Monday, July 29, 2024

Một Ngày Mới

https://saigonnhonews.com/tacgia/tran-thi-nhat-hung/ https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/07/Luzern-Thuy-Si-Stefan-Butikofer-Unsplash-1280x853.jpg Một Ngày Mới July 27, 2024 Trần Thị Nhật Hưng – 27 tháng 7, 2024 Một ngày nắng thật đẹp, cái nắng ngan ngát rực rỡ của mùa Xuân lan tỏa khắp vạn vật vàng ánh trên những thảm cỏ xanh tươi mượt mà, những căn nhà chập chùng đan san sát nhau ẩn hiện trong những cánh rừng thưa vẽ nên một bức tranh êm đềm thơ mộng trên những ngọn đồi thấp. Tôi có việc đi qua thành phố khác, ngồi trong xe lửa, nhìn ngắm cảnh vật tươi tốt, xanh, đẹp như ngọc bên ngoài thật sảng khoái. Cuộc đời tươi đẹp biết bao khi lòng an tịnh và thảnh thơi. Trên tàu, ngồi đối diện tôi là bà cụ tóc bạc da mồi. Bà cụ đang mỉm cười. Nụ cười nhẹ nhàng dịu dàng làm sao. Nhìn nét mặt phúc hậu, hiền từ của bà dễ gây thiện cảm với tôi ngay khi mới gặp. Sau vài lời chào hỏi, bà cụ tíu tít kể chuyện, làm như lâu lắm bà cụ không gặp người để nói. Bà cụ bảo: “Tôi đang lên thành phố Luzern để uống cà phê đây?” Luzern là thành phố du lịch của Thụy Sĩ, có một hồ lớn nước trong xanh với chiếc cầu cổ bằng gỗ có mái che, vắt ngang từ bờ này sang bờ kia, bên trong vẽ những bức tranh cổ. Hồ nằm giữa trung tâm, giữa những hàng cây xanh trồng tỉa sắp xếp ngay hàng thẳng lối dọc theo con đường nhỏ bọc quanh hồ trông rất đẹp mắt dành cho người tản bộ khi mệt cũng có ghế nghỉ chân; gần đó còn là những khu phố sầm uất với những nhà hàng lớn, khách sạn nhiều sao, những cửa hàng thời trang cao cấp, đường phố rộng lớn sạch sẽ… Nhưng nếu ai đó muốn lên núi bằng tàu treo để ngắm lại thành phố thì cũng không xa lắm vì chỉ đứng ngay phố cũng hiển hiện trước mắt những dãy núi chập chùng, tuyết còn phủ mái đầu dù trời đang nắng nóng. Nơi đây hằng năm đã thu hút bao người trên thế giới đến Luzern thưởng ngoạn. -Sao cụ phải đi xa thế, ở St.Gallen này cũng có cà phê ngon đó mà? Tôi hỏi. -Đương nhiên rồi, song tôi có vé xe lửa đặc biệt đi bất cứ nơi nào khắp Thụy Sĩ mà không tốn thêm tiền nữa. -Oh, ra vậy? Chắc cụ hẹn với bạn bè hay người thân ở Luzern ạ? -Không, tôi không còn người thân nào trên đời cả. Chồng tôi đã ra đi cách đây 10 năm. Chúng tôi không có con cái. Bà con họ hàng cũng không. Bạn bè của tôi cũng đã chết hết rồi. Ông đoán tôi bao nhiêu tuổi nào? -Chắc cụ 90? -Không, tôi đã 103 tuổi. Nhờ Trời, tôi còn đi lại và tự chăm sóc được cho bản thân trong căn nhà của mình. Nhưng nhiều khi cũng buồn ông ạ. Khi nhìn quanh mình không còn thấy bóng dáng của bất cứ người thân nào nữa. Tôi thắc mắc: -Thưa cụ, thế hàng ngày cụ sinh hoạt ra sao? -Tôi đếm từng ngày, từng tháng, từng năm. Mỗi tháng ngày trôi qua là mỗi ân điển. Tôi sống bằng sự hồi tưởng, trân trọng những kỷ niệm. Tôi nhớ đến nhà tôi. Khi chúng tôi yêu nhau, anh ấy đã hẹn tôi ở Luzern