Saturday, November 2, 2019

Giải mã di sản của Hồ Chí Minh và vận dụng cho hôm nay



 Giải mã di sản của Hồ Chí Minh và vận dụng cho hôm nay
 16 tháng 10 2019
Ngày 6.6.1931 cảnh sát Hồng Kông khám nhà 186 Tam Lung, bắt một người tên Tống Văn Sơ, hộ chiếu mang quốc tịch Trung Hoa, quê Quảng Đông. Tống Văn Sơ chính là Nguyễn Ái Quốc, cũng chính là Hồ Chí Minh.
Vì Tống Văn Sơ mang quốc tịch Trung Hoa nên chính phủ Anh đã thẳng thừng từ chối, không nộp tù nhân Tống Văn Sơ theo yêu cầu của nhà cầm quyền Pháp, lúc này đã có án tử hình vắng mặt tại Việt Nam.
Với sự giúp đỡ của luật sư Loseby, Nguyễn Ái Quốc được Tòa Cơ mật Luân đôn tuyên vô tội, sau đó rời Hồng Kông trên chiếc thùy phi cơ của Thống đốc Hồng Kông W. Pen, lên tàu Anhui đi Hạ Môn.
Để cắt đuôi mật thám, Loseby tung tin Nguyễn Ái Quốc, bị bệnh lao nặng đã chết trong một nhà thương Hồng Kông.Trong khi đó từ Hạ Môn Nguyễn Ái Quốc đi Thượng Hải, rồi từ Thượng Hải lên một tàu buôn Liên Xô đi Vladivostok. Từ cảng Vladivostok Nguyễn Ái Quốc an toàn trở lại Mátxcơva vào mùa xuân 1934.
Năm 1935, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản với tư cách biên dịch.
Cả Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự đại hội QTCS lần VII. Những học trò của Nguyễn Ái Quốc đều rất vui khi được gặp lại người Thầy từng dìu dắt mình trên con đường cách mạng. Sau đại hội, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai về nước, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục dự khóa nghiên cứu sinh thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề Dân tộc và thuộc địa của Quốc tế Cộng sản.
Cuối năm 1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về nước qua con đường Trung Quốc, xuất hiện ở căn cứ Diên An với tên mới Thiếu tá Bát lộ quân Hồ Quang. Ngày 28.1.1941, Nguyễn Ái Quốc đặt chân lên mảnh đất Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Như vậy Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) từ ngày rời Việt Nam (5.6.1911) cho tới khi trở về nước (28.1.1941) dù trải qua bao gian nan, hiểm nguy, bị tù đày, bị kết án tử hình vắng mặt, không hề chết, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho tới khi tạ thế vào 1969.
Nhưng hiểu được con người có tầm vóc lớn lao như Hồ Chí Minh thật không đơn giản.
Hồ Chí Minh là người khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyền con người được thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776).
Sau ngày Việt Nam độc lập 1945, Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện quan điểm "Chủ nghĩa Cộng sản là phương tiện để đạt được mục tiêu giải phóng dân tộc" như từng khẳng định trước đó với viên sĩ quan tình báo Mỹ Charles Fenn (sách W.J. Dunker: Hồ Chí Minh - Một cuộc đời).
Đặt nền độc lập dân tộc lên trên quyền lợi của Đảng, Hồ Chí Minh chỉ đạo Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán (11.11.1945) để tránh độc quyền, chia rẽ dân tộc. Sau quyết định này các thành viên Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn tiếp tục làm hạt nhân trong Mặt trận Việt Minh, thực hiện đường lối dân tộc dân chủ, mở ra trang sử mới của thời đại dân chủ.
Cuộc tổng tuyển cử tự do đã được tổ chức ngày 6.1.1946, bầu ra Quốc hội đa đảng đầu tiên trong lịch sử đất nước. Quốc hội này lập Chính phủ đoàn kết dân tộc với thành phần rộng rãi gồm nhiều đảng phái, nhân sĩ yêu nước, có cả cựu hoàng Bảo Đại, và thông qua Hiến pháp 1946 - một thiết chế của nước Việt Nam dân chủ cùng với Tuyên ngôn độc lập.
