TRÍ TUỆ TRONG ĐẠO PHẬT
HT. Thích Minh Châu
HT. Thích Minh Châu
Mục đích của Đạo Phật là diệt khổ và
đem vui cho mọi loài, nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa
đến an lạc và hạnh phúc. Mục đích của Đạo Phật là giải thoát và giác ngộ, và
chỉ có trí tuệ (Pannà) mới là phương tiện duy nhất đưa loài người đến bờ giải
thoát và giác ngộ.
Do vậy giai trò của người có trí và vai
trò của trí tuệ chiếm cứ vị trí then chốt trong mọi lời dạy của Đức Bổn Sư chúng
ta. Và chúng ta có thể nói Đạo Phật là đạo của người trí, là đạo của tuệ giác
để tìm cho được một định nghĩa thỏa đáng cho Đạo Phật.
Trước hết chúng ta nên phân biệt
giữa người có trí thức như thông thường được hiểu và người có trí tuệ như Đạo
Phật thường định nghĩa. Người có trí thức là người có thể có một trí thức uyên
bác về một vấn đề gì, có thể phân tích trình bày vấn đề ấy một cách khúc chiết
và triệt để, nhưng người ấy là người chỉ biết chớ không có hành, và người ấy
đối với vấn đề ấy vẫn có thể bị chi phối, không được tự tại. Ví như một người
có thể hiểu biết rất nhiều về vấn đề rượu, hiểu rượu gồm có những chất liệu gì,
tác động của rượu đối với cơ thể như thế nào. Người ấy gọi là người có trí thức
về rượu nhưng người ấy vẫn uống rượu, vẫn bị say rượu, vẫn bị rượu chi phối.
Như vậy người ấy vẫn chưa có trí tuệ về rượu. Trái lại, một người hiểu rõ được
rượu là gì, biết rõ được sự nguy hại của rượu, lại có khả năng không bị rượu chi
phối, không uống rượu, không nghiện rượu, không say rượu, vượt ra khỏi sự chi
phối của rượu. Như vậy người ấy được xem là người có trí tuệ về rượu. Có người
hỏi, nếu có người không có trí thức về rượu, nhưng không uống rượu, người ấy
được xem là có trí tuệ không? Lẽ dĩ nhiên là không. Người ấy vẫn hưởng được
những lợi ích do không uống rượu đưa đến, như không say rượu, không nghiện rượu
do cử chỉ không uống rượu của mình. Nhưng rất có thể, trong một trường hợp đặc
biệt nào đó, vì thiếu khả năng đối trị với sự cám dỗ của rượu, vị ấy bắt đầu
uống rượu, đi đến say rượu và nghiện rượu. Với sự phân biệt này chúng ta mới
hiểu được định nghĩa người có trí như đã được Đức Phật định nghĩa rất rộng rãi
trong những lời dạy của Ngài. Sự phân biệt này giúp chúng ta nhận định hai hạng
người thường có trong những người Phật tử. Một hạng người rất uyên bác trong Đạo
Phật, hiểu biết về kinh điển rất nhiều, nhưng vẫn xem là người không có trí tuệ.
Hạng người này hiện có khá nhiều trong những học giả, thuần túy nghiên cứu Đạo
Phật, uyên thâm trong ba tạng giáo điển, cả ba tạng nguyên thủy lẫn ba tạng
phát triển, nhưng chỉ có nghiên cứu, không có hành trì. Chỉ nói hành thiền giỏi
nhưng không hành thiền, trình bày hay về diệu dụng của trí tuệ, nhưng không
phát triển trí tuệ, do vậy cũng chưa được gọi là có trí tuệ. Một hạng người
khác, có lòng tín thành, hành trì theo những giới cấm trong Đạo Phật, nhưng chỉ
có lòng tin, chưa chuyển lòng tin thành trí, nên cũng không thể xem là người có
trí tuệ được vì người ấy vẫn có khả năng bị tham sân si chi phối và do vậy,
chưa được xem là người có trí tuệ.
