Trận Đại Dịch Này
Sẽ Kết Thúc Thế Nào --Nước Mỹ Có Thể Sẽ Đi Đến Hồi Kết Với Nạn
Dịch Covid-19 Bùng
Phát Tồi Tệ Nhất Trong Thế Giới Công Nghiệp. Tình Hình Sắp Tới Sẽ
Diễn Tiến Thế Nào.
Tác giả: Ed Yong*
Người dịch [nd] sang
tiếng Việt: Nguyên Thuần
25/3/2020
Cách đây ba tháng
không ai biết SARS-CoV-2
đã có mặt rồi.
Đến giờ vi khuẩn này đã lan tràn đến gần như mọi xứ sở,
nhiễm bệnh cho 446,000
người như chúng ta biết, và còn nhiều người nữa đã bị nhiễm mà
chúng ta không biết [tính
đến ngày 11 tháng 4 đã
có1,733,792
trường hợp nhiễm Covid-19, nd**]. Nó đã làm sụp đổ kinh tế, phá hỏng
hệ thống y tế, khiến các bệnh viện chật kín bệnh nhân trong khi các
nơi công cộng lại không một bóng người.
Nó bắt người ta phải làm việc cách xa nhau và tách họ khỏi
bạn bè. Nó đảo lộn xã hội hiện
đại ở một quy mô mà trước đây đại đa số những người đang sống chưa
bao giờ chứng kiến. Chẳng bao lâu nữa
hầu như mọi người ở Mỹ đều sẽ quen biết một người đã bị nhiễm.
Giống như Thế chiến thứ hai hoặc cuộc tấn công ngày 11
tháng 9, cơn
dịch này đã hằn sâu vào não trạng của dân tộc Mỹ.
Một cơn dịch toàn cầu có quy mô như thế là điều
không tránh được. Trong những năm
gần đây, hàng trăm chuyên gia y tế đã viết sách, báo cáo tường trình
và đề xuất ý kiến cá nhân cảnh báo về khả năng xảy ra đại
dịch. Bill Gates đã
từng nói cho những ai muốn lắng nghe, gồm cả 18
triệu người xem cuộc nói chuyện của ông do TED tổ chức.*** Năm 2018 tôi
đã viết một bài đăng trên báo The Atlantic nói rằng nước Mỹ
chưa sẵn sàng đối phó với một trận dịch cuối cùng sẽ xảy ra. Hồi tháng mười Trung tâm An Ninh Y
Tế Johns Hopkins đã diễn tập một cuộc chiến tranh trò
chơi điện tử với tình huống một vi khuẩn corona mới càn quét khắp
thế giới. “Nếu xảy ra...thì sao?”
đã trở thành “Bây giờ gì nữa đây?”
Thế thì bây giờ gì nữa đây? Vào những giờ cuối cùng của ngày thứ
tư [24
tháng 3, nd] vừa
qua, mà giờ đây tưởng như đã là quá khứ xa xôi, tôi còn nói chuyện
với người bạn gái đang mang thai, chỉ
vài hôm nữa sẽ đến ngày sanh.
Tôi nhận thấy rằng đứa nhỏ có thể là một trong những trẻ đầu
tiên thuộc lớp trẻ sinh ra trong một xã hội đã bị Covid-19 thay
đổi sâu xa. Chúng tôi quyết định
gọi đấy là thế hệ C.
Rồi chúng ta sẽ thấy, cuộc sống của thế hệ C
được định hình bởi các lựa chọn người ta thực hiện trong những tuần
lễ sắp đến, và bởi những mất mát hệ lụy từ các quyết định đó mà
chúng ta phải gánh chịu. Nhưng
trước hết, xin nói qua
về con số ước tính. Dựa trên Chỉ
Số An Ninh Y Tế Toàn Cầu, tức bảng tường trình chỉ số dùng để đánh
giá các nước về việc nước đó chuẩn bị đối phó với dịch bệnh ra
sao, nước Mỹ đạt 83.5,
điểm cao nhất thế giới. Giàu,
mạnh, phát triển, Mỹ được cho là nước sẵn sàng nhất để đối
phó trong tất cả các quốc gia. Ảo
tưởng đó nay đã vỡ tan tành. Mặc
dù nhiều tháng trước đã có khuyến cáo vào lúc con vi khuẩn đang lan
tràn ở các quốc gia khác, đến khi nước Mỹ cuối cùng bị COVID-19 thử
sức, nước này đã thất bại.
Nahid
Bhadelia, một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm tại
trường Y khoa thuộc đại học Boston nói: “Trong mọi tình huống, vi
khuẩn [như vi
khuẩn
SARS-CoV-2] đều trắc nghiệm tính dẻo dai bền bỉ của ngay cả
những hệ thống y tế được trang bị tốt nhất.” Dễ lây lan và có thể
làm chết người hơn bệnh cúm theo mùa thông thường, vi khuẩn corona mới
này còn lẩn khuất khó thấy, phát tán từ người bệnh sang người khác
nhiều ngày trước khi triệu chứng hiện ra rõ rệt. Để khống chế lại mầm bệnh như thế,
các quốc gia phải có cách thử nghiệm và dùng cách đó để xác định
danh tính người nào mắc bệnh, cô lập họ, và theo dõi những ai họ đã
tiếp xúc. Đó là điều Nam Hàn,
Singapore, và Hồng kông đã làm được với hiệu quả to
lớn. Đó lại là điều nước Mỹ đã
không làm.
Như các đồng nghiệp của tôi Alexis Madrigal và
Robinson Meyer tường thuật, Trung tâm Phòng Chống Dịch Bệnh [gọi
tắt là CDC, nd] đặt
ra và phân phối một cách thử nghiệm sai lầm hồi tháng hai. Những phòng thí nghiệm độc lập đã tạo
ra các cách thử khác, nhưng lại bị sa lầy trong tệ quan liêu của cơ
quan Quản Lý
Thực Phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ [gọi tắt là FDA, nd]. Trong một
tháng quyết định, khi số người nhiễm bệnh tại Mỹ vọt lên đến số
chục ngàn, chỉ có vài trăm người được thử nghiệm mà thôi. Nói thẳng
thừng, thật không thể tưởng tượng nổi việc một nước mạnh về y sinh
như Mỹ lại có thể hoàn toàn thất bại trong việc tạo ra một thử
nghiệm thật đơn giản để chẩn đoán bệnh.
Alexandra
Phelan, một người chuyên về các vấn đề pháp luật và
chính sách liên quan đến bệnh truyền nhiễm tại đại học Georgetown
nói: “Tôi không biết bất cứ một mô phỏng trên máy điện toán nào do
tôi và những người khác thực hiện lại có chuyện bị chúng tôi xem là
thất bại trong thử nghiệm.”
Thảm bại về thử nghiệm là tội lỗi gốc của việc
Mỹ thua trong trận chiến chống dịch này, một lỗi duy nhất này thôi
đã làm suy sụp mọi biện pháp chống đỡ khác. Giá như Mỹ đã theo dõi chính xác sự
lây lan của vi
khuẩn này, các bệnh viện đã có thể thực thi các
kế hoạch chống dịch bệnh của mình, khoanh vùng bằng cách sắp xếp
phòng điều trị, đặt mua thêm trang bị y tế, thay ca nhân viên trực,
hoặc ấn định cơ sở vật chất cụ thể để đối phó các trường hợp
bệnh Covid-19. Những chuyện như thế đã không xảy
ra. Thay vào đó, hệ thống y tế gần
như đã làm việc hết mức, và đã bị thách thức bởi dịch cúm nặng
mùa đông rồi, đột ngột phải đối đầu với một thứ vi khuẩn được để
tự do tung hoành, không theo dõi được, trong các cộng đồng trên toàn
nước Mỹ. Các bệnh viện quá sức
giờ trở thành quá tải. Trang bị
phòng hộ cơ bản như khẩu trang, áo khoác, găng tay bắt đầu cạn
dần. Chẳng bao lâu nữa sẽ hết
giường nằm, hết máy trợ thở dùng để cung cấp dưỡng khí cho phổi
của người bệnh đang bị con vi khuẩn bao vây.