Việc Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán mở đường cho sự ra đời một chính đảng mới phù hợp với đòi hỏi của đất nước. Trả lời phỏng vấn trên báo Cứu Quốc ngày 21.1.1946, Hồ Chí Minh tuyên bố về sự cần thiết thành lập Đảng Dân tộc Việt Nam - theo Chủ nghĩa dân tộc dân chủ, quyết bảo vệ độc lập, chống tham nhũng.
Mẫn tuệ chính trị vì dân chủ
Với sự mẫn tuệ về chính trị, Hồ Chí Minh đã tạo dựng buổi bình minh huy hoàng của nước Việt Nam dân chủ. Nền tảng để tạo dựng buổi bình minh huy hoàng ấy là tư tưởng dân chủ của các nhà lập quốc Hoa Kỳ (Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ được Thomas Jefferson chấp bút, khái niệm Nhà nước của dân, do dân, vì dân cùa Abraham Lincoln, khái niệm Nhà nước là công bộc của dân của George Washington).
Thoạt nhìn Hồ Chí Minh có vẻ thiếu nhất quán trong những bước đi chính trị. Từ một người cộng sản, sau ngày đất nước độc lập 1945 lại theo Chủ nghĩa dân tộc dân chủ.
Song với một nhà cách mạng đầy bản lĩnh như Hồ Chí Minh, những bước đi chính trị cần được soi xét thấu đáo.
Trong một sự kiện quan trọng, Hồ Chí Minh đã cung cấp cho mọi người chìa khóa để hiểu về minh.
Ấy là ngày 31.5.1946, khi chia tay Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, lên đường làm thượng khách nước Pháp, chèo lái con thuyền độc lập nước nhà trong cơn sóng to gió lớn, Hồ Chí Minh đã ký thác cho người thay mình điều hành việc nước triết lý: Dĩ bất biến ứng vạn biến (nguyên của Ngô Khởi, học giả thời Chiến quốc, được Hồ Chí Minh vận dụng suốt cuộc đời hoạt động cách mạng)
Năm 1920 tại đại hội Tua khi được thư ký đại hội hỏi lý do tán thành Quốc tế Cộng sản III, Nguyễn Ái Quốc trả lời: "Vì Quốc tế Cộng sản III ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng ách nô lệ cho đồng bào tôi, cho Tổ quốc tôi".
Năm 1945, sau khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện, làng xã, Chủ tịch Hồ Chí Minh minh định: "Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập đó cũng không có nghĩa lý gì" (báo Cứu Quốc 17.10.1945)
Độc lập cho Tổ quốc và Hạnh phúc cho nhân dân là hai mục tiêu bất biến trong Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. Tất cả những gì ngoài hai mục tiêu trên đều nằm trong khái niệm vạn biến, có thể thay đổi theo từng thời kỳ cách mạng.
Để thực hiện hai mục tiêu tối thượng đó, cần có lực lượng (được coi như phương tiện) Vào đầu thế kỷ hai mươi, và nhiều năm sau, lực lượng ủng hộ mục tiêu giành độc lập, ngoài nhân dân Việt Nam bị áp bức, còn có Quốc tế Cộng sản III theo đường lối Lê nin.
Trong bối cảnh đó, để giành độc lập cho Tổ quốc, Hồ Chí Minh gia nhập Quốc tế Cộng sản III là điều đương nhiên.
Đảng Cộng sản Việt Nam được hình thành trong bối cảnh lịch sử này. Đại chiến thế giới II bùng nổ với sự gây hấn của Chủ nghĩa phát xít đã làm thế giới thay đổi sâu sắc. Cả thế giới trở thành nạn nhân của Chủ nghĩa phát xit bất kể là cộng sản hay tư bản. Để chống lại họa phát xít… Anh, Pháp, Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc… lần lượt tham chiến và đứng vào phe Đống Minh.
Hồ Chí Minh sau khi về nước (28.1.1941) đã nhanh chóng chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh (19.5.1941), đứng về phe Đồng Minh chống phát xít Nhật.
Đích thân Hồ Chí Minh đi Côn Minh gặp tướng Chenault, chỉ huy lực lượng không quân Mỹ bàn việc hợp tác kháng Nhật.
