Friday, September 27, 2024

Chợ sách Đặng Thị Nhu Sau 1975

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/ky-uc-30-4/toi-ban-sach-o-cho-sach-dang-thi-nhu/ Tôi bán sách ở chợ sách Đặng Thị Nhu Tháng Tư, nhớ Sài Gòn muôn thuở Phan Ni Tấn – 20 tháng 4, 2024 (Hình: MH) https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/434572706_283280534815826_1520779194109392996_n.jpg Không xa bùng binh Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành bao nhiêu, chợ sách Đặng Thị Nhu nằm khiêm nhường trên một con đường nhỏ, dài chừng 150 mét, hai đầu là đường Ký Con và Calmette. Chợ sách Đặng Thị Nhu tuy nhỏ nhưng là chợ sách nổi tiếng từ sau năm 1975, hai bên là nhà dân án ngữ bởi những sạp sách chứa đầy các lại sách báo thượng vàng hạ cám. Giữa năm 1978 tôi bán sách trong chợ sách này, dân mê sách, nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đều ghé qua nên tôi có dịp gặp gỡ, quen biết, tiếp xúc nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn. Sạp sách của tôi kế bên sạp Nguyễn Hồng Long (tức Nguyễn Hồng Rồng) và nhà văn Nguyễn Ước. Nguyễn Hồng Long và Nguyễn Ước ở cùng thành phố Toronto, Canada với tôi, về sau ông Long trở về VN sống, ông Ước vẫn ở Canada đến nay. Nói bán sách cho oai chớ thật ra tôi chỉ ké một góc sạp sách của anh em nhà Phan Văn Thành và Phan Xuân cầm cự sống qua ngày. Phan Xuân hiện ở Sài Gòn, là cựu sĩ quan VNCH cùng đơn vị với tôi từ năm 1970. Ngày nào bán được sách thì tôi có chút tiền lẻ lót bụng; ngày nào ế tôi hay ngồi trầm ngâm sau sạp sách nghía ông đi qua bà đi lại đỡ buồn. Có lần tôi nghĩ không biết nguyên do nào chợ sách Đặng Thị Nhu lại mọc lên ở đây, dân khu phố dọc trên đường này (trước 1975 là đường Bùi Quang Chiêu) có được huê lợi chi không tôi không biết. Nhưng học lịch sử ta đều biết Đặng Thị Nhu là bà Ba Cẩn, vợ thứ ba đồng thời là cộng sự đắc lực của Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa kháng Pháp suốt 30 năm ở Yên Thế, Bắc Giang từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 cho đến ngày lụi tàn. (Ảnh: (Ảnh:MH) https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/14039914_389098331214098_1937780634021817037_n.jpg Hoàng Hoa Thám và bà Ba Cẩn Đặng Thị Nhu chỉ có hai người con: một gái Hoàng Thị Thế (1900-1988) và một trai Hoàng Hoa Phồn (1908-1945). Cuối năm 1909, bà Ba Cẩn bị Pháp bắt gần chợ Gồ mang về giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội rồi đày sang quần đảo Guyane, Nam Mỹ. Dọc đường bà nhảy xuống biển tự trầm cuối năm 1910. Cuối năm 1979 tôi vượt biên đến Thái Lan rồi định cư tại Canada từ 1980 đến nay. Suốt 44 năm qua tôi chưa trở về quê nhà lần nào. Nhưng tôi được biết từ ngày mất nước đến nay miền Nam Việt Nam đã thay đổi đến tận cùng gốc rễ thì chợ sách Đặng Thị Nhu (của tôi) cũng đâu còn. Chắc chắn bộ mặt Hòn Ngọc Viễn Đông đã trở nên “lộng lẫy, nở nang, ngựa xe như nước” hơn xưa gấp bội nhưng sao nghĩ đến chợ sách Đặng Thị Nhu tôi lại lan man nghĩ đến cảnh cũ người xưa qua bài thơ “Thăng Long Thành Hoài Cổ” của bà Huyện Thanh Quan, là người có đức hạnh, học vấn xuất chúng. Cái đẹp dù nhỏ, hạn hẹp, dù cũ kỹ của chợ sách Đặng Thị Nhu thuở ấy không thể sánh nỗi “di tích văn học lịch sử của kinh thành Thăng Long” song cũng để lại cho người Sài Gòn một chút gì đó gọi là hoài cổ: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” * * Thăng Long Thành Hoài Cổ (Huyện Thanh Quan) ——————— Sau năm 1975, Đặng Thị Nhu là một con đường sách nổi tiếng mà dân mê sách, các nhà văn, nhà văn hóa Hà Nội, Sài Gòn không thể không biết. Chỉ là một con đường nhỏ dài chừng 200m, nối liền hai đường Ký Con và Calmette là những sạp chứa đầy sách, đối diện nhau qua một lối đi bộ. Trước 1975, đó là đường Bùi Quang Chiêu, còn một tên cũ nữa là đường Cá Hấp. Cụ Vương Hồng Sển trong sách của mình cũng đã nhiều lần khoe mua được những cuốn sách cũ quý hiếm với giá rẻ tại chợ sách này sau năm 1975. Chính chợ sách Đặng Thị Nhu mới là nơi bán nhiều sách cũ quý hiếm của Saigon vì sau biến cố 1975 rất nhiều chủ nhân của những tủ sách hay cuốn sách giá trị (thường là những người có học cao hay có địa vị trong xã hội) đã bỏ ra nước ngoài sống, hoặc phải đi học tập cải tạo, hay nếu còn ở lại VN thì gia đình họ phải bán dần đi để lấy tiền sống qua ngày trong những năm tháng khó khăn sau 1975.