Gần hết chỗ để ngoi lên khỏi cơn khủng hoảng, hệ
thống y tế Mỹ hoạt động trong tư thế cho rằng, trong trường hợp khẩn
cấp, các tiểu bang không bị nạn dịch có thể giúp cho những tiểu bang
đã bị lâm nguy. Nguyên tắc đạo đức
đó quả là có kết quả đối với những thảm họa ở địa phương như bão
tố hoặc nạn cháy rừng, nhưng không thể dùng được đối với một trận
đại dịch hiện đang xảy ra khắp 50 tiểu bang. Thay vì hợp tác, các tiểu bang cạnh
tranh lẫn nhau; một số lo lắng khi
các bệnh viện mua trang bị với số lượng lớn, giống kiểu người tiêu
thụ hoảng sợ đi mua hết giấy vệ sinh.
Một phần là vì Tòa
Bạch Ốc là một thành phố ma không có bóng chuyên gia khoa học
nào. Một văn phòng chuẩn bị đối
phó với đại dịch vốn là một phần thuộc Ủy Ban An Ninh Quốc Gia đã bị giải tán năm 2018.
Ngày 28
tháng giêng, Luciana
Borio, một thành viên trong đội ngũ đó, đã thúc hối
chính phủ hãy “hành động ngay bây giờ để ngăn chặn một trận dịch
tại Mỹ,” cụ thể làm việc với khu vực tư nhân nhằm chế ra các thử
nghiệm chẩn đoán dễ dàng và nhanh chóng.
Nhưng vì văn phòng ấy bị đóng, những lời cảnh báo đó chỉ đăng
trong báo The
Wall Street Journal, chứ
không đến được tai tổng thống. Thay
vì bắt tay vào hành động, nước Mỹ
vẫn bình chân như vại.
Không người lèo lái, mù quáng, lừng khừng, và
thiếu sự hợp tác, Mỹ đã xử lý tồi tệ cơn khủng hoảng Covid-19 đến
mức độ tệ hại hơn nhiều so với điều mà tất cả các chuyên gia y tế
tôi từng nói chuyện đã lo sợ. Ron Klain,
người điều phối việc Mỹ tiếp ứng trong cơn dịch Ebola xảy ra tại Tây
Phi năm 2014, đã
nói: “Tệ hơn nhiều.” Lauren Sauer,
người chuyên lo việc chuẩn bị đối phó với tai họa tại trường Y Khoa
đại học Johns Hopkins, cho là “Vượt ngoài những gì chúng tôi nghĩ sẽ
xảy ra.” Seth
Berkley, người đứng đầu GAVI [tổ chức liên
hữu y tế công tư toàn cầu chuyên về thuốc chủng ngừa, mục đích nhằm
giúp dân các nước nghèo trên thế giới có thể được chủng ngừa để
miễn dịch bệnh, nd], nói: “Là một người Mỹ, tôi
kinh hoàng. Nước Mỹ có thể đi đến
tình trạng bùng phát dịch tệ hại nhất trong thế giới công nghiệp.”
1.Những
Tháng Sắp Đến
Đã bị bỏ lại đằng sau, Mỹ sẽ khó lòng bắt kịp
các nước khác, nhưng không phải Mỹ không thể đuổi kịp được. Trong một chừng mực nào đó, người ta
có thể xác định một tương lai gần, vì COVID-19 là
một căn bệnh chậm và kéo dài.
Những người bị nhiễm bệnh nhiều ngày trước giờ mới bắt đầu
lộ triệu chứng, mặc dù họ đã tự cô lập trong suốt thời gian đó. Một số người như thế sẽ đi vào khu chăm
sóc đặc biệt vào đầu tháng tư. Cho
đến cuối tuần vừa qua, nước này đã có 17,000 ca nhiễm, nhưng con
số thật sự có thể nằm trong khoảng 60,000 đến 245,000. Các con số giờ đang bắt đầu tăng cấp
số nhân. Cho đến sáng thứ tư [25
tháng 3, nd], con
số được đếm chính thức là 54,000 trường hợp nhiễm
bệnh, nhưng người ta không biết số người thực sự nhiễm là bao
nhiêu. Nhân viên y tế hiện đã nhìn
thấy các dấu hiệu đáng lo ngại: trang bị cạn dần, số bệnh nhân ngày
càng tăng, cả bác sĩ và y tá cũng đã có người bị nhiễm.
Nước Ý và Tây ban nha cho nước Mỹ những cảnh báo
không sáng sủa về tương lai. Các
bệnh viện hết chỗ, hết trang bị và thiếu nhân viên. Không thể trị hay cứu mọi người, bác
sĩ buộc phải làm điều không ai dám nghĩ: dành sự chăm sóc cho những
bệnh nhân nào có thể sống được, trong khi chấp nhận để người khác
chết. Tính theo đầu người, Mỹ có
ít giường bệnh hơn nước Ý. Một
công trình nghiên cứu của các khoa học gia thuộc đại học Hoàng gia
Luân đôn đã kết luận rằng nếu không ngăn chặn được trận đại dịch,
đến cuối tháng tư, sẽ không còn giường bệnh nào trống. Và trước cuối tháng sáu, cứ mỗi
giường dành cho trường hợp bệnh nặng, sẽ có khoảng 15 bệnh
nhân COVID-19 cần
đến một giường như vậy. Đến cuối
hè, đại dịch sẽ cướp mạng 2.2 triệu người Mỹ, đó
là chưa kể số người bị chết một cách gián tiếp vì bệnh viện không
thể chăm sóc cho những ca bị các bệnh thường thấy như trụy tim, đột
quỵ, hay tai nạn lưu thông. Đây là kịch
bản tồi tệ nhất. Để ngăn chặn
tình trạng đó xảy ra, bốn điều dưới đây cần phải xảy ra, và phải
xảy ra nhanh.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là mau chóng sản
xuất khẩu trang, găng tay, và những thiết bị bảo vệ cá nhân
khác. Nếu nhân viên y tế không có
sức khoẻ, mọi đáp ứng còn lại đều sụp đổ. Ở một số nơi, nguồn cung ứng đã quá
chậm chạp đến nỗi các bác sĩ phải tái sử dụng khẩu trang khi khám
từ người này qua người kia, phải kêu gọi dân chúng hiến tặng trang
bị, hoặc tự may tại nhà. Sự thiếu
hụt này xảy ra vì các trang bị y tế thường được làm theo đơn đặt
hàng và lệ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế với các thủ tục hành
chính nhiêu khê phức tạp mà hiện tại đã quá căng thẳng và gần sụp
đổ. Tỉnh Hồ bắc ở Trung quốc, một
tâm điểm của trận dịch, từng là trung tâm sản xuất khẩu trang y tế.
