Your vision will become clear only when you look into your heart.... Who looks outside, dreams. Who looks inside, awakens. Carl Jung
Wednesday, February 7, 2024
XUÂN MÃI XUÂN
Nguyễn Thế Đăng
Các pháp từ xưa nay
Tướng thường tự tịch diệt
Xuân đến trăm hoa khai
Hoàng oanh cành liễu hót.
Đây là một bài thơ xuân.
Hai câu đầu từ bài kệ trong phẩm Phương tiện kinh Pháp Hoa. Hai câu sau là do một thiền sư thêm vào. Theo A-di-đà sớ sao của Đại sư Châu Hoằng (1535-1615) thì: “Xưa có một vị Tăng. Do nghi một câu trong kinh Pháp Hoa, ‘Các pháp từ xưa nay, tướng thường tự tịch diệt’, vị ấy tìm xét hết sức lâu mà chưa tỏ ngộ. Một hôm, đột nhiên nghe tiếng chim oanh kêu, liền đại ngộ, bèn ứng khẩu thêm hai câu sau”.
Ngộ là ngộ “các pháp từ xưa nay, tướng thường tự tịch diệt”. Khi thấy ra thật tướng của các pháp là tánh Không, “không sanh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn, không một cũng không khác, không đến cũng không đi”, đó là ngộ được thật tướng, khuôn mặt xưa nay của đời sống này.
Như vậy là thấu đạt căn bản trí, tự nhiên trí, hay vô phân biệt trí. Trí này thông đạt, ngộ vào tánh Không.
Kinh Lăng Già nói, “Cái sanh diệt là thức, cái chẳng sanh diệt là trí”. Vì thức sanh diệt nên thấy thế giới này là sanh diệt, cho nên thế giới thành ra khổ đau sanh tử. Còn trí chẳng sanh diệt cho nên thấy thế giới này là chẳng sanh diệt, do đó, thế giới hiện nguyên hình là thanh tịnh, Niết-bàn. Chữ Niết-bàn nghĩa là tịch diệt, như trong câu Tướng thường tự tịch diệt ở trên.
Do lâu ngày tham thiền “tìm xét” cho nên những đám mây che chướng vẹt ra, thấy được bầu trời. Bầu trời ấy là tánh Không. Trong tánh Không thì “Các pháp từ xưa nay, tướng thường tự tịch diệt”. Các pháp hay các tướng không đến cũng không đi, không động chuyển. Không động chuyển nên không có thời gian và không gian thường tục, nghĩa là không có sanh tử.
Ngộ là vượt qua tổ sư quan hay sanh tử quan; từ nay sanh tử mất đi cơ sở, căn cứ của nó, mất dần ảnh hưởng cho đến cuối cùng thì sanh tử “tướng thường tự tịch diệt”, là giải thoát hoàn toàn.
Ngộ là ngộ tánh Không, thấy trực tiếp tánh Không. Với người còn luân lạc trong thức như chúng ta, chúng ta dễ tưởng rằng tánh Không là chẳng có gì cả. Ở đây, nhờ hai câu sau của vị thiền sư vô danh nọ, chúng ta có thể phần nào mường tượng ra tánh Không.
Tánh Không không phải là không có gì cả. Tánh Không bao trùm tất cả và là tất cả sinh vật và sự vật:
Xuân đến trăm hoa khai
Hoàng oanh cành liễu hót.
Sắc tức là Không, đó là Chân Không. Không tức là Sắc, đây là Diệu Hữu. Tánh Không là Chân Không Diệu Hữu. Đại sư Trí Khải nói, “Một sắc một thanh đều là Trung đạo, tức là Chân Không Diệu Hữu”.
Tất cả sinh vật và sự vật là hiện tướng của tánh Không. Cho nên thấy Sắc là thấy Không, chứng Không là chứng Sắc.
“Xuân đến trăm hoa khai, hoàng oanh cành liễu hót” là hiện tướng của tánh Không, thế nên nó không khác với tánh Không “các pháp từ xưa nay, tướng thường tự tịch diệt”.
Thế nên trăm hoa khai, hoàng oanh hót mà chẳng động chẳng lìa ngoài tịch diệt.
Trăm hoa khai, hoành oanh hót tưởng là thế giới chuyển động của sanh tử. Nhưng ở đây, với người ngộ, người thấy thật tướng của các pháp, thì trăm hoa khai, hoàng oanh hót vẫn là chẳng sanh chẳng diệt, không thường không đoạn, không một không khác, không đến không đi.
Thế nên, ở đoạn sau của cùng bài kệ trên, kinh Pháp Hoa nói:
Pháp ấy trụ vị pháp
Tướng thế gian thường trụ.
Đó là cái thấy (Kiến đạo vị; Tây tạng; Dava) của người ngộ đạo. Cái thấy ấy là một mùa xuân bất tử. Một mùa xuân không sanh không diệt, không thường, không đoạn, không một không khác, không đến không đi.
Một mùa xuân vĩnh viễn, xuân mãi xuân.