Quỳnh Giao
Nếu Dương Thiệu Tước là người viết
ca khúc khêu gợi nhất từ thời “tiền chiến”, thời phôi thai của tân nhạc cải
cách, thì ông cũng là tác giả của một ca khúc lãng mạn thanh quý nhất.
Trước “Cỏ Hồng” của Phạm Duy dễ mấy
thập niên, bài “Dưới Ánh Trăng” của Dương Thiệu Tước là ca khúc mang rất nhiều
ẩn dụ âm dương.
Anh như ánh trăng thanh
Em như hoa trên cành
Trăng lồng hương sắc thắm
Âu yếm cho mộng tàn canh.
Ánh trăng mà ái ân với nụ hoa đầu
cành, không là nghệ sĩ giàu trí tưởng tượng thì ít ai nghĩ ra! Chữ “lồng” của
ông trong đoạn mở đầu quả là đắt! Ðông phương thời xưa vốn không nghèo ý lạ thì
cũng phải chịu chữ này là hay. Là động từ hay hình dung từ vậy, mà ánh trăng
lại lồng cho hương sắc thắm?
Người ta thường nói Dương Thiệu Tước
kết tinh tài hoa của đất Bắc ngàn năm văn vật vào một thể loại mới là nhạc cải
cách, mà ông cũng là một trong mấy tác giả tiên phong. Ông sinh năm 1915 tại
làng Vân Ðình tỉnh Hà Ðông, là cháu nội cụ Dương Khuê của văn học sử. Những bậc
cao niên ngày nay vẫn còn nhắc đến Dương Thiệu Tước tại Hà Nội của sáu mươi năm
về trước, môi đỏ tựa son, da trắng hồng, tóc đen nhánh, gợn sóng như một công
tử tài hoa đất Hà Thành.
Ông thuộc loại nhạc sĩ quán triệt
nhạc thuật Tây phương lẫn văn hóa Ðông phương nên mới cho “trăng lồng hương sắc
thắm” trong ca khúc thuộc loại đầu đời của tân nhạc cải cách.
Sau ông, nhiều nhạc sĩ khác cũng nổi
danh trong trường phái tân nhạc cao sang về lời từ và quý phái trong giai điệu.
Họ không nhiều đâu. Ðó là Vũ Thành, Nguyễn Văn Quỳ và Cung Tiến. Họ viết nhạc
trên giai điệu Tây phương, rất gần với thể loại về sau chúng ta gọi là “bán cổ
điển”.
Nhưng, khác ba nhạc sĩ trên, Dương
Thiệu Tước cũng là tác giả của nhiều ca khúc vẫn đậm nét Á Ðông, trên giai điệu
ngũ cung: đó là “Ðêm Tàn Bến Ngự” vô cùng Huế, hay “Tiếng Xưa”, hết sức Nam kỳ.
Nói “Tiếng Xưa” là giai điệu miền Nam thì nhiều người hoài nghi, nhưng xin nghe
lại mà xem. Những người sành cổ nhạc Nam phần như Nguyễn Hữu Ba hay Việt Hùng
thì không còn ở với chúng ta để xác nhận điều ấy, cho nên mình phải nghe lại,
ngẫm lại!…
Dương Thiệu Tước để lại cho hậu thế
nhiều tác phẩm trang nhã của loại bán cổ điển, như “Áng Mây Chiều”, “Buồn Xa
Vắng”, “Mơ Tiên”, “Bến Xuân Xanh” hay “Thuyền Mơ”… Bài nào cũng là viên ngọc
quý trong kho tàng nhạc Việt. Riêng một bài thì rõ là một đóa hoa quý: “Ngọc
Lan” tiếp nối ẩn dụ của “Dưới Ánh Trăng” đã nói ở đầu. Nhưng thanh thoát bội
phần.
Một số người ưa chuyện hậu trường
thì cho rằng Ngọc Lan được Dương Thiệu Tước sáng tác cho Minh Trang (thân mẫu
của người viết bài này!) Ðấy là tiểu tiết hay tiểu truyện không cần nói trong
tác phẩm. Ðúng sai thì xin để lại cho những người trong cuộc. Dương Thiệu Tước
viết bài này tại đất thần kinh năm 1953, khi cùng thân mẫu của người viết về
Huế thăm đại gia đình đã xa lâu rồi.
Nếu “Dưới Ánh Trăng” là ca khúc tả
cảnh để tả tình, để ánh trăng ân ái với đóa hoa, thì “Ngọc Lan” tả đóa hoa mà
để nói về tình yêu thanh khiết.
Những người không hiểu lời, ngoại
quốc chẳng hạn, hoặc nếu chỉ nghe phần nhạc có hòa âm công phu, thì vẫn cảm
nhận được nét đẹp lả lướt mà không lả lơi, phóng khoáng mà không phóng túng và
nhất là giai điệu rất trang trọng, quý phái. Trước vẻ đẹp của hoa, người nghệ
sĩ chỉ có thể trầm trồ như vậy!
Viết trên cung Mi giáng Trưởng, dìu dặt khoan thai theo tiết
điệu “ba bốn” của một bài luân vũ chậm, ca khúc Ngọc Lan có ba nhạc đề.
Phần đầu tha thiết dịu dàng mở ra
như một đóa hoa ngọc lan mới nở và phả ra hương thơm ngoài hiên nắng. Từ cánh
hoa trắng muốt như bạch ngọc, nhạc sĩ chuyển qua phần hai, ngợi ca cả thanh lẫn
sắc. Hóa ra hoa chỉ là người. Mà phải là người rất đẹp. Qua đến nhạc đề thứ ba,
tác giả chuyển từ cung Mi giáng Trưởng sang Si giáng Trưởng rồi qua Sol thứ
trước khi trở lại Si giáng Trưởng để chuyển về nhạc đề đầu tiên.
Nhạc đề này diễn tả sự hôn mê rung
động của người ngắm hoa. Tác giả khiến ta nghĩ rằng trước vẻ đẹp tinh khiết của
hoa, người nghệ sĩ phải lùi lại, ngậm ngùi nhìn nét đẹp như hương thơm, cứ
thoảng dần trong gió và để lại nơi đây, trong cõi đời này, biết bao thương nhớ.
Nhạc thuật gợi lên nào thanh, nào
sắc nào hương và nỗi tình si của người không dám sỗ sàng bước tới, mà chỉ chìm
dần trong làn hương thắm do đóa hoa vương lại.
Về cách diễn tả thì khi trở về nhạc
đề thứ nhất, người ca sĩ sẽ hát cho đến cuối nhạc đề hai bằng hai câu kết tuyệt
vời, một trên cung Trưởng, một trên cung Thứ và đáp lại bằng Mi giáng Trưởng
lâng lâng, đầy thương nhớ. Ngày xưa, trong các đài phát thanh của Sài Gòn, khi
hát câu cuối, người ca sĩ phải lên đến nốt Sol cao ngất, ở ngoài dòng kẻ. Nhưng
đó là chuyện ngày xưa!
Ngọc Lan là ca khúc kén người hát
lẫn người nghe. Muốn hay thì trước hết phải có hòa âm ra hồn, mà về hòa âm
không phải nhạc sĩ nào cũng diễn tả được nét thanh quý của tác phẩm. Không chỉ
là một bài hát, Ngọc Lan là một bài thơ, một bức họa và một đóa thơm lãng mạn.
Ca khúc này được nhiều người trình bày, nam lẫn nữ, nhưng có lẽ thích hợp với
giọng nữ hơn là nam. Ðiều này hơi lạ vì nội dung gợi ý về bậc nam tử thấy người
ngọc trong “giấc xuân yêu kiều” bỗng mê đắm mà… lùi lại để tơ vương trong tâm
tưởng. Ngợi ca đóa hoa như vậy thì phải là nam tử chứ?
Về nhạc thì vậy, về lời từ thì thật
đáng thương cho Dương Thiệu Tước, cháu nội cụ Dương Khuê.
Ông viết nhạc đã hay mà dùng chữ rất
tài cho một hậu thế lại coi thường chữ nghĩa và nỗi dụng công của ông. Khi viết
“ngón tơ mềm, chờ phím ngân trùng, mạch tương lai láng”, ông dồn hết thi họa và
nhạc vào một câu làm người ứa lệ trước cái đẹp. “Mạch tương lai láng” là một
điển cố nói về giọt lệ. Nhưng đời sau lại hát ra “mạch tương lai sáng”. Dẫu có
buồn thì cũng chưa đáng khóc bằng “mạch tuôn” hay “mạch tuông lai láng”!
Dễ hiểu hơn đấy, nhưng khiến tác giả
không hiểu gì nữa… Thương cho một đóa ngọc lan.
Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng
tối sẽ khuất sau lưng anh.
Quỳnh Giao
Original Source: https://www.chutluulai.net
Secondary Source: http://vanviet.info/nghe-thuat/dng-nhac-ky-niem-voi-nhac-cu-mien-nam-ky-87-duong-thieu-tuoc-ngoc-lan/