Thursday, July 4, 2024

NGHĨ VỀ THỊNH PHÁP VÀ MẠT PHÁP

https://thuvienhoasen.org/a41415/nghi-ve-thinh-phap-va-mat-phap-nguyen-giac NGHĨ VỀ THỊNH PHÁP VÀ MẠT PHÁP Có phải bây giờ đã tới thời mạt pháp? Hay là sắp tới thời mạt pháp? Bài này được viết để trình bày một số suy nghĩ liên hệ. Bài này được viết trong tinh thần biết ơn Phật, biết ơn Pháp, biết ơn Tăng. Tuy nêu lên vấn đề, có phải chúng ta đang ở thời mạt pháp, nhưng người viết không có bất kỳ thẩm quyền nào về sức tu và sức học. Nơi đây sẽ chủ yếu là ghi lại lời dạy từ Kinh Phật và từ các vị Thầy mà người viết có cơ duyên học từ thời còn ở Việt Nam. Có phải mạt pháp là khi Tăng đoàn chia đôi để trở thành Theravada và Mahayana trong thế kỷ thứ nhất? Có phải mạt pháp là khi Tướng Hồi Giáo Muhammad Bakhtiyar Khalji đưa quân chiếm vùng Bengal và Bihar, tấn công các tu viện Phật giáo và thiêu rụi Đại học Phật giáo Nalanda vào thế kỷ 12? Có phải thịnh pháp là khi Thiền Tông hưng khởi trong các thời vua Lý, Trần? Có phải thịnh pháp là khi Phật pháp được truyền bá khắp thế giới như hiện nay, khi Kinh Phật được dịch sang hàng chục ngôn ngữ và đã thiết lập Tăng đoàn gần như khắp toàn cầu? Và rất nhiều các câu hỏi tương tự. Tất cả những cách đặt vấn đề đó đều quá lớn, chỉ thích nghi cho các sử gia. Có lẽ, trong những gì bản thân từng người chúng ta tự quan sát được hàng ngày (và ngay giây phút này): mạt pháp là khi tham sân si hiện ra, và thịnh pháp là khi tham sân si biến mất (dù là dao động tạm thời). Nếu chúng ta hiểu chữ Pháp như là lời Đức Phật dạy, tức là Kinh tạng về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, thì thịnh pháp là khi những lời dạy này được tuyên thuyết, giảng dạy. Nếu như thế, chúng ta đang ở thời thịnh pháp, vì các phương tiện hoằng pháp quá dư thừa: truyền hình, truyền thanh, Internet, sách giấy, sách điện tử… Và sẽ là thời mạt pháp nếu chúng ta (hay những người khác) bóp méo giáo lý, lười biếng tu học, hay trục lợi mờ ám. Tuy nhiên, Pháp không chỉ có nghĩa là lời dạy của Đức Phật, không chỉ là lời dạy nằm trong vài ngàn trang giấy, hay trên các trang web. Đức Phật còn nói về nghĩa khác của Pháp. Kinh SN 22.87 ghi lại một cuộc đối thoại, và lời Phật nói về Pháp, theo bản dịch của Thầy Minh Châu, trích: “— Đã từ lâu, bạch Thế Tôn, con muốn đến để được thấy Thế Tôn. Nhưng thân con không đủ sức mạnh để được đến thấy Thế Tôn. ---- Thôi vừa rồi, này Vakkali, có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này. Này Vakkali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp. Này Vakkali, đang thấy Pháp, là thấy Ta. Đang thấy Ta, là thấy Pháp.” (1) Như thế, Pháp là cái gì trường tồn, ngay cả khi Đức Phật đã viên tịch, thì Pháp vẫn có thể được kinh nghiệm, được chứng ngộ. Và như thế, Pháp hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới này, trong cả ba thời gian quá, hiện và vị lai, có thể được kinh nghiệm bởi bất kỳ Phật tử nào chịu tu, chịu học. Khi hiểu Pháp như thế, là một vô vi pháp, chữ mạt pháp bấy giờ sẽ có nghĩa là khi chúng ta chưa thấy được Pháp, và khi tu tới mức thấy Pháp tức là thấy Phật, sẽ có nghĩa là thời kỳ thịnh pháp. Có nghĩa là, Pháp là xa lìa tham sân si và đồng thời là con đường xa lìa tham sân si. Do vậy, mạt pháp là khi chúng ta lười biếng, không chịu tu học. Nơi đây, Đức Phật chỉ nói về Pháp theo nghĩa vận hành giải thoát của cá nhân. Nghĩa là, bạn chỉ có thể hoằng pháp, nhưng không thể tu giùm cho bất kỳ ai. Vì thấy Pháp, là kinh nghiệm cá nhân, không phải kinh nghiệm tập thể. Trong Kinh AN 11.13, Đức Phật dạy rằng Pháp luôn luôn thiết thực (nghĩa là, chúng ta có thể kinh nghiệm, nhận biết Pháp), luôn luôn có mặt ở hiện tại và không lệ thuộc vào thời gian (nghĩa là, Pháp luôn hiện diện). Bản dịch của Thầy Minh Châu trích như sau: “Lại nữa, này Nandiya, Ông phải tùy niệm Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo nói, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu. Như vậy, này Nandiya, duyên vào Pháp, Ông hãy an trú niệm trong nội tâm.” (2) Khi được hiểu như thế, Pháp sẽ không bao giờ mạt. Chỉ có nghĩa là, nếu chúng ta không nhận ra được và không sống phù hợp với vận hành của Pháp, thì mới có thể tạm gọi là mạt pháp. Pháp nơi Kinh SN 22.87 có thể kinh nghiệm bằng Thấy, nhưng không phải là ngũ uẩn được thấy bằng mắt, vì Pháp là xa lìa ngũ uẩn (vì Phật đã viên tịch). Pháp trong Kinh AN 11.13 chỉ có thể kinh nghiệm cũng bằng tâm – khi “tự mình giác hiểu” và “an trú niệm trong nội tâm.” Nghĩa là, Pháp là vượt thời gian, nhưng đang có mặt nơi đây (hiện tại) được nhận ra bằng Tánh Biết. Khi nói rằng Pháp là vượt thời gian, thì Cái Biết (Knowledge) không phải là Pháp, vì có khi biết và có khi không biết, và có hạn lượng vì là thông tin (information) về cái được biết. Nhưng Tánh Biết (Nature of Awareness), còn gọi là Bản Tâm, là chức năng dẫn tới Cái Biết, nhưng luôn luôn là Cái Không Biết (Bát nhã Vô tri). Vì Bản Tâm không biết, nên mới ứng hiện vô lượng cái biết. Tánh Biết chính là tánh chiếu sáng của gương tâm, vì tánh của gương là rỗng (vô tri, không biết) nên mới hiện vô lượng ảnh và vô lượng sắc màu. Thiền Tông còn gọi là Tự Tánh, phải nhận ra bằng Thấy Tánh. Lời giải thích của Đức Phật về Pháp có thể so sánh với các vị Thiền sư Trung Hoa và Việt Nam ưa nói về tánh chiếu của gương và tánh ướt của nước. Gương sáng (không có gi hết) thì sẽ chiếu ra ảnh (cái được thấy, nghe, hay biết). Tánh sáng của gương không đo lường được, không thấy được, nhưng ảnh có thể đo lường, có thể thấy. Tánh sáng của gương không đi, không đến, nhưng ảnh có đi, có đến. Tương tự, tánh ướt của nước không đo lường bằng hũ, bằng bình, nhưng lượng nước có thể đo bằng hũ, bằng bình. Tánh ướt của nước không do tạo tác, không đi, không