Ms. Frizzle in "The Magic School Bus"
Nhìn lại di sản nhiệm kỳ tổng thống Obama
Anthony Zurcher Phóng viên Bắc Mỹ
- 8 tháng 1 2017
Đã gần đến lúc khép lại trang cuối
cùng của 8 năm tại vị ở Nhà Trắng của ông Barack Obama. Trước khi ông chuyển
đến chỗ ở mới ở khu dân cư Kalorama giàu có của thủ đô Washington, hãy cùng
nhìn lại những gì mà ông đã cố gắng thực hiện - và thành quả của các nỗ lực đó.
Mặc dù có các mức điểm cho mỗi phần,
những đánh giá này không phản ánh sự khôn ngoan trong những hành động, mà là
nhận xét về kết quả ông Obama đạt được trong việc triển khai chương trình nghị
sự của mình trong suốt hai nhiệm kỳ Tổng thống.
Khi một người theo khuynh hướng cấp
tiến đánh giá cao các chính sách môi trường của Obama, một cử tri bảo thủ nhiều
khả năng sẽ phản ứng theo cách ngược lại. Bất chấp điều đó, có một sự thật
không thể chối cãi là ông đã đạt được khá nhiều thành tựu trong 8 năm nắm
quyền.
Một số thành quả của ông Obama, hoặc
vì không rõ rệt hoặc không phải là một kết quả trực tiếp sẽ không được xét đến.
Mặc dù Nhà Trắng đã được phủ bảy sắc
cầu vồng vào đêm mà hôn nhân đồng giới được công nhận là hợp pháp trên toàn
lãnh thổ Hoa Kỳ, nó đến từ một phán quyết của Tòa án Tối cao chứ không phải từ
một quyết định của Tổng thống. Và trong khi ông Obama thường xuyên có những bài
diễn thuyết lay động lòng người về vấn đề quan hệ sắc tộc, đặc biệt là sau vụ
xả súng ở một nhà thờ cho người da đen ở bang South Carolina, không có nhiều
những chính sách đi kèm các phát ngôn.
Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều thứ để
đánh giá về ông Obama. Chúng ta sẽ lướt qua tám mảng chính - cùng với những
nhận định về khả năng của Tổng thống tương lai Trump trong việc xóa bỏ những
thành tựu mà ông Obama đã đạt được.
Hệ
thống y tế
Cải cách toàn diện hệ thống chăm sóc
sức khỏe là một chiếc chén thánh mà Đảng Dân chủ đã săn đuổi trong nhiều thập
niên, dường như luôn chỉ cách họ một bước chân. Dưới thời ông Obama, cuối cùng
họ đã đạt được nó.
Mặc dù vậy, do một trở ngại phút
chót ở Thượng viện trước khi được thông qua lần chót, đạo luật đồ sộ này đã trở
thành một chiếc bánh nướng dở, khiến cho việc thực thi chúng gặp nhiều khó
khăn. Trang web hỗ trợ cho việc mua bán các gói bảo hiểm y tế của chính phủ
liên bang, hầu như không hoạt động trong nhiều tháng kể từ ngày ra mắt, là một
sai lầm chính trị nghiêm trọng và vô cùng rõ ràng.
Trước sự ngạc nhiên của các đảng
viên Dân chủ, chính quyền nhiều bang nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa
đã quyết định không mở rộng diện hỗ trợ của chương trình bảo hiểm y tế Medicaid
đến cho người nghèo. Gần đây hơn, giá các gói bảo hiểm trên thị trường đã tăng
lên đáng kể ở một vài bang - và sẽ tác động tiêu cực lên những người Mỹ có thu
nhập thấp sống dựa vào trợ cấp chính phủ.
Tuy vậy phần lớn bộ luật vẫn có kết
quả như dự định. Tỷ lệ người Mỹ không có bảo hiểm y tế đã tụt từ 15.7% năm 2011
xuống 9.1% năm 2015. Hơn 8.8 triệu người Mỹ đã đăng ký các gói bảo hiểm qua hệ
thống quản lý bởi chính phủ liên bang trong cùng kỳ - một con số cao kỷ lục.
Các công ty không còn có thể từ chối bán bảo hiểm cho các cá nhân đang mang
bệnh, và không có giới hạn cho các khoản chi bảo hiểm.
Mặc dù có những khiếm khuyết, việc
thông qua Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Affordable Care Act), theo
lời Phó Tổng thống Joe Biden, là một sự kiện lớn.
Chấm điểm Tổng thống: B+
Khả năng của Trump: Đảng Cộng hòa đã tìm cách bác bỏ đạo luật nói trên kể từ
thời điểm nó được ông Obama phê duyệt. Ông Trump thì thường xuyên phê phán nó
như một thất bại. Và ngay lúc này, Đảng Cộng hòa đang bắt đầu chuẩn bị để xóa
bỏ các cải cách này "từ gốc đến ngọn", theo lời Thủ lĩnh phe Đa số
Thượng viện - ông Mitch McConnell.
Mặc dù chỉ nắm đa số mong manh ở
Thượng viện, Đảng Cộng hòa vẫn có thể đạt được mục tiêu này nhờ vào quyền hạn
của Tổng thống và các thủ thuật lập pháp.
Nhưng việc tạo ra một kế hoạch thay
thế sẽ khó khăn hơn nhiều. Hiện tại, dường như Đảng Cộng hòa đã quyết định loại
bỏ bộ luật trước cả khi xác định rõ ràng hậu quả, nhưng ông Trump đã nhắc nhở
các đồng sự tại Quốc hội rằng đây là một công việc mà họ nên tiến hành thận
trọng.
Môi
trường
Chính quyền của ông Obama đã đóng
góp vào thành công của hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, trong đó Hoa
Kỳ cùng với 185 quốc gia khác cam kết cắt giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.
Họ cũng đưa ra rất nhiều quy định nhằm quản lý ô nhiễm đến từ các nhà máy nhiệt
điện than và hạn chế khai thác than cũng như dầu và khí trên các vùng đất thuộc
quyền sở hữu của chính quyền liên bang và các vùng biển gần bờ. Ông Obama cũng
đã đưa gần 222 triệu hecta đất vào các khu bảo tồn - nhiều hơn bất kỳ tổng
thống tiền nhiệm nào.
Nhưng tám năm vừa qua không phải không
chứng kiến những cơ hội bị bỏ lỡ. Đầu nhiệm kỳ của mình, khi Đảng Dân chủ đang
nắm đa số lớn ở Quốc hội, Hạ viện đã thông qua một dự luật đặt ra giới hạn
lượng khí CO2 mà các công ty có thể thải ra (và cho phép mua bán giới hạn này
giữa các công ty với nhau) để hạn chế lượng khí gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng
lúc đó Thượng viện lại đặt trọng tâm vào cải cách hệ thống y tế và tài chính,
và rồi Đảng Dân chủ đã mất đa số trước khi dự luật được thông qua.
Đó có thể là cơ hội tốt nhất mà Đảng
Dân chủ có được trong việc thông qua một đạo luật môi trường toàn diện trong
nhiều năm.
Chấm điểm Tổng thống: A-
Khả năng của Trump: Đóng góp của Hoa Kỳ vào Hiệp định Paris vẫn còn khá mơ hồ,
khi mà Tổng thống đắc cử Trump đã hứa sẽ rút khỏi bản Hiệp định. Mặc dù việc
quá trình rút lui được dự kiến sẽ kéo dài đến bốn năm, có tin rằng đội ngũ của
Trump đang tìm cách tăng tốc tiến trình này.
Trong khi đó, những thành tựu khác
của Tổng thống Obama sẽ khó bị đảo ngược hơn. Những thay đổi trong các quy định
về môi trường sẽ phải trải qua một quy trình phê duyệt kéo dài và chắc chắn sẽ
dính vào rất nhiều vụ kiện từ các nhóm vận động bảo vệ môi trường. Quốc hội có
thể can thiệp để tăng tốc quy trình, nhưng Đảng Dân chủ có đủ số ghế ở Thượng
viện để ngăn chặn điều này nếu họ đồng tâm hiệp lực.
Thương
mại
Tổng thống Obama đã đưa việc hoàn
thiện hai bản hiệp định thương mại - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương
(TPP) và Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) - trở thành
nền tảng cho toàn bộ nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Nhưng TPP đã bị vứt vào sọt rác
trước cả khi được Quốc hội Mỹ để mắt tới, bởi sự chống đối của một liên minh
giữa phe cực tả của Đảng Dân chủ và những người theo chủ nghĩa dân tộc về kinh
tế đang ngày càng có quyền lực nhờ sự nổi lên của Trump.
TTIP, vẫn còn đang trong giai đoạn
đàm phán và sẽ làm giảm các rào cản thương mại giữa Mỹ và EU, đang bị làm ngơ
bởi các chính khách ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Chính quyền Obama đã thành công
trong việc ký hiệp định thương mại tự do với Panama, Colombia và Hàn Quốc,
nhưng những thành công đó là quá nhỏ bé so với quy mô và tầm vóc của những thất
bại mang tính khu vực kia.
Chấm điểm Tổng thống: D-
Khả năng của Trump: Ông Trump có thể và sẽ kết liễu bất cứ hy vọng nào Tổng
thống Obama có trong việc để lại một di sản lâu dài về thương mại thông qua TPP
và TTIP. Hơn thế nữa, Tổng thống mới còn sẵn sàng lật lại di sản của các đời
Tổng thống trước, khi ông đã hứa sẽ tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự Do Bắc
Mỹ (NAFTA) - được hoàn thiện dưới thời Tổng thống Bill Clinton - hoặc thậm chí
rút lui hoàn toàn khỏi hiệp định này.
Lời hứa của Trump về việc áp đặt các
mức thuế nhập khẩu hà khắc với một số hàng hóa ngoại nhập cũng sẽ đi ngược lại
các cam kết của Hoa Kỳ với Tổ chức Thương mại Thế giới, có thể gây xói mòn nền
móng của định chế thương mại toàn cầu này.
Nền
kinh tế
Khi ông Obama nhậm chức, kinh tế Mỹ
đang rơi tự do. Tỷ lệ thất nghiệp đã vọt lên mức hai con số, giá nhà ở rớt thảm
hại còn ngành tài chính thì đang bên bờ vực sụp đổ.
Tám năm sau, bức tranh kinh tế mang
màu sắc ổn định và tăng trưởng vừa phải, mặc dù người chỉ trích sẽ nói rằng mọi
thứ có thể tốt đẹp hơn (và những cử tri thuộc nhóm công nhân bỏ phiếu cho Trump
từ các bang thiên về công nghiệp dường như đồng ý với điều này).
Về mặt chính sách, ông Obama đã sớm
đưa ra một gói kích cầu lớn và một đạo luật cải cách tài chính trong nhiệm kỳ
đầu tiên của mình. Chính quyền của ông đã giám sát một chương trình hỗ trợ đã
cứu General Motors khỏi một cuộc phá sản có thể đã tàn phá nền công nghiệp ô tô
Mỹ.
Chương trình Tái cho vay Hợp túi
tiền cho Nhà ở, được tiến hành bởi Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang, đã giúp
hàng triệu người mua nhà ở Mỹ tránh khỏi cảnh bị tịch thu nhà và giảm bớt gánh
nặng từ các khoản vay mua nhà lãi suất cao.
Tổng thống đã thương lượng được một
thỏa thuận giúp xóa bỏ rất nhiều khoản miễn giảm thuế dưới thời Tổng thống
George W Bush để đổi lấy việc ngừng tăng chi tiêu trong ngân sách liên bang.
