2/ Save energy for the life-long career journey, because it is very long indeed,
3/ Keep in mind "the big picture," even when you are focusing on a very small piece of work/project,
4/ Work smarter, not harder, and
5/ Treat others kindly and decently.
Source:
Kỉ
niệm 35 năm xa quê
Oh, nhìn tờ lịch trên máy tính mới biết hôm
nay là 26/1! Đây là ngày Quốc khánh của Úc. Nhưng đây cũng là ngày kỉ niệm với
tôi, vì ngày này 35 năm trước tôi đến đây định cư, và bắt đầu cuộc đời của một
"boat people". Bây giờ nhìn lại quãng đường đời đã đi qua, tôi mới
thấy cuộc đời đó không đơn giản chút nào, và có nhiều bài học được rút ra.
Đối với một "boat people", sống sót
đã là một may mắn kì diệu. Phải nói là nếu tình hình thời đó như ngày nay thì
chắc chẳng ai liều mình rời quê bằng con đường đầy mạo hiểm. Nhưng tình hình
kinh tế, chính trị và xã hội thời đó quá ư phức tạp và khắc nghiệt (mà nói ra
thì thế hệ ngày nay khó mà hiểu được), nên người Sài Gòn có câu "nếu cái
cột đèn biết đi, thì nó cũng tìm đường vượt biên". Mà, vượt biên hay vượt
biển thời đó thì cơ may sống còn thấp hơn cả nguy cơ chết. Biết là chết mà vẫn
cứ đi. Đó là tâm lí mà tôi không hiểu nổi (chính mình). Đó là lí do tại sao
Liên hiệp quốc có con số thống kê: hàng trăm ngàn người Việt (200,000 hay
500,000?) bỏ mạng trên Biển Đông. Không ai biết chính xác con số đó là bao
nhiêu, nhưng chắc chắn đó là một (hay một trong những) thảm trạng lớn nhất
trong lịch sử hơn 2000 năm của Việt Nam. Biết bao nhiêu bạn của tôi đã mất tích
trên biển, và họ là một trong những con số đó của LHQ. Ấy vậy mà tôi và bà con
sống sót sau 3 ngày lênh đênh trên biển trong cái ghe được đóng để đi sông!
Phải nói là một phép lạ, một hồng ân của ông bà để lại.
Đời là bể khổ: Sống đã là may mắn, nhưng tồn
tại trong xã hội xa lạ còn là một thách thức lớn. Thật là như vậy, vì những
người như tôi được "quăng" từ một nước nghèo đói và chiến tranh triền
miên sang một nước văn minh và giàu có, thì không bỡ ngỡ mới là chuyện lạ. Cái
gì cũng mới, cái gì cũng lạ, cái gì cũng lớn và hoành tráng hơn bên nhà. Bằng
cấp thì chẳng ai công nhận. Ngôn ngữ thì nghe tiếng được, tiếng mất. Người địa
phương thì nhìn mình với ánh mắt nghi ngại, thậm chí kì thị. Nhà cửa không có.
Tiền cũng chẳng có một xu dính túi. Xe cũng không. Có người thậm chí còn chẳng
có cái áo sơ mi đàng hoàng. Chúng tôi nói đùa là những kẻ "vô sản chính
hiệu". Ấy vậy mà chỉ vài năm sau là những "boat people" đã bắt
đầu làm lại cuộc đời, ổn định cuộc sống, đã ở mức độ nào đó làm cho người địa
phương nể phục.
Trớ trêu một điều là họ nể phục theo cả hai
nghĩa tốt và xấu. Tốt là nhờ học hành và chăm chỉ làm việc. Việc gì cũng làm,
và làm tốt. Các trung tâm thương mại người Việt bắt đầu hình thành. Học trò
Việt Nam giành được sự kính nể của dân địa phương. Họ kinh ngạc vì năm nào học
sinh Việt Nam đều đứng đầu bảng tốt nghiệp trung học. Nhưng họ còn nể cả cái
tính du côn của các băng đảng người Việt. Thời đó, các băng đảng người Việt chỉ
là tự phát, thoạt đầu là để bảo vệ nhau chống lại bọn kì thị, nhưng sau này thì
thành nhóm có tổ chức và làm cho chính quyền địa phương có khi phải đau đầu.
Tôi có một anh bạn là nhà báo danh tiếng của tờ Sydney Morning Herald, anh ấy
hay nói với tôi (đại khái) là "Tôi thấy cộng đồng người Việt ở đây thật
thú vị; họ là những 'great survivors', họ xuất sắc trong cả học hành và làm ăn,
nhưng một số cũng xuất sắc trong ... du côn."
