Your vision will become clear only when you look into your heart.... Who looks outside, dreams. Who looks inside, awakens. Carl Jung
Sunday, September 10, 2023
Chính phủ Việt Nam và tình thế trong nước 1945-46
Chương 6: 'Chính phủ Việt Nam và tình thế trong nước' 1945-46
'Một Cơn Gió Bụi", hồi ký của học giả Trần Trọng Kim (1883-1953). Các bạn đọc lại một chương trong cuốn 'Một Cơn Gió Bụi", hồi ký của học giả Trần Trọng Kim (1883-1953). Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1949 và gần đây nhất, tháng 6/2017, bị thu hồi tại Việt Nam.
Về bản thân nhân vật lịch sử Trần Trọng Kim vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau về ông với tư cách là một học giả và chính khách 'bất đắc dĩ', gây ra không ít tranh cãi.
Nguồn hình ảnh, nghiencuulichsu
Nội các Đế quốc Việt Nam của Tổng trưởng Trần Trọng Kim chỉ tồn tại hơn bốn tháng và không thực sự có chủ quyền
Chương 6: 'Chính phủ Việt Nam và tình thế trong nước' viết về tân chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời từ tháng 9/1945.
"Lúc bấy giờ tình thế trong nước bối rối lắm, quân Anh và quân Pháp lên chiếm giữ nam bộ và các thành thị phía Nam Trung Bộ từ vĩ tuyến 16, tức là Quảng Nam trở vào. Còn từ vĩ tuyến 16 trở ra quân Tàu đóng giữ các thành thị. Việt Minh lên cầm quyền trước hết lập ủy ban giải phóng, rồi cho người lên Bắc Giang đón ông Hồ Chí Minh về lập lâm thời chính phủ gồm có những người này:
Hồ Chí Minh, chủ tịch kiêm bộ ngoại giao; Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ nội vụ, kiêm chức phó bộ trưởng bộ quốc phòng; Chu Văn Tấn, bộ trưởng bộ quốc phòng; Trần Huy Liệu, bộ trưởng bộ thông tin tuyên truyền; Dương Ðức Hiền, bộ trưởng bộ thanh niên quốc dân; Nguyễn Mạnh Hà, bộ trưởng bộ quốc dân kinh tế; Vũ Ðình Hòa, bộ trưởng bộ giáo dục; Vũ Ngọc Khánh, bộ trưởng bộ tư pháp; Phạm Ngọc Thạch, bộ trưởng bộ y tế; Ðào Trọng Kim, bộ trưởng bộ giao thông; Lê Văn Hiến, bộ trưởng bộ lao động Phạm; Văn Ðồng, bộ trưởng bộ tài chánh; Nguyễn Văn Tố, bộ trưởng bộ cứu tế xã hội; Cù Huy Cận, ủy viên không giữ bộ nào; Nguyễn Văn Xuân, ủy viên không giữ bộ nào.
Võ Nguyên Giáp người Quảng Bình, rất lanh lợi và táo tợn, một tay trọng yếu trong đảng Việt Nam Cộng Sản. Trước đã sang ở bên Côn Minh, thường viết báo ký tên là Lâm Bá Kiệt, bấy giờ giữ chức bộ trưởng bộ nội vụ và kiêm chức phó bộ trưởng bộ quốc phòng. Nói là kiêm chức phó bộ trưởng bộ quốc phòng, nhưng kỳ thực là kiêm cả bộ quốc phòng, vì Chu Văn Tấn là người Thổ ở mạn thượng du, trước đã làm châu đoàn coi lính dõng, sau theo cộng sản, nên đảng Việt Minh đưa vào giữ địa vị ở bộ quốc phòng để khuyến khích những người Thổ đã theo mình.
Việt Minh đem một số người ở ngoài đảng của họ vào trong chính phủ như Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Ðào Trọng Kim v…v… để tỏ ra là một chính phủ liên hiệp có cả các hạng người. Song những cơ quan trọng yếu như quốc phòng, nội vụ, tài chính, tuyên truyền đều ở tay những người chính thức Việt Minh, tức là cộng sản như Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiến, Phạm Văn Ðồng v..v…
Nguồn hình ảnh, Bettmann/Getty Images
Quan chức Nhật Bản và Pháp duyệt binh tại Việt Nam trong thời kỳ Nhật chiếm đóng nhưng gián tiếp quản trị Đông Dương qua bàn tay của Pháp 1940-1945
Ngày 11 tháng một năm 1945 chính phủ lâm thời lại xuống lệnh giải tán đảng cộng sản Ðông Dương, đó là một việc lý thú, cộng sản giải tán cộng sản. Sở dĩ chủ ý họ làm như vậy là vì lúc đó có các ủy viên của các nước Ðồng Minh đi lại trong nước, Việt Minh muốn tỏ cho những người ngoại quốc biết Việt Minh không phải là cộng sản.