Tuy vậy, người có trí tuệ được đề
cập rất nhiều trong những lời dạy của Ngài, và người có trí ở đây được diển tả
như một thứ lương tri, giúp chúng ta phân biệt chánh tà, thiện ác, tịnh uế, lạc
khổ, thắng liệt. Điều quan trọng là trí tuệ ở nơi đây không còn là một đặc tánh
hy hữu, có một không hai, mà trở thành như một thứ lương tri luôn luôn có mặt
trong chúng ta, tác động như một ngọn đèn soi sáng chúng ta biết phân biệt chọn
lựa giữa thiện và ác, giữa chánh với tà, khiến chúng ta có thể nhận biết những
gì nên làm, những gì không nên làm, để chúng ta tự hướng dẫn mình tiến đến an
lạc và giải thoát. Diệu dụng này được Đức Bổn Sư chúng ta khéo léo diển tả đặc
tánh, những thái độ, những việc làm của hai hạng người, được gọi là kẻ ngu và
người trí. Khi đọc qua những đoạn kinh diển tả người ngu và người trí, chính lương
tri chúng ta trở thành sinh động, giúp chúng ta nhận hiểu một cách rõ ràng
những gì là tốt đẹp và những gì là không tốt đẹp cho mình và cho người.
Tăng Chi, Chương Ba Pháp, Phẩm Người
Ngu, nêu rõ sự sai khác một trời một vực giữa người ngu và người trí: "Thành
tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân
làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác... Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo,
người trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ
thiện" (Tăng Chi, III-2).
Cũng theo ý nghĩa này, Đức Phật nói
thêm: "Phàm có sợ hãi nào khởi lên, này các Tỷ-kheo, tất cả sự sợ
hãi đó khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy
hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải
từ người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy
khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí ... Như vậy người ngu có sợ
hãi, người trí không sợ hãi, người ngu có nguy hiểm, người trí không có nguy
hiểm, người ngu có tai họa, người trí không có tai họa. Này các Tỷ-kheo, không
có sợ hãi đến với người trí, không có nguy hiểm đến với người trí, không có tai
họa đến với người trí" (Tăng Chi, III-1). Thật là một sự xác
chứng quá rõ rệt về sự sai biệt giữa người ngu và người hiền trí, dưới cái nhìn
của một bậc đã giác ngộ.
Một sự sai khác rõ rệt giữa người
ngu và kẻ trí là đối với các cảm thọ. Người ngu khi gặp khổ thọ về thân thường sầu
muộn, than van, khóc lóc, đập ngực đi đến bất tỉnh. Đức Phật ví dụ như người
rơi vào vực thẳm, không đứng trên bờ, không đạt chỗ chân đứng an toàn. Còn bậc
trí, đối với khổ thọ về thân, thời "không sầu muộn, không than
van, không khóc lóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh". Như vậy Đức
Phật dạy vị ấy được gọi là: "Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều đã đứng
trên bờ vực thẳm, đã đạt tới chỗ chân đứng an toàn" (Tương Ưng,
IV-4). Bậc Đạo Sư lại nói thêm: "Người ngu si nghe ít, khi cảm xúc
khổ thọ, thời sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh." Như
vậy cảm thọ hai loại cảm thọ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm. Đức Phật ví
như người bị bắn trúng hai mũi tên, vừa đau khổ về thân, vừa đau khổ về tâm.
Lại nữa, người ngu si ít nghe, khi cảm xúc khổ thọ, cảm thấy sân hận nên sân tùy
miên tồn tại và tăng trưởng. Vị ấy tìm sự xuất ly khỏi khổ thọ bằng cách hoan
hỷ dục lạc, do không tìm được một xuất ly nào khác. Do hoan hỷ dục lạc ấy, tham
tùy miên đối với lạc thọ tồn tại và tùy tăng. Vị ấy không như thật biết sự tập
khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy. Do
vậy vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ tồn tại và tùy tăng. Như vậy,
nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, cảm giác lạc thọ, cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị
ấy cảm giác như người bị trói buộc. Ở đây, Đức Phật dạy: "Người ngu
si nghe ít, bị trói buộc bởi sanh già bệnh chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng
người ấy bị trói buộc bởi đau khổ" (Tương Ưng, IV-36-6).
