Lời Tựa
Tài liệu Diedrich Knickerbocker viết được đăng sau khi ông qua đời
Câu chuyện dưới
đây được tìm thấy trong số các giấy tờ của Diedrich Knickerbocker, một
vị trưởng lão quyền quý ở New York,
một người rất hiếu kỳ về lịch sử người Hòa lan ở vùng New York,
và phong cách của con cháu những di dân Hòa lan đầu tiên. Tuy vậy, nghiên cứu lịch sử của ông
không đến từ sách vở mà
qua con người, vì sách về các đề tài ông yêu thích nhất rất hiếm, trong
khi ông khám phá nhiều qua những nhà quý tộc lớn tuổi , và còn khám
phá nhiều hơn nữa từ các bà vợ của họ, một kho kiến thức huyền
thoại phong phú và vô giá về sự thật lịch sử. Do đó, khi ông tìm ra một gia đình gốc
Hòa lan thật sự, sống an bình nơi điền trang có mái nhà thấp của họ,
ẩn dưới tàng cây sung to rộng, ông xem đấy như một quyển sách in theo kiểu chữ Anh cổ,* được cất khóa kỹ, và nghiền ngẫm đọc nó say mê như con mọt sách.
Kết quả những
nghiên cứu của ông là lịch sử về một tỉnh lỵ dưới sự cai trị của những
thống đốc người Hòa lan. Quyển sử
ấy được ông cho xuất bản sau đó vài năm.
Có nhiều ý kiến khác nhau về nét văn chương trong tác phẩm của
ông, và, quả thực, nó cũng chẳng đặc sắc hơn cái người ta
mong đợi. Điểm đáng khen của tác
phẩm là tính chính xác đến từng chi tiết của nó. Thật ra khi mới xuất hiện lần đầu, tác
phẩm cũng bị người ta đặt nghi vấn về tính chính xác ấy,
nhưng sau đó, họ lại thừa nhận nó. Bây giờ tác phẩm đã được đưa vào
các bộ sưu tầm lịch sử như một quyển sách viết bởi một người có đủ thẩm quyền.
Vị trưởng lão
ấy đã qua đời chẳng bao lâu sau khi tác phẩm của ông được xuất
bản. Giờ đây ông không còn nữa,
khi nhắc đến ông, tưởng cũng không hại gì nếu nói rằng lẽ ra
ông nên dành thì giờ cho những lao động xứng đáng hơn là ngồi viết
những chuyện như vầy. Tuy nhiên ông có khuynh hướng tiêu khiển
theo cách riêng của mình. Mặc dù
thú tiêu khiển ấy đôi khi có gây phiền hà một chút cho hàng xóm và
làm buồn lòng vài người bạn mà ông thật lòng trân quý, những sai
sót của ông chỉ khiến người ta “buồn hơn là giận,”** và người ta cũng bắt đầu
ngờ rằng ông làm thế không phải để trêu tức hay làm hại người
khác. Nhưng dù người phê bình có biết
trân quý khi tưởng nhớ đến ông hay chăng, nhiều người có ý tốt
mà chúng ta phải tôn trọng vẫn mến mộ khi nhắc đến ông. Đặc biệt một vài người bán bánh còn
làm bánh có in hình giống ông trên bánh tất niên của họ, và
như vậy họ tạo ra một cơ hội biến ông thành bất tử, cũng giống như có
hình được in trên mề đay Waterloo*** hay trên đồng tiền farthing**** triều Nữ hoàng Anne.
----
Chú thích:
Washington Irving viết truyện Rip Van Winkle dựa trên huyền thoại dân gian của người Đức. Điều này cho thấy ông đọc và cḥịu ảnh hưởng văn chương lãng mạn Đức, và cũng đánh dấu việc ông từ bỏ cách viết châm biếm ở giai đoạn đầu trong đời viết văn của mình khi ông theo phái tân cổ điển, để chuyển sang viết tình cảm lãng mạn trong các tác phẩm về sau.
*A heavy-faced type, now called Gothic, and Old English. Loại chữ in to đậm, bây giờ gọi là chữ Gothic, dùng in tiếng Anh cổ.
**Hamlet Act 1, scene ii, line 232. Trích trong kịch Hamlet Hồi 1, Màn ii, Dòng 232
***The Waterloo Medal commemorated the British victory over Napoleon in 1815. Mề đay Waterloo mừng quân Anh chiến thắng Napoleon năm 1815.
Washington Irving viết truyện Rip Van Winkle dựa trên huyền thoại dân gian của người Đức. Điều này cho thấy ông đọc và cḥịu ảnh hưởng văn chương lãng mạn Đức, và cũng đánh dấu việc ông từ bỏ cách viết châm biếm ở giai đoạn đầu trong đời viết văn của mình khi ông theo phái tân cổ điển, để chuyển sang viết tình cảm lãng mạn trong các tác phẩm về sau.
*A heavy-faced type, now called Gothic, and Old English. Loại chữ in to đậm, bây giờ gọi là chữ Gothic, dùng in tiếng Anh cổ.
**Hamlet Act 1, scene ii, line 232. Trích trong kịch Hamlet Hồi 1, Màn ii, Dòng 232
***The Waterloo Medal commemorated the British victory over Napoleon in 1815. Mề đay Waterloo mừng quân Anh chiến thắng Napoleon năm 1815.
****Farthing: đồng
tiền đúc dưới thời Nữ hoàng Anne (1702-1714), có in hình bà, từng được lưu hành ở Anh, nhưng bị thu hồi năm 1961, có giá trị bằng ¼ đồng xu ngày xưa.
Những người du
hành về thượng nguồn sông Hudson hẳn phải nhớ đến rặng núi Kaatskill*.
Đây là một nhánh tách ra từ rặng Appalachia, và người ta có
thể thấy nó từ đằng xa về phía tây của sông Hudson, nhô lên hùng vĩ, ngự trị cả vùng chung quanh. Qủa thật, mỗi khi đổi mùa hoặc đổi
thời tiết, cứ mỗi giờ những ngọn núi này lại thay đổi màu sắc và
hình dạng huyền diệu của chúng. Gần xa các bà nội trợ quán xuyến đều
xem những ngọn núi ấy như những hàn thử biểu. Khi thời tiết tốt và ổn định, rặng núi
phủ màu da trời và màu tím, in dáng núi rõ nét trên bầu trời đêm
quang đãng; nhưng thỉnh thoảng, khi quanh vùng trời không có mây, trên đỉnh các
ngọn núi ấy lại được che phủ bởi những làn hơi nước xam xám, mà dưới tia nắng
hoàng hôn còn sót lại chúng sẽ sáng lên như chiếc vương miện rực rỡ.
Nơi chân rặng núi huyền thoại này, lữ khách có thể thấy một làn
khói tỏa lên từ ngôi làng với những mái ngói thấp thoáng trong lùm
cây. Tại đấy màu xanh da trời của
vùng núi cao xa xa hòa quyện vào màu xanh lá cây tươi mát của cảnh
vật ở gần hơn. Đó là một ngôi
làng nhỏ rất cổ xưa, do vài người thực dân Hòa lan sáng lập nên khi
tỉnh lỵ mới hình thành, vào khoảng thời gian đầu khi Ngài Peter Stuyvesant (cầu xin Ngài được an giấc ngàn thu) còn cai trị miền đó. Có vài ngôi nhà của những người đến
định cư đầu tiên dựng lên trong vòng vài năm, xây bằng những viên gạch nhỏ, màu vàng
được mua tận bên Hòa lan, với cửa sổ mắc cáo, và mặt tiền có đầu
hồi, trên nóc có gắn hình con gà dùng để chỉ hướng gió.
Tại một trong
những ngôi nhà trong ngôi làng đó (phải thành thực mà nói là những ngôi nhà ấy đều tàn tạ theo
thời gian và phong sương theo thời tiết) có một anh chàng giản dị, chơn chất tên là
Rip Van Winkle sống ở đấy đã lâu.
Chàng là hậu duệ gia đình Van Winkle vốn có tiếng dũng cảm can
trường dưới thời Peter Stuyvesant́́** vì đã từng theo Ngài bao vây tiền đồn
Christina***. Tuy vật chàng ta lại thừa
hưởng rất ít tính cách binh nghiệp của tổ tiên mình. Tôi đã nhận xét Rip Van Winkle
là người giản dị, chơn chất. Hơn thế nữa, chàng còn là người hàng
xóm nhân từ, và người chồng ngoan ngoãn, sợ vợ. Thật vậy, trong vai người chồng, chính
tính cách nhượng bộ thái quá ấy đã khiến Rip Van Winkle được nhiều
người quý mến, bởi vì những ông chồng trong gia đình cam chịu theo
kỷ luật của một mụ vợ đanh đá, thì ngoài xã hội anh ta thường khúm
núm và nhường nhịn người khác.
Tính tình những ông chồng như thế chắc chắn đã được trui rèn trở nên dễ uốn nắn trong lò khổ nhục của đời sống gia đình. Và bài học khi bị vợ kéo vào phòng
riêng mà la mắng còn đáng giá hơn tất cả các bài thuyết giảng trên
đời về đức tính kiên nhẫn chịu đựng.
Do vậy, về mặt nào đó, một bà vợ chanh chua, đanh đá có thể
được xem như phần phước báu của mình; nếu thế thì Rip Van Winkle
có được ba lần được ban phước.
Chắc chắn Rip
Van Winkle là người được nhiều bà vợ tốt trong làng quý nhất. Các bà ấy, như ta thường thấy ở phái
nữ đáng yêu, đều chọn đóng vai như chàng trong các cuộc cãi vả trong
gia đình, và tối lại khi tán gẫu
với các chị em và bàn đến những chuyện như thế , họ chẳng bao giờ
quên đổ lỗi cho vợ Van Winkle. Cả
lũ trẻ trong làng cũng vậy, hễ thấy chàng sắp đến gần là chúng reo
to lên sung sướng. Chàng giúp chúng
biết chơi thể thao, làm đồ chơi cho chúng, dạy chúng thả diều, bắn
bi, và chàng còn kể chuyện ma quỷ, phù thủy, và thổ dân da đỏ cho
chúng nghe. Mỗi khi Rip Van Winkle đi
vội qua làng, một tốp trẻ con lại níu kéo áo chàng, leo trèo lên
lưng, làm đủ trò nghịch ngợm mà không sợ bị la rầy gì cả. Ngay cả
chó trong xóm cũng không con nào muốn sủa chàng.
Lỗi lớn nhất
trong tính khí của Rip là không thích làm bất kỳ công việc nào để
kiếm lợi. Không phải vì chàng
thiếu tập trung hoặc thiếu kiên trì; bởi vì chàng có thể ngồi trên
tảng đá ướt, cầm cần câu dài và nặng như cái lao của người Tartar,
và câu cá cả ngày không than phiền dù chàng chẳng được ai cho ăn để khuyến
khích làm việc đó.
Chàng thường vác cây súng trường trên vai, đi hàng giờ băng qua
rừng và đầm lầy, lên đèo cao hoặc xuống lũng sâu để bắn vài con sóc
hay bồ câu rừng. Chàng không bao giờ
từ chối giúp đỡ hàng xóm dù việc có khó thế mấy. Trong các trò chơi do quận tổ chức, chàng cũng
là người nổi bật nhất khi thi lột vỏ bắp, hay xây hàng rào bằng đá. Các phụ nữ trong làng hay nhờ Rip chạy
việc giùm họ, và làm những chuyện lặt vặt mà các ông chồng ít vâng
lời của họ không chịu làm. Nói
tóm lại Rip sẵn sàng làm việc
người mà bỏ việc nhà. Còn thi
hành bổn phận trong gia đình và giữ trang trại đâu ra đó, thì chàng lại
không kham nổi.
___
**Peter Stuyvesant́́ là vị thống đốc cuối cùng của vùng New Netherland (1647-1664).
***Fort Christina: năm 1655 quân Hòa lan dưới sự lãnh đạo của Peter Stuyvesant́́ đã đánh bại thực dân vùng New Sweden tại tiền đồn Christina, gần Wilmington, Delaware ngày nay.
(Còn tiếp)