Your vision will become clear only when you look into your heart.... Who looks outside, dreams. Who looks inside, awakens. Carl Jung
Saturday, September 11, 2021
Nguyên Ngọc còn mãi trên đường
2021
Nguyên Ngọc còn mãi trên đường
Huỳnh Như Phương
Lần đầu tiên tôi được nghe nhà văn Nguyên Ngọc nói chuyện là khoảng tháng ba năm 1979. Lúc đó tôi đang học năm cuối ở Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giáo sư Hà Minh Đức tổ chức cho lớp chúng tôi một chương trình ngoại khóa gồm những buổi nói chuyện của các nhà thơ, nhà văn: Huy Cận, Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Giang Nam. Từ chiến trường miền Nam trở ra Bắc khi chiến tranh kết thúc, Nguyên Ngọc hồi đó là Phó Tổng thư ký – tương đương Phó Chủ tịch bây giờ – kiêm Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Giang Nam là Tổng biên tập Tuần báo Văn Nghệ.
Tôi còn nhớ, trong khi ba diễn giả khác chủ yếu nói về đời văn và sự nghiệp của mình – là những điều trực tiếp phục vụ cho việc học tập và làm luận văn tốt nghiệp của lớp chúng tôi – thì hầu như suốt một buổi Nguyên Ngọc không hề đề cập đến con đường sáng tác của ông. Ông dành trọn thời gian để nói với chúng tôi về tình hình đất nước và xã hội những năm hậu chiến. Vừa trở về sau chuyến đi Campuchea khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Phnom Penh, ông nêu một nhận xét khiến chúng tôi lạnh người: chủ nghĩa phát-xít tàn sát dân Do Thái vẫn còn để cho mỗi tù nhân mang một con số, Khmer Đỏ tiêu diệt chính dân tộc mình, xóa sạch gốc tích đến cả số tù, số nhà cũng không được dùng để làm dấu hiệu!
Mượn một khái niệm của Jean-Paul Sartre, năm 1979 đó là năm của “tình thế cực đoan” hay “tình thế giới hạn”: chiến tranh ở biên giới Tây Nam xảy ra chưa bao lâu thì Trung Quốc đánh nước ta ở biên giới phía Bắc. Trong tình thế đó, bản “Đề dẫn” của Nguyên Ngọc, bài báo “Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” của Hoàng Ngọc Hiến và những manh nha đổi mới văn học đều phải dừng lại.
Mối quan hệ máu thịt giữa văn chương và xã hội, nhà văn và hoàn cảnh mà chúng tôi được học trong nhà trường đã tìm thấy minh chứng nơi văn và người Nguyên Ngọc. Không có gì ngần ngại khi bảo rằng Nguyên Ngọc cũng như nhiều nhà văn thuộc thế hệ ông là những đứa con của xã hội và là sản phẩm của hoàn cảnh. Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Thu Bồn… đều là như vậy. Công tích mà họ để lại cho đời sống và văn học trước hết là làm chứng cho hoàn cảnh đó. Nhưng mặt khác, là nghệ sĩ đích thực, họ cũng chinh phục và làm thao thức bạn đọc ở sự hờn tủi và cựa quậy trước hoàn cảnh.
Một trong những đặc điểm của văn chương Nguyên Ngọc chính là sự kết hợp kỳ lạ giữa hiện thực và lãng mạn, giữa thực tế và lý tưởng, giữa văn phi hư cấu và văn hư cấu. Ai cũng biết hầu hết tác phẩm Nguyên Ngọc đều bắt nguồn từ sự thực lịch sử, từ những con người và sự kiện có thực. Nhưng đọc văn ông, người đọc không bị trì kéo bởi hiện thực. Rẻo cao, Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng, Đất nước đứng lên, Rừng xà-nu… là hiện thực mà cũng là huyền thoại. Đành rằng đó là văn học sử thi, nhưng tại sao khoảng cách sử thi, một mặt, không đẩy nhân vật xa khỏi người kể chuyện, và mặt khác, không khiến người đọc nghi ngờ về khả năng hư cấu của nhà văn?
Những tác phẩm văn xuôi phi hư cấu gần đây của Nguyên Ngọc (Tượng gỗ rừng già, Người hát rong giữa rừng, Người nghệ sĩ vô danh đã sinh ra cây K’nia, Tản mạn Hội An, Ông già trên núi Hòn Nghệ…) thể hiện sự quan tâm ngày càng nhiều đến tính chất xác thực của tư liệu, hướng đến những sự kiện không thêu dệt, từ đó mở ra dòng cảm xúc của mạch văn. Đồng thời, chính trong các văn bản phi hư cấu đó, những yếu tố ngày càng trở nên quan trọng không chỉ là những chứng từ được bảo chứng về mặt tư liệu mà còn là những ấn tượng, trải nghiệm và trầm tư thế sự ghi dấu sự hiện hữu của cá tính nhà văn.
Đặc biệt, trong các tập Tản mạn nhớ và quên, Nghĩ dọc đường, Lắng nghe cuộc sống, qua ngòi bút Nguyên Ngọc, thể loại tiểu luận văn hóa mang màu sắc sinh động, lưu loát và trôi chảy không còn là hiện tượng ngoại vi mà trở thành hiện tượng trung tâm của đời sống văn học. Ở đó có sự kết hợp giữa tính tạo hình sinh động, tính chất suy tưởng, yếu tố tự phản tỉnh và cả yếu tố thuyết giáo. Ở đó tư tưởng được đúc rút từ cuộc sống và được truyền dẫn trở lại với cuộc sống. Ở đó có sự kết hợp giữa chất liệu của đời sống trực quan, tính hình tượng và khái niệm; giữa miêu tả tư liệu, tưởng tượng và tư duy triết lý.
Thiết nghĩ, sự kết hợp kỳ lạ đó chinh phục người đọc là do tâm thế của nhà văn: ông viết điều đó vừa như trình bày một thế giới đang diễn ra, vừa như làm nảy sinh những hiện tượng để tái tạo một thế giới mới. Đồng thời, tất cả điều đó đều nhằm thiết lập một quan hệ đạo đức theo nghĩa rộng, giữa nhà văn, nhân vật và bạn đọc. Cũng như những người trí thức thính nhạy thời nay, Nguyên Ngọc biết mình không thể nhấc chân ra khỏi thế giới hiện hữu đầy bất ổn của mình, nhưng lại luôn gieo hy vọng rằng sẽ xuất hiện một thế giới mới theo hình ảnh lý tưởng của ông.
Theo tôi, Nguyên Ngọc đã mang tâm thế đó cả khi ông viết tiểu thuyết lẫn viết bút ký, cả trong văn chương lẫn trong cuộc đời. Vì vậy mà ta ít thấy nhà văn nào nhất quán như ông. Nhất quán và quyết liệt. Vì nhất quán mà thành quyết liệt. Nếu chỉ dừng lại ở một vế nào thôi trong sự kết hợp trên kia, người ta hoặc sẽ như đà điểu chui đầu vào cát, hoặc sẽ rơi vào vỡ mộng, buông xuôi.
Dù làm văn học, văn hóa hay làm giáo dục, Nguyên Ngọc vẫn là người gieo hạt và kiến tạo không mệt mỏi. Ông là nhà hoạt động xã hội trong văn nghệ và là nhà nghệ sĩ lãng mạn trong giáo dục. Sự mẫn cảm chắc đã khiến ông ít nhiều bị tổn thương khi chứng kiến rằng trong lĩnh vực lẽ ra trong sáng và mẫu mực nhất là giáo dục, người ta đã không từ nan cả những biện pháp bất chính. Thời trẻ ông đã đem cái trong trẻo của tâm hồn hòa nhập vào vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết của thiên nhiên, con người Tây Nguyên và đã được đền đáp. Cuối đời, chất lý tưởng trong sáng của ông lại cọ xát với một thực tế nhếch nhác của nền giáo dục hiện thời.
“Tư tưởng của ta chính là số phận của ta”, câu nói đó của A. Schopenhauer thật đúng khi ứng với trường hợp Nguyên Ngọc. Số phận của Nguyên Ngọc là số phận người ở tuyến đầu. Nguyên Ngọc là con người không bao giờ ngồi yên, luôn luôn bị ném về phía trước. Lúc nào ông cũng bận tâm, lo âu và đầy những dự tính, dự án. Ông bảo tồn văn hóa Tây Nguyên và bảo vệ vùng đất này trước kế hoạch khai thác bauxite. Ông xây dựng trường đại học ở quê nhà, sáng lập giải thưởng Phan Châu Trinh, tham gia hoạt động của Viện IDS…, đồng thời, xuất hiện ở các diễn đàn, viết sách, dịch sách, viết báo… Cùng mang theo bên mình hộp thuốc uống cả chục viên mỗi ngày là một trong những cuốn sách mới của các nhà văn, nhà văn hóa tiên phong của thời đại: M. Kundera, G. Condominas, S. Alexievich… mà ông miệt mài đọc và dịch trong khoảng lặng của những cuộc gặp gỡ. Nếu con người là toàn bộ những hành động và hành vi của người đó, thì đánh giá về một con người chỉ có thể đợi đến lúc “cái quan định luận”. Huống chi Nguyên Ngọc vẫn là người đang mải miết trên đường, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Có lần, nhìn lại quãng đường mình đã đi, Nguyên Ngọc tâm sự: “Đấy là cả một đoạn đường dài với biết bao vui buồn, thành công cũng có mà thất bại cũng nhiều, đúng cũng có mà sai lầm cũng không ít, đầy thực tế mà cũng đầy ảo tưởng… Bảo rằng nhìn lại đằng sau tôi chẳng có gì để nuối tiếc và ân hận thì sẽ chỉ là nói cho sang thôi. Không hoàn toàn như thế. Duy có một điều tôi có thể yên tâm: bao giờ tôi cũng sống và hành động với tất cả sự thành tâm của mình, cả khi đúng cũng như khi sai”. (Ngô Thị Kim Cúc phỏng vấn, “Nhà văn Nguyên Ngọc: Làm điều mình tin và chịu trách nhiệm về điều đó”, Báo Thanh Niên, số 246, chủ nhật 03-9-2006, tr. 9).
Cái khó của người ở tuyến đầu không chỉ là sự dũng cảm mà còn là khả năng đọc được thế trận để kết nối với những người ở tuyến sau. Tôi có nghe Nguyên Ngọc kể rằng trong thời chiến, quyết định khó khăn nhất của người chỉ huy là khi khai hỏa và lúc rút quân. Hồi năm 1972, ông đi với một nhà lãnh đạo nổi tiếng của Khu 5 trong Bộ chỉ huy đơn vị đánh vào quận lỵ Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Đơn vị đã áp sát thị trấn Đồng Cát, trung tâm quận lỵ, nhưng thế trận giằng co, vẫn chưa chiếm được chi khu của đối phương. Những người lãnh đạo phân vân chưa biết nên bám trụ để tiến công đợt hai hay rút lui để bảo toàn lực lượng. Tiến công thì chưa đủ lực lượng mà rút lui thì dễ bị quy vào tâm lý thất bại. Chính trong lúc lưỡng lự thiếu quyết đoán ấy, máy bay B52 của Mỹ ném bom trải thảm và một nửa đơn vị đã hy sinh.
Trong thời bình cũng có những lúc quyết định khó khăn như trong thời chiến. Lĩnh vực văn hóa cũng có những lúc giằng co như lĩnh vực quân sự. Nhưng văn hóa không phải là chuyện ngày một ngày hai, nó là việc mưa dầm thấm lâu. Chuyện thành bại ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối. Nguyên Ngọc luôn kiên trì trong xác tín và hành động của mình. Bây giờ mà khuyên ông lùi về tuyến sau để nghỉ ngơi vì tuổi cao thì chẳng khác nào bảo ông hãy đừng là ông nữa. Chỉ có điều, tất cả những người yêu mến ông đều trông đợi cuốn sách cuối đời của ông, như một tập đại thành những trải nghiệm của tác giả về những năm tháng đa đoan này.
(Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số 35, ngày 02-9-2012).
http://vanviet.info/van/nguyn-ngoc-cn-mi-trn-duong/?fbclid=IwAR2jgD1yn0Kyw4Djfc8z7oGjEGRDWUiqw-0PVTSyMWANAuMnA71NFm6qkLU