này, ngay bên bờ hồ ấy, ngồi trên những chiếc ghế đá ngắm nhìn những con ngan trắng hiền hòa lượn lờ bơi lội giữa dòng nước trong mát. Ông biết không, ngày ấy chúng tôi yêu nhau tha thiết, vui vẻ và hạnh phúc lắm. Anh ấy học nghề quản trị khách sạn, còn tôi thì đã tốt nghiệp làm y tá. -Câu chuyện ấy, xảy ra lúc nào thưa cụ? -Uh, hồi… 80 năm về trước. Ngày sinh nhật thứ 24 của tôi, chúng tôi làm lễ cưới. Trong vòng 70 năm sống bên nhau, chỉ có một lần duy nhất chúng tôi cãi nhau. Ông ấy ghen lắm! Nhắc về tuổi xuân thì, kỷ niệm xưa làm như sống dậy trong bà. Ánh mắt bà cụ bỗng sáng ngời hẳn lên ẩn trên nét mặt tươi vui, bà cụ cười với đôi má ửng hồng. -Vâng, có thể nói rằng cụ đã có cuộc đời rất hạnh phúc? Bà cụ ậm ự: -Còn phải nói. Tôi hạnh phúc lắm ông ạ, từ ngày tôi quen Franz – chồng tôi – tôi đã biết cuộc đời của mình hoàn toàn viên mãn. Tôi yêu ông ấy đến mức quên cả tôi là một cá thể. Tôi đã làm tất cả những gì có thể để chúng tôi có cuộc sống sung túc vừa về vật chất lẫn về tinh thần. Ông biết không? Chúng tôi đã đi vòng quanh thế giới 2 lần. Lần đầu kỷ niệm 20 năm đám cưới, nhà tôi được lên chức giám đốc quản trị khách sạn 5 sao National; lần thứ 2 sau 40 năm đám cưới. Chồng tôi được nghỉ hưu và chúng tôi được khách sạn tài trợ cho chuyến đi vòng quanh thế giới bằng du thuyền. Bây giờ tôi còn nhớ như in hình dáng của con tàu ấy. -Oh, thế cụ đã qua Á châu rồi? -Vâng, tôi đã ghé Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan… Ông người Nhật hả? -Dạ không, tôi người Việt Nam. -Oh, tôi rất lấy làm tiếc vì chưa ghé đến Việt Nam. Ngày chúng tôi đi du lịch lần thứ hai, nghe Việt Nam mới chấm dứt chiến tranh. Nhiều điều thay đổi nên chúng tôi không ghé nữa. -Vâng, xin chúc mừng cụ đã có một cuộc đời đáng sống! Chúc cụ có nhiều niềm vui hôm nay và nhiều năm khỏe mạnh nữa. -Cảm ơn ông, tôi cố gắng. Nhưng có lẽ tôi không còn sống thêm nhiều năm nữa đâu, ông ạ. Đến lúc nào đó, tôi cũng muốn trở về với cát bụi. Tôi nhớ chồng tôi, nhớ những người thân yêu của tôi thuở trước. Đừng tưởng sống bất tử là hạnh phúc, khi một mình lủi thủi giữa đời không còn người thân thiết. Tôi có lời này khuyên ông. -Vâng! -Ông hãy sống thật tốt, sống cảm nhận một cách thức tỉnh sự hiện diện của những người thân thương của ông, những người xung quanh ông nữa. Ông sống sao cho cuộc sống của ông hạnh phúc và khiến cho cuộc sống người khác cũng hạnh phúc. Có như vậy ông mới đích thực thấy giá trị của chân hạnh phúc và một cuộc đời thật đáng sống, có ý nghĩa. Ông nghĩ xem, mình làm sao vui sướng được khi chung quanh ta mọi người đang đau khổ vì đủ mọi thứ, đói nghèo, bệnh tật, chết chóc, nạn tai… Ông đạo Phật phải không? Phải hả? Đức Phật của ông là người như vậy đó, có tấm lòng mở rộng thương khắp mọi loài chúng sanh, đã tìm ra chân lý thật sự của chân hạnh phúc. Tôi không phải là Phật tử, nhưng có đọc sách nghiên cứu chút chút về đạo Phật và thấy như vậy. Đến hôm nay, đôi khi tôi còn hối hận vì ngày đó đã có một lần, dù chỉ một lần duy nhất, tôi giận dữ đã cãi nhau với chồng tôi và khiến ông ấy buồn mấy ngày. Nếu tôi có thể đi lại từ đầu, thì tôi cũng nguyện được sống cuộc đời như tôi đã sống, nhưng cũng xin được xóa bỏ cái lần duy nhất ấy. Bà cụ nói huyên thuyên say sưa như đang thuyết giảng một bài học giá trị về kinh nghiệm sống quí báu mà bà trải nghiệm…. Tôi cứ để yên bà nói và cố lắng nghe vì biết bà đang muốn trải lòng, điều mà bà bấy lâu, tôi nghĩ, ít có cơ hội được tỏ. Bỏ chút thời gian trò chuyện cho bà vui vẻ há chẳng là hạnh phúc như bà vừa nói đó sao?! Nhưng con tàu đã đỗ sân ga, nơi bà phải xuống, tôi cáo biệt chào bà. -Cảm ơn cụ. Đã đến Zürich rồi đây, cụ phải chuyển tàu! Thật là tuyệt diệu được gặp cụ và nói chuyện với cụ hôm nay. Kính chào cụ. -Kính chào ông, chúc ông vui nhé. Bà cụ đứng dậy, đeo túi xách nhỏ lên vai, lưng bà rất thẳng, không lom khom chậm chạp của một người già cao tuổi. Bà nhẹ nhàng lách qua khung cửa tự động rồi theo bực cấp bước xuống tàu. Xuống bên dưới, bà còn đưa mắt dớn dác nhìn lên tàu, tôi biết bà muốn tìm tôi, tôi đưa tay vẫy vẫy chào bà. Bà lại mỉm cười, vẫn nụ cười hiền hòa phúc hậu. Con tàu tiếp tục chạy, thờ ơ bỏ lại phía sau bà cụ đang lẫn trong dòng đời. Tôi nhìn những hàng cây, thảm cỏ xanh thi nhau khuất sau cửa sổ. Những căn nhà vuông mái nhọn đều đều nhau, thỉnh thoảng xen vào là những hãng xưỡng cao lắm cũng chỉ bốn, năm tầng lầu. Thụy Sĩ ít nhà chọc trời. Cái hay của họ là sự đồng đều, nói lên cuộc sống thanh bình êm ả của một đất nước thịnh trị. Nhờ vậy người dân cũng hiền hoà thánh thiện. Tôi chợt nhớ đến bà cụ. Lời tâm tình của bà bỗng quay về văng vẳng trong tôi. Tôi nhìn lại chính tôi , suy ngẫm lại cá tính mình bấy lâu. So với con người và lời bà cụ nói thì rõ ràng, tôi vốn là người quá quắt. Do đó bao lâu rồi tôi không tìm thấy sự an định trong tâm hồn. Đã nhiều lần tôi còn không chịu được chính tôi, thì ai chịu được tôi, dù cũng nhiều lần tôi nguyện với lòng, sẽ bớt cãi nhau với vợ… Nhưng Trời ạ, khi bớt cãi nhau với vợ thì tôi lại cãi nhau với người khác. Dường như bản chất tôi là… chửi lộn, không chửi thì tôi không phải là tôi nữa. Cái “gen” này tôi được truyền từ giòng họ hay học từ thói của đời?! Có lẽ cả hai (?) Thật vậy, khi không cãi nhau tôi cảm thấy đời buồn chán. Nhìn đâu, nghe gì, thấy gì tôi cũng thấy ngứa mắt, bực bội và tự nhiên xía mồm vào để…. cãi nhau! Đừng trách hoàn cảnh hay sự việc làm mình khó chịu, mà hãy trách cái nhìn khó chịu của mình. Tôi đã từng nghe một vị sư nói như thế phát ra từ bài thuyết giảng mẹ tôi nghe và… xâm phạm vào tai tôi, chứ như tôi làm gì có chuyện đi chùa và nghe băng giảng. Vợ tôi, người vợ hiền dịu. Nàng chăm sóc tôi rất ư chu đáo. Nhưng chỉ việc nàng cười, cười với người khác, không cười với tôi là tôi xì nẹc. Mẹ tôi, người mẹ đảm đang, hết lòng hy sinh cho chồng con, và rất có lòng nhân hậu thương người, đó là một điều tốt, một điểm son, thế mà khi thấy bà muốn giúp đỡ ai, tôi lại ngứa mắt, ngứa mồm xen vào, thế là tiếng chì tiếng bấc. Dường như tôi sinh ra để làm khổ người khác, tôi chưa đem lại cho mọi người niềm tin yêu trọn vẹn, chưa giúp đỡ ai có một đời sống an lành cả vật chất lẫn tinh thần. Tại sao? Tôi luôn tự hỏi tại sao mà vẫn chưa có câu trả lời. Tôi ngu ư? Không, tôi không ngu. Trái lại tôi rất khôn, còn tinh khôn là khác, thế mà vẫn không sao tìm được câu trả lời. Có lẽ tôi vô minh, ích kỷ mà không biết. Tôi không bao giờ dành thời giờ lắng lòng chịu nhìn lại chính tôi để thấy rõ mình ngu mà cứ tưởng là khôn. Lòng tôi luôn vọng động, bất an. Một câu nói cho rằng khi mình ngu mà biết mình ngu tức là khôn đó. Tôi thì trái lại. Bởi thế mới có chuyện! Cho đến hôm nay, ngồi trò chuyện cùng bà cụ, nhìn nét mặt bà dù da đã nhăn nheo, tôi vẫn thấy được niềm hạnh phúc an lành ánh lên trong bà khi bà nhắc về quá khứ. Tôi chợt thức tỉnh và nhớ mãi câu nói của bà, bà đã quên bà là một cá thể để làm tất cả những gì có thể cho người khác có cuộc sống sung túc vừa về vật chất lẫn tinh thần. Và đặc biệt nhất bà đã khuyên tôi, hãy sống cảm nhận một cách thức tỉnh sự hiện diện của những người xung quanh, vì họ cũng cần sống sung sướng như mình mà bấy lâu tôi đã quên điều đó để chỉ còn nhớ đến chính tôi và đòi hỏi họ phải phục vụ tôi, làm cho tôi vui lòng, hạnh phúc. Nếu không, thì tôi sẽ mắng họ, thế là… cãi nhau! Khi tìm ra được cái tật xấu ích kỷ của tôi, cái nguyên nhân khiến tôi hay bực bội… cãi lộn, lòng tôi chợt nhẹ hẩng lên, tôi tự hứa từ nay tôi không cãi nhau với vợ, không cãi chày, cãi cối với mẹ và cũng không gây hấn với cả hàng xóm nữa! Khi tâm tôi bình thì thế giới sẽ bình! Và, MỘT NGÀY MỚI bắt đầu với lòng quyết tâm của tôi! Tự dặn lòng phải… quyết tâm như thế, thế mà… tâm tôi có… quyết đâu. Sự đời đâu dễ dàng một sớm một chiều thay đổi bản chất, tính nết của một con người nhanh như vậy. Thiên hạ đã chẳng có câu „giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời„ đó sao. Thế nhưng một sự việc va chạm, trải nghiệm nhiều với đời, càng lúc mới giúp tôi có cái nhìn dễ dãi với đời với người hơn. Số là tôi do công việc, tôi chuyển về Zürich, một thành phố thương mại sầm uất, đắt đỏ nhất của Thụy Sĩ, còn được mệnh danh trung tâm văn hóa, và được xem như là một trong những thành phố toàn cầu trên thế giới, nơi qui tụ những nhà kinh doanh lớn của Thụy Sĩ. Nhờ công việc ngon lành, cũng là sếp (dù chỉ là sếp nhỏ của một ngân hàng lớn) tôi được ưu ái dễ dàng thuê một căn hộ thật yên tĩnh gần trung tâm thành phố. https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/07/Zurich-Thuy-Si-Dominic-Paetsch-Unsplash.jpg Zurich, Thụy Sĩ. (Hình minh họa: Dominic Paetsch/Unsplash) Căn hộ này là một trong 6 căn của tòa nhà 3 tầng. Khó lắm và may mắn lắm tôi mới thuê được căn giữa tầng hai. Hàng xóm của tôi đa phần đều là người lớn tuổi sống độc thân. Có người do vợ chết, chồng chết. Có người do khó tính mà ở vậy cho đến già. Xui cho tôi, căn hộ tôi nằm ngay trên căn bà cụ khó nết đó. Dọn về ở đâu chừng hai tháng, một hôm đi làm về, mở thùng thư, tôi nhận được lá thư với tên người Thụy Sĩ: Bà Launa. Bà không lạ gì trong tòa nhà này, chính là người, chủ nhân căn hộ nằm ngay dưới căn hộ tôi. Nội dung lá thư bà viết: „Thưa ông bà Trần, tôi xin nhắc nhở ông bà, chung cư này là để ở. Mong ông bà đừng biến nó thành ‚Trung tâm văn hóa.‘ Xin cám ơn“ Chỉ vắn tắt vài hàng tôi đã biết bà than phiền về cái lớp Việt Ngữ của mẹ tôi. Trời ạ, lớp chỉ có 5 học trò tuổi từ 6 đến 11 đâu nhiều nhít gì đều là con của bạn bè gởi đến học vào chủ nhật hằng tuần. Với quan niệm tiếng Việt còn, nước Việt còn, mẹ tôi không muốn quê hương bà bị mất trên xứ người, vốn năng nổ, luôn tưởng nghĩ đến quê nhà, bà không nệ hà gì công sức, thời gian nghỉ ngơi cuối tuần để đóng góp cho quê hương gìn giữ tiếng Việt. Bà dạy miễn phí, không nhận thù lao của ai cả, thậm chí còn tốn bánh kẹo, chè cháo, nước nôi để… dụ cho chúng học. Bà tìm vui với lũ trẻ và vui với niềm vui tinh thần, thích thú với những đóng góp như thế, khi vợ chồng tôi mới cưới nhau chưa sinh cho bà một đứa cháu cho bà hủ hỉ. Tôi gặp bà Launa giải thích, mới biết lý do chính, bà chỉ muốn yên tĩnh nhất là ngày chủ nhật đối với người Thụy Sĩ theo truyền thống là ngày nghỉ ngơi, không làm gì cả, bà không muốn nghe tiếng ríu rít ồn ào của lũ trẻ mỗi khi chúng mở cửa bước vào tòa nhà này nhất lại nhằm ngày cấm. Chỉ vậy thôi. Chiều ý bà, mẹ tôi đành “mất dạy.” Lớp học coi như đóng cửa! Một lần khác, cũng lúc đi làm về, tình cờ gặp bà ngay cửa ra vào, sau khi chào nhau, bà chận tôi lại, tưởng bà cần gì, ai dè bà… nói xấu vợ tôi: -Này ông Trần. Tôi không thể ngờ được sao ông có thể lấy người vợ… tàn bạo như vợ ông? -Tàn bạo? Tôi trố mắt ngạc nhiên nhìn bà. Bà không nói gì, nghiêng cổ vạch một vai áo cho tôi xem, tôi nhìn thoáng qua những vết bầm đỏ trên cổ trên bả vai bà, những vết cạo gió mà người Việt thường dùng phương pháp này để trị cảm cúm hay đau nhức. Tôi giải thích, nhưng bà cũng không chịu hiểu, bà lắc đầu: -Không ai mà… tàn nhẫn như thế, dù có chữa trị được bịnh mà làm… bầm dập thân thể người ta như thế đều không tốt! Nói rồi, bà ngoe nguẩy bỏ đi với nét mặt hùng hổ. Tôi nhìn theo lắc đầu. Vào nhà, tôi hỏi… tội vợ tôi, nàng cười, giải thích: -Em gặp bà dưới phòng giặt chung, thấy mặt bà tái mét xanh lè, bà còn nói hơi chóng mặt, em biết bà bị trúng gió nên em giúp cạo gió cho bà thôi. Em còn pha trà gừng mật ong cho bà uống, nên bà khỏe ngay, hôm nay mới xoèn xoẹt