Còn đối với bậc Thánh đệ tử nghe
nhiều, khi cảm xúc khổ thọ, không sầu muộn than van, khóc lóc, đập ngực, đi đến
bất tỉnh. Vị ấy chỉ cảm giác một cảm thọ, tức cảm thọ về thân, không cảm thọ về
tâm. Đức Phật ví như người ấy bị bắn bởi một mũi tên, chỉ đau khổ về thân,
không đau khổ về tâm. Lại nữa vị Thánh đệ tử nghe nhiều, khi cảm xúc khổ thọ,
không cảm thấy sân hận nên sân tùy miên không tồn tại tăng trưởng. Vị ấy tìm được
sự xuất ly ra khỏi khổ thọ, ngoài dục lạc. Vị ấy, không hoan hỷ dục lạc, nên
tham tùy miên đối với dục lạc không có tồn tại, không có tùy tăng. Vị ấy như
thật tuệ tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của
những cảm thọ ấy. Do vậy vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ không tồn
tại, không có tùy tăng. Như vậy, vị Thánh đệ tử nghe nhiều ấy cảm giác khổ thọ,
cảm giác lạc thọ, cảm giác bất khổ bất lạc thọ, không có như người bị trói buộc.
Ở đây Đức Phật dạy: "Vị Thánh đệ tử nghe nhiều, không bị trói buộc
bởi sanh già bệnh chết, sầu bi khổ ư não. Ta nói người ấy không bị trói buộc
bởi đau khổ" (Tương Ưng, IV-36-6).
Được hỏi sự sai khác giữa người ngu
và bậc hiền trí, đối với các thân do vô minh che đậy, do ác phược ràng buộc
khởi lên quan điểm có thân này, có danh sắc ở ngoài. Do duyên thân này, có sáu
xúc xứ và có cảm thọ lạc khổ. Vậy có sự sai khác gì giữa bậc hiền trí và kẻ
ngu? Đức Phật dạy: "Này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy, bị tham
ái trói buộc, thân này của người ngu được sanh khởi. Vô minh ấy, người ngu
không đoạn tận. Tham ái ấy, người ngu không tận trừ. Vì cớ sao? Này các
Tỷ-kheo, người ngu sống phạm hạnh không phải vì chơn chánh đoạn tận khổ đau. Do
vậy, người ngu khi thân hoại mạng chung, đi đến một thân khác. Do đi đến một
thân khác, vị ấy không thoát khỏi sanh già chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng
vị ấy không thoát đau khổ" (Tương Ưng, II-12-19).
"Và này các Tỷ-kheo, bị vô minh
che đậy, bị tham ái hệ phược, thân người Hiền trí được sanh khởi. Vô minh ấy,
người hiền trí đoạn tận. Tham ái ấy, người hiền trí tận trừ. Vì sao? Này các
Tỷ-kheo, người hiền trí sống Phạm hạnh, vì chơn chánh đoạn trừ khổ đau. Do vậy,
người Hiền trí, khi thân hoại mạng chung không đi đến một thân khác, vị ấy giải
thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.Ta nói rằng: Vị ấy thoát khỏi
đau khổ." (Tương Ưng, II-12-19).
Một phân biệt tế nhị nữa là người
trí ưa thích im lặng như biển lớn, như cái gì đầy tràn, như ao đầy nước, còn kẻ
ngu thì ồn ào như khe núi, như cái gì trống rỗng, như ghè với nước.
"Hãy học các dòng nước
Nước khe núi chảy ồn,
Từ khe núi vực sâu,
Biển lớn đầy, im lặng.
Nước khe núi chảy ồn,
Từ khe núi vực sâu,
Biển lớn đầy, im lặng.
Cái gì trống kêu to,
Ngu như ghè với nước,
Cái gì đầy im lặng.
Bậc trí như ao đầy" (Tiểu Bộ I, 106)
Ngu như ghè với nước,
Cái gì đầy im lặng.
Bậc trí như ao đầy" (Tiểu Bộ I, 106)
Có người hỏi, vì sao bậc có Trí sống
phạm hạnh rừng sâu, ăn một ngày một bữa, lại có dung sắc thù diệu, còn kẻ ngu
lại héo mòn, như lau xanh rời cành. Đức Phật trả lời với bài kệ:
"Thường sống trong rừng núi,
Bậc Thánh sống Phạm hạnh,
Một ngày ăn một buổi,
Sao sắc họ thù diệu?
Bậc Thánh sống Phạm hạnh,
Một ngày ăn một buổi,
Sao sắc họ thù diệu?
Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy, sắc thù diệu.
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy, sắc thù diệu.
Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh rời cành". (Tương Ưng, I-1-10)
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh rời cành". (Tương Ưng, I-1-10)
Một số sai biệt nữa giữa người ngu
kẻ trí được khéo diễn tả trong một số bài kệ sau đây:
Về hạnh không phóng dật:
"Chúng ngu si thiếu trí,
Chuyên sống đời phóng dật.
Người trí, không phóng dật,
Như giữ tài sản quý". (Pháp cú 26)
Chuyên sống đời phóng dật.
Người trí, không phóng dật,
Như giữ tài sản quý". (Pháp cú 26)
"Người trí dẹp phóng dật,
Với hạnh không phóng dật,
Leo lầu cao trí tuệ,
Không sầu, nhìn khổ sầu,
Bậc trí đứng núi cao,
Nhìn kẻ ngu, đất bằng". (Pháp cú 28)
Với hạnh không phóng dật,
Leo lầu cao trí tuệ,
Không sầu, nhìn khổ sầu,
Bậc trí đứng núi cao,
Nhìn kẻ ngu, đất bằng". (Pháp cú 28)
Đối với đời, người ngu kẻ trí có thái
độ thật sai khác:
"Hãy đến nhìn đời này,
Như xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Kẻ trí nào đắm say". (Pháp cú 171)
Như xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Kẻ trí nào đắm say". (Pháp cú 171)
Nhiều khi sự sai biệt giữa người Trí
kẻ ngu, sai biệt chỉ bằng gang tấc, tiến tới thành ngu, dừng lại thành Trí:
"Người ngu nghĩ mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu". (Pháp cú 63)
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu". (Pháp cú 63)
Một sự sai biệt khác, khá rõ rệt là thái
độ người ngu kẻ trí đối với Chánh pháp:
"Người ngu, dầu trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp,
Như muỗng với vị canh".
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp,
Như muỗng với vị canh".
Người trí, dù một khắc,
Thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,
Như lưỡi với vị canh". (Pháp cú 64-65)
Thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,
Như lưỡi với vị canh". (Pháp cú 64-65)
Ở nơi đây, chúng ta đã thấy vì sao,
người ngu hay xuyên tạc lời dạy của Đức Phật còn người hiền trí bao giờ cũng
giữ một thái độ đúng đắn, trung thành với lời dạy của Ngài:
"Này các Tỷ-kheo, có hai hạng
người này hay xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người nêu rõ Như Lai có nói,
có thuyết là Như Lai không nói, không thuyết, và người nêu rõ Như Lai không
nói, không thuyết là Như Lai có nói, có thuyết. Này các Tỷ-kheo, có hai hạng
người này xuyên tạc Như Lai."
"Này các Tỷ-kheo, có hai hạng
người này không xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người nêu rõ Như Lai có nói,
có thuyết là Như Lai có nói, có thuyết, và người nêu rõ Như Lai không nói,
không thuyết là Như Lai không nói, không thuyết. Có hai hạng người này, này các
Tỷ-kheo, không xuyên tạc Như Lai." (Tăng Chi,
II-3)
Khi chúng ta hiểu được định nghĩa
người có trí ngang qua một số lời dạy của Đức Phật, chúng ta nay có khả năng
trình bày các định nghĩa căn bản của trí tuệ (pannà, prajnà) trong Đạo Phật và
khả năng của trí tuệ đưa đến giác ngộ và giải thoát.
Trước hết là một số định nghĩa căn
bản của Trí Tuệ: "Như thế nào được gọi là Trí Tuệ? Vì có tuệ tri,
vì có tuệ tri, nên được gọi là Trí Tuệ. CóTuệ tri gì? CóTuệ tri (Pajànàti): đây
là khổ, cóTuệ tri: đây là khổ tập, cóTuệ tri: đây là khổ diệt, cóTuệ tri: đây
là con đường đi đến khổ diệt. Vì có tuệ tri, có tuệ tri nên được gọi là Trí Tuệ (Trung
Bộ, I-43). Như vậy Trí Tuệ là biết với tri tuệ, biết sự kiện, biết sự kiện tập
khởi, biết sự kiện đoạn diệt, biết con đường đưa đến sự kiện đoạn diệt. Mở rộng
thêm định nghĩa này là tuệ tri vị ngọt (assàda), tuệ tri sự nguy hiểm (àdinavà)
và tuệ tri sự xuất ly (Nissarana) của các pháp, và do vậy nói chung có tất cả
bảy lãnh vực cần phải tuệ tri, đối với một pháp, hay đối với bất cứ sự kiện
nào, dầu tốt hay xấu cũng vậy. Như lấy dục làm đối tượng, thời phải tuệ tri
dục, dục tập khởi, dục đoạn diệt, con đường đưa đến dục đoạn diệt, vị ngọt của
dục, sự nguy hiểm của dục và sự xuất ly ra khỏi dục. Biết như vậy mới gọi là tuệ
tri.
Một định nghĩa nữa của Trí Tuệ được
đề cập đến. "Thế nào là tuệ lực? Ở đây vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành
tựu sự trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận
khổ đau". Danh từ Pàli chuyên môn là Ariyàya nibbedhikàya
sammà-dukkha-kkhaya-gàminiyà (D. III, 237). Ở đây chữ Nibbedhikàya
có hai cách dịch, một là sự thể nhập, đi sâu vào con đường có khả năng đoạn tận
khổ đau, tức là có khả năng giải thoát khỏi đau khổ. Cách dịch thứ hai là có
khả năng đâm thủng dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, hay tham sân si để cuối cùng
đoạn tận khổ đau. Như vậy trí tuệ, ngoài khả năng tuệ tri sự tập khởi và sự đoạn
diệt còn có khả năng đâm thủng được vô minh để cuối cùng được giải thoát. Một
định nghĩa nữa lại càng làm rõ rệt hơn cái công năng diệu dụng của trí tuệ
(pannà): "Trí tuệ có nghĩa là thắng tri (abhinnàttha), có nghĩa là
liễu tri (parinnattha), có nghĩa là đoạn tận (pahànattha)." Như
vậy trí tuệ có khả năng thắng tri, tức là biết với thiền định, và thiền định
đây là bất động thức tư. Lại có khả năng liễu tri với sự hiểu biết rốt ráo trọn
vẹn; và cuối cùng có khả năng đoạn tận được các lậu hoặc, dục lậu, hữu lậu, vô
minh lậu, đoạn diệt được tham sân si, chấm dứt khổ đau. Cho được rõ ràng hơn, chúng
ta cần phân biệt tưởng tri (sanjànàti) nhờ tưởng (sannà) đưa đến, và ý tri
(jànàti) do ý (manas) đưa đến. Tưởng tri, thức tri và ý tri là ba sự hiểu biết
thông thường của thế gian đưa đến sự hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, triết học,
bác học, v.v... Đạo Phật đóng góp thêm Thắng tri và Tuệ tri, sự hiểu biết ngang
qua thiền định, tạo thêm sức mạnh cần thiết để con người làm chủ được bản thân,
làm chủ được hoàn cảnh. Tuệ tri đưa đến một hiểu biết toàn diện, hoàn mãn, có
khả năng đâm thủng vô minh, đoạn tận tham sân si, đưa đến chấm dứt khổ đau.
Nhưng trí tuệ chưa phải lằ cứu cánh mà chỉ là phương tiện đưa đến giải thoắt.
Với trí tuệ như vậy, vị ấy sănh nhàm chán, ly tham đoạn diệt, từ bỏ, cuối cùng
đưa đến giải thoát, theo tiến trình như sau: "Do nhàm chán nên ly tham; do
ly tham nên giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta
đã giải thoát". Vị ấy biết rõ "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã
thành, những việc gì nên làm đã làm. Nay không còn trở lại trạng thái này
nữa" (Tương Ưng, IV-35-28)
Như vậy, vai trò của trí tuệ là lựa
chọn các đối tượng để quán tri, để tuệ tri, và nhờ tuệ tri mới đưa đến nhàm
chán, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, và cuối cùng là giải thoát. Các đối tượng rất
nhiều, tùy theo pháp môn lựa chọn, tùy theo căn cơ của vị hành giả nhưng nếu
đối tượng có khác, pháp môn tu tập có khác, tiến trình giải thoát có thể xem là
giống nhau hay gần giống nhau.
Sau đây là một số tiến trình giải
thoát, trích thuật từ Kinh Tạng Pàli, nói lên vai trò của trí tuệ đưa đến giải
thoát tri kiến.