Chính phủ lâm thời tổ chức cuộc tổng tuyển cử để triệu tập quốc hội. Cuộc tuyển cử được ấn định vào ngày 23 thán chạp, sau hoãn đến ngày mồng 6 tháng giêng năm 1946. Khi ấy tôi đã về ở Hà Nội rồi, thấy cuộc tuyển cử rất kỳ cục. Mỗi chỗ để bỏ phiếu, có một người của Việt Minh trông coi, họ gọi hết cả đàn ông đàn bà đến bỏ phiếu, ai không biết chữ thì họ viết thay cho. Việt Minh đưa ra những bản kê tên những người họ đã định trước, rồi đọc những tên ấy lên và hỏi anh hay chị bầu cho ai.
Người nào vô ý nói bầu cho một người nào khác thì họ quát lên: "Sao không bầu cho những người nàỷ Có phải phản đối không?". Người kia sợ mất vía nói: "Anh bảo tôi bầu cho ai, tôi xin bầu người ấy". Cách cưỡng bách ra mặt như thế, lẽ dĩ nhiên những người Việt Minh đưa ra được đến tám chín mươi phần trăm số người đi bầu. Ðó là một phương pháp rất mới và rất rõ để cho mọi người được dùng quyền tự do của mình lựa chọn lấy người xứng đáng ra thay mình làm việc nước.
Trước Việt Minh đã định lấy có 300 ghế đại biểu, sau họ muốn làm cho êm dư luận nên lấy thêm 70 ghế nữa, cho Việt Nam Quốc Dân Ðảng được 50 ghế và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội được 20 ghế để hai đảng ấy tự cử người mình ra.
Mấy ngày trước kỳ họp quốc hội, Việt Minh và Quốc Dân Ðảng công kích nhau kịch liệt. Những tướng Tàu như Lư Hán và Tiêu Văn muốn làm tiền, tỏ ra có ý bênh vực Việt Nam Quốc Dân Ðảng, sau hình như bọn tướng Tàu ấy được số vàng lớn mới đứng ra dàn xếp, họp các lãnh tụ hai đảng ở nhà Lư Hán, có Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh v…v… đến bàn định cách chia các ghế bộ trưởng trong chính phủ mới.
Sau tôi sang Tàu gặp Nguyễn Dân Thanh là một người cách mệnh Việt Nam đã làm sĩ quan trong quân đội Tàu và đã đi lính Nhật ở mặt trận Diến Ðiện. Lúc ấy có theo quân Tàu về nước, biết rõ đầu đuôi việc ấy, kể lại cho tôi nghe thái độ mấy lãnh tụ Việt Minh và Quốc Dân Ðảng hôm họp ở nhà Lư Hán để dàn xếp hai bên đoàn kết với nhau.
Ðộ ấy ở Hà Nội, tôi cũng biết có một hôm ông Bảo Ðại cho đi tìm người trước làm việc ở Huế, đến nói rằng: "Ông Hồ Chí Minh nhường cho ông ra lập chính phủ". Sau chuyện ấy thấy im bẳng không ai nói đến nữa.
Khi ở Hương Cảng tôi có hỏi lại việc ấy. Ông Bảo Ðại nói: "Việc ấy có thật. Một hôm cụ Hồ có vẻ mặt lo nghĩ đến bảo tôi rằng cụ muốn để tôi đứng ra lập chính phủ, tôi từ chối. Hôm sau cụ Hồ lại đến năn nỉ về việc ấy. Tôi nói: nếu cụ muốn lập chính phủ, thì cụ kê cho tôi biết danh sách những người trong đảng cụ có những ai ra giúp việc. Cụ Hồ nói để ngày mai cụ sẽ đưa. Nhưng đến ngày hôm sau cụ Hồ có vẻ mặt vui vẻ, đến nói rằng: việc ấy hãy hoãn lại, để cụ ở lại làm việc ít lâu nữa. Cho nên việc ấy mới im".
