Saturday, January 14, 2017

Pratice the Way -- Applications in Daily Life

Liberation implies looking upon the world as void, and eradicating any view about "self."  Those who view the world that way, and who have a no-self stance are free from Death.

The Buddha



…[Trong Kinh Pali (Sn 5.15), ] Đức Phật trả lời chàng thanh niên Mogharaja, dạy rằng hãy nhìn thế giới như là rỗng rang, bứng gốc rễ cái nhìn về “tự ngã” và đó là giải thoát.
“Mogharaja: … người tu nên nhìn thế giới như thế nào, để sẽ không bị Thần Chết nhìn thấy?
“Đức Phật: Luôn luôn tỉnh giác nhìn thế giới như là rỗng rang, Mogharaja; bứng gốc cái nhìn về tự-ngã, như thế ngươi sẽ có thể vượt qua cái chết. Nhìn thế giới như thế, người tu sẽ không bị Thần Chết nhìn thấy.”
ỨNG DỤNG TRONG ĐỜI THƯỜNG
Chúng ta có thể ứng dụng cách nào trong đời thường, trong khi các pháp này diệu dụng mãnh liệt như thế? Trong nhóm Kinh Qua Bờ Bên Kia, ngay khi nghe Đức Phật nói xong, 15 chàng thanh niên đạo sĩ  tức khắc đắc quả A La Hán, trong khi chàng thứ 16 đắc quả Bất Lai. Nếu chúng ta lập tức vô sở trụ được, hay nếu lập tức nhìn được thế giới như là rỗng rang vô tướng, là xong, sẽ không còn gì để viết, để nói, để bàn nữa.
Chúng ta đang đứng trên dòng nước lũ của sinh tử, của tham sân si… và trong thế giới phải cạnh tranh để sinh tồn, không thể nào tránh được các phiền não trong thế gian.
Trong khi chư tôn đức tăng ni phải học rất nhiều – như học về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, và thiên kinh vạn quyển – người cư sĩ chúng ta không có nhiều thì giờ, do vậy nên học những pháp ngắn gọn, có thể ứng dụng hiện tiền… sao cho đi đúng hướng và có sự an lạc tức khắc. Nghĩa là, một phút tu, là một phút an lạc. Và trong khi làm việc, giao tiếp ngoài đời… chúng ta tất sẽ gặp những hoàn cảnh bất như ý, nên tu làm sao có thể giữ tâm an trong mọi hoàn cảnh.
Mặc khác, nếu đã từng trải qua thời gian tu với các pháp, chúng ta đều có thể ứng dụng chung với nhóm kinh trong Phẩm Con Đường Đến Bờ Bên Kia.
Nếu bạn đang tu pháp chánh niệm về cái “bây giờ và ở đây,” vẫn nên giữ pháp tu đó, xem pháp tu chỉ như cây gậy đi đường, nhưng đồng thời cần tỉnh giác rằng chớ nên dính mắc vào ngay cả cái “bây giờ và ở đây”, cần vô sở trụ mới thực sự giải thoát… Đi đứng nằm ngồi đều giữ nên tâm như thế.
Nếu bạn đang tu Thiền Lâm Tế, nên ghi nhậnhoàn toàn không có gì mâu thuẫn cả, vì “vô sở trụ” là câu thứ tư trong Tứ Liệu Giản. Câu đầu, "Có khi đoạt nhân không đoạt cảnh" là khi gặp cảnh, luôn luôn phòng hộ tâm mình. Câu thứ nhì, "Có khi đoạt cảnh không đoạt nhân" là khi gặp cảnh, hãy nhìn tất cả cảnh như thế là như thế thôi (như thị tướng, như thị tánh, như thị thể...) không có tâm nào khác để phan duyên. Câu thứ ba, "Có khi nhân cảnh đều đoạt" là khi gặp cảnh, thấy tâm và cảnh đều tự đặt trong chỗ như thị lặng lẽ. Câu thứ tư, "Có khi nhân cảnh đều không đoạt" là khi gặp cảnh, hoàn toàn vô sở trụ, không có gì để nắm giữ cả, tâm và cảnh đều rỗng rang, không có gì dính mắc. Tự nghiệm hoài trong tâm, bạn sẽ thấy cả 4 câu đều ứng dụng hay vô cùng tận.
Nếu bạn đang tụng Kinh Pháp Hoa, hãy nhớ rằng Kinh Pháp Hoa hay vô cùng tận. Kinh này dạy khai thị ngộ nhập tri kiến Phật. Lục Tổ Huệ Năng dạy ngài Pháp Đạt, “…nói tri kiến Phật là ở nơi tự tâm của ngươi, chẳng phải Phật bên ngoài. Bởi vì tất cả chúng sanh tự che khuất ánh sáng của tự tánh, tham ái cảnh trần, phan duyên bên ngoài, nhiễu loạn bên trong, cam chịu trần lao hành hạ, làm nhọc Đức Thế Tôn từ chánh định ra, khổ tâm khuyên dạy bằng đủ mọi cách, khiến ngừng nghỉ các duyên, chớ nên hướng ngoại tìm cầu.” (trích Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch của HT Duy Lực, phẩm Cơ Duyên). Cũng là một nghĩa với vô sở trụ.
Nếu bạn chưa tu gì hết, hãy tìm học theo pháp Văn Tư Tu (Nghe và học, Suy nghĩ nghĩa lý, Tu tập), theo các đề tài: tin sâu nhân quả, quy y, thọ giới, tập niệm hơi thở, tập lý luận theo lý nhân duyên (tức nhiên sẽ tin rằng không có gì là tự ngã), vô thường… Khi bạn quy ythọ giới, là đã theo một vị thầy rồi, nhưng sau đó nên tìm đọc, tìm nghe từ nhiều vị thầy khác. Không nên phân biệt tông phái, hãy nhớ rằng Phật giáo Sơ thời không có chuyện tông phái, và lúc đó lời Đức Phật dạy rất ngắn gọn.
Trong xã hội, không phải nghề nào cũng hợp với chánh mạng. Khi bạn thọ giới, sẽ được vị thầy giải thích.  Nhưng dễ sanh tâm phan duyên nhất là ở nghệ thuật sân khấu, nơi nhan sắcâm thanh dễ làm lay động lòng người. Nếu bạn nhìn cảnh sân khấu trước mắt, hay đang nghe ca sĩ hát, hãy tự suy nghĩ rằng Đức Phật đã dạy là không nên sinh tâm trụ vào tất cả những gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm xúc nơi thân, và ý thức…  Suy nghĩ như thế, chính lúc đó, bạn thực sự là người vẫn còn đứng trong dòng nước lũ, nhưng đang vững chắc bước dần sang bờ bên kia.
Ngắn gọn, Đức Phật dạy rằng hãy luôn luôn tỉnh giác, hãy nhìn thế giới là rỗng rang không thực tướng, và hãy ưng vô sở trụ. Cốt tủy là như thế. Bây giờ, bạn hãy lắng nghe dịu dàng  từng hơi thở của bạn, tuổi thọ chúng ta đang ngắn dần từng hơi thở đó. Bạn hãy lắng nghe dịu dàng từng hơi thở xem, hãy cảm nhận vô thường đang ngấm vào ngay nơi hơi thở đó… Ngay khi bạn tu như thế, tức khắc là an lạc.
Source:
ĐỌC TẠNG PALI: ĐỪNG TRỤ BẤT KỲ PHÁP NÀO
Nguyên Giác

http://thuvienhoasen.org/a27063/doc-tang-pali-dung-tru-bat-ky-phap-nao