Sunday, December 17, 2023

45 năm nhật báo Người Việt, từ garage xe đến ‘tiếng nói’ của cộng đồng

45 năm nhật báo Người Việt, từ garage xe đến ‘tiếng nói’ của cộng đồng December 15, 2023 Ban Biên Tập Người Việt WESTMINSTER, California (NV) – Ngày Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2023, là ngày sinh nhật thứ 45 của nhật báo Người Việt, được coi là nhật báo lớn nhất của người Việt hải ngoại.
Nhà báo Đỗ Ngọc Yến (phải), chủ nhiệm sáng lập nhật báo Người Việt, và nhà báo Lê Đình Điểu, chủ bút, tại tòa soạn ở địa chỉ 14891 Moran St., Westminster, CA 92683, hồi năm 1986. (Hình: Tài liệu Người Việt)
“Người Việt Cali,” ấn bản đầu tiên và tiền thân của nhật báo Người Việt ngày nay, phát hành ngày 15 Tháng Mười Hai, 1978. (Hình: Tài liệu Người Việt)
Garage thuộc căn nhà ở địa chỉ 1005 N. Euclid St., Santa Ana, CA 92703, nơi những số báo đầu tiên của nhật báo Người Việt ra đời. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt) Nói đến nhật báo Người Việt, hầu như mọi người đều biết đến cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến, chủ nhiệm sáng lập, bắt đầu những ngày đầu của tờ báo từ một garage xe hơi trong một căn nhà trên đường Euclid, Santa Ana, qua bao nhiêu lần dời chỗ, bao cuộc nổi trôi, để bây giờ vững vàng tọa lạc tại một tòa nhà lớn cuối đường Moran, Westminster, ngay trung tâm Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại. Đường Moran cũng được gọi là “phố báo,” nơi nhiều cơ quan truyền thông Việt Ngữ tọa lạc. “Bốc 100.000 tị nạn ở ĐNÁ bằng cầu không vận quân lực Mỹ” là tựa bài báo chính của số báo đầu tiên, ra ngày 15 Tháng Mười Hai, 1978, nói về công cuộc di tản người Việt tị nạn ở Đông Nam Á đến Hoa Kỳ. Lúc đó, tờ báo có tên là “Người Việt Cali,” tiền thân của “Người Việt” ngày nay. Bài thứ nhì có tựa đề “Người Việt xuống đường biểu ngữ áo dài Việt Nam ngập Los,” nói về cuộc biểu tình ở Los Angeles đòi hỏi nhân quyền tại Việt Nam. Bài thứ ba, “700 tị nạn chết chìm ven bờ Mã Lai Á nội 1 tuần,” nói về thảm cảnh đau thương của người Việt tị nạn phải bỏ nước ra đi. Ba bài báo chính này, trong số báo đầu tiên của Người Việt, phần nào nói lên “căn cước” người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975 và cũng là “căn cước” của tờ báo được coi là “tiếng nói” của cộng đồng người Việt hải ngoại, cho đến tận 45 năm sau… Ngoài ra, qua ba bài báo nêu trên, cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến cho thấy ý định chú trọng tin tức mà người Việt ở Mỹ quan tâm nhất. Đó là tình hình quê hương Việt Nam, đó là người thân của họ, và đó là những gì xảy ra xung quanh họ, hàng ngày! “Quý vị đang ở Ca Li? Vậy là quý vị đang ở ngay trung tâm điểm của đại cộng đồng VN Hải ngoại. Chẳng đâu chúng ta đông đảo sum họp bằng quanh Ca Li. Tờ báo quý vị cầm trên tay là một nỗ lực truyền thông chuyên nghiệp, giúp quý vị theo dõi mọi góc cạnh đời sống hàng ngày của quý vị và toàn thể gia đình,” lời tòa soạn trong số báo Người Việt đầu tiên. Theo nhà báo Hoàng Khởi Phong, cựu nhân viên tờ báo và là một người bạn thân thiết với ông Đỗ Ngọc Yến, “với anh (Đỗ Ngọc