Theo ý tôi hiểu, thì mưu mô do bọn tướng Tàu muốn làm tiền, một mặt làm ra bộ có ý ép ông Hồ Chí Minh phải lui đi để ông Bảo Ðại ra lập chính phủ, một mặt xui bọn Quốc Dân Ðảng không chịu nhượng bộ, để Việt Minh muốn im chuyện thì phải bỏ tiền ra. Ðến khi bọn tướng Tàu được tiền đút lót mới đứng ra dàn xếp cho xuôi chuyện. Ðó là một việc rất bí ẩn, khó lòng biết đích xác được, chẳng qua chỉ là sự xét đoán theo tình trạng hiện ra bên ngoài mà thôi. Vả tôi thấy những người biết qua việc ấy đều đồng ý kiến như thế cả.
Nguồn hình ảnh, Keystone-France/Getty Images
Một lính Pháp canh giữ thanh niên Việt Nam đấu tranh bị bắt tại Sài Gòn năm 1945: Quân Pháp quay lại Sài Gòn theo quân Anh - Ấn nhân danh Đồng Minh giải pháp Nhật và đã nhanh chóng lộ rõ ý muốn tái chiếm miền Nam
Khi việc dàn xếp của các tướng Tàu xong rồi, đến ngày mùng 2 tháng ba thì mở cuộc họp quốc hội. Quốc hội này có cái đặc sắc hơn cả quốc hội của các nước trên thế giới là chỉ họp có một ngày xét qua bản lập hiến của Việt Minh đã định, và thừa nhận một chính phủ liên hiệp do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Quốc hội lại giao toàn quyền cho một ủy ban thường trực có 15 người do chính phủ đề cử, và để ông Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban. Ðoạn quốc hội giải tán. Nếu quốc hội các nước mà biết làm việc lanh lẹ như thế thì đỡ được bao nhiêu thì giờ và tiền chi phí!
Chính phủ liên hiệp quốc gia thành lập như sau:
Hồ Chí Minh, cộng sản, làm chủ tịch; Nguyễn Hải Thần, Việt Nam Cách mệnh Ðồng minh hội, phó chủ tịch; Huỳnh Thúc Kháng, không đảng phái, bộ trưởng bộ nội vụ; Nguyễn Tường Tam, Ðại Việt dân chính, bộ trưởng bộ ngoại giao; Phan Anh, không đảng phái, bộ trưởng bộ quốc phòng; Vũ Ðình Hòe, Xã hội dân chủ đảng, bộ trưởng bộ tư pháp; Ðặng Thai Mai, cộng sản, bộ trưởng bộ giáo dục; Lê Văn Hiến, cộng sản, bộ trưởng bộ tài chính; Trần Ðăng Khoa, Dân chủ đảng, bộ trưởng bộ công chánh; Chu Bá Phượng, Dân chủ đảng, bộ trưởng bộ kinh tế; Trương Ðình Chi, Việt Nam Cách mệnh Ðồng minh hội, bộ trưởng bộ xã hội y tế; Bồ Xuân Luật, Việt Nam Cách mệnh Ðồng minh hội, bộ trưởng bộ canh nông
Xét thành phần chính phủ liên hiệp lúc ấy, kể cả những người không đảng phái, có thể gọi là năm đảng nhưng chỉ có đảng Việt Minh cộng sản là có chương trình chính trị rõ ràng và có thế lực hơn cả. Còn các đảng khác thì chỉ có tên nêu ra mà thôi, chứ không có chương trình phân minh. Xã hội đảng và Dân chủ đảng là những đảng phụ thuộc của Việt Minh và không có thế lực gì. Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội tuy có thế lực là nhờ có quân đội Tàu bênh vực, nhưng không có tính cách thống nhất và không có kỷ luật chặt chẽ. Bởi vậy đảng Cộng sản chỉ có ba người trong chính phủ nhưng quyền bính vẫn ở cả Cộng sản.
Về phương diện cai trị Việt Minh vẫn để ba khu như trước, là bắc bộ, trung bộ và nam bộ. Mỗi bộ có một nhân dân ủy ban dưới quyền một chủ tịch do chính phủ trung ương cử ra.
Ở các tỉnh, huyện, xã hay phố ở các thành thị, mỗi nơi đều có một nhân dân ủy ban và một chủ tịch do nhân dân ủy ban chọn lấy.