Tôi thì chẳng có gì xuất sắc để nói nên chỉ
biết mỉm cười trước nhận xét đó. Hơn 30 năm qua, tôi đã làm đủ thứ việc để tồn
tại. Từ làm phụ bếp (kitchen hand), phụ tá (lab assistant) trong phòng thí
nghiệm, đến làm viên chức nghiên cứu (research officer) cho Bộ Y tế bang NSW,
đến làm postdoc cho thiên hạ. Tôi lang thang từ Sydney, sang Basle (Thuỵ Sĩ),
đến London, sang tận Mĩ, và cuối cùng thì quay về Sydney. Nếu một ngày nào đó
tôi quay về Việt Nam thì đúng là một vòng tròn cuộc đời, hay "một cõi đi
về" (nói theo Trịnh Công Sơn).
Ba mươi lăm năm là một quãng thời gian khá
dài, gần đủ để mình chiêm nghiệm ý nghĩa của cuộc sống. Thật ra, tôi chẳng thấy
ý nghĩa cuộc sống gì cả, vì tôi nghĩ mỗi chúng ta có một lịch sử, và chúng ta
đóng góp cái lịch sử đó, câu chuyện đó cho đời. Riêng cá nhân tôi thì nghĩ đi
nghĩ lại, tôi tiêu ra rất nhiều thì giờ để giải quyết vấn đề cho đời. Có thể
nói là mỗi ngày, tôi đều làm cái việc mà tiếng Anh gọi là "problem
solving" đó. Nhìn như thế, tức là nhìn theo cái nhìn của tôi, thì cuộc
sống là những vấn đề, và chúng ta chỉ là những người giải quyết vấn đề.
Kế đến là chuyện sức khoẻ, vì tôi mới trải qua
một cơn bệnh nguy hiểm. Trong suốt 60 năm trời tôi không hề mắc bệnh gì, và
thấy mình rất "strong". Tôi có thể giảng suốt 2 tuần liền, mỗi ngày
4-5 tiếng, mà không hề hấn gì (các bạn ở VN biết tôi như thế). Ấy vậy mà đùng
một cái, căn bệnh nó "giáng" cho tôi một cú đáng nhớ, và nó đến hoàn
toàn ngẫu nhiên! Bệnh nó đến và đem theo nhiều hệ luỵ mà tôi chưa bao giờ trải
qua. Từ cái mất sự độc lập trong cuộc sống (vì phải lệ thuộc vào bác sĩ và y
tá) đến cái đau của thể chất, làm tôi có khi tức tối và nóng giận. Ngày nào
mình điều hành người khác, nay có người khác nói mình phải làm cái gì và không
làm cái gì! Có lần tôi đuổi y tá ra khỏi nhà vì tôi nghĩ anh ta vô lễ, nhưng
nghĩ lại thì thấy mình hơi quá đáng. Sau này, qua một soeur gốc Việt, tôi mới
biết ai cũng nói tôi là một "very difficult patient", nhưng ai cũng
thông cảm cho tình cảnh của tôi.
Phải một lần mắc bệnh mới biết sức khoẻ quí
như thế nào: khi chúng ta mắc bệnh, tất cả những danh vọng, những vinh quang
trong đời, những hào quang trong quá khứ nó đều biến mất hết, chỉ còn lại mình
phải chống chọi với bệnh tật. Rồi cũng đến ngày bình phục, nhưng tôi không nghĩ
mình quay lại cái điểm xuất phát (baseline). Tôi đi đến một kết luận rằng trên
con đường suy giảm sức khoẻ theo độ tuổi (age-related deterioration), y khoa có
thể giúp chúng ta gượng dậy, nhưng y khoa không bao giờ khôi phục được cái
baseline cho chúng ta. Mỗi lần bị bệnh không chỉ là dấu ấn của một nấc thang
suy giảm thể xác và tinh thần, mà còn là một cảnh báo để chúng ta phải chăm sóc
đến sức khoẻ và buộc chúng ta phải [nói theo người Úc là] "slow
down". Tôi đang slow down đây.
Do đó, nếu các bạn hỏi tôi có lời khuyên nào
cho các bạn thì tôi sẽ nói thế này:
(1) Nhớ giữ gìn sức khoẻ;
(2) Nhớ tiết kiệm năng lượng để dùng cho đường
xa, đường dài trong sự nghiệp (vì sự nghiệp còn dài lắm);
(3) Nhớ suy nghĩ về "bức tranh lớn"
cho dù mình đang tập trung vào một công việc rất nhỏ;
(4) Nhớ làm việc một cách khéo léo, chứ không
phải làm việc nhiều giờ (nói theo tiếng Anh là 'work smarter, not harder'); và
(5) Nhớ sống tử tế với mọi người.
Photo: Hình chụp tôi trong visa của 35 năm về
trước, và hình chụp hôm nay 26/1/2016 (cám ơn Nguyên).