Yến), làm báo có nghĩa là tin tức nóng hổi hằng ngày, là những món ăn tinh thần như hai bữa cơm không thể thiếu để bồi bổ cho thể chất hằng ngày,” khi viết về cố chủ nhiệm sáng lập nhân dịp sinh nhật thứ 40 nhật báo Người Việt cách đây năm năm. “Bố của tôi rất nhiệt huyết về tờ báo vì ông tin là mọi người có thể đến với nhau qua các bài viết,” nhà báo Đỗ Bảo Anh, ái nữ của ông Yến và hiện là chủ biên giao tế cộng đồng của nhật báo The Los Angeles Times, nói với tờ báo lớn nhất miền Tây Hoa Kỳ như vậy năm 2018.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (phải), một trong những lãnh đạo của công ty Người Việt, tại sự kiện kỷ niệm tám năm thành lập nhật báo Người Việt. (Hình: Tài liệu Người Việt) Số báo đầu tiên ấy, ngoài cung cấp thông tin, cũng không quên nhấn mạnh hệ thống rao vặt và quảng cáo nhằm phục vụ cho hàng ngàn cơ sở thương mại của người Việt tại California. Sau này, ngoài những mục thường xuyên, tờ báo có thêm mục cáo phó, phân ưu, và tưởng nhớ đề cập đến sự ra đi của đồng hương trong cộng đồng, được rất nhiều người hưởng ứng và trở thành thế mạnh của Người Việt. Ngày nay, có không ít người thừa nhận họ đọc báo Người Việt một phần để xem các chiến hữu, bạn bè, người thân, “ai còn ai mất.” Ngày nay, Người Việt là “nhật báo” đúng nghĩa duy nhất còn sót lại tại Little Saigon, có nghĩa là một năm có bao nhiêu ngày thì báo ra bấy nhiêu ngày, tức là bảy số báo mỗi tuần. Ngoài ra, tờ báo còn có các sản phẩm khác là Người Việt Online có hàng triệu độc giả theo dõi, Người Việt TV phát hình trên YouTube với gần 20,000 video và hơn 700,000 “subscriber,” rồi Người Việt Facebook, Niên Giám Thương Mại (Người Việt Yearbook), hệ thống tuần báo Sài Gòn Nhỏ phát hành ở 15 tiểu bang, nhà xuất bản Người Việt, tạp chí Thế Kỷ 21 Online, Giai Phẩm Xuân, và từng sở hữu đài phát thanh VNCR và tạp chí Phụ Nữ Gia Đình.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/DP-Sinh-Nhat-Nguoi-Viet-5-1920x1203.jpg Bà Hoàng Vĩnh, tổng giám đốc kiêm chủ nhiệm nhật báo Người Việt hiện nay. (Hình: Tài liệu Người Việt) Cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến và tờ báo Ông Yến từng là phóng viên tại miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Năm 1975, ông cùng gia đình sang Mỹ định cư, và ông qua đời năm 2006, ở tuổi 65. Trong những ngày đầu tiên, tờ báo căn bản chỉ là “one man band,” trong đó, ông Yến vừa là người viết, vừa là chủ bút, vừa đi bán báo và làm thợ gắn chữ, mặc dù thỉnh thoảng cũng được một số người trong gia đình và bạn bè giúp đỡ. “Ông là một người có tâm huyết cũng như một chủ bút nhiệt thành,” Giáo Sư Jeff Brody của đại học Cal State Fullerton nói với LAT. Ông Brody từng viết một cuốn lịch sử truyền miệng về ông Yến. Những người Việt di dân khi tới ông Yến để nhờ giúp đỡ, lúc nào cũng nhận được sự nhiệt tình, bao gồm chính tiền túi của ông. Nhiều nhân viên nhật báo Người Việt từng chứng kiến bạn bè ông khi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, tới tòa soạn tìm gặp ông, nhờ ông giúp đỡ, mặc dù nhiều khi ông không thể nhớ người đó là ai vì ông quen biết quá nhiều.