Để giành độc lập cho Tổ quốc, Hồ Chí Minh không ngừng mở rộng lực lượng, từ Quốc tế Cộng sản, tới phe Đồng Minh gồm cả các quốc gia cộng sản lẫn tư bản.
Ngoài hai nội dung chính yếu mục tiêu và lực lượng, Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh còn có những nội dung quan trọng khác.
Đó là nhạy bén tận dụng thời cơ, đó là tư cách, đạo đức của người yêu nước, đó là việc xây dựng tổ chức Đảng, qui tụ lực lượng ưu tú của dân tộc.
Đầu thế kỷ 20, Đảng tiên phong của lực lượng đó là Đảng Cộng sản. Sau khi đất nước độc lập 1945, cần qui tụ sức mạnh cả dân tộc để bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng phải là Đảng Dân tộc Việt Nam - Đảng của quốc dân Việt Nam.
Nếu lấy Chủ nghĩa yêu nước vận hành theo triết lý Dĩ bất biến ứng vạn biến của Hồ Chí Minh soi xét hiện tình đất nước, ta sẽ nhận được những giải đáp xác đáng.
Với khái niệm Dĩ Bất biến (Mục tiêu cách mạng không đổi): Đó là Độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.
Với khái niệm Ứng vạn biến: Đó là Lực lượng - đã thay đổi căn bản. Liên Xô Cộng sản sụp đổ, Nga chủ yếu thành đối tác bán vũ khí. Trung Quốc trở thành kẻ xâm lược hòng thôn tính Việt Nam. Mỹ và đồng minh chống Trung Cộng bành trướng, bảo vệ tự do hàng hải, ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam. Sức mạnh cả Dân tộc là lực lượng vĩ đại nhất.
Đó là Nắm bắt thời cơ - Năm 1945 - 1946, ngay sau khi Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã gửi 8 thư và điện cho Tổng Thống Hary Truman đề nghị hợp tác toàn diện với Mỹ, nhưng không được đáp lại vì Mỹ đã cam kết ủng hộ Pháp trở lại Đông Dương. Hiện nay Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, mời Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ bàn việc nâng cấp quan hệ hai nước. Đây là thời cơ mới để thực hiện đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh, bảo vệ Độc lập, phát triển đất nước.
Đó là Đạo đức của người yêu nước - Đặt mục tiêu Độc lập cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân lên hàng đầu. Người yêu nước "không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì". Sống giản dị, khiêm cung, tôn trọng lẽ phải.
Đó là Vấn đề Đảng - Hiện nay lực lượng của cả Dân tộc là sức mạnh vĩ đại bảo vệ độc lập, phát triển đất nước, do đó phải là Đảng của cả Dân tộc. (Đó là Đảng Dân tộc Việt Nam - kiên quyết bảo vệ độc lập, thật sự chống tham nhũng, đủ bản lĩnh đưa những thiết chế dân chủ: Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp dân chủ 1946… vào đời sống đất nước).
Hồ Chí Minh là nhà chính trị, đồng thời cũng là một con người, chắc chắn sẽ mang thuộc tính của một nhà chính trị (mưu lược, thủ đoạn) cũng như thuộc tính của con người (sống, bảo tồn nòi giống).
Khi nhìn nhận về Hồ Chí Minh, cần soi xét mối liên hệ từ những sự việc cụ thể với cái cốt lõi, bản chất trong tương quan giữa phương tiện và mục đích.
Với trái tim yêu nước và thương yêu con người nồng nàn, Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của khát vọng tự do, dân chủ, khích lệ cả một dân tộc đồng lòng vượt qua mọi gian khó, hy sinh để giành độc lập, mở ra thời đại mới sáng lạn - đó là thời đại độc lập, dân chủ. Di chúc cho muôn đời sau, Hồ Chí Minh mong mỏi cả dân tộc đồng lòng phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh vận hành theo triết lý Dĩ bất biến, ứng vạn biến là Di sản vô giá mà Hồ Chí Minh hiến dâng cho dân tộc Việt Nam và nhân loại.
Bài viết bày tỏ quan điểm riêng của tác giả, một cây bút sống ở TPHCM.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50060752