Về phương diện quân sự thì quân của Việt Minh có Giải phóng quân là quân đã được huấn luyện chính trị cộng sản, Vệ quốc quân và Tự vệ quân tức là công dân do các ủy ban xã, phố cắt để canh gác và giữ trật tự.
Quân của Quốc dân đảng thì có từng khu riêng. Tuy bề ngoài nói các quân đội thuộc về bộ quốc phòng, nhưng thực ra bộ ấy không có quyền hành gì cả. Việc gì cũng quyết định ở quân sự ủy viên hội có Võ Nguyên Giáp, cộng sản, làm chủ tịch và Vũ Hồng Khanh, Việt Nam quốc dân đảng, làm phó chủ tịch.
Lúc ấy khẩu hiệu của chính phủ là "thống nhất quân đội" mà ba tháng sau khi chính phủ liên hiệp đã thành lập, quân đội vẫn không thống nhất được. Bộ quốc phòng không biết rõ thực trạng quân đội của hai bên có bao nhiêu.
Quân Việt Minh và quân Quốc dân đảng tuy nói là đoàn kết, nhưng không có lòng thành thật. Quân Việt Minh chỉ có rình cơ hội là đánh quân Quốc dân đảng, hay bao vây để tiêu diệt lực lượng của đối phương, thành ra hai bên cứ kình địch nhau mãi. Người không biết phương sách của đảng cộng sản thì lấy thế làm lạ, nhưng ai đã hiểu bí quyết của họ là phải đi đến chỗ độc tài, chỉ có những người phục tùng theo mệnh lệnh của mình, chứ không thể có những người đứng ngang với mình mà hợp tác với mình được.
Ở các địa phương và những nơi đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, người bên nọ bắt người bên kia. Có người giữa ban ngày đang đi giữa đường bị mấy người ở đâu đến lấy mền trùm đầu rồi bắt đi mất tích. sở công an, Việt Minh bắt những người Việt Nam quốc dân đảng hay những người bị tình nghi vào tra tấn cực hình, có khi họ dùng những cách tàn nhẫn ghê gớm hơn thời Pháp và Nhật cai trị.
Ai trông thấy những cảnh tượng ấy cũng bùi ngùi tủi giận vì gà một nhà mà lại đá nhau dữ bằng mấy gà lạ. Người một nước với nhau mà đối xử vô nhân đạo như thế, thật là thê thảm.
Nguồn hình ảnh, AFP
Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp điều đình năm 1946 nhưng không thành
Theo chính sách của Việt Minh, lập ra một chính phủ, đem những người các đảng phái hay không đảng phái vào làm bộ trưởng là cốt làm cái bình phong che mắt người ngoài, chứ không có thực quyền làm được việc gì cả.
Khi tôi còn ở Hà Nội, cụ Huỳnh Thúc Kháng ra nhận chức bộ trưởng bộ nội vụ, có đến thăm tôi. Ngồi nói chuyện, tôi hỏi: "Cụ nay đứng đầu một bộ rất quan trọng trong chính phủ, chắc là bận việc lắm". Cụ Huỳnh nói: "Bây giờ việc gì cũng do địa phương tự trị cả, thành ra không có việc gì mấy, và khi có việc gì, thì họ làm sẵn xong cả rồi, tôi chỉ có vài chữ ký mà thôi".
"Những khi có hội đồng chính phủ thì bàn định những gì?"
"Cũng chưa thấy có việc gì, thường thì họ đem những việc họ đã làm rồi nói cho chúng tôi biết.'
Xem như thế thì các ông bộ trưởng chỉ đứng để làm vị mà thôi, chứ không có quyền quyết định gì cả.
Có người hỏi ông Nguyễn Tường Tam rằng: "Khi ông nhận chức bộ trưởng bộ ngoại giao của cụ Hồ giữ trước, ông thấy có việc gì quan trọng lắm không?" Ông trả lời: "Tất cả giấy má trong bộ ngoại giao của cụ Hồ giao lại cho tôi, tôi chỉ thấy có ba lá đơn của mấy người sĩ quan Tàu nhờ tìm cho mấy cái nhà, và tìm cái ví đựng tiền bị kẻ cắp lấy mất".
Câu chuyện có thể là ông Tam nói khôi hài, nhưng đủ rõ việc các ông bộ trưởng không có gì. Tôi đem những câu chuyện đó nói ra đây để chứng thực là các bộ trưởng chỉ giữ hư vị chứ không có thực quyền. Cái thực quyên trong chính phủ lúc ấy là ở mấy người như ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và ở tổng bộ cộng sản điều khiển hết cả.
Tổng bộ cộng sản theo người ta nói, có những người sau đây:
• Hà Bá Cang, nhất danh là Quận Thọt, người Hưng Yên
• Nguyễn Lương Bằng, nhất danh là Sao Ðỏ, người Hải Dương
• Bùi Lâm, người Trung Bộ Ðặng Xuân Khu, người làng Hành Thiện, Nam Ðịnh
• Bùi Công Trừng, người Quảng Bình
• Trung Bộ Pô, người Trung Hoa
• Tiêu Sung, người Nhật
Những người ấy ở đâu không ai biết, hội họp chỗ nào chẳng ai hay, rất bí mật, song phàm việc gì trong chính phủ cũng phải qua tổng bộ. Tổng bộ có ưng thuận mới được thi hành. Ðó mới thực là chính phủ, một chính phủ bí mật mà có quyền thế vô hạn."
Phần kết toàn bộ cuốn hồi ký, ông Trần Trọng Kim nhắn lại một lời, bốn năm trước khi qua đời vào tháng 12/1953 ở Đà Lạt:
"Không phải là tôi thiên vị chủ nghĩa nào, hay đảng phái nào, tôi đã nhứt quyết không mưu cầu danh lợi gì hết, chỉ mong người trong nước bỏ bớt cái lòng tư tâm tư lợi mà ra sức giúp cho nước nhà chóng được yên ổn và thịnh vượng, để cùng với thế giới đi lên con đường tiến bộ.
"Cũng bởi tấm lòng vì dân vì nước ấy và thấy khi quốc gia gian nan, không lẽ ngồi nhìn, nên tôi tự biết mình đã già yếu kém cỏi không làm gì được, nhưng ít ra cũng theo cái lương tâm mà đem những sự tôi đã biết và đã thấy mà phô bầy ra, để mọi người suy xét cho đúng sự thực. Dù ai có bảo đó là lời nói của một anh hủ nho, tôi cũng cam tâm mà tự cho mình đối với cái tâm của mình đã làm hết bổn phận làm người vậy."
Hết.
Lệ Thần Trần Trọng Kim
Source:
20 tháng 8 2017
Nội các Trần Trọng Kim: 5 thành tựu trong 4 tháng
29 tháng 6 2017
Nội các Trần Trọng Kim
Nguồn hình ảnh, nghiencuulichsu
Nội các Trần Trọng Kim chỉ tồn tại hơn bốn tháng
Chỉ trong bốn tháng làm việc với chủ quyền và độc lập rất hạn chế, Chính phủ Trần Trọng Kim đã tạo biểu tượng, đặt nền tảng về pháp lý và giáo dục cho Việt Nam nhiều năm sau.
Nội các Đế quốc Việt Nam của học giả Trần Trọng Kim (1883-1953) tồn tại từ ngày 17/04 đến 25/08 năm 1945 gồm toàn các trí thức: một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác sĩ, bốn luật sư.
Đó là các ông Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Vũ Trọng Khánh, Vũ Ngọc Anh, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Vũ Văn Hiền, Phan Anh và Nguyễn Hữu Thi.
Nhân chuyện một cuốn sách của Trần Trọng Kim vừa bị thu hồi ở Việt Nam, các bạn tìm hiểu ít nhất năm việc lớn chính phủ của ông làm được năm 1945:
1. Lập lại quốc hiệu Việt Nam
Đây là tên nước 'ước mơ' của Hoàng đế Gia Long nhưng không được Thanh triều công nhận.
Tên nước Đại Nam do Vua Minh Mạng đặt đã bị Pháp xóa để lập ra Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ trong Liên bang Đông Dương.
Thu hồi sách của Trần Trọng Kim: Nên hay không?
Sách của Trần Trọng Kim bị thu hồi
Sử gia Nguyễn Đình Đầu buồn vì sách Petrus Ký bị thu hồi
Được Nhật Bản trao trả 'độc lập', vua Bảo Đại và chính phủ đã nhanh chóng tuyên bố quốc hiệu là Việt Nam.
