Those who are attached to the five skandas/skandhas (forms/rupa, feelings/vedana, perceptions/samjna, mental activities/sankhara, and consciousness/vijnana) are also attached to sufferings.
Buddha
Always observe and examine the impermanence of your own body, feelings, perceptions, thoughts, and consciousness.
Impermanence=Anatta=Dependent Origination=Suffering
QUÁN VÔ THƯỜNG
Thích Nguyên Hùng
Giáo lý vô thường trong đạo Phật không phải là một lý thuyết,
luận thuyết. Nó là một sự thật. Và sự thật này đòi hỏi chúng ta phải thực tập, quán
chiếu để thể nhập, chứng ngộ.
Kinh điển Phật giáo thường dùng
những hình ảnh như ánh chớp, sương mai, bọt nước… để nói lên đặc tính vô thường,
ngay nơi sinh liền diệt của vạn vật. Kinh Kim cang nói tất cả pháp
hữu vi “như mộng, như huyễn, như bong bóng nước, như sương mai, như tia lửa lóe
lên giữa bầu trời”. Kinh Lăng-già cho rằng các pháp hữu vi
“không thật, mau như điện chớp, thế nên nói là như huyễn”. Sự thật là vậy nhưng
không phải ai cũng thấy và chấp nhận, đó là nguyên nhân của khổ đau, hệ lụy. Do
đó chúng ta phải thực tập để thể nhập, chứng ngộ sự thật này.
Trước hết là thực tập quán chiếu thân
thể là vô thường. Ta từ khi cha mẹ sinh ra (sinh), rồi lớn lên, trưởng thành
(trụ), thời gian sau bắt đầu già nua, bệnh tật (dị) và cuối cùng phải chết (diệt).
Quá trình sinh, trụ, dị, diệt ấy là vô thường, diễn ra trong từng giây phút. Chúng
ta lớn lên từng ngày cũng có nghĩa là chúng ta đã chết đi từng ngày, tức là chúng
ta đang vô thường, thay đổi. Ta hôm nay đã không phải là ta hôm qua. Phật học
gọi sự thay đổi này là không phải một, không phải khác (phi nhất phi dị). Cũng
như khi nhìn xuống dòng sông, ta thấy dòng sông không có gì thay đổi, vẫn là
dòng sông ấy, đó là không phải khác. Nhưng nếu quán chiếu, ta thấy tất cả lượng
nước trong dòng sông giây phút trước đã không còn nữa, mà đã thay vào đó lượng
nước khác rồi, dòng sông khác rồi, đó là không phải một. Thân thể ta cũng vậy.
Chúng ta quán chiếu thân thể như thế
không phải để thấy cái thân thể này vô thường, không bền chắc rồi mình bỏ bê
hay hủy hoại nó. Hiểu như vậy là hiểu sai về giáo lý vô thường. Cho thân này
thường còn là một tà kiến, mà chấp thân này đoạn diệt cũng là tà kiến. Đức Phật
dạy chúng ta hãy quán chiếu thân thể là vô thường, nó rất dễ mất, để chúng ta
đừng chấp thủ, đừng luyến ái mà khổ đau. Ngược lại, chúng ta phải sử dụng tấm
thân mong manh khó được này vào mục đích tìm cầu giải thoát, cũng đừng vì tấm
thân tạm bợ này mà tạo nghiệp bất thiện, gây khổ đau lâu dài về sau. Chúng ta
phải sử dụng cái thân này như sử dụng một chiếc thuyền, gọi là thuyền pháp thân,
để bơi qua dòng sông sinh tử, bằng những việc làm có ý nghĩa, lợi mình, lợi
người, đưa đến an lạc, hạnh phúc.
Quán tâm vô thường cũng như vậy. Phật
học, xuất phát từ quan điểm giá trị nhân sinh của tôn giáo, nhận thức năm uẩn
(sắc, thọ, tưởng, hành, thức), các hành vô thường là khổ. Kinh Tạp
A-hàm, số 437 ghi: “Vì tất cả các hành là pháp biến dịch, nên Ta nói hễ có
sở thọ thì đều là khổ”.
Sở thọ tức là các cảm thọ, cảm giác
của chúng ta. Tựu trung thì có ba: cảm thọ khổ, cảm thọ vui, và cảm thọ trung
tính (không khổ không vui). Tất cả các cảm thọ ấy đều vô thường, luôn luôn thay
đổi. Rõ ràng không ai vui hoài mà cũng chẳng ai khổ mãi. Cuộc sống của chúng ta
là một chuỗi dài tiếp nối những niềm vui và nỗi buồn, đan xen giữa khổ đau và hạnh
phúc. Tất cả đều lặng lẽ trôi qua. Tâm niệm chúng ta luôn luôn thay đổi, trong
từng sát-na sinh diệt.
Qua lời Phật dạy, chúng ta thấy
chẳng những các khổ thọ mới là khổ, mà ngay cả lạc thọ cũng đều vô thường nên
cũng là khổ. “Các thọ đều là khổ”. Thế nhưng, lời dạy này của Đức Phật dễ gây ngộ
nhận khi suy nghĩ một chiều. Bởi vì, khổ hay không còn tùy thuộc vào nhận thức
của con người. Sự thật các pháp là vô thường mà cho rằng thường hằng, không
thay đổi, đó là nguyên nhân của khổ đau. Sự vật luôn thay đổi mà chúng ta tưởng
là thường tại, chúng ta muốn chúng không thay đổi, như muốn trẻ mãi không già…
Chính nhận thức và ước muốn sai lạc này làm phát sinh đau khổ. Ta đau khổ không
phải vì mọi chỗ mọi vật vô thường biến đổi, băng hoại mà ta khổ não chính vì chủ
quan tham đắm những thứ mình ham thích không ở với mình.
Hoàn cảnh chúng ta sống cũng vô
thường. Hoàn cảnh ở đây là chỉ cho tất cả mọi sự vật hiện tượng, từ sơn hà đại
địa cho đến cành cây ngọn cỏ xung quanh ta, tất cả đều vô thường, biến đổi. Có
người nhìn thấy ngọn núi nơi quê mình sinh ra, trải qua mấy mươi năm, vẫn luôn sừng
sững nên không tin rằng ngọn núi vô thường. Thực ra tất cả đang thay đổi, có
điều quá trình thành, trụ, hoại, diệt của mỗi sự vật hiện tượng xảy ra trong
khoảng thời gian dài hay ngắn mà thôi. Dù dài hay ngắn, tất cả đều biến đổi
trong từng sát-na.
Vì sự vật biến chuyển không ngừng
cho nên sự vật không duy trì được tính cách đồng nhất tuyệt đối của nó. Vô
thường vì vậy là một tên khác của vô ngã. Đứng về mặt thời gian, sự vật là vô
thường, đứng về mặt không gian, sự vật là vô ngã. Vô thường cũng có nghĩa là vô
tướng (còn gọi là Không) vì thực tại của vạn hữu thoát ra ngoài mọi khái niệm
và ngôn từ. Vô thường cũng là Duyên khởi, vạn vật do nhân duyên nương vào nhau
mà sinh khởi và tồn tại. Kinh Tạp A-hàm ghi: “Sắc là vô thường.
Nhân và duyên sinh ra các sắc cũng vô thường. Vậy, các sắc được sinh từ nhân và
duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?”. Hơn nữa, “Sắc không phải là
ngã. Nếu sắc là ngã, không nên ở nơi sắc mà bệnh, khổ sinh và cũng không thể có
ước muốn khiến như vậy hay không như vậy đối với sắc. Vì sắc là vô ngã cho nên
ở nơi sắc có bệnh, khổ sinh và nó cũng có ước muốn khiến như vậy, hay không như
vậy đối với sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy”.
Hiểu thấu vô thường là có trí tuệ
biết tới chỗ cốt lõi bên trong của vạn hữu, gọi là vô ngã trí. Nói vô ngã là
nói về không gian của một hiện tượng, nói vô thường là nói về thời gian của một
hiện tượng. Hiểu thấu tính vô thường biến động trong vạn vật thì ta hết u mê bám
víu. Ta đạt được đức Thường của Niết-bàn (Thường, Lạc, Ngã, Tịnh) thì ta có phân
biệt tốt xấu ngon dở nhưng không bị dính mắc vào cảm giác, vì ta có trí tuệ
biết rằng nó là vô thường biến đổi, không nắm giữ bởi thói quen một chiều tham
đắm, đòi hỏi.
Quán chiếu về thực tướng vô thường
của cuộc đời để nhận thức được rằng tất cả mọi sự vật đều có ngày phải tàn
hoại, tan rã. Do đó giúp cho ta biết quý trọng từng giờ phút của sự sống, biết
sống trong tỉnh thức, chính niệm.
