Monday, October 10, 2022

NGUYỄN DU: Đôi Mắt Nhìn Lịch Sử

NGUYỄN DU: Đôi Mắt Nhìn Lịch Sử Nguyễn Thế Đăng
Thi hào Nguyễn Du (1766 -1820) xuất thân từ một gia đình quyền quý thời hậu Lê chúa Trịnh. Thân phụ là Nguyễn Nghiễm làm quan đến chức Tể tướng. Năm 1783, Nguyễn Du đậu thi Hương, bắt đầu làm quan. Đây là thời kỳ cuối của Trịnh - Nguyễn phân tranh, ở miền Bắc nhiều cuộc nổi dậy, ở miền Nam thì Tây Sơn khởi binh đánh các chúa Nguyễn. Năm 1786, quân Tây Sơn ra Bắc, Nguyễn Du mất chức, đi chu du, có khi sang Trung Hoa, có khi trốn vào muốn theo Nguyễn Ánh nhưng bị bắt giam ba tháng rồi được tha. Năm 1784 dinh thự gia đình ở Bích Câu, Thăng Long bị kiêu binh phá tan. Năm 1791 từ đường ở Hà Tĩnh và làng Tiên Điền bị phá hủy. Mãi đến năm 1802, Gia Long thắng Tây Sơn, sau đó Nguyễn Du mới ra làm quan trở lại. Quảng thời gian 1786 -1804, không còn chức tước, lang thang, ông sống ở Thái Bình quê vợ, 6 năm về ở dưới chân núi Hồng Lĩnh. Ông gọi thời gian này là “Mười năm gió bụi” (Thập tải phong trần), từ 20 tuổi đến 38 tuổi, và làm tập thơ Thanh Hiên thi tập gồm 78 bài. Trong tập thơ của mười năm gió bụi này có 2 bài Tạp thi số I và số II. Trong bài thứ hai, chúng ta có thể thấy phần nào Nguyễn Du đã nhìn những “dâu biển” của cuộc đời mình và những thăng trầm của xã hội đương thời như thế nào. Tạp Thi II Núi Hồng một sắc soi dòng lặng Hàn sĩ nơi đây chốn vắng trong Quanh giường mây trắng từ muôn dặm Trăng soi cửa sổ sáng sách đèn. Khóc cười theo tục thời ly loạn Im miệng ẩn đời già lão suy Hoa nở lá rơi sự trước mắt Bốn mùa tâm kính tự như như Hồng sơn nhất sắc lâm bình cừ Thanh tịch khả vi hàn sĩ cư Thiên lý bạch vân sinh kỷ tịch Nhất song minh nguyệt thướng cầm thư. Tiếu đề tuần tục can qua tế Giám mặc tàng sinh lão bệnh dư Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự Tứ thời tâm kính tự như như. Trong Thanh Hiên thi tập này, ông đã nhiều lần nói đến “tóc bạc”, “già lão”, “bệnh tật”. Đây là bài thơ làm khi về ở ẩn nơi quê nhà núi Hồng sông Lam. Về ở ẩn, một mình, sau khi chứng kiến sự nghiệp suy sụp của chính mình, của gia đình và sự truân chuyên của xã hội, hầu như không trừ một ai (Viếng ca nữ đất La Thành - Điếu La Thành ca giả), không trừ một hạng người nào trong xã hội, và ông có sự thông cảm sâu sắc với họ (Văn tế thập loại chúng sanh). Ông đã chứng kiến sự đổi thay kinh khủng, nương dâu hóa thành biển, và ngược lại, bãi biển biến thành nương dâu, bể dâu, thành ngữ ông dùng nhiều, như trong phần mở đầu của Truyện Kiều: Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau Trải qua một cuộc bể dâu Những điều trông thấy mà đau đớn lòng… Bể dâu là sự biến đổi của lịch sử, nhiều khi nằm ngoài ý muốn của từng cá nhân, từng dòng họ, từng triều đại. Nhưng lịch sử là gì? Là sự biểu lộ thành kết quả của vô số nguyên nhân con người đã làm trong quá khứ. Các hành động đã làm, đang làm và sẽ làm Phật giáo gọi là nghiệp, hành động. Nghiệp thì có nghiệp của từng cá nhân (biệt nghiệp) và nghiệp của cả một tập thể lớn rộng (cọng nghiệp). Nghiệp xảy ra là kết quả của những hành động đã qua, và muốn nghiệp tốt hơn thì hãy hành động tốt hơn, cá nhân và tập thể cộng đồng. Lịch sử đang xảy ra thì khó chuyển hóa, biến đổi vì đó là kết quả đã hoàn thành của những hành động của cộng đồng đã làm từ trước. Thời ly loạn mà Nguyễn Du đang chứng kiến là kết quả của những hành động sai lầm của xã hội và các triều đại đã thực hiện từ trước. Thế nên, Nguyễn Du về ở ẩn và nhìn cuộc bể dâu của lịch sử bằng cặp mắt đạo: Hoa nở lá rơi sự trước mắ Bốn mùa tâm kính tự như như. (Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự Tứ thời tâm kính tự như như.) “Tâm kính” là gương tâm. Gương tâm này trong Phật giáo gọi là Đại viên kính trí, trí như tấm gương tròn lớn. “Như như” cũng là một từ trong Phật giáo. Từ này chắc ông đã gặp nhiều lần trong Kinh Kim Cương: “Chẳng giữ lấy tướng, như như bất động”. Và Kinh Kim Cương ông đã đọc rất nhiều lần, “Ta đã đọc Kinh Kim Cương một ngàn lần - Ngã độc Kim Cương thiên biến linh”. (Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài). “Hoa nở lá rơi sự trước mắt”: lịch sử là sự chuyển động, có khi nhanh, có khi chậm của những hiện tượng trước mắt. Trong những giai đoạn chuyển mình, lịch sử đổi thay dồn dập, những cuộc bể dâu có thể thấy trong một đời người. Có khi hoa chưa nở, lá còn xanh mà đã rụng trong cơn gió bão. “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi Khách má hồng nhiều nổi truân chuyên. Xanh kia thăm thẳm từng trên Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”. (Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn, thế kỷ 18). Lịch sử xảy ra ngoài ý muốn của cá nhân và một tập thể xã hội. Thậm chí lịch sử nghiền nát cả một số đông người, vì lịch sử là sự biểu lộ của nhân quả vô tình: “Trời đất không có nhân từ, xem vạn vật như chó rơm - Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật sô cẩu”. (Lão Tử - Đạo đức kinh). Thế thì làm sao để vẫn phải sống, sống trong lịch sử, nhưng có một cái nhìn thoát khỏi lịch sử? “Bốn mùa tâm kính tự như như”, bốn mùa gương tâm vẫn tự như như. “Bốn mùa” là thời gian, nhưng ở đây không phải là thời gian của tự nhiên, mà là thời gian của con người, nghĩa là thời gian của lịch sử với những biến cố của nó. Trước thời gian lịch sử, Nguyễn Du đã nhìn nó bằng tấm gương tâm, tức là Đại viên cảnh trí vốn tự như như. Gương tâm không phải vì những hiện tượng của lịch sử - những bóng trong gương - mà có thịnh có suy, có được có mất, có vinh có nhục, có thêm có bớt… Chính nhờ tấm gương tâm hay đại viên cảnh trí vốn tự “như như bất động” ấy mà ông đã thoát khỏi lịch sử mặc dầu vẫn sống trong lịch sử. Ông vẫn sống qua mười năm gió bụi và sau đó đã lại ra làm quan dưới thời Nguyễn Ánh và Minh Mạng. Nguyễn Du đã sống trong lịch sử, trong “vận nước nổi trôi” để khi lên khi xuống, nhưng ông cũng đã thoát khỏi lịch sử bằng cái nhìn thấy tấm gương tâm, đại viên cảnh trí vốn tự như như mặc dầu hiện bóng tất cả những hiện tượng đổi thay của lịch sử. Nhờ tấm gương tâm vốn có sẵn nơi mỗi người này mà Nguyễn Du sống trong lịch sử, góp phần mình để tạo ra lịch sử mới, trong một thời dâu biển trùng trùng, đồng thời thoát khỏi lịch sử, lịch sử của riêng mình và lịch sử của dân tộc, bằng một cái nhìn phản chiếu tất cả lịch sử nhưng vẫn “chẳng giữ lấy tướng, như như bất động”. Đó là nghệ thuật sống của một người theo Phật giáo, đã có từ thời đạo Phật du nhập vào Việt Nam. Nghệ thuật sống ấy được biểu lộ rõ ràng qua Thiền sư Vạn Hạnh, một người làm nên lịch sử, đóng góp rất lớn vào việc dựng lập đời Lý (1010 – 1225), và đã nhìn lịch sử bằng tấm gương tâm như như hay đại viên cảnh trí, để thản nhiên không sợ hãi trước sự thịnh suy dâu biển của các thời đại: Nhậm vận thịnh suy vô bố úy Thịnh suy như lộ thảo đầu phô (Nhậm vận thịnh suy không sợ hãi Thịnh suy đầu cỏ hạt sương tan.) Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a38387/nguyen-du-doi-mat-nhin-lich-su