Ông cũng thường xuyên kêu gọi tăng mức lương tối thiểu trên toàn quốc, nhưng
không nhận được bất cứ sự ủng hộ nào từ phía Quốc hội nằm trong tay Đảng Cộng
hòa.
Mặc dù thị trường chứng khoán đang
đạt đến những đỉnh mới, thu nhập bình quân hộ gia đình vào năm 2015 vẫn còn
thấp hơn mức năm 2007. Tuy thế, nếu xét đến hoàn cảnh mà ông Obama bắt đầu
nhiệm kỳ Tổng thống của mình, thì có lẽ tình trạng của nền kinh tế hiện lại là
di sản lớn nhất của ông.
Chấm điểm Tổng thống: A
Khả năng của Trump: Đảng Cộng hòa cắt giảm thuế khi nắm quyền là điều hiển
nhiên như mặt trời mọc đằng Đông vậy. Các cải cách về thuế, nhiều khả năng bao
gồm việc quay trở lại mức thuế dưới thời Tổng thống Bush cùng với nhiều thay
đổi quan trọng khác, có vẻ như chắc chắn sẽ được thông qua. Đạo luật cải cách
tài chính của ông Obama cũng dễ bị làm yếu đi bởi chúng là đối tượng thường
được ông Trump nhắm tới trong khi phàn nàn về các quy định của luật.
Mặc dù phe bảo thủ thích chỉ trích
các nỗ lực của ông Obama trong việc giúp đỡ các công ty Mỹ là "chọn ra
người thắng và kẻ thua", các bằng chứng ban đầu (Carrier, Ford Motors,
v.v.) cho thấy đó là một truyền thống mà ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục,
mặc dù có thể với điều kiện ngặt nghèo với những công ty không làm ông vừa ý.
Quan
hệ quốc tế
Ông Obama sẽ rời Nhà Trắng với hai
thành tựu nổi bật trong lĩnh vực ngoại giao - hiệp định hạt nhân với Iran và
bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba. Bất kể ý kiến của bạn về tính đúng
đắn của những thành tựu đó (và nhiều người cũng có ý nghĩ như vậy), chúng là
đại diện cho sự ấm lên đáng kể trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và hai quốc gia từng
là đối thủ trong thời gian dài.
Ông Obama cũng hoàn thành một lời
hứa chủ chốt trong giai đoạn vận động tranh cử của mình khi rút quân lực Mỹ
khỏi Iraq và Afghanistan.
Tuy vậy, ở những chỗ khác, chính
sách ngoại giao của Tổng thống sắp mãn nhiệm đã tạo ra nhiều mối quan hệ bị rạn
nứt và nhiều vấn đề tiềm ẩn. Việc "tái khởi động" quan hệ Mỹ - Nga,
được lên kế hoạch từ khi ông mới nhậm chức, được đáp trả bằng hành động can
thiệp của Nga vào Ukraine và các cáo buộc gây rối trong cuộc bầu cử Tổng thống
Mỹ năm 2016.
Cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập bắt
đầu vào năm 2010 đã lan ra khắp khu vực Trung Đông, với đỉnh điểm là cuộc nội
chiến ở Syria đã tạo nền móng cho sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS
và một cuộc khủng hoảng tỵ nạn ghê gớm làm chấn động chính trị châu Âu.
Bắc Triều Tiên vẫn đang tiếp tục
phát triển chương trình hạt nhân của họ mà không sợ hãi gì, và những kế hoạch
"xoay trục về châu Á" của ông Obama cũng không làm được mấy trong
việc ngăn cản tham vọng khu vực của Trung Quốc.
Tất nhiên trách nhiệm cho những bất
ổn toàn cầu này không thể bị quy hết cho ông Obama, nhưng dù sao chúng vẫn để
lại một dấu ấn vĩnh viễn trên bảng thành tích của ông.
Chấm điểm Tổng thống: C+
Khả năng của Trump: Ông Trump đã chỉ trích hiệp định hạt nhân với Iran, mặc dù
khác với một số đảng viên Cộng hòa, ông hãy còn chưa thề sẽ từ bỏ nó hoàn toàn.
