BA TÍNH CHẤT CỦA ĐỜI SỐNG
HAY BA TỰ TÁNH CỦA DUY THỨC
Nguyễn Thế Đăng
HAY BA TỰ TÁNH CỦA DUY THỨC
Nguyễn Thế Đăng
I. Ba tự tánh:
Thực chất của đời sống là gì? Chúng
ta phải nhìn đời sống như thế nào cho đúng? Bởi vì nhìn sai thì khổ đau sẽ theo
ngay lúc đó.
Nhìn đời sống theo ba tính chất đã quyết
định số phận của con người, từ nhìn thấy sai đến nhìn thấy đúng, từ khổ đau đến
hạnh phúc, từ cuộc sống thấp nhất đến cuộc sống cao rộng và an vui nhất.
Đây là vấn đề được nói đến nhiều
trong hệ thống Duy Thức, như trong Kinh Lăng Già, Kinh Giải Thâm Mật cho
đến các luận như Luận Du Già Sư Địa, Luận Thành Duy Thức …. Luận Đại Thừa
Khởi Tín tuy không chia ra ba tính chất, nhưng cũng nói rất rõ về những
điều này. Theo Duy Thức, chúng ta nhìn đời sống theo ba tính chất, kinh nghiệm
đời sống theo ba tính chất và do đó sống trong ba tính chất đó.
1/ Biến kế sở chấp tánh: còn gọi là Phân biệt tánh, Vọng kế tự tánh, Vọng phân biệt
tánh, Vọng tưởng tự tánh, Tự tánh giả lập (parikalpita-svabhava).
Thí dụ, vì một kinh nghiệm tiêu cực
nào đó trong thời thơ ấu mà bây giờ tôi đã quên, tôi ghét màu đỏ. Trái lại có
người rất thích nó. Thích hay ghét màu đỏ, đó là sự phân biệt chủ quan, sai
lầm, giả lập, không khách quan. Sự phân biệt sai lầm, hư vọng và chấp chặt này
nằm trong Biến kế sở chấp tánh. Suy rộng ra, một thế giới quan của một người
bình thường chưa thấy cái chân thật cũng là Biến kế sở chấp tánh.
Luận Thành Duy Thức nói về Biến kế
sở chấp tánh:
20. Do các thứ vọng tưởng phân biệt
Mọi vật được tưởng tượng ra
Những cái được hình thành do vọng
tưởng này
Đều không có tự tánh.
King Lăng Già (bản dịch của DT
Suzuki, 1959) nói:
“Đại Huệ! Biến kế sở chấp tánh
(vọng tưởng tự tánh) sanh khởi từ tướng (nimitta). Đại Huệ, nó sanh khởi từ
tướng như thế nào? Trong duyên khởi tự tánh, những cái có thực xuất hiện theo
nhiều cách, như có các tướng, các dấu hiệu, các hình dáng… Khi các đối vật,
hình tướng và dấu hiệu này được bám chấp cho là thật, thì sự gắn dính này xảy
ra theo hai cách. Các bậc giác ngộ tuyên bố cốt lõi của biến kế sở chấp là bám
luyến vào những tên gọi và những đối vật. Bám luyến những đối vật nghĩa là dính
chặt với vật bên trong và vật bên ngoài (như là có thật). Bám luyến những tên
gọi là nhận thấy trong những đối vật bên trong và bên ngoài có những đặc tính
của cá thể và tổng thể và xem chúng đích thực thuộc về những đối vật.”
Cái không có thật mà cho là có thật,
cho là có những tính chất bất biến thế này thế nọ, đó là vọng tưởng, vọng phân
biệt, giả lập, biến kế. Rồi theo nó mà bám chấp, bám luyến, gắn bó, dính chặt.
Đó là những đều chúng ta có thể hiểu về Biến kế sở chấp.
Nhưng Biến kế sở chấp này có thể
càng ngày càng lớn, càng nặng nề, vì được tích tập thêm, luôn tập thêm nhờ sự
liên tục của thức. Một dấu vết nào in lên tâm thức, được lập đi lập lại, thì
ngày càng sâu càng khó xóa. Kết quả là tâm thức càng ngày càng bị điều kiện
hóa, bị bó hẹp, giam nhốt trong những kiến chấp, thành kiến, phân biệt cực
đoan, thậm chí đưa đến cái xấu ác – nhưng tất cả đều là vọng tưởng giả lập.
Nhưng ngược lại, Biến kế sở chấp này cũng có thể càng ngày càng nhẹ bớt, những
hàng rào trói buộc của nó càng lỏng thưa, đến độ chúng ta có thể thoát khỏi nó,
tự do khỏi nó. Với Phật giáo, giải thoát không phải là đi đâu cả, mà ra khỏi
những hàng rào trói buộc trong tâm, trong đó Biến kế sở chấp là hàng rào thứ
nhất và thô nặng nhất.
Màu đỏ mà tôi thương hay ghét như đã
nói trên đâu phải là sự thật tuyệt đối (chân đế), nó chỉ là sự thật tương đối
(tục đế). Con chó nằm dưới chân tôi đây chỉ thấy hai màu đen trắng, làm gì có
màu đỏ. Tôi thấy màu đỏ là do hệ thống mắt và hệ thần kinh được tổ chức theo
một cách thuộc về loài người của tôi thôi. Ngày nay các nhà khoa học đã nói
rằng trong thế giới, các nguyên tử không làm gì có màu sắc, hương vị.. Hơn nữa,
tôi thấy cái gì là do các photon đi đến mắt, tác động vào hệ thần kinh của tôi,
photon có thể nhiều hoặc ít, bước sóng có thể khác nhau, nhưng photon làm gì có
màu. Thế thì màu đỏ tôi thích hay ghét là “vọng thấy biệt nghiệp” của tôi, và
thấy màu đỏ chung như tất cả mọi người là “vọng thấy đồng phận” loài người của
tôi (theo Kinh Lăng Nghiêm). Dĩ nhiên cả hai đều không phải là cái thấy
đúng, cái thấy tuyệt đối, mà chỉ là cái thấy tương đối, tạm thời, giả lập,
thuộc về nghiệp, thuộc về thế giới sanh tử. Cũng chính vì cái thấy này không
thật, tương đối, giả lập, như huyễn mà chúng ta mới có cơ may thoát khỏi sanh
tử, vì sanh tử cũng không thật, tương đối, giả lập, như huyễn vì sanh tử do cái
vọng thấy mà tạo ra. Nếu sanh tử mà thật một cách tuyệt đối thì làm sao phá vỡ
nó để giải thoát?
Nhưng nhìn toàn bộ con đường, chúng
ta cũng phải cám ơn cái vọng thấy này, cái Biến kế sở chấp tánh này: nó đã gây
cho chúng ta khổ đau, để nhờ đó mà tìm cách giải thoát khỏi nó. Nếu không,
chúng ta cũng chỉ là đất đá vô tri.
Trong kinh luận Đại thừa, có nhiều
ví dụ để chỉ tính Biến kế sở chấp này: như mộng huyễn bọt ảnh, như sương cũng
như chớp, như hoa đốm giữa hư không, mặt trăng thứ hai, mắt nhặm thấy tóc rủ
trước mặt, đi dưới thuyền mà cho là bờ chạy, như lông rùa sừng thỏ, như dợn
nắng trên sa mạc mà tưởng là nước…
2/ Y tha khởi tánh: (Paratantra-svabhava),
còn gọi là Duyên khởi tánh, Tương thuộc tánh. Y tha khởi: nương vào cái khác mà
khởi sanh khởi. Suzuki dịch Y tha khởi tánh là cái biết ở phương diện tương đối
(paratantra). Đây là tính chất duyên sanh tương thuộc của hiện hữu. Luận Thành
Duy Thức nói:
21. Tự tánh y tha khởi
Do phân biệt các duyên mà sanh
Viên thành thật nơi đó
Thường xa lìa tánh Biến kế trước.
Kinh Lăng Già nói: “Y tha khởi
tánh sanh khởi từ sự phân chia của chủ thể và đối tượng”.
Y tha khởi tánh này có hai phần:
Phần nhiễm: là “do phân biệt các
duyên mà sanh”, “sanh khởi từ sự phân chia của chủ thể và đối tượng”. Chúng ta
chú ý chữ sanh và sanh khởi này. Đối với Phật giáo cái thấy có sanh, có sanh
khởi thì chưa hoàn toàn là thật, còn vô minh. Trạng thái hết vô minh để giải
thoát được gọi là Vô sanh pháp nhẫn. Do đó trong phần Ba vô tánh của Duy thức
(tướng vô tánh đối lại với biến kế sở chấp tánh, sanh vô tánh đối lại với y tha
khởi tánh, và thắng nghĩa vô tánh đối lại viên thành thật tánh) để đưa ba tính
chất này về thực tại tối hậu là tánh Không, Y tha khởi tánh được chuyển hóa
thành “ sanh vô tánh”: tất cả các pháp đều vô sanh.
Phần tịnh: tức là “ở nơi y tha khởi
này” mà không còn những phân biệt vi tế khiến thấy có sanh, thì đây là tính
chất thanh tịnh vô lậu của Y tha khởi. Đây cũng chính là Viên thành thật tánh.