Tại Mỹ, Kho Dự Trữ Chiến Lược Quốc Gia – nơi chứa
trang bị y tế cho cả quốc gia Mỹ — đã được trưng dụng, đặc biệt dành
cho các tiểu bang bị nặng nhất. Kho
này không có đủ để cung ứng mãi, nhưng nó có thể giúp cầm hơi trong
một thời gian. Donald Trump có
thể dùng thời gian đó để dựa vào Sắc Luật Sản Xuất Quốc Phòng, kêu
gọi các nhà sản xuất Mỹ hãy nỗ lực như thời chiến chuyển sang sản
xuất các trang bị y tế. Nhưng sau
khi nói đến sắc luật ấy ngày thứ tư vừa qua [25
tháng 3, nd],
Trump lại thất bại khi thực thi sắc luật vì Phòng Thương Mại Hoa kỳ
và người đứng đầu các công ty chính vận động hành lang, như báo cáo
cho biết.
Một số nhà sản xuất đã đáp ứng trước cơn thử
thách, nhưng nỗ lực của họ chỉ chút ít và phân phối không đồng
đều. Ali Khan, Khoa
trưởng Khoa Y tế công cộng thuộc Trung tâm Y khoa đại học Nebraska nói:
“Rồi sẽ có ngày chúng ta tỉnh dậy nghe tin các bác sĩ tại thành
phố X mổ mà phải đeo khăn [bandanas, nd] trong
khi ở thàng phố Y kệ tủ chất đầy khẩu trang.” Thomas Inglesby
thuộc trường Y tế công cộng Bloomberg, đại học Johns Hopkins nói: “Cần
có một chiến dịch hậu cần và chuỗi cung ứng quy mô cho toàn
quốc.” Điều này các nhóm nhỏ
thiếu kinh nghiệm rải rác khắp tòa Bạch Ốc không thể làm được. Thomas Inglesby nói
giải pháp là trao nhiệm vụ cho Cơ quan Hậu Cần Quốc Phòng –đơn vị 26,000
người này chăm lo hậu cần cho quân đội Mỹ trong các chiến dịch ở
nước ngoài và đã từng trợ giúp trong các cuộc khủng hoảng y tế công
cộng trước đây, kể cả trận dịch Ebola năm 2014.
Cơ quan này cũng có thể điều phối nhu cầu khẩn
thiết thứ hai: tiến hành thử Covid-19 rộng khắp. Lâu nay những thử nghiệm như vậy đến
rất chậm do năm thiếu hụt riêng biệt sau đây: thiếu khẩu trang để bảo
vệ nhân viên giúp thử nghiệm; thiếu que thử vùng xoang mũi nối với
khí quản [nasopharyngeal,
“vùng tỵ hầu,” nd] để lấy mẫu vi khuẩn; thiếu bộ
dụng cụ để trích phần chứa yếu tố di truyền của vi khuẩn ra khỏi
các mẫu thử nghiệm đã thu thập được; thiếu chất hóa học dùng để
thử—vốn là một phần của bộ thử nghiệm; và thiếu nhân viên được
huấn luyện có khả năng giúp thử nghiệm.
Một lần nữa, các thiếu hụt này cũng do chuỗi cung ứng hiện
đã quá căng thẳng. Nước Mỹ dựa
vào ba công ty sản xuất hóa chất dùng để thử nghiệm, đủ để cung ứng
trong trường hợp một trong ba công ty không sản xuất được—nhưng cả ba
dều không đáp ứng nổi tình trạng toàn thế giới đang cần kíp chưa
từng có trước đây. Trong khi đó,
Lombardy, nước Ý, nơi bị dịch bệnh nặng nhất tại Âu châu, là nơi có
một trong số những công ty sản xuất que thử nghiệm tỵ hầu lớn
nhất.
Một
số thiếu thốn đã được đưa ra bàn luận.
Cơ quan Quản lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ hiện đang nhanh chóng
cho phép dùng những bộ thử nghiệm do các phòng thí nghiệm tư nhân
chế tạo ra. Có ít nhất một bộ
thử nghiệm có thể cho biết kết quả trong không đầy một tiếng đồng
hồ, với tiềm năng cho phép bác sĩ biết bệnh nhân trước mặt họ có
mắc bệnh Covid-19
chăng. Nước Mỹ, theo lời Kelly Wroblewski
thuộc Hiệp hội Các Phòng Thí Nghiệm Y Tế Công Cộng, “đang tăng cường
khả năng chống dịch từng ngày một.”
Vào ngày 6 tháng ba Trump tuyên
bố “bất cứ ai muốn thử nghiệm đều có thể được thử nghiệm.” Lời tuyên bố đó đã (và
hiện nay) vẫn
không đúng sự thật, và các quan chức của chính tổng thống đã nhanh
chóng sửa sai giùm ông. Dù vậy,
những người lo ngại vẫn đổ xô đến bệnh viện tìm cách được thử
nghiệm dù không có. Saskia Popescu,
người làm công tác chuẩn bị cho các bệnh viện đối phó với các trận
đại dịch thuộc đai học George Mason, nói: “Người dân muốn được thử
mặc dù họ không có triệu chứng gì, hay dù họ phải ngồi cạnh một
người đang bị ho.” Những người khác chỉ bị cảm, nhưng bác sĩ vẫn
phải dùng khẩu trang khi khám họ, làm tốn hao thêm trang bị y tế đang
cạn dần. Popescu nói:
“Hệ thống y tế thật sự bị căng thẳng.”
Ngay bây giờ, khi khả năng đối phó được tăng cường, thử nghiệm
vẫn phải được sử dụng một cách kỹ lưỡng. Marc Lipsitch
thuộc đại học Harvard nói ưu tiên số một là thử nghiệm cho nhân viên y
tế và những bệnh nhân đã nhập viện, nhằm giúp bệnh viện chặn đứng
các đám cháy đang diễn ra. Chỉ sau
đó, khi cuộc khủng hoảng ngay trước mắt đã được làm chậm lại, khi
ấy mới nên cho thử nghiệm rộng rãi hơn. Inglesby nói:
“Đây không phải chỉ là chuyện ‘hãy cho thử nghiệm đã’!”
Những biện pháp này cần có thời gian, trong khi
đó cơn đại dịch hoặc sẽ tăng tốc vượt ngoài khả năng hệ thống y tế
hoặc sẽ giảm xuống đến mức có thể kềm chế. Đường đi của vi khuẩn này –và số
phận nước
Mỹ—giờ đây tùy thuộc vào nhu cầu thứ ba, đó là khoảng cách giao
tiếp xã hội [social
distancing, nd].
Bạn hãy nghĩ như vầy: Chỉ có hai nhóm người Mỹ. Nhóm A gồm tất cả những ai có dính
líu đến việc đáp ứng y tế, như trị người bệnh, xét nghiệm hay sản
xuất trang bị y tế. Nhóm B gồm
những người còn lại, và nhiệm vụ của họ là giúp cho Nhóm A có thì
giờ xoay sở. Bây giờ Nhóm B phải
làm cho “đường cong biểu đồ dãn ra” [“flatten the curve,”**** xem chú
thích cuối bài, nd] bằng cách tự cách ly mình
khỏi người khác để cắt đứt chuỗi truyền bệnh. Trong tình hình bệnh
Covid-19 bộc
phát chậm, để ngăn chặn trước việc hệ thống y tế sụp đổ trong tương
lai, chúng ta phải xúc tiến ngay tức khắc các bước có vẻ cứng rắn,
cực đoan này, trước cả khi các biện pháp này tưởng như tương
xứng với diễn tiến dịch bệnh, và chúng phải được tiếp tục trong
nhiều tuần lễ.