Trong Kinh Xà Dụ, đối tượng cần phải
tuệ quán là năm thủ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Bất cứ năm thủ uẩn nào, quá
khứ hiện tại vị lai, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất
cả năm thủ uẩn cần phải tuệ quán: "Cái này không phải của tôi,
cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi. Nhờ tuệ quán
như vậy, vị đa văn Thánh đệ tử yếm ly sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Do yếm ly
nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát khởi lên sự hiểu
biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh
đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui lại đây với một đời sống
khác". (Trung Bộ, I-22)
Trong Đại Kinh Mã Ấp, đối tượng cần
phải tuệ quán là khổ và các lậu hoặc. Vị hành giả cần phải tuệ tri: "Đây
là khổ"; "Đây là khổ tập"; "Đây là khổ diệt";
"Đây là con đường đưa đến khổ diệt"; "Đây là những lậu
hoặc"; "Đây là những lậu hoặc tập khởi"; "Đây là những lậu
hoặc đoạn diệt"; "Đây là con đường đưa đến lậu hoặc đoạn diệt".
Nhờ tuệ tri như vậy, hiểu biết như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát
khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã được giải thoát. Như
vậy, khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết:
"Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm. Sau đời hiện
tại không có đời sống nào khác nữa". (Trung Bộ, 1-39)
Trong Kinh Đoạn Giảm, đối tượng cần
phải tuệ quán là các sở kiến: "Này Cunda, những loại sở kiến này khởi lên
trên đời, hoặc liên hệ đến ngã luận, hoặc liên hệ đến thế giới luận, chỗ nào
những sở kiến này tiềm ẩn, và chỗ nào những sở kiến này hiện hành, chỉ có cách như
thật quán sát chúng với trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này
không phẳi là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi", có vậy thời có
sự đoạn trừ những sở kiến ấy, có sự xả ly những sở kiến ấy. (Trung Bộ, I-8).
Trong Kinh Mật Hoàn, đối tượng được lựa
chọn là các vọng tưởng hý luận (papancasannasankhà): "Này
các Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một
người. Nếu ở đây không có gì đáng tùy hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời
như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận
kiến tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận
hữu tham tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy miên, sự đoạn tận chấp trượng, chấp
kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ.
Chính ở đây những ác, bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không còn dư
tàn." (Trung Bộ, I-18)
Trong Kinh Song Tầm, Đức Phật kể lại
kinh nghiệm của Ngài khi Ngài chưa giác ngộ, Ngài đã sử dụng bất thiện tầm và
thiện tầm như thế nào để hành trì giới định tuệ, cuối cùng đưa đến giải thoát giác
ngộ. Ngài chia các loại tầm ra hai loại - Bất thiện tầm là dục tầm, sân tầm,
hại tầm; và thiện tầm là ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm. Khi dục tầm, sân
tầm, hại tầm khởi lên, vị Bồ Tát tuệ tri: "Các bất thiện tầm này khởi lên
nơi Ta, và các bất thiện tầm này đưa đến tự hại đưa đến hại người, đưa đến hại
cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn. Khi Bồ Tát
khởi lên suy tư như vậy thời các bất thiện tầm biến mất và vị Bồ Tát tiếp tục từ
bỏ, tẩy trừ, chấm dứt các bất thiện tầm khởi lên.
Khi ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại
tầm khởi lên, vị Bồ Tát tuệ tri: "Các thiện tầm này khởi lên nơi Ta và các
thiện tầm này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại
cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết Bàn. Nếu
ban đêm Ta suy tư về ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, không phải từ nhân
duyên ấy, Ta thấy sợ hãi. Nếu ban ngày Ta suy tư về ly dục tầm, vô sân tầm, bất
hại tầm, không phải từ nhân duyên ấy, Ta thấy sợ hãi. Và nếu ta suy tư, quán
sát quá lău, thân ta có thể mệt mỏi; khi thân Ta mệt mỏi thì tâm bị dao động,
khi tâm dao động, tâm rất khó được tịnh tỉnh. Rồi tự nội thân Ta trấn an tâm,
trấn tịnh tâm, khiến được nhất tâm, khiến thành định tỉnh". Với
tâm định tỉnh như vậy, vị Bồ Tát đoạn trừ năm triền cái, chứng sơ thiền, nhị
thiền, tam thiền, tứ thiền, chứng túc mạng trí, thiên nhãn trí, lậu tận trí và cuối
cùng được giải thoát giác ngộ." (Trung Bộ, I-19)
Nay chúng tôi đề cập đến lý duyên
khởi để giải thích vai trò của trí tuệ, lấy con người làm đối tượng để tuệ quán
và từ nơi đây, vừa tìm được công thức đưa đến sự có mặt của con người và sự tập
khởi của toàn bộ năm thủ uẩn, vừa tìm được công thức duyên diệt, đưa đến sự chấm
dứt sanh tử và toàn bộ năm thủ uẩn này, như đã được diễn tả trong Ái Tận Đại
Kinh (Trung Bộ, I-38).