Một thí dụ: khi không còn thấy hoa
đốm giữa hư không, thì chỗ nào trước kia thấy hoa đốm, bây giờ thấy là hư
không, là không gian của bầu trời.
3/ Viên thành thật tánh:
(Parinispana-svabhava), còn gọi là Viên thành tự tánh, Đệ nhất nghĩa đế thể
tánh, Tự tánh tuyệt đối.
Thành Duy Thức nói:
21 Viên thành thật nơi đó (nơi y tha
khởi)
Thường xa lìa biến kế trước
22 Nên nó và y tha
Không khác không chẳng khác
Như tánh vô thường không khác không
chẳng khác với các pháp vô thường
Thấy tánh Viên thành này mới thấy
tánh Duyên khởi kia.
23 Dựa vào ba tánh này
Lập ba vô tánh kia
Nên Phật mật ý nói
Tất cả pháp vô tánh (không có tự
tánh, là tánh Không).
24 Một là tướng vô tánh
Hai là sanh vô tánh
Ba, do xa lìa cái trước
Tánh chấp lấy ngã pháp.
25 Đây là sự thật tối hậu (chân lý
tuyệt đối) của tất cả các pháp
Cũng tức là Chân Như (Bhutatathata)
Bởi vì nó không biến đổi, tánh
thường như vậy
Đây là thực tánh của Duy Thức.
Kinh Giải Thâm mật nói: “Viên
thành thật tánh là Chân Như bình đẳng của tất cả các pháp”.
Kinhh Lăng Già nói: “Viên thành
thật tánh được chứng ngộ khi người ta xua tan những ý niệm phân biệt về hình
tướng, tên gọi, đặc tính và sự chấp thật. Đó là sự chứng ngộ bên trong bằng trí
huệ bậc thánh. Viên thành thật tánh này là thể tánh của Như Lai tạng”.
Như vậy, Viên thành thật tánh là
Chân Như, tánh Không, Như Lai tạng tánh, Phật tánh, Pháp thân… Theo quan điểm
Đại thừa, cái này vốn có sẵn nơi mỗi chúng sanh. Đó cũng là quan điểm của Kim
Cương thừa: “Bản tánh giác ngộ của chúng sanh, ý niệm này là một điều rất quan
trọng chung cho Du già hành tông (Duy thức tông) và Mật tông Tây Tạng, nhấn
mạnh vào bản tánh giác ngộ của con người. Các hệ phái Du già hành tông và Mật
tông đều nhấn mạnh sự thực là mỗi một con người đều vốn đã giác ngộ. Vô minh và
mê muội chỉ là yếu tố phụ thuộc hoặc ngoại sanh tạm thời, tự trong bản chất con
người chẳng có chút nào yếu tố tiêu cực đó…. Bản tánh giác ngộ sáng suốt ấy
trong kinh văn Du già hành tông gọi là Như Lai tạng. Nói chung, Như Lai tạng
được hiểu là Phật tánh” (Traleg Rinpoche, Ảnh hưởng của Du già hành tông
trong Mật tông Tây Tạng, trang 166, trong Du già Hành Tông, Thích
Nhuận Châu soạn dịch, Văn Thành xuất bản, 2005).
Duy thức tông căn cứ trên quan điểm
chung của Đại thừa và Kim Cương thừa là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh hay
Như Lai tạng tánh hay Viên thành thật tánh vốn thanh tịnh từ vô thủy. Viên
thành thật tánh là Chơn Như, là thực tại bất sanh bất diệt, bất lai bất khứ,
bất nhất bất dị… làm nền tảng vô hạn cho tất cả mọi sanh diệt, lai khứ, nhất
dị… Viên thành thật tánh này là thực tánh của Duy thức, nó là nền tảng, con
đường và quả của Duy thức tông.
Viên thành thật tánh là thực tại
không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, trên đó Y
tha khởi tánh được thiết lập và trên nữa là Biến kế sở chấp. Lấy một thí dụ của
Đại thừa, Viên thành thật tánh là đại dương thanh tịnh, trong lặng, vô nhiễm. Y
tha khởi tánh là những làn sóng do những duyên, những hoàn cảnh mà sanh. Còn
Biến kế sở chấp là lầm cho sóng là dữ là hiền, là xanh là trắng, là thuận hay
nghịch với ta… Nếu ở trong Viên thành thật tánh, thì tất cả sóng đều là nước,
đều là đại dương. Như thế sóng có sanh mà thật không sanh, vì tất cả là nước,
tất cả là Viên thành thật tánh. Như vậy tất cả các hiện tượng, tất cả các pháp
đều chỉ có một vị là nước đại dương, đều chỉ có một tướng là đại dương.
Một thí dụ khác: sợi dây mà thấy lầm
là con rắn. Sự thấy lầm này là Biến kế sở chấp. Hết thấy lầm thì sợi dây là sợi
dây do duyên sanh, do nhiều thứ hợp lại mà thành. Đây là Y tha khởi tánh, nhưng
cũng chỉ mới là chân lý tương đối. Với cái thấy rốt ráo thì sợi dây là Chân
Như. Y tha khởi tánh chính là Viên thành thật tánh. Chân lý tương đối chính là
chân lý tuyệt đối, tối hậu. Sắc tức là Không. Sanh tử tức Niết bàn. Phiền não
tức Bồ đề.
Như vậy, để hết vô minh, chúng ta
phải chuyển hóa tâm thức, phải chuyển y (asrayaparavrtti) hay chuyển thức thành
trí. Nghĩa là chuyển Biến kế và Y tha thành Viên thành thật.
II. Những phương pháp (hay con
đường) xua tan cái không thật để cái thật hiển lộ:
Vô minh là sự chấp ngã chấp pháp sai
lầm, hư giả. Luận Thành Duy Thức bắt đầu bằng câu kệ:
1. Những quan niệm về ngã và pháp
đều không thật, chỉ là hư cấu
Vì đó mà có mọi hình tướng và phẩm
tính của hiện tượng sanh khởi
Chúng đều nương vào sự biểu lộ và
chuyển hóa của thức
Thức biểu lộ và chuyển hóa như vậy
có ba.
(bản dịch tiếng Anh của Wei Tat,
Hong Kong, 1973)
Con đường Duy thức là để giải phóng
khỏi những cái thấy sai lầm, những thành kiến, những bám chấp làm che ám tâm.
Giải thoát chính là giải thoát khỏi những che chướng này.
1/ Đối với biến kế sở chấp tánh:
Có hai phương pháp chính, là quán không và quán huyễn. Ở đây chỉ nói đến quán
huyễn và chỉ trích dẫn từ một kinh là kinh Viên Giác.
Trong kinh Viên Giác có dạy ba
phương pháp: Sa ma tha, Tam ma bát đề và Thiền na. Tam ma bát đề chủ yếu là
quán huyễn.
“Thiện nam tử! Nếu các Bồ tát ngộ
Viên Giác thanh tịnh, thì y vào cái giác tâm thanh tịnh này mà biết tâm thức
cùng căn trần đều do huyễn hóa, bèn khởi các huyễn để trừ các huyễn, hóa hiện
các hạnh như huyễn để khai hóa các chúng sanh như huyễn. Do quán thấy huyễn mà
bên trong bèn phát ra đại bi khinh an.
Tất cả các Bồ tát theo pháp quán như
huyễn này mà tu hành, lần lần tăng tiến. Ban đầu quán cảnh là huyễn nhưng người
quán chưa phải huyễn, sau người quán cũng là huyễn. Tướng huyễn vĩnh viễn lìa
dứt là chỗ tu hành tròn vẹn thâm diệu của Bồtát. Như huyễn tam muội này như đất
làm cho mầm cây càng ngày càng tăng trưởng. Phương tiện này gọi là Tam ma bát
đề. (Chương Uy Đức Tự Tại thứ 7).
Chương Phổ Hiền thứ 2, Đức Phật bảo
Bồ tát Phổ Hiền rằng:
“Thiện nam tử! Thảy cả mọi thứ huyễn
hóa của tất cả chúng sanh đều sanh trong Diệu Tâm Viên Giác của Như Lai, giống
như hoa đốm giữa hư không ở trong hư không mà có, hoa huyễn tuy diệt mà tánh hư
không chẳng hề hoại diệt. Cái thức tâm huyễn hóa của chúng sanh cũng như hoa
đốm kia, nương theo huyễn mà diệt. Tuy các huyễn diệt hết, giác tâm trùm khắp
chẳng động.
Thế nên huyễn diệt, gọi đó là tánh
giác chẳng động.
Thiện nam tử! Hết thảy Bồ tát và
chúng sanh đời mạt pháp cần phải xa lìa hết thảy cảnh tướng hư vọng. Nhưng còn
nắm giữa cái tâm xa lìa, mà tâm thì như huyễn nên cũng phải xa lìa. Sự xa lìa
ấy là huyễn nên cũng phải xa lìa. Cái ‘lìa sự xa lìa’ ấy cũng là huyễn nên cũng
phải xa lìa. Đến chỗ ‘không có gì để lìa’, tức là hết các huyễn. Ví như lấy lửa
từ hai thanh cây cọ xát nhau, lửa phát ra thì cây cháy trọn, tro bay khói hết.
Dùng huyễn để tu huyễn thì cũng như vậy. Các huyễn tuy hết mà chẳng phải là
đoạn diệt.
Thiện nam tử! Biết huyễn là lìa,
chẳng khởi phương tiện. Lìa huyễn là giác, cũng không thứ lớp.
Tất cả Bồ tát và chúng sanh đời mạt
thế y đó tu hành, như thế là khỏi hẳn các huyễn”.
Nói trong ngữ cảnh Duy thức, Biến kế
sở chấp là huyễn phải lìa. Lìa hết huyễn tức là Viên thành thật tánh.
Nói theo ba tánh của Duy thức, tướng
của Biến kế sở chấp tánh phải được chuyển hóa thành tướng vô tánh. Tướng một
khi đã vô tánh hay vô tự tánh, thì đó là Viên thành thật tánh.
2/ Đối với Y tha khởi tánh:
Để làm hiển lộ Y tha khởi tánh hay tánh
Duyên khởi, chúng ta quán duyên khởi. Chúng ta cần đưa tất cả mọi cái thấy nghe
hay biết (mọi hiện tượng, mọi pháp) về trong chân lý của chúng là tánh duyên
khởi, do đó chúng ta thể nghiệm được sự thật của chúng là vô thường, khổ, không
và vô ngã. Quán duyên khởi được nói tỉ mỉ trong các kinh luận, ở đây chúng ta
không trích dẫn ra.
Nhưng sự thực hành đối với Y tha
khởi tánh còn phải đẩy xa hơn nữa, vì duyên khởi, vô thường, khổ, không, vô ngã
mới chỉ là chân lý tương đối. Y tha khởi tánh phải được đưa tới Viên thành thật
tánh, đưa tới chân lý tuyệt đối. Trong chân lý tuyệt đối, duyên khởi chính là
tánh Không, Y tha khởi tánh chính là Sanh vô tánh (cái thứ hai trong Ba vô
tánh). Hay nói cụ thể hơn, tất cả các pháp duyên sanh chính là vô sanh.
Tất cả pháp không sanh, đó là chân lý tuyệt đối của Y tha khởi tánh. Tất cả Y
tha khởi tánh chính là Viên thành thật tánh, không sanh không diệt, không dơ
không sạch, không tăng không giảm, không đến không đi.
Chính từ thật nghĩa của “Y tha khởi
tánh rốt ráo tức là Viên thành thật tánh” này, chính từ chân lý tuyệt đối Viên
thành thật tánh này mà nhìn y tha khởi thì y tha khởi trở thành như huyễn. Viên
thành thật tánh là căn bản trí thông đạt tánh Không, và sau đó là hậu đắc trí
nhìn thấy Y tha khởi tánh là như huyễn, thấy sự sai biệt của pháp giới nhưng
vẫn là như huyễn. Cái thấy sai biệt của hậu đắc trí (hay sai biệt trí) vẫn nằm
trong căn bản trí (hay vô sai biệt trí), thế nên sai biệt mà không sai biệt,
sai biệt mà vẫn là Không, là như huyễn.
Từ hậu đắc trí, sai biệt trí này mà
có sự độ sanh của chư Phật, chư Bồ tát. Các ngài hiện thân trong sanh tử, trong
thế giới sai biệt như huyễn (hậu đắc trí) mà vẫn thường trụ trong Niết Bàn
(tánh Không, Pháp thân, căn bản trí). Đại thừa vẫn thường nói sanh tử tức Niết
Bàn, nghĩa là sai biệt trí tức là căn bản trí, sắc tức là Không, Y tha khởi
tánh tức là Viên thành thật tánh.
Chúng ta lấy một câu chuyện để minh
họa cho Y tha khởi tánh này.
“Lục Tổ Huệ Năng đến chùa Pháp Tánh
ở Quảng Châu. Nhân có hai vị tăng tranh luận với nhau nghĩa gió và phướn. Người
thì nói, ‘gió động’; người thì nói ‘phướn động’, cãi nhau mãi không thôi. Ngài
Huệ Năng bước tới mà rằng: ‘chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, chính
là tâm của hai nhân giả động’. Chúng đều kinh hãi.” (Pháp Bảo Đàn Kinh,
phẩm Tự Tưï).
Người bình thường ở trong Y tha khởi
tánh bị nhiễm ô bởi Biến kế sở chấp tánh thì nói rằng gió động hay phướn động.