Thuyết
phục một quốc gia tự nguyện ở nhà không phải dễ, và khi không có
hướng dẫn rõ ràng từ Tòa Bạch Ồc, các thị trưởng, thống đốc, và
chủ doanh nghiệp buộc phải tự thực hiện các bước của mình. Một số tiểu bang cấm tụ tập đông người
hoặc đóng cửa trường học, quán ăn. Có ít nhất
21 tiểu bang đã ban hành lịnh bắt buộc người dân phải cô lập
dưới một hình thức nào đó, buộc người ta phải ở nhà. Vậy mà nhiều người dân vẫn tiếp tục
tụ tập ở những nơi công cộng.
Trong
những thời điểm như thế này, khi điều tốt đẹp cho
tất cả tùy
thuộc vào sự hy sinh của nhiều người, phối hợp làm việc với nhau đâu
ra đó là quan trọng –đấy là nhu cầu khẩn cấp thứ tư. Tầm quan trọng của việc giãn cách xã
hội phải được nhấn mạnh với quần chúng, những người còn phải được
trấn an và giúp có đủ thông tin.
Thay vì thế, Trump cứ tiếp tục xem nhẹ vấn đề, nói với nước
Mỹ là “chúng ta kiểm soát bệnh dịch rất tốt” trong khi thực sự không
phải thế, và cho rằng các ca bệnh “sẽ giảm xuống gần đến số zero”
trong khi con số đang tăng dần. Trong
một vài trường hợp, như những tuyên bố của Trump về việc thử nghiệm
đại trà, những lỗi dẫn đến sai lệch của ông ta đã làm cuộc khủng
hoảng thêm trầm trọng. Trump còn
quảng bá cho các loại thuốc trị không được chứng nghiệm lâm sàng.
Khi ra khỏi phòng họp báo của Tòa Bạch Ồc, Trump
có vẻ lắng tai nghe Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị Ứng và Bệnh
Truyền Nhiễm Quốc Gia. Từ thời
Ronald Reagan đến giờ, Fauci từng là cố vấn cho các tổng thống về
các dịch bệnh mới, và hiện ông đang có chân trong đội ngũ đặc nhiệm chống
Covid-19 cứ
cách một ngày lại họp với Trump một lần. Fauci nói với tôi: “Tổng thống có cách
của ông ta, chúng ta hãy để nguyên như vậy, nhưng cho đến giờ những gì
tôi đề nghị, về cơ bản, ông ta đều lắng nghe hết.”
Nhưng
Trump đã có vẻ ngập ngừng. Trong
mấy ngày gần đây, có những dấu hiệu cho thấy ông ta đang chuẩn bị xem
xét lại chính sách về giãn cách xã hội nhằm đạt được mục tiêu bảo
vệ nền kinh tế. Các chuyên gia và
giới lãnh đạo doanh nghiệp đã từng dùng cách nói khéo léo tương tự
khi lý luận rằng những người có khả năng nhiễm bệnh cao như người
già chẳng hạn, có thể được bảo vệ, trong khi những người khó nhiễm
bệnh hơn được phép trở lại làm việc.
Lối suy nghĩ như vậy rất hấp dẫn, nhưng lại sai. Nó đã quá đề cao khả năng của chúng ta
khi đánh giá tầm mức rủi ro nhiễm bệnh của con người, và một cách
nào đó đã tách biệt những người “có nguy cơ nhiễm cao” ra khỏi số
người còn lại trong xã hội. Nó
đánh giá thấp việc vi khuẩn này có thể tấn công mạnh vào các nhóm
người “khó bị nhiễm,” và việc các bệnh viện sẽ hoàn toàn bị quá
tải nếu ngay cả số dân trẻ hơn một chút nhiễm bệnh.
Một phân tích mới đây của đại học Pennsylvania ước
lượng rằng ngay cả khi các biện pháp giãn cách xã hội có thể giúp
giảm tỉ lệ nhiễm bệnh được 95% đi nữa, thì vẫn có
đến 960,000
người Mỹ cần được chăm sóc đặc biệt.
Chỉ có khoảng 180,000 máy
trợ thở ở Mỹ và, sát với thực tế hơn nữa, chỉ có đủ nhân viên
điều dưỡng chuyên về hô hấp và chuyên về chăm sóc đặc biệt để chăm
sóc an toàn cho 100,000 bệnh
nhân thở bằng máy. Giở bỏ lệnh
giãn cách xã hội là điều ngu xuẩn.
Ngay bây giờ, khi việc thử nghiệm và trang bị phòng hộ vẫn còn
đang khan hiếm, nếu giở bỏ lệnh ấy sẽ gây đại họa.
Nếu Trump vẫn giữ lệnh đó, nếu người dân Mỹ tuân
thủ lệnh giãn cách xã hội, nếu thử nghiệm được tiến hành và khẩu
trang được sản xuất đầy đủ, nước Mỹ vẫn còn có cơ hội ngăn chặn
được dự đoán tồi tệ nhất về dịch Covid-19, hay chí ít cũng tạm
thời khống chế được cơn dịch. Không
ai biết được con dịch sẽ kéo dài bao lâu, nhưng nó sẽ không mau
chóng. Fauci nói: “Nó có thể kéo
dài từ bốn đến sáu tuần cho đến ba tháng, nhưng tôi không dám cả
quyết khi nói thế.”
2.Màn
Cuối
Ngay cả đối phó hoàn hảo nhất cũng không kết
thúc đại dịch được. Chừng nào con
vi khuẩn còn sống ở đâu đó, vẫn còn có thể xảy ra trường hợp một
du khách nhiễm bệnh châm mồi lửa mới tại các quốc gia đã dập tắt
hết các đám cháy. Điều này đã
xảy ra tại Trung quốc, Singapore, và những xứ khác ở Á châu, những
nơi dường như khống chế được vi khuẩn trong một thời gian ngắn. Với các điều kiện như vậy, đại dịch
có thể kết thúc theo ba cách: Cách thứ nhất rất khó xảy ra, cách
thứ hai rất nguy hiểm, và cách thứ ba rất kéo dài.
Cách thứ nhất là mọi quốc gia đều đồng loạt
quản chế được con vi khuẩn, như trong trường hợp dịch SARS gốc của vi
khuẩn corona năm 2003. Với
tình trạng lan tràn của trận đại dịch do vi khuẩn corona gây ra và
nhiều quốc gia đang khốn đốn hiện nay, khả năng xảy ra việc các nước
đồng loạt khống chế vi khuẩn này có vẻ nhỏ đến mức hầu như không
có.
Cách thứ hai, vi khuẩn này sẽ làm điều các vi
khuẩn từng làm trong các trấn đại dịch trước đây. Nó sẽ bùng phát lây lan khắp thế giới,
để lại đủ số người sống sót đã miễn nhiễm đến mức cuối cùng nó
gặp phải khó khăn tìm không ra người khả dĩ để gây nhiễm nữa. Tình huống “miễn nhiễm bầy đàn” [“herd immunity,”nd] này
sẽ diễn ra nhanh, và vì thế nghe hấp dẫn. Nhưng nó cũng sẽ xảy ra với cái giá
khủng khiếp: SARS-CoV-2 [tức
Covid-19,
nd] lây lan nhanh chóng và gây chết
người nhiều hơn cúm mùa, và nó cũng có thể sẽ để lại nhiều triệu
xác người cùng tàn tích của những hệ thống y tế đã sụp đổ. Nước Anh thoạt đầu tưởng đã có thể
dựa vào chiến thuật “miễn nhiễm bầy đàn” này trước khi rút lại
không theo nữa khi các mô hình [lý thuyết dùng toán
để tiên liệu diễn tiến dịch lan tràn, nd] cho
thấy hậu quả trầm trọng của phương cách này. Nước Mỹ giờ đây cũng có vẻ đang tính
áp dụng nó.
