Sunday, September 24, 2023

William Butler Yeats và Nguyễn Du

24 Tháng Chín, 2023 William Butler Yeats và Nguyễn Du Phạm Xuân Nguyên William Butler Yeats (1865-1939) là nhà thơ Ireland được coi là một trong những nhà thơ lớn nhất thế kỷ XX, giải Nobel văn chương 1923. Nguyễn Du (1765-1820) là nhà thơ dân tộc vĩ đại của Việt Nam, một danh nhân văn hoá được thế giới kỷ niệm. Trong cuộc thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai vị đứng đầu hai nước đã có đọc thơ Yeats và Nguyễn Du. Ông Trọng biết vị khách quý của mình là gốc người Ireland nên tại cuộc hội đàm cấp cao của hai bên chiều 10/9/2023 đã đọc tặng ông Biden hai câu thơ của William Butler Yeats: “Think where man’s glory most begins and ends, / And say my glory was I had such friends.” Đây là hai câu kết bài thơ “Municipal Gallery Revisited” Yeats viết kể lại chuyến thăm Municipal Gallery nơi ông được “trở về gặp lại” nhiều nhân vật lịch sử của đất nước mình mà ông gọi là những người bạn. Từ “Glory” ở đây có nhiều nghĩa: là niềm tự hào vinh dự, sự vinh quang, là ánh huy hoàng rực rỡ, là vầng hào quang, vẻ huy hoàng… Trong ngữ cảnh cuộc gặp có thể tạm dịch hai câu thơ đó thế này: “Khi nghĩ ánh rạng rỡ của con người bắt đầu và kết thúc ở đâu / Tôi nói ánh rạng rỡ của tôi là tôi đã có những người bạn như vậy”. Ông Biden trong bài đáp từ tại cuộc chiêu đãi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chiều 11/9/2023 đã lẩy câu Kiều của Nguyễn Du: “Vinh hoa bõ lúc phong trần / Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày” và nói: “Đây là ngày chúng ta có thể cảm nhận được vinh hoa và ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra trước chúng ta.” Đấy là sau một ngày khi ông Trọng và ông Biden đã thông báo về quyết định nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện”. Hai câu Kiều ông Biden đọc là câu thứ 2287-2288 ở đoạn Từ Hải thắng trận trở về đón Kiều vu quy trong quân doanh. Phải cảm ơn các cố vấn của cả hai bên đã biết tham mưu cho hai nhà lãnh đạo hai nước dùng văn chương trong ngoại giao, chọn được thơ đọc hợp cảnh hợp tình, “ý tại ngôn ngoại”, tại cuộc gặp lịch sử lần này. Ông Joe Biden là vị Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ lẩy Kiều tại Hà Nội. Người đầu tiên là Tổng thống Bill Clinton năm 2000 với câu “Sen tàn cúc lại nở hoa / Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Người thứ hai là Tổng thống Barak Obama năm 2016 với câu “Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi”. Riêng với ông Joe Biden, đây là lần thứ hai ông lẩy Kiều. Lần đầu vào năm 2015 khi còn là Phó Tổng thống trong chính quyền Obama, ông Biden cũng đã dùng Kiều trong cuộc chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm nước Mỹ: “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Nói vui một chút, như vậy là người Mỹ đã nhắc người Việt biết dùng Kiều, rộng ra là biết dùng văn hoá văn chương dân tộc, để làm ngoại giao. Nhưng ít ai biết Cụ Hồ đã để lại cho chúng ta tục lệ lẩy Kiều khi đón các nguyên thủ nước ngoài từ hơn sáu mươi lăm năm trước. Cụ đã có 9 lần lẩy Kiều khi đón các vị đứng đầu các nước như Lào, Indonesia, Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc… Nói riêng hai câu 2281-2282 cũng ở trong đoạn Từ Hải – Thuý Kiều, chỉ cách vài dòng ở trên hai câu mà ông Biden dẫn hôm qua, Cụ đã dùng hai lần khi tiếp Tổng thống Sukarno (Indonesia) và Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ (Trung Quốc): “Đến bây giờ mới thấy đây / Mà lòng đã chắc những ngày một hai.” Mới hay, “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch” (Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác), như vua Trần Nhân Tông đã nói. Hà Nội, 12.9.2023