Tuesday, May 7, 2019

Sự Sụp Đổ Của Ngôi Nhà Usher (2)-- Truyện Ngắn của Edgar Allan Poe (1809-1849)


Dù vậy tôi quyết định lưu lại tòa nhà thảm hại này vài tuần.  Chủ nhà, ông Roderick Usher, từng là một trong những người bạn thân của tôi thời niên thiếu, nhưng đã nhiều năm rồi chúng tôi không gặp nhau.  Tuy vậy, mới đây tôi nhận được một bức thư do ông ta gửi từ một miền xa xôi, khẩn khoản yêu cầu tôi phải đích thân trả lời.  Thư viết cho thấy ông trong tâm trạnh bất an lo lắng.  Người viết thư nói thân ông đang mắc một thứ bệnh nặng, còn tâm thần thì rối loạn dằn vặt ông, và ông tha thiết muốn gặp tôi, vì tôi là người bạn thân duy nhất của ông, với mong mỏi là nhờ tôi đem lại niềm vui, bệnh ông sẽ thuyên giảm.  Thư cứ nói cách như vậy, và còn nhiều nữa – qua lời khẩn khoản  của ông tôi thấy cả một tấm lòng tha thiết, nó khiến tôi không thể nào ngần ngừ mà phải làm theo lời ông yêu cầu dù tôi thấy yêu cầu ấy thật có một không hai.  
Mặc dù hồi còn nhỏ, hai đứa chúng tôi khá thân, nhưng tôi biết rất ít về người bạn này của mình.  Anh ấy có thói quen sống khép kín, ít khi tâm sự.  Tuy vậy tôi được biết từ thời xa xưa tổ tông dòng họ nhà anh đã được người ta biết đến nhiều vì tính đa cảm kỳ đặc, biểu hiện qua các bức họa được đánh giá rất cao trong nhiều năm dài, và mới đây qua các đóng góp tài chính thầm lặng nhưng hết sức to lớn của họ cho công tác từ thiện, cũng như lòng nhiệt thành đam mê đối với phần tinh túy phức tạp của âm nhạc, có lẽ hơn cả lòng đam mê đối với cái đẹp chính thống mà người ta dễ nhận biết về khoa nghệ thuật này.    Tôi cũng biết được một sự kiện rất độc đáo là, mặc dù lúc nào họ cũng được tôn quý,  từ thân cây dòng họ nhà Usher chưa bao giờ mọc được một nhánh nào có sức chịu đựng dẻo dai; nói khác đi, toàn bộ gia đình chỉ là cha truyền con nối trực tiếp, và luôn luôn như vậy, hiếm khi thay đổi; nếu có thì thay đổi chỉ tạm thời ngắn ngủi.  Trong khi nghĩ trong đầu cách làm sao giữ gìn toàn mỹ phong cách của tòa nhà cho hòa hợp với tính cách cố hữu của người sống trong đó, và trong khi nghĩ về các ảnh hưởng có thể có qua hàng thế kỷ giữa tòa nhà và người cư trú ở đó, tôi cho là có lẽ chính vì thiếu mất người từ một dòng họ khác chen vào tộc họ này mà kết quả là tòa nhà được truyền từ đời cha xuống đời con với cái tên khác thường, không rõ ràng là “Tòa nhà Usher” – một cái tên mà trong ttư duy của những gia nhân làm việc cho dòng họ ấy ám chỉ cả tòa nhà và người ở đấy.
     Tôi vừa nói rằng ảnh hưởng duy nhất của thí nghiệm có tính trẻ con của tôi –tức là việc nhìn xuống  mặt hồ nước--khiến ấn tượng có một không hai ban đầu càng mạnh mẽ sâu đậm thêm.  Chắc chắn khi biết mình nhanh chóng trở thành đồng bóng dị đoan –sao tôi lại không nên gọi cái tính đó như thế nhỉ? –điều ấy càng khiến tôi thêm đồng bóng dị đoan hơn nữa.  Lâu rồi tôi đã thấy đó là quy luật nghịch lý về tất cả các cảm xúc có cơ sở rùng rợn kinh dị.  Và có lẽ cũng chỉ vì lý do này, khi tôi ngước mắt lên nhìn lại ngôi nhà, sau khi đã thấy bóng của nó in xuống mặt hồ, đầu tôi lại tưởng tượng ra một điều kỳ lạ –một sự tưởng tượng khôi hài đến nỗi tôi chỉ muốn nói đến nó để cho thấy những xúc cảm dằn vặt tôi quả thật có tác động mạnh.  Trí óc tôi đã tưởng tượng nhiều đến độ khiến tôi phải thật sự tin rằng toàn bộ tòa nhà và vùng quanh nó được bao phủ bởi một làn khí, thứ khí không đến từ trên trời, mà tỏa ra từ cây cối mục rửa, từ bức tường xám và hồ nước lặng câm; một làn ám khí kỳ bí, u ám, nặng như chì, mờ ảo, khiến ta dã dượi. 
Xua đuổi khỏi tâm tư cái chỉ có nằm mơ mới thấy, tôi chú mục nhìn vào diện mạo thực sự của tòa nhà.  Có lẽ nét chính của tòa nhà là nó quá sức cổ xưa.  Màu sắc theo thời gian đã phai nhòa đáng kể.  Rêu phong phủ đầy bên ngoài, buông thòng xuống chỗ mái nhà giáp vách tường giống như mạng nhện chằng chịt.  Dù vậy rêu phong chỉ là phần thêm vào ngoài việc ngôi nhà đang xuống cấp cực độ.  Tòa nhà không hề bị tróc hồ gì cả; các phần của tỏa nhà vẫn thích nghi được một cách hoàn hảo  với tình trạng mục rửa của từng viên gạch khiến nó có vẻ không nhất quán kỳ đặc.  Điều này làm tôi nhớ đến hình ảnh tòan bộ công trình bằng gỗ xưa quý giá đã bị mục nát qua bao năm dài trong các nhà mồ bỏ hoang mà làn khí bên ngoài không bao giờ lay động được.  Dù vậy ngoài dấu hiệu bị mục nát quá đỗi này, nhìn chung tỏa nhà vẫn không có vẻ gì là không chắc chắn.  Quan sát thật kỹ, ta có thể khám phá ra một vết rạn nứt rất khó thấy, hình dạng như tia chớp, xẹt qua xẹt lại ngay trước mặt tiền tòa nhà, chạy từ mái nhà xuống tận vách tường, cho đến khi mất hút trong nước hồ tăm tối thâm u


(̣Còn tiếp)