Tình huống thứ ba là thế giới chơi màn hở đâu
đánh đó lâu dài với con vi khuẩn, hễ chỗ nào có dịch thì diệt nó
cho đến khi sản xuất được thuốc ngừa.
Đây là lựa chọn tốt nhất, nhưng cũng là cách kéo dài và phức
tạp nhất.
Mọi chuyện đều bắt đầu từ chỗ chế ra thuốc
ngừa. Giả như đây là một đại dịch
cúm, thì chuyện sẽ dễ dàng hơn.
Thế giới đã có kinh nghiệm chế tạo thuốc ngừa dịch cúm và
mỗi năm đều cho chủng ngừa. Nhưng
hiện giờ không có thuốc ngừa nào chống lại vi khuẩn corona –cho đến
giờ, các vi khuẩn này dường như chỉ gây bệnh nhẹ và hiếm –vì thế
các nhà nghiên cứu phải bào chế thuốc ngừa từ con số không. Những bước đầu tiên đã diễn ra nhanh
chóng rất ấn tượng. Thứ hai [23 tháng 3, nd] vừa qua, một loại thuốc ngừa có thể dùng do công ty Moderna và
Viện Y tế Quốc Gia bào chế đã được sớm đưa vào thử nghiệm lâm
sàng. Đó là mốc đánh dấu khoảng
thời gian 63 ngày
từ khi các nhà khoa học lần đầu tiên lấy được mẫu mã di truyền của
vi khuẩn này cho đến khi các bác sĩ tiêm thuốc ngừa được thử nghiệm
vào cánh tay người. Fauci nói: “Đây
là một kỷ lục thế giới rất ngoạn mục.”
Nhưng
đây cũng là bước nhanh nhất trong số nhiều bước chậm sau đó. Việc thử nghiệm trên người đầu tiên sẽ
cho các khoa học gia biết thuốc ngừa ấy có an toàn chăng, và có thật
sự tác dụng vào hệ miễn nhiễm không.
Khi ấy các khoa học gia lại cần phải thử nghiệm xem nó có
thật sự giúp ngừa nhiễm bệnh SARS-CoV-2
không. Họ sẽ cần phải thử nghiệm
trên thú vật và thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn để chắc chắn
rằng thuốc ngừa không gây biến chứng nghiêm trọng. Họ còn phải tìm hiểu xem liều thuốc
cần là bao nhiêu, con người cần tiêm bao nhiêu lần, xem thuốc ngừa ấy
có tác dụng cho người già hay chăng, cũng như xem nó có đòi hỏi phải
dùng thêm các hóa chất nào khác để tăng cường hiệu quả không.
Seth
Berkley thuộc tổ chức GAVI nói: “Cho dù thuốc ngừa có
tác dụng, người ta cũng không dễ gì sản xuất nó ở quy mô thật
lớn.” Lý do là Moderna đã dùng một
cách tiếp cận mới đối với việc chủng ngừa. Những thuốc ngừa hiện có kích hoạt
bằng cách cung cấp cho cơ thể những con vi khuẩn chết hoặc đã bị làm
vụn ra, cho phép hệ miễn nhiễm chuẩn bị phòng thủ trước. Ngược lại, thuốc ngừa của Moderna gồm
một mảnh nhỏ trích từ RNA [Ribonucleic acid (RNA), a polymeric
molecule essential in various biological roles in coding, decoding, regulation
and expression of genes. Wiki] của SARS-CoV-2. Nghĩa là cơ thể có thể dùng mảnh nhỏ
này để tạo nên những mảnh vụn của con vi khuẩn cho chính cơ thể, từ
đó hình thành cơ sở giúp cho hệ miễn nhiễm phòng bị. Phương cách này đã làm được nơi thú
vật, nhưng với con người thì chưa được chứng minh. Mặt khác, các khoa học gia Pháp đang cố
gắng thay đổi thuốc ngừa bệnh sởi hiện có bằng cách dùng các mảnh
vụn của vi khuẩn corona mới. Berkley
nói: “Điểm thuận lợi của phương pháp này là nếu ngày mai chúng ta
cần đến hàng trăm liều thuốc ngừa, rất nhiều nhà máy trên thế giới
đã biết cách sản xuất ra thứ thuốc ngừa như thế.” Phương cách chế
tạo nào nhanh hơn đều không thành vấn đề, Berkley cùng các nhà khoa
học khác đều ước lượng sẽ phải mất từ 12 đến 18
tháng mới có thuốc ngừa khả dĩ dùng được, và rồi còn phải
sản xuất, chuyên chở thuốc đến chích cho người.
Như vậy có thể vi khuẩn này sẽ còn dây dưa theo
đời sống người Mỹ thêm ít nhất là một năm hoặc lâu hơn nữa. Nếu biện pháp giãn cách xã hội hiện
áp dụng có hiệu quả, thì cơn đại dịch có thể giảm đi một chút để
mọi việc trở lại nhịp sống gần như bình thường. Các văn phòng có thể đầy người làm
việc và quán bar sẽ nhộn nhịp trở lại.
Trường học có thể mở cửa và bạn bè được gặp nhau. Nhưng khi tình hình trở lại như cũ thì
con vi khuẩn cũng sẽ xuất hiện lại.
Điều này không có nghĩa xã
hội phải tiếp tục đóng cửa mãi đến năm 2022. Nhưng như Stephen Kissler
thuộc đại học Harvard nói, “chúng ta cần chuẩn bị phải trải qua
nhiều đợt giãn cách xã hội nữa.”
Trong những năm sắp đến, nhiều vấn đề, gồm cả
việc các xáo trộn xã hội thường xảy ra như thế nào, kéo dài bao lâu
và vào thời điểm nào, đều tùy thuộc hai đặc tính của vi khuẩn này
mà hiện giờ người ta không biết gì về cả hai đặc tính đó. Đặc tính thứ nhất: mùa nào nó sẽ
hoành hành [đặc
tính mùa của vi khuẩn, nd]. Các vi khuẩn corona thường gây bệnh vào
mùa đông, sau đó nó suy giảm rồi biến mất vào mùa hè. Điều này cũng có thể đúng với SARS-CoV-2, nhưng
những biến thái theo mùa có thể không đủ để làm chậm lại con vi
khuẩn khi có quá nhiều người với hệ miễn
nhiễm còn non yếu để vi khuẩn gây nhiễm bệnh. Maia Majumder làm
việc tại trường Y khoa đại học Harvard và bệnh viện Nhi đồng Boston
nói: “Nhiều nước trên thế giới đang lo âu chờ đợi xem chuyện gì, nếu
có, sẽ xảy ra cho việc lây lan bệnh tại Bắc bán cầu khi mùa hè
đến.”
Đặc tính thứ hai: miễn nhiễm với Covid-19 kéo
dài bao lâu. Khi con người nhiễm
bệnh do các vi khuẩn corona nhẹ hơn gây ra với các triệu chứng giống
như bệnh cảm, người bệnh miễn nhiễm với vi khuẩn ấy trong vòng không đầy một năm. Ngược lại, số ít người bệnh do vi
khuẩn SARS gốc
gây ra, một bệnh trầm trọng hơn, đã có thể miễn nhiễm với vi khuẩn
ấy lâu hơn nhiều. Giả như vi khuẩn SARS-CoV-2 nằm
giữa hai nhóm này [nhóm
vi khuẩn corona nhẹ thông thường và nhóm SARS gốc, nd],
những người đã phục hồi sau khi nhiễm Covid-19 có
thể miễn nhiễm trong vòng một hai năm.