Trước hết, Đức Phật đặt vấn đề sự có
mặt của con người (Bhùta), sự có mặt này lấy bốn thức ăn làm nhân duyên, làm tập
khởi, làm sanh chủng, làm hiện hữu, và một khi bốn món ăn này được đoạn diệt
thì cũng chấm dứt sự có mặt của sinh vật này. Sinh vật đã do bốn món ăn làm tập
khởi, ái do thọ làm tập khởi, thọ do xúc làm tập khởi, xúc do sáu xứ làm tập
khởi, sáu xứ do danh sắc làm tập khởi, danh sắc do thức làm tập khởi, thức do
hành làm tập khởi, hành do vô minh làm tập khởi. Như vậy, duyên vô
minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu
xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ,
duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già chết, sầu bi khổ ưu não.
Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ năm thủ uẩn.
Như vậy, do duyên sanh nên có già
chết, do duyên hữu nên có sanh, do duyên thủ nên có hữu, do duyên ái nên có
thủ, do duyên thọ nên có ái, do duyên xúc nên có thọ, do duyên sáu xứ nên có
xúc, do duyên danh sắc nên có sáu xứ, do duyên thức nên có danh sắc, do duyên
hành nên có thức, do duyên vô minh nên có hành. Như vậy Đức Phật xác chứng duyên
sanh của toàn bộ khổ uẩn tức là con người với công thức: "Cái này có
mặt, cái đây có mặt. Cái này sanh, cái đây sanh" (Ima smim sati
idum hoti Imass uppadà, idum uppajjati).
Từ lý duyên sanh, Đức Phật đi đến lý
duyên diệt. Do vô minh đoạn diệt xả ly một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do
hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu
xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên
ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh
diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu bi khổ ưu não diệt. Như vậy là toàn bộ năm
thủ uẩn diệt.
Như vậy do sanh diệt nên già chết
diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do ái diệt nên thủ
diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc
diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do hành
diệt nên thức diệt. Do vô minh diệt nên hành diệt. Như vậy Đức Phật xác chứng
lý duyên diệt với công thức: "Cái này không có mặt, cái đây không có
mặt. Cái này diệt, cái đây diệt" (Imassa asati, idam na hoti.
Imassa nirodhà, idam nirajjhati). Vị hành giả, với trí tuệ biết được hai công
thức duyên sanh và duyên diệt, nên sau khi giữ giới, sau khi chứng bốn thiền
định, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, vị ấy không tham ái đối với sáu trần
khả ái, không ghét bỏ đối với sáu trần không khả ái, vị ấy sống an trú niệm
trên thân, với một tâm vô lượng. Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ
giải thoát, chính nhờ chúng, các bất thiện pháp được trừ diệt một cách hoàn
toàn. Như vậy vị ấy từ bỏ thuận ứng nghịch ứng, có cảm thọ nào khởi lên, vị ấy
không tùy hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước thọ ấy. Vì vị ấy không có tùy
hỷ, không có hoan nghênh, không có đắm trước, nếu có dục hỷ (nandi) khởi lên,
đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt có dư tàn. Do dục hỷ của vị ấy
diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh
diệt nên già chết sầu bi khổ ưu não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt toàn bộ năm thủ
uẩn này.
Như vậy, với những đối tượng sai
khác như năm thủ uẩn, khổ và các lậu hoặc, các sở kiến, các vọng tưởng hý luận,
các bất thiện tầm và các thiện tầm, lý duyên khởi, trí tuệ đóng một vai trò then
chốt trong trách nhiệm tuệ tri các đối tượng, cuối cùng đoạn tận được các lậu
hoặc để chứng quả A-La-Hán.
Để nêu rõ định nghĩa và vai trò của trí
tuệ hơn nữa, chúng tôi ghi chép sau đây một vài câu Phật dạy trích dẫn từ Kinh
Tạng Pàli để chứng minh sự giải thích trên:
"Tất cả hành vô thường
Với Tuệ, quán thấy vậy
Đau khổ được nhàm chán :
Chính con đường thanh tịnh".
Với Tuệ, quán thấy vậy
Đau khổ được nhàm chán :
Chính con đường thanh tịnh".
"Tất cả hành khổ đau
Với Tuệ, quán thấy vậy,
Đau khổ được nhàm chán ;
Chính con đường thanh tịnh".
Với Tuệ, quán thấy vậy,
Đau khổ được nhàm chán ;
Chính con đường thanh tịnh".
"Tất cả pháp vô ngã,
Với Tuệ quán thấy vậy,
Đau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh". (Pháp Cú 277, 278, 279)
Với Tuệ quán thấy vậy,
Đau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh". (Pháp Cú 277, 278, 279)
"Thấy khổ và khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành,
Đưa đến khổ não tận". (Pháp Cú 191)
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành,
Đưa đến khổ não tận". (Pháp Cú 191)
"Mắt thịt, mắt chư Thiên,
Vô thượng mắt trí tuệ,
Cả ba loại mắt ấy
Được bậc vô thượng nhân
Đã tuyên bố trình bày ...
Từ đây trí khởi lên,
Tuệ nhãn là tối thượng
Ai chứng được mắt ấy
Giải thoát mọi khổ đau". (Phật thuyết Như Vậy, trang 437-438)
Vô thượng mắt trí tuệ,
Cả ba loại mắt ấy
Được bậc vô thượng nhân
Đã tuyên bố trình bày ...
Từ đây trí khởi lên,
Tuệ nhãn là tối thượng
Ai chứng được mắt ấy
Giải thoát mọi khổ đau". (Phật thuyết Như Vậy, trang 437-438)
Thích Minh Châu,
Trích: "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi".
Thiền viện Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1990
Trích: "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi".
Thiền viện Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1990
Related Link:
----
----
Mọi người có con đường riêng để đi,
do chính họ chọn lựa vì nhiều lý do. Mọi người đều có quyền tự do chọn
lựa cuộc sống phù hợp nhất với mình. Khác nhau chỉ ở chỗ: có người hạnh phúc;
có người không hạnh phúc. Tất cả do nghiệp. Nói chung những
người có trách nhiệm thì ý thức rõ hơn, suy nghĩ kỹ hơn, cân nhắc kỹ trước khi
quyết dịnh làm một cái gì. Họ ít khi làm khổ mình, khổ người, vì khi sắp tạo nghiệp, ho có suy nghĩ chính chắn và lường trước hậu quả, rồi mới dấn
thân hành động. Đạo Phật gọi ̣đó là người Trí.
Đạo Phật nhấn mạnh Trí Tuệ. Làm sao phát triển Trí Tuệ? Tu Bát Chánh Đạo, trong đó có Chánh kiến, Chánh tư duy và Chánh định. Nói khác đi là phải tu tập thiền, vì khi có Định thì có Tuệ. Đạo Phật rất đơn giản, nhưng lại khó thực hành. Không nhất thiết phải xây chùa to, dựng tượng Phật lớn, đi chùa mỗi ngày, lạy cúng tế. Không nhất thiết phải tranh biện hơn thua về Phật Pháp. Tu Tâm là quan yếu. Ở nhà tu cũng có thể thành tựu cứu cánh. Nhưng nghe giảng kinh, đọc kinh, suy tư về lời Phật là rất cần thiết. Ai thiền được nhiều càng tốt. Nói dễ hơn thực hành. Tu tập công phu rất khó. Mỗi người ai tu được tự biết, tự thấy an lạc. Chúng ta hãy hoan hỉ cho người ấy. "Hãy tự mình thắp đuốc mà đi."
Đạo Phật nhấn mạnh Trí Tuệ. Làm sao phát triển Trí Tuệ? Tu Bát Chánh Đạo, trong đó có Chánh kiến, Chánh tư duy và Chánh định. Nói khác đi là phải tu tập thiền, vì khi có Định thì có Tuệ. Đạo Phật rất đơn giản, nhưng lại khó thực hành. Không nhất thiết phải xây chùa to, dựng tượng Phật lớn, đi chùa mỗi ngày, lạy cúng tế. Không nhất thiết phải tranh biện hơn thua về Phật Pháp. Tu Tâm là quan yếu. Ở nhà tu cũng có thể thành tựu cứu cánh. Nhưng nghe giảng kinh, đọc kinh, suy tư về lời Phật là rất cần thiết. Ai thiền được nhiều càng tốt. Nói dễ hơn thực hành. Tu tập công phu rất khó. Mỗi người ai tu được tự biết, tự thấy an lạc. Chúng ta hãy hoan hỉ cho người ấy. "Hãy tự mình thắp đuốc mà đi."
nttv