Your vision will become clear only when you look into your heart.... Who looks outside, dreams. Who looks inside, awakens. Carl Jung
Friday, September 30, 2022
NHƯ CHIM GIỮA HƯ KHÔNG
https://thuvienhoasen.org/a38346/nhu-chim-giua-hu-khong
NHƯ CHIM GIỮA HƯ KHÔNG
Nguyễn Thế Đăng
“Con người bị kết án phải tự do”, đây là một câu nói nổi tiếng của Triết gia Hiện sinh Pháp thế kỷ 20 Jean Paul Sartre.
Vì sao bị kết án phải tự do? Bởi vì tự do có nghĩa là tự do chọn lựa, và chọn lựa là mất mát, được một cái và phải mất những cái khác. Con người không bao giờ có thể được cái toàn thể, cái tất cả, mà hễ chọn một phần tử này thì phải mất các phần tử khác. Thế nên chọn lựa là khổ đau, là mất mát.
Điều đó nói lên tính giới hạn của con người. Khổ là sự tố cáo tính cách hữu hạn, bất toàn của con người. Kinh sách Phật giáo thường nói đến Tám cái Khổ mà con người thế nào cũng gặp một vài cái: khổ do sanh, khổ do già lão, khổ do bệnh, khổ do chết, khổ vì thương yêu mà phải biệt ly, khổ vì oán ghét mà phải sống chung, khổ vì mong cầu mà không được, khổ do năm uẩn tạo thành thân tâm bất hòa, xung đột.
Khổ có thiên hình vạn trạng, nhưng chung quy cũng đều vì thân tâm này là giới hạn, hữu hạn. Như một điều bây giờ chúng ta hay nói, “tư duy trong cái hộp”. Hơn nữa, tư duy và sống trong một cái hộp.
Thế thì có một đời sống nào thoát khỏi sự tù túng, giới hạn của cái hộp mà chúng ta đang ở, và sẽ ở trong đó trọn đời. Sau đây chúng ta trích vài đoạn các bậc giải thoát giác ngộ đã nói trong kinh Pháp Cú để có niềm tin mà hướng về và chuyên cần để hiện thực hóa đời sống ấy, dù ít dù nhiều.
Đời sống đó là “Phật giới rộng mênh mông không dấu tích”:
179. Vị chiến thắng không bại
Vị bước đi trên đời
Không dấu tích chiến thắng
Phật giới rộng mênh mông
Ai dùng chân theo dõi
Bậc không để dấu tích?
180. Ai giải tỏa lưới tham
Ái phược hết dắt dẫn
Phật giới rộng mênh mông
Ai dùng chân theo dõi
Bậc không để dấu tích
Phẩm Phật đà, HT Thích Minh Châu dịch
“Phật giới rộng mênh mông không dấu tích” này kinh điển hệ Pali gọi là Niết bàn, Bất diệt (Amara), Vô sanh (Ajata), Vĩnh cửu (dhuva), Tịnh (subha), An lạc (sukha)… Kinh điển hệ Sanskrit gọi là tánh Không (sunyata), pháp tánh (dharmata), pháp thân (dharmakaya), vô sanh (anutpada)...
92. Tài sản không chất chứa
Ăn uống biết liễu tri
Tự tại trong hành xứ
Không, vô tướng, giải thoát
Như chim giữa hư không
Hướng chúng đi khó tìm.
93. Ai lậu hoặc đoạn sạch
Ăn uống không tham đắm
Tự tại trong hành xứ
Không, vô tướng, giải thoát
Như chim giữa hư không
Dấu chân thật khó tìm.
Không, vô tướng, giải thoát là ba giải thoát môn chung cho cả hệ Pali và hệ Sanskrit. Đó cũng là Phật giới rộng mênh mông không dấu tích.
Như vậy người ta có thể thoát khổ, thoát mọi trói buộc của khổ bằng cách đạt đến một đời sống trong Không, vô tướng, giải thoát: “Như chim giữa hư không, dấu chân thật khó tìm”.
Trong văn hóa Ấn Độ xưa, danh từ “Bà la môn” để chỉ một người dòng dõi cao quý, đời sống trong sạch. Đức Phật đã dùng danh từ Bà la môn để chỉ người giải thoát:
385. Không bờ này, bờ kia
Cả hai bờ không có
Lìa khổ, không trói buộc
Ta gọi Bà la môn.
Bờ này là khổ đau, bờ kia là hạnh phúc. Người giải thoát vượt khỏi cả hai bờ khổ đau và hạnh phúc, bởi vì cả hai đều tương đối, dễ dàng đổi chỗ cho nhau. Trong khi đó Niết bàn được định nghĩa là “Niết bàn là An lạc tối thượng” (Nibbanam paramam sukham).
“Tự tại trong hành xứ, như chim giữa hư không”, “Không bờ này bờ kia, cả hai bờ không có” là sự tự do mà đạo Phật giới thiệu và giúp chúng ta hiện thực hóa nó. Sự tự do ấy người ta có thể thực hiện ngay trong cuộc đời thế gian này, “Vị bước đi trên đời”, “Ta gọi Bà la môn”, chứ không phải tìm kiếm ở một thế giới xa xôi nào khác.
Trong sự tự do toàn diện, có mặt khắp cả (“Phật giới rộng mênh mông, ai dùng chân theo dõi, bậc không để dấu tích”), tự do không còn là tự do hạn hẹp để phải chọn lựa, và chọn lựa là mất mát. Tự do được giới thiệu ở đây là một cái toàn thể tự do như chim bay trong không gian, có tất cả mọi chọn lựa, có tất cả mọi phương hướng để chọn lựa, sự tự do ấy, không gian bao la của con chim bay có mọi tiềm năng, mọi khả thể cho sự chọn lựa. Khi người ta không còn sống trong những phần tử phân mảnh mà sống trong một đời sống toàn thể là Không, vô tướng, giải thoát thì sự chọn lựa không làm cho người ấy bị giới hạn, mà chọn lựa chính là tự do. Đó là tự do chọn lựa tự do.