Your vision will become clear only when you look into your heart.... Who looks outside, dreams. Who looks inside, awakens. Carl Jung
Monday, January 31, 2022
Pháp môn Làng Mai giúp ích gì cho người tu tập?
https://www.voatiengviet.com/a/ph%C3%A1p-m%C3%B4n-l%C3%A0ng-mai-gi%C3%BAp-%C3%ADch-g%C3%AC-cho-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-tu-t%E1%BA%ADp-/6417200.html
Pháp môn Làng Mai giúp ích gì cho người tu tập?
29/01/2022
Thực hành ‘chánh niệm’, tức ‘mindfulness’, giúp con người vượt qua khủng hoảng trong đời sống, đạt được sự an lạc và hiệu suất trong công việc, những người tu tập theo phương pháp này trên khắp thế giới nói với VOA.
‘Chánh niệm’ là phương pháp tu tập mà cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh giới thiệu đến thế giới phương Tây và ngày nay đã trở thành một khái niệm phổ biến rộng khắp được nhiều người hiểu và thực hành trên thế giới.
Sau khi Thiền sư viên tịch, ‘chánh niệm’ là một trong những di sản chính mà ông để lại. Lúc sinh thời, Thiền sư Nhất Hạnh nói với các học trò rằng ông ‘sẽ không mất đi mà vẫn sẽ tiếp tục tồn tại trong hơi thở của những người thực hành chánh niệm’.
‘Thay đổi cuộc đời’
Trao đổi với VOA, cô Sarah Vella, một viên chức của Bộ Quốc phòng Mỹ hiện sống ở bang Virginia, nói cô biết đến pháp môn Làng Mai 10 năm trước khi tình cờ đọc được cuốn sách ‘You Are Here’ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà cô gọi là ‘Thay’.
“Cuốn sách đó đã thay đổi cuộc đời tôi,” cô kể và cho biết trước đó cuộc sống cô ‘rất bất hạnh’ mà cô ‘không biết tại sao’.
“Nhìn bên ngoài thì có vẻ tôi có một cuộc sống rất tốt, nhưng bên trong rất khốn khổ. Tôi không bao giờ thật sự trú trong khoảnh khắc hiện tại. Lúc nào tôi cũng lo về tương lai, về những điều có thể xảy ra, và do đó tôi lúc nào cũng căng thẳng và lo lắng, không lúc nào thật sự tận hưởng cuộc sống,” cô kể với VOA về trải nghiệm của cô trước khi biết đến cuốn ‘You Are Here’.
Một cuốn sách nữa cũng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thay đổi cuộc đời cô là ‘No Death, No Fear’ mà nhờ đó cô nhận ra rằng ‘những lo lắng mà cô cảm thấy về sự sinh tồn là không cần thiết và cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn cho dù tôi có đang sống hay không’.
Cô nói do lúc trước cô sống ở San Diego, gần Tu viện Lộc Uyển, một phân nhánh của Làng Mai ở bang California, nên cô có cơ hội đến đó thường xuyên mỗi cuối tuần. “Mỗi lần đến đó, tôi cảm thấy tâm trí tôi mạnh mẽ hơn và an bình hơn, và tôi cũng có thể suy nghĩ rõ ràng mạch lạc hơn.”
Trên trang Progressive Buddhism, một người có tên là Justin Whitaker viết: “Khó mà tin được bất cứ Phật tử Mỹ nào sống trong vòng 50 năm qua mà không có liên hệ nào đó với Thay.”
“Những cuốn sách của Thay đã mở mang đầu óc và trái tim tôi, một khóa tu hồi năm 2009 đã giúp tôi chữa lành những vết thương sâu và giúp tôi có pháp danh ‘Serene Dwelling of the Source’ (tức An trú nơi Cội nguồn),” ông viết.
‘Tìm được con đường’
Ông Trần Minh Dũng, kỹ sư điện làm việc cho chính phủ Canada sống tại thành phố Montréal, tỉnh Québec, nói trước khi học theo pháp môn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, công việc của ông rất căng thẳng đến mức làm cho ông ‘kiệt sức và trầm cảm’.
“Tôi tập thở và thiền hành và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày,” ông nói. “Tôi đã an lạc hơn, cuộc sống nhẹ nhàng hơn, không còn buồn, giận hay khổ nữa.”
Do đó, ông nói ông ‘rất mang ơn Sư Ông và có ước nguyện chia sẻ pháp môn này với bất cứ ai mà tôi giúp được’. Ông Dũng nói ông đã đi giảng dạy về ‘Chánh niệm’ ở nhiều nơi ở Mỹ và Canada ‘giúp cho những người gặp khó khăn trong cuộc sống cần tìm một phương thức giải thoát’.
“Sư Ông đã dạy là Sư Ông đi thì chỉ có thân xác là đi thôi, nếu chúng tôi vẫn giữ pháp môn của Sư Ông thì Sư Ông vẫn còn sống,” ông Dũng nói.
Về phần mình, bà Đỗ Thúy Hà, giảng viên văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam tại Đại học Chulalongkorn tại Bangkok, Thái Lan, nói chính ‘nhờ những người bạn Thái’ mà bà mới biết đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Bà cho biết khi bà lên thư viện của trường tìm tài liệu để phục vụ cho việc nghên cứu thì thấy trong rất nhiều sách vở và luận án có đề cập đến tên ‘Thích Nhất Hạnh’.
“Lúc đó tôi không biết Sư Ông là ai, chỉ đoán ông là người Việt,” bà nói. “Tôi tò mò tại sao một người Việt mà có nhiều người nước ngoài và người Thái quan tâm, nghiên cứu về tư tưởng, về hình thức tu tập như vậy.”
“Ở các trường đại học của Thái, những tầng lớp giáo viên và rất nhiều người mình biết đều hỏi mình là người Việt hả, là người Việt thì có biết Thích Nhất Hạnh không? Họ chỉ ước được một lần gặp thôi vì đọc sách của ông hay lắm,” bà Hà kể với VOA.
Nhưng chỉ đến khi bà đọc được cuốn sách của Thiền sư có tựa đề là ‘Miracle of Mindfulness’ hồi năm 2005 thì bà mới nhận ra ‘đây chính là con đường tôi cần’.
Bà nói trước đó bà có tập thiền theo Phật giáo Nguyên thủy của Thái Lan và có lúc bà ‘cảm thấy hoang mang không biết mình tập có đúng không khi không có thầy bên cạnh hướng dẫn’.
“Cách thực tập Thiền của Thầy rất đơn giản, có thể tập ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào,” bà nói và cho biết mãi đến năm 2008 Thiền sư Thích Nhất Hạnh sang Thái Lan thì bà ‘mới có cơ duyên được gặp, thọ giới’. Kể từ đó, bà tham gia đều đặn các khóa tu của Làng Mai ở Thái Lan.
“Tôi đã sống tỉnh thức hàng ngày trong mỗi phút giây. Tôi cảm thấy đủ trong cuộc sống, nhìn thấy những yếu tố hạnh phúc xung quanh,” bà kể về những thay đổi của bà sau khi tu tập theo ‘Chánh niệm’.
Hồi năm ngoái, bà Hà và gia đình bên Thái Lan đã bị mắc COVID-19 và phải nhập viện. Bà nói lúc đó những bài tập thở mà bà học được ở Thiền sư ‘đã giúp tôi rất nhiều trong giai đoạn khó khăn’.
“Tôi không cảm thấy sợ hãi hay tuyệt vọng mà rất bình lặng với hơi thở,” bà kể. Theo lời bà Hà, có những người Thái tìm đến bà học tiếng Việt ‘để chỉ có thể nói chuyện được với Tăng thân Làng Mai và tìm hiểu kỹ hơn về Sư Ông’.
‘Tập trung vào từng khoảnh khắc’
Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, người sáng lập và điều hành Thái Hà Books ở Hà Nội, Việt Nam, nói với VOA phương pháp ‘Chánh niệm’ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giúp ích rất nhiều trong công việc kinh doanh của ông.
Ông Hùng đến với pháp môn Làng Mai hồi năm 2006 khi ông còn là phó tổng giám đốc FPT, công ty công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam với hàng ngàn nhân viên và doanh thu hàng tỷ đô la, ông cho biết.
“Sức ép lúc đó đối với tôi là rất lớn,” ông Hùng nói. “Doanh nhân như tôi cần có cách giải tỏa căng thẳng, tìm cân bằng trong cuộc sống để làm cho công ty tiếp tục phát triển.”
Theo lời ông Hùng thì mọi người ‘thường hay để tâm suy nghĩ lung tung’ hay ‘tham lam ôm đồm một lúc làm hai ba việc’.
“Thiền Chánh niệm dạy chúng ta hoàn toàn chú tâm làm một việc nào đó không ngắt quãng đến một lúc nào đó thì đạt được ‘Định’,” ông giải thích. “Chẳng hạn như đang viết thì chỉ tập trung vào viết, còn đang rửa chén thì chỉ tập trung vào rửa chén.”
Nhờ đó mà ông Hùng đạt trạng thái an vui, gia đình hạnh phúc, bạn bè thì gần gũi người tốt, theo lời ông. “Tự mình biết đủ nên lúc nào cũng thấy mình giàu có,” ông nói.
Ông nói không hề có sự đối nghịch giữa cuộc sống bận rộn của một doanh nhân như ông với việc hành thiền. “Tôi vẫn có thể lái xe trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với tốc độ 120 cây số một giờ nhưng vẫn hành thiền, chỉ tập trung vào lái xe. Tôi có thể nghe các bộ phận báo cáo kết quả kinh doanh hai ngày liên tục,” ông chỉ ra.
“Tôi đi làm, đi dạy, đi giảng, viết sách – lịch trình kín mít nhưng vẫn hành thiền được,” ông Hùng nói và cho biết nhiều bạn bè trong giới doanh nhân của ông như Trương Gia Bình, tổng giám đốc FPT, Lê Phước Vũ, tổng giám đốc Tôn Hoa Sen, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa hay Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, vẫn hành thiền để tìm sự bình an và tìm ý tưởng. “Anh Vượng trước lễ trao giải VinFuture vẫn hành thiền,” ông nói.
Ông Hùng cho biết thiền ‘Chánh niệm’ giúp ông có sự sáng tạo trong kinh doanh. “Thí dụ như cốc cà phê, cốc trà đục thì mình để cho nó lắng xuống nó sẽ tinh khiết. Tâm có sáng thì sẽ nhìn thấy mọi thứ rõ ràng thôi,” ông giải thích.
“Khi hành thiền gần như cơ thể tôi được thông suốt, người nhẹ nhõm, hầu như tôi không bị bệnh,” ông nói.
Hiện tại, ngoài việc điều hành Thái Hà Books, ông Hùng còn mở các lớp dạy thiền chánh niệm. Mỗi khóa như vậy có 400-500 người đăng ký nhưng ông chỉ nhận khoảng 100-200 thiền sinh, ông cho biết.
Hồi năm ngoái mặc dù dịch bệnh hoành hành nhưng ông vẫn mở được 15 khóa thiền trực tuyến với 1.140 thiền sinh, cũng theo lời ông. Ngoài ra, ông cũng tổ chức các khóa thiền ở các nước bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp và có nhiều lãnh đạo các tập đoàn trên thế giới cũng đến học ‘rồi lan tỏa cho nhân viên của họ’.
Tuy nhiên, ông cho rằng dù tập luyện nghiêm mật đến mấy thì chỉ có đạt được mức độ ‘chứng’ và ‘trú’ chứ để đạt đến mức độ ‘sống trong chánh niệm’ là ‘rất khó có ai đạt được, kể cả người xuất gia’.
“Phải có văn tuệ, nghiên cứu tốt, tư duy chuẩn và phải thực hành nghiêm mật nhiều tháng,” ông Hùng nói.
Về sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông Hùng cho rằng sẽ không dẫn đến đứt đoạn trong phép tu Chánh niệm vì ‘Thầy đã đào tạo hàng ngàn tu sỹ xuất gia và hàng ngàn cư sỹ tại gia ở nhiều nước – những vị đó đều là những bậc giáo thọ đạt trình độ thân chứng cao’.
‘Đơn giản hóa Phật pháp’
Từ Houston, bang Texas, Thượng tọa Thích Pháp Nhẫn, trụ trì chùa Thiền Ân, giải thích với VOA về cách làm được cho làm ‘giản lược Phật giáo’ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
“Đạo Phật có đến tám mươi mấy pháp môn để tu, và Chánh niệm chỉ là một pháp trong Bát Chánh đạo,” ông nói. “Chỉ cần một pháp môn thông thì tất cả các pháp môn đều thông.”
“Vì chánh niệm là tỉnh thức. Mỗi lúc mình tỉnh thức thì mình không làm việc ác. Mỗi lúc trở về với trái tim của mình thì không bao giờ mình làm việc gì tổn thương người khác,” ông nói thêm.
“Nếu tỉnh thức trong từng phút giây thì tự nhiên người mình sẽ an lạc.”
Ông cho rằng do Thiền sư Thích Nhất Hạnh hành đạo ở Âu, Mỹ nên phải làm sao để sự thuyết giảng ‘ngắn gọn, súc tích, giản lược để người phương Tây dễ nắm hơn’ mặc dù nếu chỉ biết đến Chánh niệm thôi thì những người thực hành ở phương Tây sẽ không biết nhiều đến kho tàng kinh điển khác của Phật giáo.
Source:
https://www.voatiengviet.com/a/ph%C3%A1p-m%C3%B4n-l%C3%A0ng-mai-gi%C3%BAp-%C3%ADch-g%C3%AC-cho-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-tu-t%E1%BA%ADp-/6417200.html