Người hiểu Y tha khởi tánh hay duyên khởi tánh thì nói gió động hay phướn động
là do những nhân duyên thế này thế này… nhưng cả gió và phướn cũng nằm trong
động. Với người đã thông đạt Y tha khởi tánh ở mức rốt ráo, nghĩa là ở mức nó
là Viên thành thật tánh, thì gió và phướn đều chẳng động. Đó là cái thấy thoát
khỏi sanh tử. Trong căn bản trí tất cả các pháp không sanh, tất cả các pháp
không động, hậu đắc trí tương ưng với động và sanh, nhưng hậu đắc trí này luôn
luôn nằm trong và đặt nền trên căn bản trí, nên có động mà không động, có sanh
mà không sanh, có thế giới mà như huyễn. Nhờ thấy có động mà không động, có
sanh mà không sanh, Lục Tổ mới chỉ dạy cho hai vị tăng kia được. Chỉ dạy mà
không ra ngoài “Đệ nhất nghĩa bất động” (Kinh Duy Ma Cật).
Trong quan điểm Duy Thức, chúng ta
thấy nghiên cứu khoa học là công việc ở trong Y tha khởi tánh này, nhưng là Y
tha khởi tánh nằm trong chân lý tương đối, nghĩa là nằm trong thức. Hạt này có
vì những hạt kia có, vì những năng lượng kia có… Hạt này sanh hoặc diệt vì
những hạt kia, vì những năng lượng kia sanh hoặc diệt… Đó là duyên khởi của
chân lý tương đối. Đó là sự hiểu biết của thức. Còn với Phật giáo, một hành giả
đạt đến trí, đạt đến chân lý tuyệt đối thì các hạt đều không sanh không diệt.
Đó là cái thấy của trí huệ, do đó mà giải thoát. Và khi đã tự giải thoát,
thường trụ trong chân lý không sanh không diệt mà nhìn ra để giúp đỡ cuộc đời
thì cũng thấy có sanh có diệt, có đến có đi, nhưng cái sanh diệt đến đi này là
sanh diệt đến đi trong tánh Không, trong như huyễn.
3/ Đối với Viên thành thật tánh:
Có nhiều cách để làm hiển lộ Viên
thành thật tánh hay Chân Như. Ở đây chỉ nói đến một cách chính, một trong ba
phương pháp của Kinh Viên Giác: Thiền na.
“Thiện nam tử! Nếu các Bồ tát ngộ
Viên giác thanh tịnh thì y vào cái giác tâm thanh tịnh này, chẳng giữ quán
huyễn (Tam ma bát đề) hay theo hạnh tĩnh (Sa ma tha), mà biết rõ thân tâm đều
là ngăn che, chướng ngại, còn tánh Viên giác sáng suốt chẳng hề bị ngăn ngại,
luôn luôn siêu vượt qua khỏi mọi cảnh chướng ngại và không chướng ngại. Nó vẫn
thọ dụng tướng thế giới cùng thân tâm ngay nơi cõi trần mà không bị ngăn che
ràng buộc, như tiếng boong của chuông, tuy ở nơi chuông mà vẫn thoát ra ngoài.
Bấy giờ phiền não và Niết Bàn đều
chẳng lưu ngại nhau, bên trong bèn phát ra tịch diệt khinh an. Đó là cảnh giới
tịch diệt tùy thuận Diệu Giác: mình người, thân tâm hoàn toàn chẳng có, chúng
sanh, thọ mạng đều là ý tưởng hảo huyền. Phương tiện này gọi là Thiền na (chỉ quán song tu)”. (Kinh Viên Giác, phẩm Oai Đức Tự
Tại).
Luận Đại Thừa Khởi Tín nói:
“Trực tâm là trực tiếp chánh niệm
Chân Như…
Tất cả cảnh giới xưa nay vốn là Một
Chân Tâm thanh tịnh, lìa mọi tưởng niệm. Do chúng sanh vọng thấy các cảnh giới (sai khác) nên tâm có phần mảnh hạn hẹp. Do hư vọng khởi
ra các tưởng niệm, chẳng xứng với pháp tánh nên không thể thấu suốt rõ ràng.
Chư Phật Như Lai đã lìa cái thấy và cái tưởng hư vọng ấy, nên tâm không chỗ nào
không khắp. Vì tâm chân thật, nên tâm là tánh của tất cả các pháp. Từ thể tánh
này, soi rõ tất cả pháp hư vọng, có diệu dụng đại trí và vô lượng phương tiện,
tùy theo phần chỗ chúng sanh hiểu được, mà khai thị mọi nghĩa của pháp, thế nên
được gọi là Nhất Thiết Chủng Trí”.
Trực niệm Chân Như chính là “Chân
Như tam muội”. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói:
“Tùy thuận (với Chân Như)
như thế nào? Do lần lần tu tập cả Chỉ (Sa ma tha) và Quán (Tam ma
bát đề) đều không rời nhau, nên cả hai đều hiện tiền… Vì tất cả các pháp xưa
nay vốn không có tướng, mỗi niệm chẳng sanh, mỗi niệm chẳng diệt. Hành giả cũng
không được ngoài tâm theo nghĩ các cảnh giới, rồi sau lấy tâm từ tâm. Nếu tâm
rong ruổi, liền thâu nhiếp lại trụ ở nơi chánh niệm. Phải biết chánh niệm đây là
“duy tâm” (duy thức), không có cảnh giới bên ngoài. Và cái tâm này cũng
không có tự tướng, niệm niệm đều bất khả đắc.
Khi thiền định đứng dậy, đi đứng qua
lại, làm các công việc, trong tất cả thời giờ, hành giả phải thường nhớ phương
tiện (phương pháp), tùy thuận quán
sát. Tu hành như vậy lâu ngày thì thuần phục, tâm được an trụ. Do tâm an trụ,
dần dần mạnh mẽ bén nhạy, bèn được tùy thuận nhập vào Chân Như tam muội, hàng
phục các phiền não sâu kín trong tâm, đức tin tăng trưởng và mau thành Bất thối
chuyển…
Lại nữa, y vào tam muội (chánh định) này mà biết được pháp giới là Một Tướng.
Nghĩa là Pháp thân của tất cả chư Phật và thân của tất cả chúng sanh bình đẳng
không hai, đó gọi là Nhất Hạnh Tam Muội”.
Chúng ta có thể tham khảo thêm về
Nhất Hạnh tam muội và Chỉ Quán đồng thời (Định Huệ đồng thời) của Thiền Tông
trong Pháp Bảo Đàn Kinh.
Kết luận: Với ba tính chất của đời sống, người ta có thể đạt đến Chân
Như, nghĩa là đạt đến “Pháp giới Một Tướng”, Nhất Chân Pháp Giới. Nói theo cách
nói của Thiền tông, hành trình đi từ Biến kế qua Y tha đến Viên thành là quá
trình đi từ tướng vào tánh, nhiếp ngọn về gốc.
Phần Lợi Ích và Khuyến Tu của
Luận Đại Thừa Khởi Tín nói:
“Nếu có người có thể giáo hóa tất cả
chúng sanh trong một đại thiên thế giới, làm cho tất cả chúng sanh ấy đều tu
Mười Thiện Nghiệp, chẳng bằng có người chỉ trong thời gian ngắn bằng bữa ăn
chân chánh tư duy pháp này, thì công đức lại nhiều hơn người trước không thể
thí dụ được.
Lại như có người thọ trì luận này,
quán sát tu hành, chỉ trong một ngày một đêm, công đức người đó vô lượng vô
biên, không thể nói hết…
Tại sao thế? Vì công đức pháp tánh
Chân Như vốn không cùng tận, công đức của người ấy cũng không có biên giới như
vậy.”
Sở dĩ công đức vô biên như vậy, bởi
vì người ấy đã đạt đến, đã lọt vào, đã thông đạt Chân Như vốn không cùng tận.
Như thế sự thực hành cần đạt đến cấp độ quyết định: thấy thật tánh của Duy
thức, ngộ nhập được Chân Như. Cấp độ thấy được để an trụ thật tánh của Duy thức
này được gọi là Thông đạt vị hay Kiến đạo vị.
Còn trước đó là Tư lương vị và Gia
hạnh vị, sửa soạn tư lương cho cuộc hành trình và tăng thêm sức mạnh để thể
nhập Duy thức tánh.
26. Chừng nào cái thức có trí huệ
chưa sanh ra
Mà cầu an trụ tánh Duy thức
Đối với hai thứ Phiền não chướng và
Sở tri chướng
Còn chưa thể hàng phục tiêu diệt.
27. Ở trước mặt còn có vọng lập chút
vật (tướng)
Mà cho là tánh Duy thức
Nhưng vì còn có tướng để sở đắc
Nên chưa thật trụ Duy thức.
Khi thấy được Chân Như, thật tánh
của Duy thức, nghĩa là thấy được cái ngay nơi sóng là nước, ngay nơi Y tha khởi
là Viên thành thật tánh, đó gọi là an trụ tánh Duy thức, đó là Thông đạt vị hay
Sơ địa, thì:
Khi trong cảnh sở duyên
Trí không hình thành ý niệm là đối
vật
Bấy giờ chính là an trụ tánh Duy
thức
Vì lìa cả hai, cái để nắm giữ và
hành động nắm giữ.
Luận Đại Thừa Khởi Tín cũng nói như
vậy về sự thấy được Chân Như, cũng tức là Pháp thân, tánh Không, Phật tánh…
“Vì năng lực huân tập thường hằng
của Chân Như làm cho chúng sanh nhàm chán khổ đau sanh tử, thích cầu quả an lạc
Niết Bàn, tự tin chính bản thân mình vốn sẵn có chánh nhân Phật tánh, rồi phấn
chấn phát tâm tu hành. Nhưng nếu không gặp chư Phật, các Bồ tát và các thiện
tri thức làm trợ duyên giáo hóa dẫn dắt tu hành, thì chúng sanh cũng không thể
tự mình cắt đứt hết mọi phiền não, chứng nhập Niết Bàn. Vì Chân Như huân tập
nên vọng tâm tiêu diệt. Do vọng tâm tiêu diệt, nên Pháp thân hiển lộ. Khi Pháp
thân hiển lộ rồi, lại do diệu dụng của Pháp thân Chân Như huân tập luôn luôn
cho nên không có cùng tận.
Pháp thân Bồ tát biết được Chân Như
Phật tánh từng phần (Tùy phần giác)… Đã tương ưng (với
Chân Như), Bồ tát Pháp thân được vô phân biệt trí, tương ưng với thể trí và
dụng của chư Phật. Chỉ y vào pháp lực của Pháp thân mà tu hành, tự nhiên huân
tập Chân Như, diệt hết vô minh”.
Con đường Bồ tát là con đường khám
phá, khai triển và hợp nhất căn bản trí (hay vô sai biệt trí) và hậu đắc trí
(hay sai biệt trí). Trên con đường này vô sai biệt trí thấy tánh Không và sai
biệt trí thấy sự khác biệt của các hiện tượng càng lúc không mâu thuẫn nhau mà
còn hợp nhất. Ở cấp độ cao hay giai đoạn rốt ráo, vị Bồ tát đồng thời vừa thấy
trọn vẹn tánh Không không sai biệt vừa thấy sự sai biệt mà không sai biệt của
tất cả các pháp.
Với căn bản trí hay vô sai biệt trí
để chứng (từng phần) Pháp thân, hay thể của Chân Như, và với hậu đắc trí hay
sai biệt trí chứng (từng phần) dụng của Chân Như hay Báo thân và Hóa thân, vị
Bồ tát lần lần có đủ ba thân, Ba thân để làm lợi mình lợi người cho đến viên
mãn.
Đây là một con đường của Duy thức,
được tìm hiểu trong bối cảnh của Duy thức tông. Nhưng sự việc khai thị ngộ nhập
Chân Như là chung cho tất cả mọi tông phái Phật giáo. Chúng ta thấy Thiền tông,
Bát Nhã Không tông, Hoa Nghiêm tông… cũng đi như vậy. Đại toàn thiện, Đại ấn và
những tantra của Kim Cương thừa cũng có cùng mục đích như vậy. Do đó trong thời
đại Phật giáo một nhà, như thế giới hiện nay là toàn cầu hóa, sự tham khảo
những pháp môn đặc biệt của các tông phái thì rất có ích lợi. Chẳng hạn quán
huyễn, quán mộng được giảng giải và thực hành rất cụ thể và hiệu quả trong “Sáu
trung ấm” của Kim Cương thừa, hay Yoga Bổn tôn là sự ứng dụng triệt để Ba tánh
của Duy thức. Hoặc “trực niệm Chân Như” là một truyền thống của Thiền tông, của
Đại ấn và Đại toàn thiện.
Tiến trình đi từ Biến kế sở chấp qua
Y tha khởi đến Viên thành thật là tiến trình đi từ cái giả đến cái thật tương
đối và đến cái thật tuyệt đối. Dĩ nhiên cái giả, cái lầm thì phải gây ra khổ
đau. Cái giả, cái lầm chính là khổ đau.
Nhưng điều kỳ diệu nhất, vĩ đại nhất
chính là cái Thật, Viên thành thật tánh, Chân Như, Phật tánh, Pháp thân… vẫn
vốn có sẵn ở đây, vẫn luôn luôn ở với chúng ta, vẫn hằng ở trước mắt chúng ta,
khi sống cũng như chết. Thế nên hạnh phúc là sự chọn lựa: chọn lựa ở trong Biến
kế sở chấp tánh khổ đau sanh tử hay chọn lựa an trụ trong Viên thành thật tánh,
trong thật tánh của Duy thức, trong hạnh phúc của “sanh tử tức Niết Bàn”, của
“toàn tướng là tánh”, của “toàn thức là trí”, của “tất cả sóng là đại dương”.