Để khẳng định điều này, các khoa học gia sẽ cần phải tạo ra
những thử nghiệm chính xác dùng huyết thanh để xem có kháng thể
trong máu hay không, ngõ hầu chứng tỏ có miễn nhiễm. Họ cũng sẽ cần phải khẳng định rằng
những kháng thể ấy thực sự có ngăn chặn con người không nhiễm hoặc gây
lây bệnh Covid-19. Nếu được vậy, người dân mới có thể
trở lại làm việc, chăm sóc cho người già yếu, và là chỗ dựa chắc
chắn cho nền kinh tế qua những đợt phải giãn cách xã hội.
Các khoa học gia có thể dùng khoảng thời gian
giữa các đợt giãn cách xã hội này để chế ra thuốc kháng khuẩn
–mặc dù những thuốc đó không phải là thần dược, và chúng có thể
có phản ứng phụ cùng nguy cơ vi khuẩn sẽ lờn thuốc [thuốc
hết tác dụng, nd].
Các bệnh viện có thể có thì giờ để xoay sở để có đủ trang
bị y tế cần thiết. Các bộ thử nghiệm có
thể được phân phối rộng rãi để ứng phó thật nhanh chóng khi vi khuẩn
quay trở lại. Không có lý do gì
nước Mỹ lại để SARS-CoV-2 tấn
công bất thình lình một lần nữa, và do đó cũng không có lý do gì
mà các biện pháp giãn cách xã hội cần được áp dụng rộng rãi và
mạnh tay như phải làm hiện nay. Như
Aaron E. Carroll và Ashish Jha vừa rồi đã viết: “Chúng ta có thể cho
phép các trường học và doanh nghiệp mở cửa thật nhiều, đóng cửa
thật nhanh khi thấy việc ngăn chặn vi khuẩn thất bại, rồi mở lại lần
nữa một khi biết rõ ai bị nhiễm và cách ly họ. Thay vì chơi thế phòng thủ, chúng ta có
thể chơi thế tấn công.”
Dù bằng cách để lây tràn lan dẫn đến miễn nhiễm
bầy đàn hay qua việc có được thuốc chủng
ngừa từ lâu mong đợi, càng ngày vi khuẩn này rồi sẽ thấy càng
khó gây lây bệnh tràn lan. Nó khó
lòng biến mất hoàn toàn. Thuốc
ngừa có thể cần được làm mới lại cho phù hợp khi vi khuẩn biến
đổi, và con người có thể cần được chủng ngừa đều đặn, như người ta
phải chích ngừa cúm hằng năm hiện nay.
Các mô hình cho thấy con vi khuẩn này có thể còn lẩn khuất
trên thế giới, khoảng vài năm nó lại gây ra một trận dịch. Kissler nói: “Tôi hy vọng và
mong rằng mức độ nghiêm trọng sẽ giảm bớt, và sẽ gây xáo trộn xã
hội ít hơn.” Trong tương lai, COVID-19 có
thể giống như cúm mùa hiện giờ – trở lại càng quét mỗi mùa
đông. Có lẽ cuối cùng nó sẽ trở
nên xoàng xĩn đến độ dù có thuốc ngừa, nhiều tốp thuộc thế hệ C
cũng không buồn chích ngừa, vì vi khuẩn không có mặt nữa, thế hệ ấy
sẽ quên đi chuyện thế giới đã từng bị con vi khuẩn thay hình đổi
dạng dữ dội như thế nào.
3.Dư
Chấn
Cái
giá chúng ta phải trả để đi đến thời điểm đó sẽ khổng lồ, cả khi
với tổn thất ít nhất về nhân mạng.
Như Annie Lowrey một đồng nghiệp của tôi đã viết, kinh tế sẽ
trải qua một cú sốc “bất ngờ và trầm trọng hơn bất cứ ai từng sống
đã kinh qua.” Cứ năm người lại có
khoảng một người Mỹ bị giảm đi giờ làm hoặc bị mất việc. Các khách sạn trống trơn. Các hãng hàng không phải hủy bỏ chuyến
bay. Nhà hàng và các doanh nghiệp
nhỏ đều đóng cửa. Càng ngày càng
nhiều bất công. Những người có
đồng lương thấp sẽ gặp nhiều khó khăn nhất vì các biện pháp giãn
cách xã hội, và vì họ thường là những người bị bệnh kinh niên
khiến họ dễ bị lây nhiễm nặng. Theo
Elena Conis, một nhà sử học về y khoa tại đại học Berkeley, bệnh tật
từng gây bất ổn cho các thành phố và xã hội biết bao nhiêu lần,
“nhưng đã lâu lắm rồi, nó chưa từng xảy ra ở xứ [Mỹ, nd] này, hoặc
xảy ra đến mức như chúng ta thấy hiện giờ. Chúng
ta sống ở thành thị và các thành phố lớn nhiều hơn. Số người phải đi lại nhiều, sống và
làm việc xa gia đình cũng ngày càng tăng lên.”
Sau khi bệnh này bớt lây lan, một trận dịch thứ
hai về bệnh tâm thần sẽ tiếp nối.
Ngay lúc người ta cảm thấy lo sợ và bất an, họ lại bị cắt
đứt liên lạc không được tiếp xúc với ai để an ủi họ. Ôm nhau, bắt tay và những cách giao tiếp
xã hội khác giờ lại bị xem là nguy hiểm. Những người bị bệnh âu lo hoặc bị chứng
ám ảnh rối loạn tâm lý đến mức không kiềm chế được đang khốn
đốn. Người già, vốn đã bị gạt ra
ngoài đời sống công cộng, giờ còn được yêu cầu phải tự cách ly hơn
nữa, điều này càng khiến họ thêm cô đơn.
Người Á đông bị xỉa xói kỳ thị, khi ông tổng thống đổ dầu
vào lửa cứ khăng khăng gán tên cho con vi khuẩn corona mới này là “vi
khuẩn Tàu.” Những trường hợp bạo lực trong gia đình và hành hung con
trẻ có thể gia tăng khi người ta bị buộc phải rút trong nhà, không
được an ổn. Trẻ em, tuy cơ thể ít
bị vi khuẩn này tấn công hơn, vẫn có thể bị chấn thương tâm lý đeo
đẳng mãi theo các em cho đến lớn.
Sau cơn đại dịch, những người hồi phục qua cơn
bệnh Covid-19 có
thể bị xa lánh hoặc nói xấu, như những người sống sót sau cơn dịch
Ebola, SARS và HIV đã bị. Các nhân
viên y tế cũng phải một thời gian mới phục hồi: một hay hai năm sau
khi Toronto bị SARS tấn công, những người phải đối phó với trận dịch
vẫn còn làm việc kém năng suất hơn, và thường hay bị kiệt sức và cảm
thấy căng thẳng vì đã trải qua chấn thương tâm lý. Những người bị cách ly lâu ngày sẽ
phải mang vết sẹo do trải nghiệm ấy gây ra. Steven Taylor
thuộc đại học British Columbia, tác giả quyển Tâm Lý Con Người Sau
Cơn Đại Dịch, nói: “Các đồng nghệp của tôi ở Vũ hán ghi nhận là
một số người bây giờ không chịu ra khỏi nhà và cảm thấy sợ chỗ đông
người.”