Đây cũng là cái tên mà Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu đặt cho các đảng phục quốc, cách mạng.
Riêng phái cộng sản chưa dùng tên này cho ba đảng đầu tiên của họ mà từ 1930 đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Quốc hiệu Việt Nam do chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố với thế giới sau đã thành tên nước cho cả hai chế độ ở Nam và Bắc đến 1975 và ngày nay.
Đế quốc Việt Nam năm Bảo Đại 20 chọn cờ vàng ba sọc đỏ với một sọc đứt quãng theo quẻ Ly của Kinh Dịch làm quốc kỳ.
Nhà Nho học Trần Trọng Kim dẫn sử để nói đó là màu cờ vàng của Triệu Thị Trinh khi khởi nghĩa chống quân Ngô.
2. Dùng tiếng Việt làm quốc ngữ và Việt hóa giáo dục
Dù có một số nỗ lực dùng tiếng Nhật thời Nhật Bản chiếm Đông Dương, tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ hành chính bên cạnh tiếng Việt và một số văn bản Hán ngữ đến năm 1945.
Hà Nội
Nguồn hình ảnh, Culture Club/Getty Images
Hà Nội thời Pháp: phố mang tên nhà thám hiểm thực dân Jean Dupuis ở lối vào Ô Quan Chưởng
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục, đóng vai trò chính trong việc ra quyết định dùng tiếng Việt hệ quốc ngữ thay tiếng Pháp.
Ông soạn các sách giáo khoa, gồm cả sách toán, kỹ thuật lần đầu bằng tiếng Việt và đưa bộ Quốc văn Giáo khoa thư vào áp dụng ngay trong niên học 1945-46 tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Đây là cơ sở cho chương trình trung học trên toàn Việt Nam ở cả hai miền dưới hai chế độ đối nghịch.
Các sách giáo khoa chịu ảnh hưởng của giai đoạn Hoàng Xuân Hãn vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu từ 1936 đến 1947.
Đó là thời gian ông xuất bản tiểu sử Lý Thường Kiệt và La Sơn phu tử, soạn từ vựng danh từ khoa học Toán Lý Hóa cho người Việt Nam.
3.Đòi lại miền Nam để thống nhất lãnh thổ
Theo sử gia Lê Mạnh Hùng, ngày 16/06, Vua Bảo Đại ra tuyên bố thống nhất tương lai của ba kỳ về một.
Chính phủ Trần Trọng Kim cũng ngay lập tức đàm phán với Nhật để đòi lại ba thành phố trực trị của người Pháp trước đó là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Cuộc gặp của Trần Trọng Kim với gặp Trung tướng Yuitsu Tsuchihashi, Tư lệnh Quân đoàn 38 của Nhật tại Đông Dương trong tháng 7 đã đem lại kết quả quan trọng.
Quân đội Nhật Hoàng vào Hà Nội năm 1941
Nguồn hình ảnh, Popperfoto/Getty Images
Quân Nhật đi xe đạp qua cầu Long Biên vào Hà Nội tháng 9/1941
Tân chính phủ Việt Nam được bổ nhiệm lãnh đạo ba đô thị lớn: Trần Văn Lai làm Thị trưởng Hà Nội, Vũ Trọng Khanh làm Thị trưởng Hải Phòng và Nguyễn Khoa Phong làm Thị trưởng Tourane (Đà Nẵng).
Ở Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai đã cho đổi tên phố từ tên Pháp sang tên những vị anh hùng dân tộc Việt Nam.
Sang tháng 8/1945, Nhật Bản đồng ý trao trả Nam Kỳ cho chính phủ Trần Trọng Kim và ông Nguyễn Văn Sâm được bổ nhiệm làm Khâm Sai Nam Kỳ.
Không có quân đội riêng, chính phủ Trần Trọng Kim chỉ dựa vào tình thế và quyết tâm của các trí thức để đàm phán với Nhật Bản.
Nhưng về mặt chính trị, tâm lý dân tộc và hành chính, nhận lại Nam Kỳ là thành tựu có tính biểu tượng quan trọng.
Hành động này không chỉ xóa nỗi nhục bại trận - cuộc chiến mất nước của Đại Nam bắt đầu từ Nam Kỳ - mà còn duy trì giấc mơ thống nhất ba miền các bậc tiền bối nuôi dưỡng.
4.Soạn hiến pháp nhấn mạnh tự do và độc lập
Dù không có thực quyền và không được các đại cường công nhận - bởi là chính quyền có quan hệ mật thiết với Đế quốc Nhật - Trần Trọng Kim, đã lập ra Hội đồng dự thảo Hiến pháp.
Hồ Chí Minh và công dân Vĩnh Thụy
Nguồn hình ảnh, nghiencuulichsu
Sau khi trao quyền lại cho chính phủ Việt Minh, cựu hoàng Bảo Đại khi đó ngoài 30 tuổi, giữ chức Cố vấn tối cao một thời gian với cái tên công dân Vĩnh Thụy
Hội đồng gồm các trí thức, văn nghệ sỹ nổi tiếng: Phan Anh, Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Hồ Tá Khanh, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Thinh, Hồ Hữu Tường.
Hiến pháp công nhận tự do lập nghiệp đoàn, các hội nghề nghiệp.
Tổng hội Công chức ra đời để làm lực lượng chính trị ủng hộ cho tân chính phủ.
Các hội đoàn thanh niên sau là cơ sở cho các phong trào vũ trang chống Pháp của cả phe cộng sản và cộng hòa.
Trong Tuyên chiếu 03/05/1945, vua Bảo Đại đã viết:
"Muốn cải-tạo quốc-gia, chính-phủ cần hành động cho quy-củ nghĩa là phải có hiến pháp.
Hiến pháp tương lai của Việt-Nam sẽ căn cứ vào sự hợp nhất quốc-gia, sự quân dân cộng tác, và những quyền tự do chính-trị tôn-giáo cùng nghiệp-đoàn của nhân-dân."
Đặc biệt, theo lời nhà vua, "Chính phủ ngày nay không phải phụng sự một cá nhân hay một đảng phái nào cả."
Tuy nhiên, hoạt động lập pháp này đã không hoàn tất được vì các công việc cấp bách hơn như cứu đói cho miền Bắc.
Theo sử gia Trần Gia Phụng, chính phủ Trần Trọng Kim tuy được Nhật hậu thuẫn, nhưng từ khi thành lập cho đến khi giải tán, đã hoạt động độc lập và không lệ thuộc người Nhật.
5. Rút lui và trao quyền cho thế hệ cách mạng
Các hạn chế của chính phủ Trần Trọng Kim đã được nói đến nhiều, gồm cả việc không có Quốc hội, không có quân đội và không được nước nào công nhận ngoài Đế quốc Nhật Bản.
Nội các này đã tan rã trong làn sóng cách mạng nổi lên và mục tiêu giành giật vùng ảnh hưởng của các đại cường.
Ý thức được những vấn đề đó, các trí thức trong chính phủ này đã chọn con đường trao lại quyền lực không đổ máu cho một chính quyền do Việt Minh lãnh đạo.
Được biết vua Bảo Đại đã không cho binh lính mai phục bắn vào nhóm thanh niên theo Việt Minh trèo lên kỳ đài ở Huế hạ cờ vàng và kéo cờ đỏ sao vàng lên cột ngày 21/08.
Huế
Nguồn hình ảnh, Thierry Orban/Getty Images
Nội các Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam rút lui để cũng khép lại thời kỳ quân chủ để chuyển sang cách mạng và cộng hòa
Tại Hà Nội, tuần hành của Tổng hội Công chức ngày 19/08 bị 'cướp cờ' biến thành biểu tình ủng hộ cuộc cách mạng do những người cộng sản lãnh đạo.
Dù vậy, Khâm sai Đại thần Phan Kế Toại đã không cho Bảo an binh bắn vào đoàn biểu tình và cũng không yêu cầu quân Nhật can thiệp.
Là chính phủ chuyên viên đầu tiên của Việt Nam thời hiện đại, nội các Trần Trọng Kim đã rút lui trong hòa bình để trao quyền lại cho thế hệ các chính khách và nhà làm cách mạng chuyên nghiệp.
Theo chính lời ông Trần Trọng Kim kể lại, quốc gia Việt Nam đã nhanh chóng rơi vào giai đoạn tàn sát lẫn nhau giữa Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Đảng trong các năm 1945-46.
Về thể chế, Đế quốc Việt Nam rút lui đã khép lại thời kỳ quân chủ để chuyển sang cộng hòa với các tiến bộ và hệ lụy như đã biết về sau.