Nhưng ông sẽ sớm nhận ra rằng tái đàm phán hiệp định đa phương này khó khăn hơn
nhiều so với những gì ông vẫn nghĩ. Với Cuba, ông có thể dựa vào quyền hạn của
Tổng thống để lật lại toàn bộ những ưu đãi ngoại giao mà ông Obama đã dành cho
với quốc đảo cộng sản này, bao gồm giảm bớt lệnh cấm vận và hạn chế đi lại -
mặc dù ông Trump vẫn xác nhận quan điểm của mình về vấn đề này.
Tổng thống đắc cử có vẻ cũng sẽ
thích có một mối quan hệ gần gũi hơn với Israel và một nỗ lực mới trong việc
cải thiện quan hệ với Nga (tái tái khởi động). Ở Syria, ông đã chỉ trích các
hành động của Tổng thống Obama nhưng chưa đưa ra được một chính sách thay thế
nhất quán, nên vẫn không rõ bằng cách nào - hay liệu - ông có thay đổi lộ trình
ở đây không.
Tuy vậy thì một điều vẫn là chắc
chắn. Ít nhất về mặt phát ngôn thì chính quyền của Trump sẽ để lại một dấu ấn
khác hẳn so với chính sách ngoại giao theo xu thế quốc tế hóa của ông Obama,
vốn dựa nhiều vào hợp tác và phối hợp với các đồng minh.
Tội
phạm
Xu hướng dài hạn về giảm tỷ lệ phạm
tội tiếp tục diễn ra trong 8 năm qua, mặc dù một vài thành phố lớn đã chứng
kiến một sự tăng nhẹ trở lại trong tỷ lệ các vụ giết người. Trong khi an ninh
công cộng là một vấn đề trong chương trình tranh cử năm 2016, phần lớn các nỗ
lực của Tổng thống Obama hướng đến việc cải tổ hệ thống tư pháp hình sự
Năm 2010 ông đã ký một đạo luật giảm
thời hạn tù tối thiểu cho tội sở hữu ma túy đá - thường là người da đen - gần
với hình phạt cho tội sở hữu ma túy dạng bột hơn.
Vào tháng 1 năm 2016, ông Obama đã
tiến hành một loạt biện pháp hành pháp để giới hạn việc áp dụng hình phạt biệt
giam trong các nhà tù liên bang và cung cấp nhiều hỗ trợ y tế hơn cho các tù
nhân có vấn đề tâm thần. Ông cũng sử dụng quyền hạn của Tổng thống để giảm án
cho hơn 1000 tù nhân ma túy không kèm các hành vi bạo lực khác và ủng hộ một
chính sách của Bộ Tư pháp đã mang lại việc thả trước hạn 6000 tù nhân.
Mặc dù ông Obama đã ủng hộ dự luật
lưỡng đảng về cải cách việc tuyên án ở Quốc hội, cuộc bầu cử Tổng thống 2016 -
và những phát ngôn thể hiện quan điểm cứng rắn với tội phạm của ông Trump -
được cho rằng đã làm thất bại những nỗ lực đó.
Kiểm soát súng không phải là mối
quan tâm hàng đầu của ông Obama khi mới nắm quyền, nhưng trong những tháng đầu
của nhiệm kỳ thứ hai của ông - sau vụ xả súng vào trường học ở Newtown,
Connectincut - ông Obama đã thúc đẩy mạnh mẽ việc siết chặt giới hạn với một số
vũ khí bán tự động kiểu quân sự và việc kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng hơn với người
mua vũ khí.
Mặc dù vậy, những nỗ lực đó vấp phải
sự kháng cự từ khả năng vận động hành lang mạnh mẽ của Hiệp hội Súng trường
Quốc gia (NRA), và ngoại trừ một số hành động bằng quyền hành pháp, không có
chính sách mới nào được thực hiện. Vào năm 2015, ông Obama nói với BBC rằng
thất bại này là điều ông cảm thấy thất vọng nhất trong vai trò Tổng thống.
Chấm điểm Tổng thống: B-
Khả năng của Trump: Với việc ông Trump thường xuyên vẽ ra một bức tranh u ám về
tỷ lệ tội phạm ở Mỹ, ca thán rằng lực lượng bảo vệ pháp luật bị hạn chế quá
nhiều bởi "tính đúng đắn về mặt chính trị" và đưa ra ý kiến rằng nếu
tù nhân hiện được đối xử quá tốt, có thể mạnh dạn khẳng định rằng ông sẽ theo
đuổi một đường hướng khác hẳn trong lĩnh vực an ninh công cộng so với ông
Obama.
Dự luật cải cách việc tuyên án - bị
treo suốt năm vừa qua - sẽ nằm rất thấp trong thang ưu tiên của Quốc hội hiện
tại với đa số Cộng hòa, và những biện pháp hành pháp của ông Obama để hạn chế
sở hữu súng nhiều khả năng sẽ bị loại bỏ.
Nhập
cư
Ngay sau khi ông Obama đắc cử nhiệm
kỳ hai vào năm 2012, đã có lúc tưởng như việc cải cách toàn diện hệ thống nhập
cư dường như là điều hiển nhiên.
Tổng thống và các cộng sự trong Đảng
Dân chủ ủng hộ, và nhiều đảng viên Cộng hòa bị đe dọa thấy việc cấp quyền cư
trú vĩnh viễn cho một số lao động nhập cư không khai báo và sắp xếp lại hệ
thống nhập cư Mỹ là các biện pháp cần thiết để giành được cảm tình của số cử
tri Mỹ Latin đang ngày một nhiều thêm.
Một cuộc nổi loạn từ dưới lên trong
Đảng Cộng hòa đã làm chệch hướng các kế hoạch đó, buộc ông Obama phải vận dụng
một loạt các biện pháp hành pháp để cấp quyền lưu trú cho những người nhập cư
vào Mỹ không khai báo khi còn là trẻ em và gia đình nhập cư của các công dân Mỹ
và người được cư trú vĩnh viễn. (Chính sách sau cùng sau đó đã bị ngưng lại
trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài về tính hợp hiến của nó.)
Trong khi các nỗ lực đó nhận được
nhiều lời khen từ các nhóm vận động ủng hộ người nhập cư và các nhóm Mỹ Latin,
chính sách tăng cường trục xuất đối với những người nhập cư không khai báo khác
của của chính quyền Obama đã khiến một số người đặt biệt danh cho ông là
"Tổng tư lệnh trục xuất"
Từ năm 2009 đến 2015, chính quyền
Obama đã trục xuất hơn 2,5 triệu người - phần lớn trong số đó bị cáo buộc phạm
tội hình sự hoặc là những người mới đến.
Chấm điểm Tổng thống: B
Khả năng của Trump: Ông Trump rất có khả năng sẽ ngưng chống lại vụ kiện nhằm
vào biện pháp hành pháp của ông Obama. Ông cũng có thể đơn phương trục xuất
những người nhập cư đã được cấp phép lưu trú dưới thời Obama, mặc dù việc đó sẽ
gây nhiều tranh cãi hơn.
Tổng thống đắc cử đã hứa sẽ trục
xuất hơn ba triệu người nhập cư không khai báo hiện đang sống trên lãnh thổ Hoa
Kỳ - bao gồm những du khách ở lại quá thời hạn visa của họ - mặc dù nếu xét đến
những gì Obama đã làm thì đó chỉ là một sự khác biệt về quy mô chứ không phải
về bản chất.
Đã có thời điểm ông Trump hứa trục
xuất tất cả những người nhập cư bất hợp pháp vào nước Mỹ - hơn 11 triệu theo
nhiều dự tính - một hành động không chỉ khác biệt so với chính sách của ông
Obama mà còn với bất cứ Tổng thống Mỹ thời hiện đại nào khác.
