Tuesday, September 6, 2022

ĐẾN và ĐI

ĐẾN và ĐI Nguyễn Thế Đăng …Xét về chỗ phát khởi, chỗ bắt đầu thì sự đang đi bắt đầu ở đâu? Bắt đầu trong quá khứ, hiện tại hay vị lai? Quá khứ, hiện tại, vị lai chỉ có khi có sự đi, sự đi chưa có thì đâu là quá khứ, hiện tại, vị lai? Ngược lại, chỉ có sự đã đi, đang đi và sẽ đi khi có quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ, hiện tại, vị lai chưa vận hành thì chỗ bắt đầu của sự đi là ở đâu? Sự đi và thời gian không có chỗ bắt đầu, không ở đâu cả: “Không có đã đi, không có chưa đi, cũng không có đang đi, tất cả không có bắt đầu, vì sao lại phân biệt”. Không có sự bắt đầu ở đâu cả, không có sự bắt đầu của sanh tử ở đâu cả, quán sát thấu suốt được điều này, người ta sẽ giải thoát khỏi sanh tử, khỏi nhận thức và cái thấy sai lầm của mình. Quán sát tánh Không của thời gian và sự đi không phải là cái gì ở ngoài mình mà chính là những vọng tưởng của mình, ‘thời gian của tôi, sự đi của tôi’. Quán sát để thấy không có thời gian bắt đầu của đời mình, không có sự bắt đầu đi của mình, người ta được giải thoát. Giải thoát khỏi những vọng tưởng “phân biệt” tạo ra thời gian và sự đi - đến của cuộc đời làm người. …Đi, chưa đi, đang đi đều không trụ, mà “người đi thì chẳng trụ”, nên “pháp đi và trụ, đồng nghĩa với sự đi”, nghĩa là đồng nghĩa với sự đi không có thật. Tất cả sự đi và dừng đều không trụ, tất cả đi và dừng đều trống không, đều là tánh Không. Quán sát đời người dù chuyển động hay không chuyển động, đều không có chỗ trụ (vô sở trụ). Ở tầm vĩ mô là thân thể, tài sản, thế giới, cho đến một ý tưởng và một khoảnh khắc của ý tưởng, một hạt bụi đều không có chỗ trụ, không có sự đi, không có đã đi, chưa đi, đang đi. Khi ấy tâm con người trở thành bao la, trùm khắp, không trung tâm, sáng tỏ như tánh Không bao la, sáng tỏ, trùm khắp, không trung tâm. …Trung Luận đã ba lần đưa các hiện hữu về như huyễn như mộng, là một tính cách của tánh Không. Chẳng hạn trong chương Quán Điên Đảo: 8. Sắc thanh hương vị xúc Và pháp, thể sáu thứ Đều Không, như sóng nắng, như mộng Như thành Càn thát bà. 9. Trong sáu thứ như vậy Đâu có tịnh, bất tịnh Giống như người huyễn hóa Cũng như bóng trong gương. 24. Quyết định có người đi Không thể dùng ba thời đi Không quyết định có người đi Cũng không thể dùng ba thời đi. 25. Pháp đi là định hoặc bất định Người đi, không thể dùng ba thời Thế nên đi, người đi Chỗ đi, đều không có. …. …cái quán thấy thật tướng của chúng sanh, Phật, thế giới, và ba cõi, trong Phẩm Thấy Phật Bất Động (Aksobhya) Kinh Duy Ma Cật: “Bấy giờ Thế Tôn hỏi ngài Duy Ma Cật: “Khi ông muốn thấy Như Lai, thì ông xem thấy như thế nào?” Cư sĩ Duy Ma Cật thưa: “Thế Tôn, như con tự xem thấy thật tướng của thân như thế nào, con xem thấy Phật cũng như thế. Con xem thấy Như Lai quá khứ chưa từng đến, tương lai không đi đâu, hiện tại cũng chẳng trụ. Con không xem thấy sắc, không xem thấy sắc như, không xem thấy tánh sắc, không xem thấy thọ, tưởng, hành, thức, không xem thấy thức như, không xem thấy tánh thức. Chẳng phải nơi bốn đại mà khởi, đồng với hư không. Không chứa trong lãnh vực các căn, siêu vượt khỏi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Không ở trong ba cõi, vốn lìa khỏi ba nhiễm ô tham sân si, hằng thuận với ba môn giải thoát. Đầy đủ ba minh, cùng với vô minh bình đẳng. Không một không khác, không đây, không kia. Chẳng phải tướng, chẳng phải giữ tưóng. Không bờ này, không bờ kia, không giữa dòng, mà giáo hóa chúng sanh. Xem thấy tịch diệt mà chẳng vĩnh viễn diệt mất. Không đây, không kia, không nương đây, không nương kia. Không phải chỗ lấy trí mà biết, không phải chỗ lấy thức phân biệt được. Không tối, không sáng. Không danh, không tướng. Không mạnh, không yếu. Chẳng sạch, chẳng dơ. Không ở nơi chốn, không lìa nơi chốn. Chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi. “Không chỉ, không nói. Không bố thí, không keo kiệt. Không giới, không phạm. Không nhẫn, không sân. Không tinh tấn, không biếng lười. Không định, không loạn. Không trí, không ngu. Không thật, không dối. Không đến, không đi. Không ra, không vào. Tất cả con đường ngôn ngữ dứt”. https://thuvienhoasen.org/a38219/den-va-di