Ngày nay, những khi tìm lại giọng ca huyền ảo
của Thái Thanh trong tiện nghi, ấm cúng, ít ai còn nhớ đến định mệnh gian truân
của một tiếng hát, những bước gập ghềnh khúc khuỷu, chênh vênh, trôi nổi, theo
vận nước lênh đênh. Tiếng nhạc Phạm Duy gắn bó với tiếng hát Thái Thanh thành
tiếng của định mệnh, chứng nhân của nửa thế kỷ tang thương, chia lìa trên đất
nước. Tiếng Thái Thanh là tiếng nước tôi, là tiếng nước ta, là tiếng
chúng ta, là tiếng tình yêu, là tiếng hy vọng, là tiếng chia ly, oan khổ...
Tiếng hát Thái Thanh vang vọng những đớn đau riêng của phận đàn bà, mà người
xưa đã nhiều lần nhắc đến bằng những công thức: hồng nhan đa truân, tài mệnh
tương đố, tạo vật đố hồng nhan. Giọng hát Thái Thanh dịu dàng đằm thắm nhưng
vẫn có chất gì đắm đuối và khốc liệt. Thái Thanh tình tự những khát vọng và
những đau thương của hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, những thế hệ đàn bà bị
dập vùi trong cuộc chiến kéo dài hằng nửa thế kỷ, kèm theo những giằng co tranh
chấp, những băng hoại của một xã hội bất an. Nạn nhân âm thầm, vô danh là những
người tình, những người vợ, những người mẹ đã có dịp nức nở với tiếng hát Thái
Thanh: từ o nghèo thở dài một đêm thanh vắng đến nàng gánh lúa cho
anh đi diệt thù, đến lúc anh trở về bại tướng cụt chân, đến nhiều,
rất nhiều bà mẹ Việt Nam, từ Cai Kinh ngang tàng đến Gio Linh Ðồng Tháp
suốt đời cuốc đất trồng khoai... Tiếng hát Thái Thanh là tiếng vọng
khuya khoắt của những cơn bão lịch sử.
Và Thái Thanh đã sống lăn lóc giữa cơn lốc đó. Từ tuổi mười lăm, mười bảy, cô
Băng Thanh -tên thật Thái Thanh- đã mang ba-lô theo kháng chiến chống Pháp: Hà
Nội, khu III, khu IV, chợ Sim, chợ Ðại, chợ Neo, Trung Ðoàn 9. Về thành, cô đã
góp công, tích cực và hiệu lực vào việc củng cố, phát triển nền tân nhạc phôi
thai với ban hợp ca Thăng Long, sau đó là kiếp ca nhi phòng trà những nơi gọi
là "Sài Thành hoa lệ", những đêm màu hồng, chiều màu tím.
Trong mười năm sa mạc, Bầu trời xanh không hát, chim gìn giữ tiếng,
tiếng chim Thanh như lời Phạm Duy trong một tổ khúc. Sang Hoa Kỳ, Thái
Thanh hát lại, vẫn đắm say, vừa kiêu sa vừa gần gũi, đam mê và điêu luyện.
*
Thái Thanh tạo cho mỗi tác phẩm một sinh mệnh mới: Bài hát được "Thái
Thanh hóa", như đã đạt được "đỉnh cao" của cuộc đời, từ đó khó
tìm thấy ai đưa nó vượt lên cao hơn nữa. Bởi Thái Thanh, ngoài giọng hát điêu
luyện phong phú mở rộng trên nhiều cung bậc, còn có nghệ thuật làm nổi bật lời
ca trong nhạc khúc và tạo ra một khí hậu, một tâm cảnh chung quanh bài hát.
Nghe Thái Thanh hát là thưởng thức một khúc nhạc, một bài thơ, trong một thế
giới nghệ thuật trọn vẹn. Giọng hát xoắn sâu, xoáy mạnh vào tâm tư người nghe,
khi lâng lâng, khi tẻ buốt, sai khiến tâm tư vươn lên, hay lắng xuống. Giọng
hát Thái Thanh tha thướt và tha thiết buộc người nghe phải sống cao hơn, sâu
hơn, sống nhiều hơn. Tiếng hát Thái Thanh có lúc gợi cảm, khơi tình, hổn hển
như lời của nước mây như lời thơ Hàn Mặc Tử.
Khi tiếng hát cất lên, dường như mọi hữu thể làm bằng sỏi đá, sắt thép, thân
xác và nước mắt phút chốc tan biến, trở nên vô hình, vô thể, hóa thân trong
tiếng hát, khi trầm mặc, khi vút cao; Thái Thanh, phù thủy của âm thanh là một
thứ Ðào Nương trong truyền thuyết có ma lực hú về những âm tình u khuất.
.....
Chúng
ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca,
nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Ðạt tới tuyệt đỉnh
trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả bốn vùng nghệ thuật: nghệ thuật
truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng
Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ: Thái Thanh
chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ.
Giữa những phôi pha của cuộc đời, tàn phai của năm tháng, giọng hát Thái Thanh
vang vọng trong bầu trời thơ diễm tuyệt, ở đó đau thương và hạnh phúc quyện lẫn
với nhau, người ta cho nhau cả bốn trùng dương và mặc tàn phai, mặc
tháng năm, tiếng hát vẫn bay bổng ở chốn trần gian hoặc ở vô hình.
Paris,
tháng 11-1990
Thụy Khuê
Thụy Khuê