Sức
mạnh của Đảng
Bất kể các thành công của ông trong
thời gian làm Tổng thống, nhiệm kỳ của Obama là một giai đoạn tồi tệ với Đảng
Dân chủ.
Năm 2009, khi ông Obama nhậm chức,
Đảng Dân chủ nắm đa số lớn ở Quốc hội Mỹ và kiểm soát 29 trên 50 ghế Thống đốc.
Kể từ đó, ông đã chứng kiến sức mạnh đảng của mình suy giảm một cách đều đặn.
Hạ viện rơi vào tay Đảng Cộng hòa năm 2010; Thượng viện thì vào năm 2014. Đảng
Dân chỉ còn nắm giữ ghế Thống đốc ở 16 bang.
Tình trạng này còn trầm trọng hơn ở
bộ máy lập pháp của các bang - nơi các chính trị gia tương lai nhiều tham vọng
chứng tỏ bản thân. Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát ở 32 cơ quan lập pháp cấp
bang, trong khi Đảng Dân chủ chỉ có đa số ở 12 bang (những bang còn lại mỗi
đảng kiểm soát một viện).
Nếu đảng Dân chủ không cải thiện
tình hình ở những bang như Pennsylvania, Ohio, Michigan, Florida hay Wisconsin
vào năm 2020, những cơ quan lập pháp đó sẽ tiến hành vẽ lại địa giới của các
khu vực tranh cử cho Quốc hội, điều sẽ khiến cho việc giành lại Hạ viện trở nên
khó khăn cho Đảng Dân chủ thêm một thập niên nữa.
Khối cử tri ủng hộ ông Obama - cử
tri trẻ và cử tri thiểu số - là đủ để ông chiến thắng kỳ bầu cử Tổng thống hai
lần liền, nhưng đó là một liên minh không bền vững và không thể trông cậy trong
các cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ hay các cuộc bầu cử ở cấp thấp hơn, hoặc
thậm chí ngay như cho bà Hillary Clinton vào năm ngoái.
Mặc cho ông Obama có thể tự hào thế
nào với những thành tựu đạt được trong 8 năm cầm quyền, nếu đảng của ông không
tìm lại được chỗ đứng sau hàng loạt thất bại ở các cuộc bầu cử khác nhau, ông
sẽ chẳng còn mấy di sản đáng nói đến trong tương lai không xa.
Chấm điểm Tổng thống: F
Khả năng của Trump: Trừ khi có một sự tái sắp xếp lớn về mặt chính trị ở bang
California - pháo đài của phe cấp tiến - tình hình sẽ không thể tệ đi quá nhiều
cho Đảng Dân chủ ở mức bang. Ngược lại, ở Quốc hội ông Trump có một cơ hội
tương đối trong việc mở rộng đa số của Đảng Cộng hòa vào kỳ bầu cử năm 2018,
khi Đảng Dân chủ phải bảo vệ 10 ghế ở những bang mà ông đã thắng năm vửa rồi.
Luôn có khả năng rằng Đảng Cộng hòa
sẽ quá tay trong việc thực hiện chương trình tranh cử của mình. Một cuộc suy
thoái kinh tế hoặc một thất bại lớn trên lĩnh vực đối ngoại có thể đánh sụt tỷ
lệ ủng hộ ông Trump và mang chiến thắng đến cho cả những ứng cử viên ngựa ô của
Đảng Dân chủ.
Sự bền vững của liên minh chính trị
của ông Trump - tầng lớp lao động da trắng bất mãn, người theo đạo Tin Lành và
các khối cử tri Cộng hòa truyền thống cũng là một dấu hỏi mở. Trong khi Đảng
Cộng hòa có thể nghĩ rằng tương lai đang nằm trong tay họ, không ai có thể nói
trước di sản mà ông Trump sẽ để lại sau thời gian ở Phòng Bầu dục sẽ là gì.