Your vision will become clear only when you look into your heart.... Who looks outside, dreams. Who looks inside, awakens. Carl Jung
Saturday, March 9, 2024
THỰC TẠI CỦA ĐỜI SỐNG
Nguyễn Thế Đăng
Con người khổ đau vì không biết và không thể sống đời sống chân thực (real life). Đời sống chân thực trong bài này được gọi là “thực tại của đời sống”.
Thực tại của đời sống là chỗ hướng đến của mọi nền văn hóa, mọi tôn giáo, dù thực tại ấy được diễn tả bằng nhiều từ ngữ, nhiều quan niệm khác nhau, tùy theo ngôn ngữ, môi trường sống, khuynh hướng của từng dân tộc.
Đạo Phật cũng có nhiều từ ngữ để diễn tả thực tại này, như “thật tướng của tất cả mọi sự”, “khuôn mặt xưa nay”, “tất cả các sự vật vốn thanh tịnh”, “pháp giới” (vũ trụ như thật)…Tất cả những pháp môn, những con đường của đạo Phật đều đưa con người đến chỗ thấy biết và sống hoàn toàn trong thực tại này.
Sau đây sẽ trích ra một số câu để hiểu thực tại của đời sống theo Thượng sĩ Huệ Trung là thế nào.
Thực tại của đời sống là vũ trụ được nhìn thấy như thật, mà Thượng sĩ gọi là “pháp giới”: Đó là “một nguyên lý xưa nay đồng”:
Mê ngộ chẳng hai
Mê đi sanh Không - sắc
Ngộ đến không sắc - Không
Sắc Không mê ngộ ấy
Một lý xưa nay đồng.
Vọng khởi ba đường khởi
Chân thông năm mắt thông
Niết bàn tâm lặng lặng
Sanh tử biển trùng trùng.
Chẳng sanh lại chẳng diệt
Không thủy cũng không chung
Chỉ mất đi nhị kiến
Pháp giới thảy bao dung.
Tạm nói đại ý: Mê thì thấy đời sống này chỉ toàn là sắc, là vật chất. Và tưởng rằng ngộ thì chỉ thấy Không, không có sắc nào, hình tướng nào cả. Nhưng ngộ thì không còn sự chia hai thực tại thành bên này là sắc, bên kia là Không. Cái “nhị kiến”, cái thấy có hai ấy, lại là nguồn cơn của sự tạo ra sanh tử. Cái thấy phân hai ban đầu ấy lại tạo ra vô số cái thấy phân hai khác, thành ra “biển sanh tử trùng trùng”.
Trong khi ấy, thực tại của đời sống là “một lý xưa nay đồng”, “chẳng sanh lại chẳng diệt, không thủy cũng không chung”, “pháp giới thảy bao dung”, không có sự phân biệt, chia cách do “vọng tưởng khởi”. Như thế, thực hành là đưa mọi vọng tưởng phân biệt về pháp giới vô phân biệt để hoàn nguyên lại pháp giới y như nó là. Người thấy biết thật tướng của đạo Phật là sống trong “pháp giới thảy bao dung”.
Thực tại tối hậu của con người, theo bài Phật tâm ca, là “Tâm, Phật, Phật tánh, bản thể như nhiên, chân tánh, pháp…”
Tâm tức Phật,
Phật tức tâm,
Diệu chỉ sáng ngời suốt cổ kim
Xuân đến, tự là hoa xuân nở
Thu về, đâu chẳng nước thu trong.
Thực tại “Tâm tức Phật, Phật tức tâm” này không phải giới hạn trong ‘tâm của tôi, tâm của anh’ hay ‘Phật ở đây và Phật ở kia’ mà mở rộng khắp tất cả thời gian, “diệu chỉ sáng ngời suốt cổ kim”. Thực tại ấy cũng mở rộng, có mặt khắp tất cả không gian, trong tất cả sự vật, “Xuân đến, tự là hoa xuân nở. Thu về, đâu chẳng nước thu trong.”
Nói cách khác, tất cả sự vật, con người, tất cả thời gian và không gian đều là sự biểu lộ thành hình tướng của thực tại “tâm tức Phật, Phật tức tâm”. Vũ trụ chia cắt, phân mảnh của người bình thường biến thành “pháp giới thảy bao dung” của bậc chứng ngộ.
“Tâm tức Phật, Phật tức tâm” là thực tại mà mỗi chúng sanh đều có (“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” - Kinh Đại Bát Niết Bàn), có điều bị che lấp và chia cắt bởi vô số phiền não và chấp bám. Một hành giả là người tìm cách thấy và hòa nhập, hợp nhất với thực tại này, dù chỉ được từng phần trong Mười Địa.
Tâm của muôn sự tức Phật tâm
Phật tâm lại cùng tâm ta hợp
Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim.
(Bài ca Phật tâm)
Tâm của tất cả các sự, từ vật không có sự sống đến các sự vật có sự sống, cho đến con người và các loài chúng sanh đều cùng chung một Phật tâm này. Phật tâm là nền tảng, là môi trường cho mọi sự vật, mọi loài xuất hiện, tùy theo nghiệp của mình. Phật tâm thấu suốt qua tất cả và hợp nhất tất cả. Dùng một thành ngữ khác, Phật tâm là pháp giới Nhất Chân.
Sở dĩ con người đi lang thang, lạc loài trong một thế giới đầy dẫy sự khác biệt nhau, dần dần chống đối lẫn nhau, bởi vì không nhận ra cội nguồn chung, nền tảng chung là Phật tâm này. Cho nên muốn giải thoát khỏi ảo ảnh, vọng tưởng tạo ra thế giới khác biệt, xung đột ấy phải thấy ra Phật tâm và dần dần hợp nhất với Phật tâm ấy.
Phật tâm lại cùng tâm ta hợp
Sự hợp nhất với Phật tâm đem lại hạnh phúc, an vui. Ngược lại sự hợp nhất với sanh tử với muôn ngàn sai khác đem lại khổ đau.
Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim
Phật tâm ấy là Pháp (viết hoa) vốn như nhiên, thông suốt xưa nay. Vốn như nhiên là vẫn hằng như vậy không thay đổi, hao mòn theo thời gian và không gian. Nói theo Kinh Đại Bát Nhã thì dù đức Phật có ra đời hay không, có thuyết pháp hay không thì pháp tánh vẫn như vậy, và không do bậc Giác ngộ làm ra, không do các bậc thánh làm ra.
Vốn như nhiên nghĩa là không lệ thuộc vào không gian thời gian hay do con người thấy biết hay không thấy biết nó. Không tùy thuộc vào không gian, thời gian, nằm ngoài sự phân chia chủ thể và đối tượng, ta và người, nên Pháp luôn luôn ở trước mắt, dù có người thấy hay không thấy.
Vốn như vậy sáng ngời thông suốt xưa nay nghĩa là luôn luôn hiện diện trước mặt (hiện tiền). Cho nên trong phần Tụng Cổ, có nêu bốn câu Kinh Hoa Nghiêm để chỉ thực tại hiện tiền:
Tất cả pháp chẳng sanh
Tất cả pháp chẳng diệt
Nếu hiểu được như vậy
Chư Phật thường hiện tiền.
Thượng sĩ nói:
“Hãy xem! Hãy xem!”
Trong bài Phàm thánh chẳng hai, Thượng sĩ có câu nói:
“Anh thấy chăng?” (Quân bất kiến).
Đạo Phật giúp chúng ta thấy và sống hợp nhất với thực tại “như nhiên suốt cổ kim” của đời sống vậy.
Source: