Your vision will become clear only when you look into your heart.... Who looks outside, dreams. Who looks inside, awakens. Carl Jung
Monday, July 15, 2024
Cao Huy Thuần
Vài kỷ niệm về anh Cao Huy Thuần
Nguyễn Tùng
Tôi đã bàng hoàng mấy phút sau khi nghe tin anh Thuần qua đời : Như thế là tôi chơi với anh ấy ở Pháp đến gần 60 năm ! Do quen với vợ chồng anh N. V. Lâm và chị N. T. Tiếu, cũng là dân Huế như anh Thuần, tôi đã gặp anh Thuần vài tháng ngay sau khi anh đến Paris vào khoảng cuối năm 1964. Vào thời đó, tôi hay đọc sách ở thư viện La Sorbonne ở ngay bên cạnh khách sạn nhỏ mà anh Thuần lưu trú nằm trên đường Sommerard. Do đó chúng tôi thường hẹn với anh Lâm, chị Tiếu và cả anh Đào Văn Thụy lúc đó đang làm ở Đại học Luật gần Panthéon đi ăn trưa ở quán cơm của lycée Louis-le-Grand. Thỉnh thoảng anh Thuần cũng rủ tôi lên phòng anh ấy ăn cơm qua loa !
Ngay lúc đó tôi đã thấy anh Thuần là người rộng lượng, không chấp vào những chuyện lặt vặt. Dù lớn hơn tôi 6 tuổi và đã từng dạy đại học ở Huế, anh Thuần đã tham gia viết báo Gió Nội do Lê Kim Chi và tôi chủ trương, dù lúc đó chúng tôi còn non choẹt : mới hơn 20 tuổi! Anh Thuần cũng thường tham gia các trại hè do đoàn sinh viên Phật tử chúng tôi tổ chức. Hè năm 1967, trong hơn hai tuần, anh Thuần cùng tôi được H. T. Huy lái xe đi chơi một vòng rất thú vị ở Tây Ban Nha : chúng tôi đã đi thăm Saint-Sébastien, Saragosse, Madrid, Tolède, Séville, Grenade, Malaga, Barcelonne… Vì ít tiền, chúng tôi đã ngủ lều trong suốt chuyến đi.
Cho đến khi hòa bình được lập lại ở trong nước, chúng tôi thường gặp nhau trong các hoạt động tranh đấu cho hòa bình.
Có một chi tiết này cũng khá vui : trong suốt thập niên 1970, anh Thuần cùng anh Bùi Mộng Hùng, anh Đào Văn Thụy... và tôi tập Karaté mỗi sáng chủ nhật ở Cư xá Đại học Paris do anh Đ. P. Hưng dạy.
Sau 1975, chúng tôi chủ yếu tập trung vào công việc giáo dục và nghiên cứu, nên mỗi năm chỉ gặp nhau vài lần trong các bữa ăn quy tụ các bạn đã từng cùng nhau hoạt động thời xưa. Tuy thế anh Thuần cùng các anh Trần Hải Hạc, Vĩnh Sính và tôi chủ biên cuốn Từ Đông sang Tây (NXB Đà Nẵng, 2005) để vinh danh anh Lê Thành Khôi
Kỷ niệm cuối cùng sau đây khiến tôi càng thêm quý mến anh Thuần : Cách đây ba, bốn tháng, trong một bữa ăn trưa có nhiều bạn bè thời xưa tham dự, anh đã nồng nhiệt đề nghị thực hiện một cuốn sách để tôn vinh Bùi Văn Nam Sơn (mà tôi vẫn gọi bằng “ông”, vì “ông” là em chú bác ruột với ông ngoại tôi!), nhiều người phát biểu tán thành, nhưng rốt cuộc không có ai dám đứng ra cáng đáng, có lẽ vì tự thấy không đủ sức, trước là vì mọi người đều đã trên dưới tám mươi cả rồi, và nhất là vì sư nghiệp dịch sách triết học của ông Nam Sơn quá công phu và đồ sộ, gồm toàn những cuốn sách kinh điển nhức đầu của Kant và Hegel! Không biết mong muốn thiết tha của anh Thuần rồi ra có thành hay chăng!?
Sau khi về hưu anh Thuần vẫn tiếp tục viết lách rất “hăng”, thực hiện đam mê văn chương và tôn giáo vốn có của anh. Theo báo Giác Ngộ anh đã cho xuất bản trong nước các cuốn sách sau đây :
Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta (Triết lý luật và tư tưởng Phật giáo), NXB TP.HCM, 2000; NXB Hồng Đức tái bản, 2017
Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1857-1914, NXB Tôn Giáo, 2002; NXB Hồng Đức tái bản, 2014
Tôn giáo và xã hội hiện đại, NXB Thuận Hóa, 2006; NXB Hồng Đức tái bản, 2017
Nắng và Hoa, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2006; NXB Văn Hóa Văn Nghệ tái bản 2013
Thế giới quanh ta, NXB Đà Nẵng, 2007
Thấy Phật, NXB Tri Thức, 2009; tái bản 2013
Khi tựa gối khi cúi đầu, NXB Văn Học, 2011; NXB Tri Thức tái bản, 2017
Chuyện trò, NXB Trẻ, 2012; tái bản 2013, 2014, 2016, 2020
Nhật ký sen trắng, NXB Trẻ 2014; tái bản lần thứ 5, 2020
Sợi tơ nhện, NXB Trẻ, 2015; tái bản 2015
Đến với Phật cùng tôi, NXB Hồng Đức, 2016
Người khuân đá, NXB Trẻ, 2018
Sen thơm nắng hạ quê mình, NXB Tri Thức, 2020
Im lặng như lời chia tay, NXB Đà Nẵng, 2022…
Trước hết phải nói anh Thuần “ rất Việt Nam ” ! Theo anh, “ có khi người ở xa cảm thấy mình là người Việt Nam hơn lúc ở gần. Ở gần thì ai cũng giống ai. Ở xa thì thường xuyên thấy mình khác với xung quanh. Chính cái khác đó tạo ra cái mà ta gọi là bản sắc, bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc. Người ở xa không chỉ tha thiết với bản sắc như một khái niệm trừu tượng. Người ở xa thấy mình ăn, mặc, thương, ghét, nói, cười với cái bản sắc ấy cụ thể như cái bóng đi theo cái hình ”.
Và anh khẳng định : “ Khi ta nhận ra ta khác với người khác, ta biết đó là ta. Vậy khi một dân tộc phân biệt được mình khác với dân tộc xa gần, ta sẽ khẳng định được với thế giới, ta là người Việt Nam ”.
Trong diễn từ nhận giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, anh nhận định : “ Không có văn hóa nào sống biệt lập, tách biệt với các văn hóa khác. Chung đụng, tiếp xúc với nhau, các nền văn hóa ảnh hưởng lên nhau, mỗi “cái tôi” của văn hóa này phải vừa canh chừng để đừng bị “cái khác” làm biến chất, lại vừa bị quyến rũ bởi “cái khác”, khi nhận ra “cái khác” có những ưu điểm mà mình không có và “cái tôi” của mình lại có những nhược điểm mà mình cứ gối đầu lên ngủ, bất kể vinh nhục ”.
“ Tôi vừa là con cháu của Nguyễn Trãi, vừa là con cháu của Phan Châu Trinh, như vậy có nghĩa : tôi giữ vững truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tôi tiến bộ cùng thời đại, tôi không lạc hậu, lỗi thời ”.
Là đệ tử của thầy Trí Quang mà anh rất ngưỡng mộ, anh Thuần rất thấm nhuần tư tưởng Phật giáo.
Theo anh, nếu muốn định nghĩa bản sắc Việt Nam, “ không thể không nói đến đạo Phật. Vì đạo Phật thiết yếu như vậy cho sự sống còn của văn hóa dân tộc tôi, nếu chùa chiền biến chất trong một hiện tại đầy hoài nghi về văn hóa và giáo dục này, nếu đạo Phật cũng héo hon theo thì cái hồn của quá khứ của tôi và cả hiện tại cũng bơ vơ bản sắc, như một con én không để mất mùa xuân, tôi không muốn thấy đạo Phật của dân tộc tôi bị lão hóa bởi thời đại kim tiền. Tôi muốn đạo Phật của tôi vẫn là nhựa sống của tuổi trẻ, của các bậc cha mẹ, của mọi gia đình. Nhựa ấy muôn đời vẫn thế, vẫn còn đấy, nhưng hãy làm cho nó chảy trong cành tươi.
“ Trong sự nghiệp trung thành với đạo Phật của tôi, trung thành với dân tộc của tôi, tất cả những gì tôi viết, dù là nước mắm, dù là tương chao, dù là văn hóa, dù là giáo dục, đều nhắm đến một lý tưởng, lý tưởng của Phan Châu Trinh : “ Tiến bộ ”. Đừng tưởng đạo Phật không cần tiến bộ, không tiến bộ thì xa lìa đời sống, còn dân tộc khỏi nói, không tiến bộ thì thế giới đạp lên xác pháo. Nhưng đạo Phật biết một cái rất quý, nói trong kinh Pháp hoa : “ một viên ngọc giấu trong áo cũ, áo cũ phải thay, viên ngọc vẫn giữ ”, dân tộc của tôi, nghẹn ngào nói, có ngọc quý mà không giữ, lấy đá cuội của người làm ngọc của mình nạm lên vương miện.”
Nguyễn Tùng
https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/vai-ky-niem-ve-anh-cao-huy-thuan
Related Links:
Kinh Pháp Hoa hiến cho anh một hình ảnh đẹp : “ Viên ngọc giấu trong áo cũ. Áo cũ phải thay, viên ngọc vẫn giữ.”