Như đã nói, nguyên nhân của khổ là
sự vật vô thường mà chúng ta tưởng là thường. Trong kinh Đại bảo tích có
kể câu chuyện con chó bị ném cục đá, nó chạy theo cục đá mà sủa, vì tưởng cục
đá là nguyên do làm nó đau. Con chó đâu biết rằng nguyên nhân làm nó đau là
người ném cục đá. Cũng vậy, vô thường không gây ra khổ, mà chính vì nhận thức sai
lầm cho những gì vô thường là thường tại cho nên ta khổ.
Quán vô thường là một việc làm vô
cùng quan trọng. Bởi vì, thứ nhất, nó cho chúng ta biết những gì đang có trong
giờ phút hiện tại là vô cùng quý giá và đẹp đẽ, chúng ta phải trân trọng, giữ
gìn cho ta và cho những người xung quanh ta. Thứ hai, khi thấy tình trạng hiện
tại không được như ý thì chúng ta cũng không chán nản. Sự vật vô thường, nên
cho ta niềm tin mọi việc đều có thể thay đổi. Nếu chúng ta biết cách chuyển hóa
thì ngày mai tình trạng sẽ thay đổi. Một em học sinh ngang ngạnh, ta tin rằng
có thể giáo dục em trở thành người tốt. Nhưng một em học sinh ngoan, nếu không thường
xuyên chăm sóc, giữ gìn thì cái dễ thương của em sẽ mất. Đó là bài học vô cùng giá
trị từ vô thường.
Thực tập quán vô thường, có thể giúp
ta vài điểm như sau:
- Thấy rõ vô thường, chúng ta ý thức
được cái gì đang có trong giây phút hiện tại là quý giá, nên trân trọng chăm
sóc, vun tưới, nuôi dưỡng.
- Khi thấy tình trạng hiện tại không
được như ý thì ta cũng không chán nản. Tất cả đều vô thường, nếu ta biết cách chuyển
hóa thì ngày mai tình trạng sẽ thay đổi.
- Thấy vô thường của vạn vật, chúng
ta có thể dứt trừ tham ái, giữ tâm bình thản trước hoàn cảnh đổi thay bất ngờ.
Có được sự an tịnh trong tâm, không đi tìm những dục lạc tạm bợ và đi tìm hạnh
phúc chân thật, thường còn.
- Quán chiếu về tính vô thường của vạn
vật có công năng trừ diệt si mê. Ta không chán ghét mọi vật mà tiếp xử với vạn
vật bằng tuệ giác, nghĩa là không tham đắm và vướng mắc.
Kinh Tạp A-hàm nói:
Đối với sắc (thọ, tưởng, hành, thức) không biết, không rõ, không đoạn tận,
không ly dục, tâm không giải thoát, thì không thể đoạn trừ khổ não, không vượt
qua khỏi sự sợ hãi về sinh, già, bệnh, chết. Do đó, Đức Phật khuyên các Tỳ-kheo
phải luôn quán chiếu để thể ngộ năm uẩn là vô thường: “Các ông hãy quán sát sắc
(thọ, tưởng, hành, thức) là vô thường”. Quán sát như vậy được gọi là quán sát chân
chính. Hiểu biết như vậy được gọi là biểu biết chân chính. Khi đã quán sát và hiểu
biết chân chính thì sẽ sinh ra nhàm tởm. Khi đã nhàm tởm thì dứt sạch tham muốn
và ưa thích. Sự dứt sạch hỷ tham được gọi là tâm giải thoát.
Đức Phật khẳng định: “Ai đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà yêu thích, thì đối với khổ cũng yêu thích”. Một khi
sống trong khổ đau mà cảm thấy yêu thích thì còn mong gì sự giải thoát? Thái độ
vui thích trong khổ đau đó gọi là vô minh: “Vô minh là không biết, không biết
tức là vô minh. Không biết những gì? Sắc là vô thường, mà không biết như thật
sắc là vô thường”. Ngược lại là trí hay minh. Chỉ có người trí mới mong giải
thoát khỏi khổ đau: “Ai không yêu thích sắc (thọ, tưởng, hành, thức), thì sẽ
không thích khổ. Ai không yêu thích khổ, thì đối với khổ sẽ được giải
thoát” (KinhTạp A-hàm).
Thích Nguyên Hùng