Nhưng Richard Danzig làm việc tại Trung
tâm Vì Một Nền An Ninh Mới Cho Nước Mỹ nói: “Cũng có một tiềm năng
là thế giới sẽ tốt đẹp hơn sau khi chúng ta qua được cơn đau này.” Các cộng đồng đang
tìm những phương thức mới để kết hợp lại với nhau, ngay cả khi họ
phải giữ khoảng cách xa nhau. Thái
độ con người đối với sức khoẻ cũng có thể sẽ thay đổi tốt hơn.
HIV và AIDS xuất hiện “đã làm thay đổi hoàn toàn
hành vi tình dục của người trẻ bước vào tuổi dậy thì ngay lúc trận
dịch ấy đang lan tràn mạnh,” theo lời của Conis. “Việc sử dụng bao cao
su đã trở nên bình thường. Thử nghiệm
về các bệnh lây qua đường tình dục đã thành bình thường [hòa nhập
vào dòng chính của xã hội, nd].” Tương
tự, rửa tay 20 giây,
một thói quen mà lịch sử cho thấy rất khó được áp dụng nghiêm túc
ngay cả trong bệnh viện, “ có thể là một trong những hành vi mà
chúng ta trở nên quá quen thuộc trong thời gian dịch bùng phát này,
đến độ chúng ta làm mà không cần suy nghĩ.”
Các cơn đại dịch có thể làm chất xúc tác cho
thay đổi xã hội. Với tốc độ nhanh
chóng một cách đáng kể, con người, doanh nghiệp và các học viện đã
chấp nhận hoặc kêu gọi thực hành theo phương cách mà đã có lần họ
còn lần khần chưa chịu áp dụng, bao gồm làm việc ở nhà, hội thảo
qua điện thoại để thích nghi cho người khuyết tật, cho nghỉ làm việc
khi bị bệnh một cách hợp lý, và thu xếp giờ giấc giữ trẻ linh
động. Adia Benton,
giáo sư nhân chủng học tại đại học Northwestern nói: “ Đây là lần đầu
tiên trong đời tôi nghe có người nói, ‘Ồ, nếu bệnh, bạn hãy ở nhà.’ ” Có lẽ nước Mỹ sẽ học được rằng chuẩn
bị đối phó với đại dịch không phải chỉ có chuyện khẩu trang, thuốc
ngừa và thử nghiệm, mà còn chuyện chính sách lao động công bằng và
một hệ thống y tế vững chắc, bình đẳng.
Có lẽ nước Mỹ sẽ trân quý việc nhân viên y tế và các chuyên
gia y tế công cộng giúp làm nên hệ thống miễn nhiễm xã hội của Mỹ,
và việc hệ thống này đã bị dồn ép.
Sau vụ COVID—19 các khía cạnh của
danh tính Mỹ có thể cần được suy nghĩ lại. Trong trận đại dịch, nhiều giá trị của
nước Mỹ dường như tác động đối nghịch lại chính nó. Cá nhân chủ nghĩa, tính ưu việt của
Mỹ, và khuynh hướng xem việc muốn làm gì thì làm như một hành động
chống đối có nghĩa là vào thời điểm phải cứu mạng người và phải
ở nhà, một số người lại rủ nhau ra quán và hộp đêm. Trải qua nhiều năm sau biến cố 9/11, với
thông điệp chống khủng bố đã ăn sâu trong lòng, người Mỹ nhất định
không sống trong sợ hãi [sống không biết sợ là gì, nd]. Nhưng vi khuẩn SARS-CoV-2 không
hề quan tâm chuyện họ sợ hay không , nó chỉ quan tâm đến tế bào của
họ.
Những năm qua với nhiều lời hoa mỹ nói về sự
tách rời của nước Mỹ [không cần đồng minh hay dính líu
với nước nào khác, nd] cũng đã để lại hậu
quả. Những người Mỹ nào xem Trung
quốc như một nơi khác lạ, xa xôi, ở đó người ta ăn thịt dơi và chấp
nhận độc tài, đều không nghĩ rằng họ sẽ là kẻ kế tiếp đối đầu
với trận dịch và họ chưa sẵn sàng
gì cả. (cách
đối phó của Trung cộng với cuộc khủng khoảng này cũng đã có vấn
đề riêng của họ, nhưng chúng ta sẽ bàn chuyện ấy vào dịp khác). Wendy Parmet, nhà
nghiên cứu luật và y tế công cộng tại đại học Northeastern, nói: “Dân
chúng tin vào cách nói hoa mỹ cho rằng ngăn chặn sẽ hữu hiệu. Chúng
ta không cho họ vào thì chúng ta sẽ không sao. Khi anh có một bộ máy chính trị đồng
tình với ý tưởng cô lập hóa và dân tộc chủ nghĩa, anh hết sức yếu
ớt khi đại dịch tấn công.”
Những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm chống lại các
đại dịch trước đây từ lâu đã lên tiếng cảnh báo rằng xã hội Mỹ bị
mắc kẹt trong vòng hốt hoảng và phó mặc. Sau mỗi cuộc khủng hoảng –dịch bệnh than,
SARS, cúm mùa và Ebola –thì người ta mới chú ý và đầu tư vào. Nhưng sau một thời gian ngắn bình an, ký
ức [về
trận dịch, nd] lại
phôi pha và ngân sách [dành
để chống dịch, nd] giảm đi. Khuynh hướng này xảy ra dưới chính
quyền của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ. Khi trật tự bình thường mới đã đâu vào
đấy rồi, người ta lại khó hình dung ra tình huống bất thường. Nhưng có lý do để chúng ta nghĩ rằng COVID-19 có
thể là một thảm họa dẫn đến một sự thay đổi triệt để và lâu
dài.
Các trận dịch khác trong những thập niên gần đây
hoặc gần như không ảnh hưởng đến Hoa kỳ (như SARS, MERS, Ebola), nhẹ
hơn người ta nghĩ (như
cúm H1N1
năm
2009), hoặc chủ yếu chỉ giới hạn trong một vài nhóm
người (như Zika, HIV). Ngược lại, trận đại dịch COVID-19 này
ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người, làm thay đổi tận gốc đời sống
hàng ngày của họ. Điều này không
chỉ khiến bệnh này khác biệt hẳn những bệnh khác, mà còn làm nó
khác với mọi thách thức khác mang tính hệ thống trong thời đại của
chúng ta. Khi chính phủ nói vòng vo
về biến đổi khí hậu, người ta không cảm thấy ảnh hưởng của nó trong
nhiều năm, và ngay cả khi cảm thấy rồi, cũng vẫn khó lòng mổ xẻ
phân tích ảnh hưởng ấy. Khi một
tổng thống nói mọi người có thể được thử nghiệm, và một ngày sau,
mọi người không được thử gì cả, lại là chuyện khác hẳn. Đại dịch là kinh nghiệm mọi người đều
nếm trải như nhau. Những người có
đặc quyền và thế lực thường được bảo vệ không bị cơn khủng hoảng tác
động nay lại trực diện với chuyện bị cách ly, bị thử nghiệm dương
tính, và có người thân yêu qua đời vì dịch bệnh. Thượng nghị sĩ cũng mắc bệnh này. Hậu quả của việc giảm tài trợ cho các
cơ quan y tế công cộng, mất đi chuyên gia, và bắt các bệnh viện phải
làm việc quá tải không còn hiện ra qua các ý kiến giận dữ lẻ tẻ
nữa, mà là những lá phổi đang thoi thóp.