đến, nhưng nước trong hũ, trong bình thì do tạo tác, có đến, có đi. Trong Bát Nhã Tâm Kinh thì gọi ngắn gọn là Không, và Tánh Không này không lìa sắc thanh hương vị xúcpháp (ảnh chiếu) mà không do tạo tác, không bị hư hoại. Người nào Thấy Tánh được như thế, có thể nhìn thầy mình, thấy người, thấy ngôi chùa trước mặt, thấy núi, thấy rừng thực sự chỉ là hiển lộ của Cái Không, do duyên khởi mà thành tựu, nhưng thực sự mình và thế giới là rỗng rang, y như ráng nắng, như hoa đốm, như giấc mộng. Đức Phật giải thích về pháp vô vi, vượt thời gian này trong Kinh Phật thuyết như vậy 43, tức là Kinh Iti 43, dịch đối chiếu theo hai bản Anh văn của Ireland và Thanissaro: “Đức Phật dạy, ‘Các sư, có một cái vô sanh, một cái không bị đưa tới sanh khởi, một cái không bị làm ra, một cái không bị điều kiện hóa. Các sư, nếu không có một cái vô sanh, một cái không bị đưa tới sanh khởi, môt cái không bị làm ra, một cái không bị điều kiện hóa như thế, sẽ không thể có giải thoát được nhận ra từ cái được sanh ra, cái bị đưa tới sanh khởi, cái bị tạo tác, cái bị điều kiện hóa. Nhưng bởi vì có cái vô sanh, cái không bị đưa tới sanh khởi, cái không bị làm ra, cái không bị điều kiện hóa cho nên giải thoát được nhận ra từ cái được sanh ra, cái bị đưa tới sanh khởi, cái bị tạo tác, cái bị điều kiện hóa’.” (3) Tới đây, câu hỏi là, Đức Phật dạy cách nào để Thấy Phật, hay Thấy Pháp, hay vượt khỏi ba thời quá, hiện, vị lại để vào nơi “không có thời gian” và tự mình giác hiểu? Có một cách chúng ta thường đọc thấy trong nhiều Kinh, nhiều lần được Đức Phật nói tới, và được Kinh Kim Cang thu gọn về một câu là “đừng nắm giữ bất cứ gì hết” – cụ thể là hãy buông tất cả sắc thọ tưởng hành thức của quá khứ, đừng mơ tưởng bất kỳ sắc thọ tưởng hành thức nào của tương lai, và không nắm giữ bất kỳ sắc thọ tưởng hành thức nào của hiện tại. Ngay khi đó, là giải thoát. Ngài Bồ Đề Đạt Ma dạy rằng cách vào đạo là: “Ngoài dứt hết muôn duyên, trong dứt bặt nghĩ tưởng, tâm như tường vách, mới có thể vào đạo.” Pháp này đơn giản, trực tiếp, nhưng cực kỳ khó làm, bởi vì không nương theo bất kỳ phương tiện nào, không cần niệm Phật, không cần niệm hơi thở, không cần niệm thân hay niệm thọ, cũng không cần bất kỳ phương tiện nào. Nghĩa là trong và ngoài hiển lộ cái Tự Tính Không của sắc thọ tưởng hành thức. Hễ ngồi xuống, toàn thân tâm chỉ là một khối tỉnh thức của gương tâm, rỗng, lặng, không dấy bụi. Hễ đứng dậy, hay đi vào chợ, toàn thân tâm là một khối tỉnh thức của gương tâm đang đứng, đang đi, cũng là một khối tỉnh thức hiển lộ ra các thứ như ảnh chiếu trong gương tâm. Khắp thế giới là vô lượng sắc, nhưng cũng là một khối Không vô cùng lớn bao trùm. (Nếu Tịnh Độ được hiểu trong kinh nghiệm này, Đức Phật A Di Đà chính là vô lượng quang và cũng vượt thời gian nên gọi là vô lượng thọ.) Bây giờ nói về Kinh Pháp Cú. Bài Kệ 142 cho thấy rằng chỉ một cái nhìn thấy được pháp vượt thời gian này, là vô lượng kiếp mê mờ biến mất, theo bản dịch của Thầy Minh Châu: 142 "Ai sống tự trang sức, Nhưng an tịnh, nhiếp phục, Sống kiên trì, phạm hạnh, Không hại mọi sinh linh, Vị ấy là phạm chí, Hay sa môn, khất sĩ." Duyên khởi khi Đức Phật đọc bài Kệ 142 là từ tích truyện về tướng quân Santati. Truyện kể rằng, trong khi cư trú tại tu viện Jetavana, Đức Phật đã đọc Bài kệ 142, đề cập đến Santati, quan thượng thư của Vua Pasenadi nước Kosala. Một lần, tướng quân Santati trở về sau khi trấn áp một cuộc nổi dậy ở biên giới. Vua Pasenadi rất hài lòng, nên đã tặng thưởng vị quan này bằng tài sản, quyền chức, và một thiếu nữ nhảy múa để chiêu đãi Santati trong bảy ngày. Trong bảy ngày, tướng quân Santati vui thỏa thích, say sưa với rượu và mê đắm nàng vũ công trẻ. Vào ngày thứ bảy, tướng quân cưỡi voi trang sức, đi xuống bờ sông để tắm. Trên đường đi, Santati gặp Đức Phật đang đi khất thực, trong lúc say rượu, quan chỉ cúi chào để tỏ lòng thành kính với Đức Phật. Đức Phật mỉm cười, A Nan hỏi Đức Phật tại sao Ngài cười. Vì thế, Đức Phật bảo A-nan: “Này Ananda, vị thượng sĩ này sẽ đến gặp ta ngay hôm nay và sau khi ta thuyết cho ông ấy một bài pháp ngắn, ông ta sẽ trở thành một vị A-la-hán. Ngay sau khi trở thành một A-la-hán, ông ấy sẽ chứng ngộ Niết-bàn.” Tướng quân Santati và nhóm tiệc của ông đã dành cả ngày ở bờ sông, tắm rửa, ăn uống và tận hưởng hết mình. Vào buổi tối, tướng quân và cả nhóm ra vườn uống thêm đồ uống và xem cô vũ công nhảy múa. Về phần mình, cô vũ công đã cố gắng hết sức để làm hài lòng tướng quân. Trong cả tuần cô phải ăn kiêng để giữ dáng cho điệu múa. Khi đang khiêu vũ, cô bị đột quỵ nặng và ngã xuống, ngay lập tức cô chết trong tình trạng mắt và miệng mở to. Tướng quân bị sốc và đau buồn sâu sắc. Trong cơn đau đớn, ông cố gắng nghĩ đến một nơi nương tựa và nhớ đến Đức Phật. Ông đến gặp Đức Phật cùng với các đệ tử của Ngài và kể cho Ngài nghe về nỗi đau buồn mà ông phải chịu đựng vì cái chết bất ngờ của người nữ vũ công. Sau đó Santati thưa với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn! Xin hãy giúp con vượt qua nỗi buồn phiền; xin Ngài quy y cho con và cho con được bình an nội tâm.” Đức Phật trả lời, "Hãy yên tâm, con trai của ta, con đã đến với một người có thể giúp đỡ con, Người có thể là niềm an ủi thường xuyên cho con và Người sẽ là nơi nương tựa của con. Những giọt nước mắt con đã rơi vì cái chết của người nữ vũ công trong suốt vòng luân hồi còn hơn cả nước của tất cả các đại dương.” (Nên ghi chú nơi đây: trong bản tiếng Anh của Daw Mya Tin, chữ Người có thể thay bằng chữ Pháp, vì Đức Phật nói là “One” có thể dùng như đại danh từ cho Pháp.) Sau đó Đức Phật đã hướng dẫn vị quan đại thần bằng những lời như sau: “Trong quá khứ, trong tâm con đã có những nắm giữ do tham ái; hãy rời bỏ nó. Trong tương lai, đừng để sự nắm giữ như thế xảy ra trong con. Trong hiện tại, đừng nắm giữ bất cứ những gì. Vì không nắm giữ bất cứ những gì, tham ái và mê đắm sẽ tịch lặng trong con và con sẽ nhận ra Niết Bàn.” Sau khi nghe lời dạy, vị quan đại thần đắc quả A-la-hán. Sau đó, nhận ra rằng mạng sống của mình đã hết, Santati thưa với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn! Bây giờ xin cho con nhập Niết Bàn, vì thời của con đã đến.” Được Đức Phật đồng ý, Santati bay lên trời cao 7 lần chiều cao cây cọ (toddy-palms) và ở đó, trong khi thiền định về yếu tố lửa (hỏa đại), và qua đời khi nhập Niết Bàn. Thân xác Ngài bốc cháy, máu thịt cháy rụi và xá lợi xương từ trên trời rơi xuống trên mảnh vải sạch do các Tỳ kheo trải ra theo lời dạy của Đức Phật. Tại hội chúng, các vị tỳ kheo hỏi Đức Phật: “Bạch Thế Tôn! Vị đại tướng đã chứng ngộ với trang phục đầy đủ của bậc vương giả; ông ta có phải là Sa-môn mặc áo Bà-la-môn không?” Đức Phật trả lời các vị tỳ kheo: "Này các Tỳ kheo! Con trai của ta có thể được gọi vừa là sa môn vừa là Bà la môn." Lời dạy này của Đức Phật cho thấy rằng, người nào có được cái tâm xa lìa cả ba thời quá, hiện, vị lại thì sẽ giải thoát. Thứ nữa, viên quan Santati có đại nhân duyên gặp Phật, nghe trực tiếp lời dạy, cho nên các say mê rượu chè, nữ sắc tưng bừng trong 7 ngày không che được trí tuệ giải thoát, và do vậy Santati thấy được pháp vô vi, không còn dính chút gì, không nắm giữ gì nữa đối với tất cả những sắc thanh hương vị xúc pháp của ba thời. Sau đó, Đức Phật đọc bài Kệ 142, trong đó cho biết không cần xuất gia, không cần cạo đầu, không cần thọ giới tỳ kheo, ngay trong khi ở cương vị đời thường của một tướng quân, vừa gây vô số nghiệp, nhưng liền được khoảnh khắc nhập Niết Bàn và được ca ngợi là vị Sa môn trong màu áo Bà La Môn. Đó là đốn ngộ. Như thế, chúng ta có thể hiểu rằng, thịnh pháp là khi lời dạy của Đức Phật được chúng ta học, suy tư và tu hành. Ngược lại, khi chúng ta làm trái nghịch với lời dạy của Đức Phật, đó là thời mạt pháp. Nơi phương diện khác, thịnh pháp là khi chúng ta Thấy Phật, Thấy Pháp, nhận ra pháp vô vi, pháp vô sanh, cái không do tạo tác (nhưng chúng ta phải tu mới thấy cái không do tạo tác), cái không do làm ra (nhưng chúng ta phải ra sức tu thì cái không do làm ra mới hiển lộ), cái vượt thời gian. Ngược lại, mạt pháp là khi chúng ta ngập chìm trong sắc thanh hương vị xúc pháp của ba thời. Bài này được viết trong tuần lễ tưởng niệm bổn sư là cố Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu (1912-2016), người đã viên tịch ngày 4-7-2016 dương lịch (1-6-Bính Thân). Nguyên Giác GHI CHÚ: (1) Kinh SN 22.87: https://suttacentral.net/sn22.87/vi/minh_chau (2) Kinh AN 11.13: https://suttacentral.net/an11.13/vi/minh_chau (3) Kinh Iti 43: https://accesstoinsight.org/tipitaka/kn/iti/iti.2.042-049x.irel.html