Những gì tôi đã học được của Bác tôi
Chú thích : trong phần 2, các câu « viết nghiêng để giữa hai
ngoặc kép » là trích nguyên văn trong cuốn Hồi kí Nguyễn Hiến
Lê (4)
Bác
viết ở nhà đường Kỳ Đồng, ảnh Hằng chụp hè 70
Sinh thời, Bác tôi khiêm tốn nghĩ 30
năm về sau còn có người đọc sách mình là tốt rồi. Vậy mà nay đã qua
34 năm, còn có nhà báo nhờ tôi viết về Bác để « góp phần khơi gợi sự quan
tâm của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, về học giả » thì làm sao tôi từ chối
được, dù biết là đời Bác tôi đã kể lại rõ ràng trong ba tập “Hồi kí” và các tư
tưởng của Bác cũng đã được ghi đầy đủ trong các sách xuất bản. Không chuyên về
văn chương, tôi phải nhường việc định « tầm vóc và đóng góp của học giả
Nguyễn Hiến Lê đối với nền văn hóa miền Nam nói riêng và nước nhà nói chung»
cho các chuyên gia về văn học Việt Nam, để chọn « lối thoát » nhỏ
hẹp : viết về những gì tôi đã học được của Bác tôi. Không hề được Bác
« giảng luân lí » cho nghe nên tôi chỉ biết chí hướng của Bác qua
sách vở và nhất là học cách cư xử trong cuộc sống của Bác.
Trong đời chúng ta, ai cũng có một
số giá trị và sở thích để hướng dẫn việc làm của mình. Những điều mà tôi mong
nhập tâm, theo được Bác tôi một cách tự nhiên như một phản xạ không cần suy
nghĩ là :
* Lời nói phải đi đôi với việc làm
vì Bác tôi theo chủ trương : « làm rồi mới nói » như vậy
lời nói cũng như « đinh đã đóng cột » dù việc có là « nói dễ hơn
làm », cũng như khi muốn trách ai một điều gì ta phải chắc chắn nếu ở vào
hoàn cảnh người đó, ta hành xử theo đúng được như lời mình dùng để chê trách.
* « Chỉ nên hưởng cái
phần xứng đáng với tài đức của mình thôi » : năm 78, Học giả Đào
Duy Anh hỏi tại sao Bác tôi từ chối được vào bệnh viện Thống Nhất (dành cho cán
bộ cao cấp ở TP.HCM) để chữa bệnh, Bác trả lời « Tôi có công gì với cách
mạng đâu mà vô đó nằm ? ». 30 năm sau, tôi về Hà Nội để dự buổi
Đại sứ Quán Pháp trao tặng các Viện Hạt Nhân Việt Nam cuốn “Thuật ngữ Công nghệ
Điện hạt nhân Pháp-Việt-Anh” (dịch từ cuốn “Lexique Réacteurs à Eau
Pressurisée” của hãng FRAMATOME), mà tôi đã dịch thiện nguyện (hoàn tất cũng
vào ngày giỗ Bà ngọai tôi, năm Mậu Tý) cùng với một anh đồng nghiệp cũ, đã có
công giúp tôi tập viết lại tiếng Việt nhân việc dịch sách này. Nhân dịp, tôi
đến VARANS (Vietnam Agency for Radiation and Nuclear Safety) để bàn về dự án
lớp đào tạo kỹ sư an toàn hạt nhân cho Viện, ông Viện
trưởng ngỏ lời mời tôi và một bạn cùng sở cũ ở Pháp về họp, đi chơi Hạ Long,
tôi vội cảm ơn và từ chối ngay với lí do dự án chưa thành, tôi hẹn khi nào công
tác thiện nguyện có kết quả tốt cho VARANS rồi Viện hãy thưởng cho tôi đi tham
quan.
* « Khi
đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà
không vì danh và lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay
không » : Bác tôi tin là «cây bút » của mình có ích cho
thanh niên hơn là dạy học nên đã có lúc từ chối chức Giáo
sư ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Khi thấy « đủ ăn »,
Bác trao việc phát hành sách của mình cho các nhà chuyên nghiệp và chỉ còn tự
xuất bản lấy những cuốn không ai nhận vì sợ bị lỗ ; Bác để hết thì giờ
viết sách, ngay cả những cuốn rất « kén độc giả ». Tôi thì
ngoài nghề kỹ sư trong một cơ quan của chính phủ Pháp, chỉ nhận làm việc thiện
nguyện tư vấn, viết tài liệu phổ biến kiến thức về Điện Hạt nhân cho VINATOM.
* « Biết đắc nhân tâm, nhưng
cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân
tâm » : Những bài tiểu luận « bút chiến » của Bác, đăng
trên Bách Khoa trong thập niên 60 về các việc thời sự, đã chứng tỏ điều này.