Một sự kiện tại phòng sinh hoạt nhân dịp sinh nhật thứ 31 nhật báo Người Việt. (Hình: Tài liệu Người Việt) Làm báo Việt Ngữ là một thách thức lớn Trong “làng báo” Việt Ngữ của cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt tại vùng Little Saigon, ai cũng biết câu nói đùa nhưng đôi khi rất thật, đó là “Muốn đứa nào nghèo cứ xúi nó làm báo.” Quả thật như vậy! Ngoài các chi phí căn bản để duy trì một tờ báo đúng nghĩa, nhật báo Người Việt còn phải đối phó với một cộng đồng vừa thoát khỏi cuộc chiến Việt Nam. Trong khung cảnh như vậy, làm thế nào để dung hòa giữa cộng đồng và “thiên chức” của người làm báo là một việc mà nhật báo Người Việt vẫn duy trì cho đến tận ngày nay. Nhật báo Người Việt từng phải đối diện với những người chống Cộng trong nhiều năm. Từ năm 1981 đến năm 1990, năm nhà báo người Mỹ gốc Việt bị giết, bao gồm tại Orange County. Môi trường làm việc rất nguy hiểm cho những phóng viên bị gán ghép là “thân Cộng” nếu họ tường trình những tin tức có lợi hay tích cực cho nhà cầm quyền Việt Nam. Ông Yến thường nhận được những lời đe dọa sẽ bị giết hay bị những người biểu tình ùa vào văn phòng, và một trong những chiếc xe của nhật báo Người Việt bị đốt cháy trong thập niên 1980. Tờ báo cũng từng bị biểu tình kéo dài mấy năm. Nhưng ông Yến chưa bao giờ để nó ảnh hưởng đến sự phát triển của tờ báo. Ngoài ra, ông được tiếp sức với tâm huyết tạo ra cho một nền báo chí tự do, điều mà không có tại Việt Nam. Chưa hết, ông Yến còn đi xa đến mức ủng hộ tiền cho những tờ báo và tuần báo đang cạnh tranh với nhật báo Người Việt để phát triển nền báo chí đúng nghĩa của nó. Và dần dần, độc giả của Người Việt ngày càng hiểu tờ báo hơn và vẫn tiếp tục ủng hộ “tiếng nói” của cộng đồng trong gần nửa thế kỷ qua. Ngày nay, nhật báo Người Việt vẫn tiếp tục nối tiếp tinh thần ông Yến để lại, với một ban biên tập gồm nhiều phóng viên làm phóng sự, tin tức địa phương tại Little Saigon, cũng như tại các cộng đồng khác trên toàn nước Mỹ và thế giới, mặc dù có giảm một phần sau đại dịch COVID-19.
Quầy “Front Desk” nhật báo Người Việt, nơi đồng hương đến đăng rao vặt và các dịch vụ khác. (Hình: Tài liệu Người Việt) Và Người Việt đã vượt qua tất cả nhờ cộng đồng! Bà Hoàng Vĩnh, tổng giám đốc kiêm chủ nhiệm nhật báo Người Việt, chia sẻ: “Một tờ báo chỉ có thể gọi là chuyên nghiệp khi có thể nuôi sống được phóng viên và biên tập viên cũng như có thể trả nhuận bút cho cộng tác viên. Không chỉ chuyên nghiệp ngay từ những ngày đầu, Người Việt còn nhanh nhạy với thời sự để gắn liền tin tức với đời sống cộng đồng.” “Ngoài việc cung cấp thông tin, Người Việt còn thực hiện nhiều chương trình lợi ích phục vụ cộng đồng. Và không chỉ là tờ báo với những hoạt động thuần túy báo chí, Người Việt còn là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, với những buổi chiếu phim, ra mắt sách, triển lãm tranh, trình diễn văn nghệ, chiếu trực tiếp các giải bóng đá lớn trên thế giới phục vụ đồng hương,…” bà cho biết tiếp. Bà khẳng định: “Và 45 năm qua, Người Việt đã ghi dấu sự đóng góp của tất cả quý đồng hương, độc giả và thân hữu. Để có được ngày hôm nay, Người Việt không thể không ghi nhớ công sức của những vị sáng lập cũng như không thể quên sự đóng góp của nhiều thế hệ cộng tác viên và những độc giả bền bỉ gắn bó với tờ báo.” “Bốn mươi lăm năm qua là một chặng đường dài và hiển nhiên di sản Người Việt sẽ tiếp tục phát triển. Chúng tôi luôn mong mỏi nhận được sự đón nhận của độc giả và sự đóng góp của quý đồng hương,” bà Hoàng Vĩnh kết luận.
Một buổi họp nhân viên nhật báo Người Việt. (Hình: Tài liệu Người Việt) Những cột mốc phát triển -Số báo đầu tiên ra đời tại San Diego ngày 15 Tháng Mười Hai, 1978, là tuần báo “Người Việt Cali,” có bốn trang, do cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến chủ trương biên tập. -Sau đó ít lâu, tờ báo chuyển trụ sở về địa chỉ 1005 N. Euclid St., Santa Ana, CA 92703 (trong garage xe), và qua lại một số nơi khác trong một thời gian ngắn. -Năm 1983: Chuyển trụ sở về địa chỉ 9393 Bolsa Ave., Westminster, CA 92683, với khoảng năm nhân viên. -Năm 1985: Người Việt trở thành nhật báo đầu tiên ở Hoa Kỳ phát hành 5 số/tuần. -Năm 1986: Chuyển trụ sở về địa chỉ 14841 Moran St., Westminster, CA 92683. -Thứ Tư, 6 Tháng Tám, 1986: Người Việt khai trương hệ thống phát hành qua thùng báo. -Thứ Sáu, 3 Tháng Bảy, 1987: Phát hành số báo thứ 1,000. -Cuối thập niên 1980: Chuyển trụ sở về địa chỉ 14891 Moran St., Westminster, CA 92683. -Thứ Sáu, 25 Tháng Giêng, 1991: Phát hành số báo thứ 2,000. -Thứ Hai, 21 Tháng Sáu, 1993: Phát hành số báo thứ 2,753, đánh dấu lần đầu tiên Người Việt phát hành đủ 7 số/tuần. -Thứ Tư, 23 Tháng Hai, 1994: Phát hành số báo thứ 3,000. -Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một, 1996: Phát hành số báo thứ 4,000. -Năm 1999: Có phiên bản online trên mạng toàn cầu, www.nguoi-viet.com. -Thứ Hai, 16 Tháng Tám, 1999: Phát hành số báo thứ 5,000. -Chủ Nhật, 12 Tháng Năm, 2002: Phát hành số báo thứ 6,000. -Thứ Sáu, 23 Tháng Tám, 2002: Chuyển trụ sở về địa chỉ 14771 Moran St., Westminster, CA 92683 cho tới nay. -Năm 2004: Nhật báo Người Việt trở thành tờ báo tiếng Việt đầu tiên có đăng ký kiểm toán phát hành tại Hoa Kỳ, tức là được những công ty độc lập kiểm toán số lượng phát hành. -Từ 2004: Có số phát hành kỷ lục 17,548 số báo/ngày. -Thứ Bảy, 5 Tháng Hai, 2005: Phát hành số báo thứ 7,000. -Thứ Sáu, 2 Tháng Mười Một, 2007: Phát hành số báo thứ 8,000. -Năm 2009: Người Việt TV xuất hiện trên YouTube và trên Facebook. -Tháng Mười, 2010: Sản xuất bản tin đầu tiên trên Người Việt TV, có trang web chính thức tại www.nguoiviettv.com. -Thứ Năm, 29 Tháng Bảy, 2010: Phát hành số báo thứ 9,000. -Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2013: Phát hành số báo thứ 10,000. -Thứ Ba, 19 Tháng Giêng, 2016: Phát hành số báo thứ 11,000. -Thứ Bảy, 15 Tháng Chín, 2018: Phát hành số báo thứ 12,000. -Thứ Sáu, 11 Tháng Sáu, 2021: Phát hành số báo thứ 13,000. Ngày 15 Tháng Mười Hai, 2023 Người Việt Online: 300,000 pageview (lượt xem)/ngày. Người Việt TV/YouTube: Tổng số view hơn 506 triệu và gần 710,000 khán giả thường xuyên. Người Việt/Facebook: 156,000 like và 334,000 follower. Nguồn: