Your vision will become clear only when you look into your heart.... Who looks outside, dreams. Who looks inside, awakens. Carl Jung
Wednesday, April 12, 2023
GIÁO PHÁP TRẦN NHÂN TÔNG THEO NHỮNG PHẠM TRÙ CỦA TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG
GIÁO PHÁP TRẦN NHÂN TÔNG
THEO NHỮNG PHẠM TRÙ CỦA TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG
Nguyễn Thế Đăng
Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là Sơ Tổ kiến lập phái Trúc Lâm Yên Tử tiếp tục truyền bá tinh hoa của Phật giáo, một Phật giáo đã đồng hành cùng nhân loại suốt 1.800 năm, tính cho đến thời ngài. Giáo pháp của ngài có đầy đủ những phạm trù triết học theo quan niệm một hệ thống triết học của Tây phương. Sau đây sẽ sơ lược qua những phạm trù, những môn học ấy.
1/ Hữu thể học, bản thể học (Ontology).
Với Đông phương, hữu thể hay bản thể được gọi là bản tánh, tánh. Hán Việt gọi là tính, âm Việt gọi là tánh. Như bản tánh của tâm là ‘nature of mind’.
Bản tánh của tất cả mọi sự là tánh Không:
“Hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật, Tổ tây đông.
Chứng thực tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền nam bắc”.
(Cư trần lạc đạo phú, hội thứ tư)
Chân Không cũng là Chân Như, Thực Tướng, và trí huệ Bát nhã mới có thể thấu rõ thực tại Chân Như, Chân Không ấy.
“Tượng chúng ấy: Cóc biết một chân không, dùng đòi căn khí” (Hội thứ mười)
(Phàm chúng ấy: Biết một Chân Không, dùng theo căn cơ riêng của mỗi người).
Chân Không, Chân Như là nền tảng, là bản tánh của mọi xuất hiện. Xuất hiện xấu do người làm xấu, xuất hiện tốt do người làm tốt; ai gây nhân nào thì chịu quả đó. Nhưng với người đã biết một Chân Không, thì mọi xuất hiện đều là Chân Không, Chân Như, cho nên thoát khỏi nghiệp xấu tốt của người khác.
Thế nên với người biết Chân Không thì giải thoát không phải là tránh xa thế gian đầy dẫy tốt xấu này, mà là thấy mọi sự xuất hiện tốt xấu của thế gian đều là Chân Không, Chân Như. Đây cũng là hạnh Bồ tát, ở trong thế gian để giúp đỡ, giải thoát cho người khác nhưng không bị nhiễm ô bởi cái tốt cái xấu của người khác.
Tánh Không đi liền với quang minh, ánh sáng mà Tổ Trần Nhân Tông nói là “tánh sáng”:
“Sách dễ xem chơi, yêu tính sáng hơn yêu châu báu”
(Hội thứ nhất)
“Gìn tính sáng, tính mới hầu an… Di Đà là tính sáng soi…”
(Hội thứ hai)
Trong Cư Trần Lạc Đạo Phú, Tổ đã 5 lần nói đến “tính sáng”. Ngoài ra những từ đồng nghĩa là “tính gương”, “gương sáng” (minh kính):
“Chùi cho vặc vặc tính gương”
(Hội thứ sáu)
“Thân Bồ đề, lòng minh kính”
(Hội thứ chín)
Tóm lại, bản thể, bản tánh của con người, thế giới, của tất cả mọi sự là tánh Không và tánh Sáng.
2/ Siêu hình học (Metaphysics)
Trong Cư Trần, thực tại siêu hình học được nói bằng những chữ: “vô vi” (Hội thứ tư); “vô sanh” (Hội thứ năm); “vô tâm” (Hội thứ sáu), hoặc những hình ảnh như:
“Địch (sáo) chẳng có lỗ, cũng phiếm chơi xướng thái bình ca”
“Thiền ngõ năm câu, nằm thảnh thơi trong quê Hà hữu”
(Hội thứ năm)
Quê Hà hữu là quê nào có, quê không chỗ có (vô sở hữu), quê không ở nơi nào cả (vô trụ xứ). Siêu hình học nói đến thực tại siêu việt vượt khỏi và nằm ngoài thế gian hữu hạn, vô thường, khổ đau. Siêu việt tính này Đông phương gọi là Đạo, Phật giáo gọi là Niết bàn. Nhưng với Đại thừa, siêu việt tính không nằm ngoài nội tại tính, siêu việt tính là nội tại tính. Nói cách khác, đạo không nằm ngoài đời, Niết bàn không nằm ngoài sanh tử. Với Tổ Trần Nhân Tông, điều này được nhắc lại nhiều lần, và nhan đề Cư trần lạc đạo, Ở đời vui đạo rõ ràng đã nói lên đạo - đời là một thể.
3/ Nhận thức luận (Epistemology)
Nhận thức luận theo Phật giáo không phải là một chủ thể hữu hạn nhận thức một đối tượng hữu hạn mà là xóa đi sự cách biệt giữa chủ thể và đối tượng để có cái thấy biết sâu sắc hơn về bản chất của chủ thể và đối tượng và bản chất của mối tương quan giữa chủ thể và đối tượng. Đây là công việc của thiền định Phật giáo.
Trong ngôn ngữ Tây phương cũng có điều tương tự. Hiểu (understand) có nghĩa là hiểu bằng cách đứng (stand) dưới (under) chủ thể và đối tượng. Trong tiếng Pháp, hiểu (comprendre), thay vì một chủ thể nắm bắt (prendre) một đối tượng thì chủ thể và đối tượng cùng (com) nắm bắt lẫn nhau. Tóm lại sự hiểu không nằm ở chủ thể, cũng không nằm ở đối tượng, mà nằm nơi nền tảng từ đó phân cách ra chủ thể và đối tượng.
Tổ Trần Nhân Tông nói cái biết (trong Cư trần là chữ “cốc”, “viên giác”) do dứt trừ sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng, giữa ta và người:
Dứt trừ nhân ngã
Thì ra thực tướng kim cương
Dừng hết tham sân
Mới rõ lòng mầu viên giác.
(Hội thứ hai)
Cái trí biết của thánh là xóa sạch sự cách biệt của ta và người, chuyển cái nghiệp phân biệt thì thành thánh trí:
Chuộng công danh
Lồng nhân ngã
Thực ấy phàm ngu.
Say đạo đức
Chuyển thân tâm
Định nên thánh trí.
(Hội thứ mười)
4/ Tâm lý học và phân tâm học (Psychology and Psychoanalysis)
Ngài không chỉ khảo sát và tìm cách chuyển hóa những phiền não nơi tâm, “Chuyển tam độc mới chứng tam thân” (hội thứ tư), “Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội” (hội thứ năm), “Cầm kiếm trí huệ, quét cho không tính thức thuở nay” (hội thứ bảy); mà quan trọng nhất là thấy biết bản tánh của tâm, bản tánh của tám thức, để chính trên nền tảng đó mà chuyển hóa. Bản tánh của tâm này chính là Phật, Phật thường trụ trong tâm mình:
Chỉn Bụt là lòng
Hãy ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ
(Hội thứ ba)
Vậy mới hay Bụt ở trong nhà,
Chẳng phải tìm xa
Nhân quên bản (gốc) nên ta tìm Bụt
Đến biết hay chỉn Bụt là ta.
(Hội thứ năm)
Phật là bản tánh của tâm, là tánh Không và tánh Sáng. Khi đạt đến bản tánh của tâm vốn trong sạch, thế giới này biến thành cõi trong sạch hay Tịnh độ:
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương
Di Đà là tính sáng soi, nào phải nhọc tìm về Cực lạc.
(Hội thứ hai)
Ai cũng có bản tánh của tâm, có “Bụt ở trong nhà”, nên ai cũng có thể thành Phật:
Tích nhân nghĩa, tu đạo đức
Ai hay này chẳng phải Thích Ca.
(Hội thứ tư)
5/ Luận lý học (Logic)
Luận lý học của ngài trong bài kệ Hữu cú vô cú (Câu có câu không) đi theo lý luận vượt khỏi Tứ cú (Bốn câu: có, không, vừa có vừa không, không ‘vừa có vừa không’) của Trung luận của Bồ tát Long Thọ. Phá hủy để siêu vượt khỏi bốn câu là siêu vượt khỏi giới hạn của ý thức vốn chỉ có thể hoạt động trong vòng vây của bốn câu, và do đó thấy được thực tại giải thoát, chính là tánh Không:
Câu có câu không
Tự cổ tự kim
Chấp ngón (tay) mất (mặt) trăng
Đất bằng chết đuối.
…
Câu có câu không
Như vậy như vậy
Tám chữ mở tung
Mọi vấn đề dứt.
Tám chữ là những cặp chữ đối nghịch, mâu thuẫn với nhau của ý thức và ngôn ngữ như: có – không, sanh – diệt, dơ – sạch, tăng – giảm…
6/ Đạo đức học (Ethics)
Chữ “đạo đức” được ngài nhắc lại nhiều lần (4 lần trong 10 hội). Đạo đức đối với ngài nói riêng và đạo Phật giáo nói chung, là sự hoan hỷ, hạnh phúc, đến độ say sưa:
Phiền não rồi đạo đức càng say.
(Hội thứ bảy)
Say đạo đức, dồi thân tâm, định nên thánh trí.
(Hội thứ mười)
Những chữ cùng nghĩa với đạo đức có nhiều trong bài phú như “giới hạnh”, “giới”, “nhân nghĩa”, “phúc tuệ”… chỉ việc giữ trọn vẹn giới hạnh cũng đem lại nguồn an vui như Phật Di Lặc:
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham
Chỉn thực ấy là Di Lặc.
(Hội thứ tư)
Hơn nữa, đạo đức không chỉ riêng cho mình, mà đạo đức là xây dựng một xã hội hạnh phúc cho mọi người. Như thế trong và ngoài đều no đủ về vật chất và tinh thần.
Phúc tuệ gồm no
Chỉn mới khá nên người thực biết.
Dựng cầu đò, giồi chùa tháp
Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.
Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi.
Nội tự tại kinh lòng hằng đọc
(Hội thứ tám)
7/ Thế giới quan và nhân sinh quan (Worldview, Weltanschauung)
Quan niệm về thế giới và lẽ sống, mục đích của đời người, theo ngài là như sau.
Thế giới của người bình thường kinh nghiệm như là phân cách, chia rẻ, xung đột, khổ đau, là do phiền não, vô minh của họ mà thấy. Trong khi đó, thật tướng của thế giới là trong sạch, sáng tỏ, không dơ nhiễm, vô ngại như kim cương:
Dứt trừ nhân ngã
Thì ra thực tướng kim cương.
(Hội thứ hai)
Nhận biết làu làu lòng vốn
Chẳng ngại bề thời tiết nhân duyên
Chùi cho vặc vặc tính gương
Nào có nhuốm căn trần huyên náo.
(Hội thứ sáu)
Quan niệm về con người và mục đích của cuộc đời họ, với ngài, là cái nhìn lạc quan rốt ráo, vì nơi mỗi người vốn có cái tiềm năng thành Phật.
Chỉn Bụt là lòng.
(Hội thứ ba)
Tiềm năng Phật, tánh Phật ấy là cái thường hiện diện dù chúng ta có biết hay không, còn phiền não, khổ đau chỉ là những xuất hiện vô thường do sống sai mà tạm khởi. Cho nên:
Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa.
(Hội thứ năm)
Vậy cho hay:
Cơ quan Tổ giáo
Tuy khác nhiều đàng
Chẳng cách mấy gang
(Hội thứ chín)
Chỉ cần đánh thức vị Phật vốn ở trong tâm thì những tà kiến, phiền não bị cháy rụi trong ngọn lửa trí huệ:
Buông lửa giác ngộ
Đốt hoại thảy rừng tà ngày trước
…
Vô minh hết Bồ đề thêm sáng
Phiền não rồi đạo đức càng say.
(Hội thứ bảy)
8/ Triết lý hành động (Praxis)
Toàn cả cuộc đời của ngài là một cuộc đời hành động vì lợi lạc cho mình và cho người.
Cuộc đời ấy có thể phân làm 4 giai đoạn như văn hóa cổ đại Ấn Độ và Trung Hoa. Nhỏ thì học đời để lên làm vua, đồng thời học đạo với Tuệ Trung thượng sĩ. Khi trưởng thành thì đảm nhận làm vua, đảm nhận trách nhiệm với xã hội, trực tiếp hai lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông, đồng thời đem đạo ra ứng xử, ban bố trong đời sống nhân dân. Giai đoạn thứ ba, (tương đương với thời nay là ‘về hưu’), bớt dần việc triều chính, làm thái thượng hoàng và lo việc mở mang đạo, chẳng hạn đi thăm Chiêm Thành là một xứ sở Đại thừa ở phía Nam. Cuối cùng, giai đoạn thứ tư, hoàn toàn ‘hành đạo’, xuất gia làm Tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm, lấy Yên Tử làm ‘kinh đô’ của Phật giáo, dạy đạo cho triều đình cho đến nhân dân.
Ngài đã tu trong chính cuộc đời và qua đó nâng cấp cuộc đời xã hội lên với đạo. Với ngài cuộc đời xã hội là một đạo tràng tu tập để thực hiện lý tưởng Phật giáo “tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”.
Tổ Trần Nhân Tông, qua giáo pháp của ngài, đã gồm đủ mọi phạm trù, mọi lãnh vực của triết học xưa nay. Ngài đã bao gồm mọi môn học của cái học tạo ra văn hóa nhân loại. Ngài đã thiết lập một nền tảng triết học cho Phật giáo Việt Nam và nói rộng ra, nền tảng văn hóa Việt Nam.
Ngày nay, sau ngài hơn tám thế kỷ, trong một thế giới mà mọi lãnh vực đều được toàn cầu hóa, ngay cả Phật giáo của mỗi nước đều có giao thoa, tiếp biến (acculturation) với Phật giáo của các nước khác, điều may mắn cho chúng ta là đã có một nền tảng để từ đó trao đổi, giao lưu, tiếp nhận những đặc sắc của những nền văn hóa Phật giáo khác, và của văn hóa và khoa học Tây phương, nghĩa là của thế giới.