách bạch những tâm trạng và cảm xúc, những sắc thái của cảm xúc, những thứ mà trước thời Chopin là thuộc địa hạt của những cái không được diễn tả và không thể diễn tả. Có thể nói trong số những nhà soạn nhạc có tiếng từ ngày ông chết, không ai là không chịu ảnh hưởng ít nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp, có ý thức hoặc vô thức, bởi thiên tài sáng tạo này. Sự xuất hiện của Chopin là một hiện tượng tuyệt vời đã tạo một hiệu ứng mạnh lên Schumann. Listz chắc chắn cũng chịu ảnh hưởng của Chopin mặc dầu hai người có tính khí hoàn toàn khác nhau. Thế mà sự quan trọng của Chopin trong lịch sử âm nhạc chưa được đánh giá đúng mức; trong một thời gian dài người ta đã xem Chopin chỉ như một món khai vị trong thực đơn âm nhạc thế giới. Từ năm 1927, giải Chopin về piano được tổ chức tại Varsovie mỗi 5 năm một lần để nhắc nhở thế giới về kho châu báu của mình là nhạc Chopin. Năm nay (2021) điều đáng chú ý là người được giải nhất Bruce Xiaoyu Liu và giải sáu J.J. Jun Li Bui đều là học trò của Đặng Thái Sơn, người Việt Nam đã đạt giải nhất năm 1980 (cả ba thầy trò đều là công dân Canada). Lẽ dĩ nhiên nhạc Chopin không phải là thứ nhạc mà mọi người đều yêu thích, và sẽ không bao giờ trở thành “đại chúng”. Để thấm thía nhạc ấy, ta phải có chút gì như bản chất của tác giả, chút gì tinh tế nhạy bén và tưởng tượng lãng mạn. Để hiểu Chopin ta cần biết đôi chút về cuộc đời ông. Nhạc của ông là tiếng vọng lên trời của những gì ông đã cảm xúc, đã yêu, đã đau khổ. Paris, mùa tảo mộ, tháng 11/2021 Phan Thanh Lưu Source: https://www.diendan.org/sang-tac/vieng-mo-chopin