Sau biến cố 9/11, cả thế giới tập
trung vào chống khủng bố. Sau COVID-19,
người ta có thể đổi sang tập trung chú ý vào y tế công cộng. Thế nào cũng có một sự tăng vọt về
tiền tài trợ cho ngành vi khuẩn học, số sinh viên nộp đơn xin học các
chương trình y tế công cộng sẽ gia tăng, và sản xuất các trang bị y
tế trong nước cũng sẽ nhiều hơn trước.
Thế nào đại dịch cũng sẽ được đặt lên hàng đầu trong chương
trình nghị sự của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tên tuổi Anthony Fauci ai ai
cũng biết. Monica Schoch-Spana, một
nhà nhân chủng học y khoa làm việc tại Trung tâm An Ninh Y Tế Johns
Hopkins nói: “Người thông thường nghĩ ra một cách dễ dàng công việc
của các nữ cảnh sát hay lính cứu hỏa rốt rồi họ cũng sẽ hiểu công
việc của nhà dịch tể học.”
Chính những thay đổi như thế có thể bảo vệ thế
giới khỏi mắc chứng bệnh không tránh được sẽ xảy ra tiếp theo trận
này. Ron Klain,
người đứng đầu chống dịch Ebola trước đây, nói: “Ở các nước từng
trải qua trận dịch SARS, công chúng đều có ý thức rõ về điều này,
và nó đã giúp họ bắt tay ngay vào hành động. Hiện giờ câu người ta thường nghe người
Mỹ nói là ‘Hồi nào đến giờ tôi chưa bao giờ thấy chuyện như vầy.’
Không ai ở Hồng kông nói câu đó hết.”
Đối với Hoa kỳ, và đối với cả thế giới, điều mà một cơn đại
dịch có thể gây ra đã sờ sờ, quá nhiều và quá choáng ngợp rồi.
Những bài học nước Mỹ rút ra được từ kinh nghiệm
này thật khó lòng đoán được, nhất là vào thời điểm khi những phương
cách bày vẽ trên mạng và xướng ngôn viên của các đảng phái chỉ phục
vụ những tin tức nào phù hợp với định kiến của khán giả thuộc
riêng nhóm họ. Theo Ilan Goldenberg,
chuyên gia về chính sách ngoại giao tại Trung tâm Vì An Ninh cho Một Nước
Mỹ Mới, thì những động lực như vậy sẽ là then chốt trong những
tháng sắp đến. Anh ta nói: “Những
bước chuyển tiếp sau Thế chiến thứ
hai hoặc sau biến cố 9/11 không
phải chỉ là một số các ý tưởng mới.
Các ý tưởng mới hiện nay đã có rồi, nhưng tranh luận sẽ sắc
bén hơn trong vài tháng sắp đến do diễn biến nhanh ở thời điểm này
và do công chúng Mỹ muốn đón nhận những thay đổi to lớn.”
Người ta dễ dàng hình dung ra một thế giới trong
đó đại đa số dân Mỹ đều tin rằng Hoa kỳ đã thắng COVID-19. Mặc dù mắc nhiều sai lầm, mức độ dân
chúng ủng hộ Trump vẫn tăng. Hãy
tưởng tượng xem, ông ta thành công khi quay ra đổ lỗi cho Trung quốc,
gán cho xứ ấy vai trò một tên côn đồ và nước Mỹ vai người hùng kiên
cường. Trong nhiệm kỳ tổng thống
lần thứ hai của Trump, nước Mỹ sẽ còn hướng nội hơn nữa, và sẽ rút
ra khỏi NATO cùng các đồng minh quốc tế khác, xây các bức tường thực
sự và theo nghĩa bóng, và sẽ không còn đầu tư vào những nước
khác. Khi thế hế C lớn lên, các
dịch bệnh từ nước khác đến sẽ là mối đe dọa mới đối với các thế
hệ, thay thế cộng sản và khủng bố.
Người ta cũng có thể tiên đoán một tương lai trong
đó nước Mỹ học một bài học khác.
Một tinh thần cộng đồng, mỉa mai thay tinh thần này lại nảy
sinh ra từ việc giãn cách xã hội, khiến
người ta hướng ra ngoài, hướng đến hàng xóm láng giềng dù là người từ
xứ khác đến hay người dân trong nước.
Cuộc bầu cử tháng Mười Một năm 2020 trở thành một sự
phản kháng lại nền chính trị chủ trương “Mỹ trước hết.” Cả quốc gia xoay trục, như đã xảy ra sau
Thế chiến thứ hai, từ cô lập hóa đi đến chỗ hợp tác quốc tế. Ngoi lên nhờ đầu tư đều đặn và nhờ
những đầu óc thông minh nhất đổ xô đến, lực lượng lao động y tế tăng
cao. Những trẻ em thế hệ C viết
các bài nghị luận cho nhà trường nói về việc khi lớn lên các em sẽ
là nhà dịch tể học. Y tế cộng
đồng trở thành trung tâm của chính sách đối ngoại. Hoa kỳ sẽ lãnh đạo một sự hợp tác
toàn cầu mới, tập trung vào việc giải quyết các thách thức như đại
dịch và biến đổi khí hậu.
Vào năm 2030, SARS-CoV-3 không
biết từ đâu lại hiện ra, và chỉ trong vòng một tháng, đã phải đầu
hàng.
Chú thích của
người dịch:
Bài báo này chỉ thể hiện quan điểm của người
viết. Bản tiếng Anh của bài đăng
ngày 25
tháng
3 vừa
qua: https://www.theatlantic.com/health/archive/2020/03/how-will-coronavirus-end/608719/?utm_source=pocket-newtab
Người dịch chỉ chịu trách nhiệm về mặt ngôn ngữ
dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
*Edmund Soon-Weng Yong (sinh năm 1981),
thường được biết qua tên Ed Yong, là một nhà báo người Anh chuyên viết về khoa
học. Trang blog của anh tựa là Không
Thực Sự Quá Khó Đâu được xem như
một phần của mạng thông tin bằng blog thuộc National Geographic
Phenomena. Trước đây các bài viết
của anh từng được đăng trong các tạp chí Nature, Scientific
American, the BBC, Slate, The Guardian, The Times, New Scientist, Wired, The
New York Times, và The New Yorker. Từ năm 2015 anh trở thành biên tập viên chính thức của tờ The Atlantic. Yong nhận bằng cử nhân và thạc sĩ về khoa học tự
nhiên ngành Động vật học (Zoology) tại
đại học Cambridge năm 2002. Sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục học lên tại University
College London (UCL) và
nhận bằng Master
of Philosophy (MPhil, bằng này ở Anh tương đương postgraduate degree bên
Mỹ, chuyên dạy và nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của một vị giáo sư
có kinh nghiệm chuyên môn lâu năm, nd) năm
2005 ngành sinh hóa chuyên về phân
giải và tái kết hợp nhân tế bào.
** Người
dịch [nd] chú
thích.
***Bill
Gates “The next outbreak? We're not
ready” TED 2015. 28,942,535 lượt người xem (tính đến April 9,2020).
**** “Curve” là đường cong
của mô hình lý thuyết cho thấy sự lan tràn của dịch bệnh. “Flattening the curve” nói về những biện
pháp cô lập cộng đồng nhằm giữ đường cong dãn thấp ra, không nhô cao,
tức là giữ con số người nhiễm bệnh nằm ở mức độ giới y tế có thể
quản lý được.