đi ra ngoài được đấy. Không ngờ méc vốn anh. Rồi vợ tôi than: -Đúng là làm ơn mắc oán! Tôi hiểu lòng vợ tôi, chẳng qua chỉ do hai nền văn hóa Âu, Á khác biệt nên hiểu lầm thôi. Tưởng rồi mọi sự cũng qua. Thế nhưng, bà Launa, với cái tính khó ưa cố hữu, bà đâu để chúng tôi yên. Những lần khác, mỗi khi gia đình tôi sau một ngày làm việc mệt nhọc trở về nhà quây quần bữa ăn tối, chúng tôi ba người, vợ chồng tôi và mẹ kéo ghế vào bàn, tiếng chân ghế khua là chuyện bình thường, thế mà đối với bà là cả một vấn đề lớn. Mỗi lần như thế, chúng tôi lại nghe tiếng cây dọng ngược lên từ phía dưới nhà bà đáp trả. Bữa cơm dù nấu có ngon mà vừa ăn vừa nghe nhịp dọng cây của bà cũng hết sức bực mình. Tôi vốn có… hiền đâu, nhưng biết làm sao giờ để đối phó với một bà già khó tính như thế. Một ngày nhân đi du lịch, cũng muốn xoa dịu bớt sự căng thẳng giữa bà với gia đình tôi, ngoài viết cho bà một tấm cạc gởi về hỏi thăm và chúc mừng vui vẻ (không dám viết chúc bà hiền dịu bớt), truyền thống mà người Thụy Sĩ rất yêu thích, đi chơi mà còn biết nhớ nghĩ đến người ở nhà, chúng tôi còn có… quà cho bà nữa. Một món quà đặc biệt do lúc ngồi trên máy bay, tiếp viên hàng không phát cho túi nghe nhạc, một đôi vớ, bàn chải và tí kem đánh răng, trong đó còn có những miếng bông mút nhét lỗ tai tránh tiếng ồn của máy bay. Tôi chợt nghĩ đến bà Launa và gom lại những miếng mút nhét tai đó để dành làm “quà„ biếu bà. Món quà đơn sơ ý nhị hàm ý nghĩa sâu xa nhắn gởi, thế mà khi bà nhận, tôi thấy bà rất vui. Tôi tự hỏi, có phải niềm vui đến do bà bao lâu bị đời bỏ quên nay được người chiếu cố, hay do bà chưa từng được nghe những lời nồng nàn thiết tha, được vuốt ve từ những cử chỉ thân thương dù nhỏ nhặt nhất. Bà vốn khó tính, khó nết, khó chịu nên không ai rước bà làm vợ để bà phải sống đời độc thân cho đến già, rồi chính vì sự không quân bình về tâm sinh lý mà bà sinh khó tính chăng, tôi cũng không rõ nữa. Khi trao cho bà những miếng mút nhét lỗ tai, vợ chồng tôi những tưởng hành động như thế là… tuyệt vời (?!). Từ nay bà sẽ hết phiền não từ những tiếng ồn không đáng kể của gia đình tôi, thế mà chưa đủ với bà đâu. Cũng một ngày đi làm về, mở thùng thư, tôi nhận được một phong bì bên ngoài đề tên người gởi cũng là bà. Bên trong không viết một chữ nào, ngoài mấy vỉ chứa những miếng nệm lót chân ghế chống tiếng ồn! Tôi nhận và mỉm cười. Từ sự trải nghiệm khi va chạm với bà Launa, và nhớ đến bà cụ tôi gặp hôm nào trên xe lửa, hình ảnh của hai người đàn bà tương phản nhau, một cực kỳ… dễ thương và một cực kỳ… dễ ghét, để tôi so sánh và vẽ ra trong tôi chân dung một cuộc sống có hai mặt để mình lựa chọn, sống thế nào để an lạc cho mình, cho người, điều mà trên cõi đời này ai cũng mong cầu có được. Tôi lại nhìn chính tôi, và nhủ lòng cố gắng, phải cố gắng thôi, đừng làm những gì mà không muốn người khác làm cho mình!