Riêng tôi nhiều lần cũng đã phải « tranh đấu » đòi thà không cho
đăng một bài phỏng vấn tôi còn hơn là để toà soạn sửa ngược ý tôi (thí dụ
thay lời tôi nói : «… Tôi chỉ chuyên về an toàn hạt nhân nên vẫn còn
những thắc mắc trên. Cho tới khi được trả lời rõ ràng những điều đó, tôi chỉ
dám nhận công việc thiện nguyện phổ biến kiến thức bằng cách dịch sách chuyên
môn hay viết các bài thông tin về an toàn nhà máy ĐHN mà thôi » bằng
đoạn : «… Tôi sẵn sàng tham gia quá trình khó khăn này nếu được Chính phủ
Việt Nam mời. Trước mắt, tôi đang dịch sách chuyên môn sang tiếng Việt và viết
bài về an toàn nhà máy ĐHN, coi đấy như thiện nguyện phổ biến kiến thức cho quê
nhà »)
* Khi phải làm một việc gì thì
« làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong », như vậy mới có
được kết quả tốt . Để viết tác phẩm cuối cùng « Sử Trung Quốc »
(1982), Bác tôi đã tham khảo gần 50 bộ sách cả Á lẫn Âu (với tài liệu chót ấn
hành vào cuối năm 81) để có được những thông tin đầy đủ kết quả mới nhất lúc đó
của ngành khảo cổ. Riêng tôi cũng theo phương pháp này trong lúc làm việc.
Ngoài những qui tắc sống trên, có
những tư tưởng của Bác mà tôi hoàn toàn đồng ý :
- « Chúng
ta làm điều phải vì tin nó là điều phải chứ không phải vì ý muốn của Thượng đế
hay một vị thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết bàn
hay Thiên đàng ». Tuy sống theo đạo đức nhà Nho, chống lối cúng bái
của các chùa Đại Thừa (Bác tôi không khi nào vào lễ chùa mà chỉ đi thăm phong
cảnh, kiến trúc cũng như đã dặn kỹ gia đình về sau không được xin lễ cầu siêu
cho Bác) ; tuy không tìm hiểu nhiều về Phật giáo, nhưng quan niệm này của
Bác rất gần với triết lý sống của Phật giáo Nguyên Thủy theo như Phật Thích Ca
dạy.
- « Khuyên
con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân
dân » bởi vì các chính trị gia thời này ai cũng hứa hẹn tốt để được
trúng cử rồi khi nắm quyền chỉ cố làm sao để giữ chức lâu thôi. Tất cả chủ
trương chính trị của Bác tôi có thể tóm tắt : làm sao để cho dân được sống
no ấm dưới một chính thể tự do. Đọc tựa tiểu luận « Con đường hoà
bình », chúng ta có thể chờ đợi một đề nghị về chính sách, nhưng
không : Bác chỉ đề cao « tinh thần bao dung của tổ tiên
ta » và chứng minh tất cả các « ý thức hệ » về tôn
giáo hay chính trị đã bị người ta dùng làm lí do để tranh chấp,
đâm chém nhau từ bao nhiêu thế kỉ nay !
- Bác
tôi : « sách nào cũng muốn đọc, môn nào cũng muốn biết và
hễ thấy đề tài nào lí thú có ích thì tìm hiểu ; rồi truyền điều hiểu cho
độc giả ». Trước 75, hàng năm Bác tôi đều đặt của các nhà xuất bản
Pháp, bản tên các cuốn sách ra trong mỗi tháng để lựa chọn đặt mua. Bác viết
không những nhiều đề tài mà còn đã được khen là biết dung hoà Âu Á để theo được
tiến bộ mới và vẫn giữ được các truyền thống của dân Việt. Lúc về sau, Bác
thường bảo con cháu, ở nơi không dùng âm lịch thì làm giỗ ông bà theo ngày
dương lịch cho dễ.
.- Tinh thần viết văn của Bác
tôi « có mục đích rõ rệt là phục vụ trong việc mở mang kiến thức cho
thanh niên ». Mục đích này đã được đền đáp bằng hai kết quả là :
quần chúng thường biết Bác như tác giả đầu tiên ở Việt Nam về loại sách
« Học làm người » và những cuốn này cũng có nhiều người đọc nhất.
Tuy nhiên trong cả đời trứ tác, Bác
đã bỏ khoảng một phần ba thời giờ để hoàn thành 20 tác phẩm (trong tổng số 120)
về Cổ học Trung Hoa và được « nhà văn Võ Phiến bảo : Từ trước
tới nay chưa có học giả nào, cựu học và tân học, mà có công giới thiệu cổ học
Trung Hoa bằng ông Nguyễn Hiến Lê ». Nhờ đọc những cuốn khảo cứu tỉ mỉ
và được phổ thông hóa với lối trình bầy mới, mà tôi đã có can đảm lao vào tìm
hiểu một lĩnh vực tôi hoàn toàn mù tịt vì thiếu căn bản Hán văn. Nhớ lại :
hè 1928 Bác tôi về Phương Khê để học thêm chữ Hán với Ông Bác Hai, nhờ đó 42
năm sau tôi mở thêm được kiến thức về Hán học, một thế hệ lại qua… Bác tôi đã
được thoả nguyện vọng « kế vãng khai lai » : « Chúng
ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ thì phải duy trì di sản đó
và cải thiện nó tùy khả năng mỗi người ».
Nhân cách và trí năng của Bác đã thu
hút tôi rất nhiều. Tuy thời gian được sống gần Bác rất ít, nhưng bấy nhiêu điều
học được cũng đủ giúp tôi chọn một lối sống tinh thần phong phú, trọn vẹn với
lương tâm và vui vì trong đời tôi vẫn còn rất nhiều điều để học hỏi.
Tô
Lệ Hằng
Source: