Your vision will become clear only when you look into your heart.... Who looks outside, dreams. Who looks inside, awakens. Carl Jung
Friday, March 17, 2023
Cải Lương -- "Lục Tỉnh đang tha hương… "
Lục Tỉnh đang tha hương…
Lê Học Lãnh VânLục Tỉnh đang tha hương…
Ngày 12 tháng 3 năm 2023
LỤC TỈNH ĐANG THA HƯƠNG…
Đi rồi, nghệ sĩ Diệp Lang
Nhớ anh sân khấu sáo đàn chen nhau
Diễn như không diễn mà sao
Chật phòng khán giả nghe sầu mênh mông
Buổi chiều vọng cổ bên sông
Ông già Lục Tỉnh nát lòng tha hương…
Lê HL Vân, 230313
Từng coi gần như hết các vở cải lương nghệ sĩ Diệp Lang đóng, giờ nghe tin anh mất, không buồn sao được? Nhưng, sáu câu thơ kia không để khóc anh, mà khóc cho buổi chiều Cải Lương!
Không biết về kịch nghệ, đâu dám nói gì về tài nghệ của nghệ sĩ Diệp Lang dù được nghe bao người tấm tắc. Chỉ biết, dù rất hâm mộ Thành Được, Thanh Nga, Hùng Cường, Bạch Tuyết, tôi chỉ sống trọn vẹn hơn với sân khấu, trong vở tuồng mỗi khi xem Diệp Lang, Hồng Nga diễn. Ấy là bởi hai nghệ sĩ này nếu chưa là ngôi sao sáng nhất thời của họ thì đã rất xứng đáng với lời khen diễn mà không diễn. Qua các vai diễn, hình ảnh ông, bà, cha, mẹ, cậu, dì, chàng trai, cô gái được họ vẽ lên rất chân thực trên quê hương nơi họ sinh ra, sống, làm nghề, nơi sản sinh ra làn điệu cải lương, chính là đất Nam Kỳ Lục Tỉnh trời rộng sông dài!
Cải Lương, hiểu đơn giản là cải tiến cho tốt hơn. Phức tạp hơn người ta có thể hiểu theo hai câu “Cải cách hát ca, theo tiến bộ, Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Vậy, cái tên Cải Lương mang trong mình nó một giá trị rất quan trọng của nghệ thuật là luôn luôn cải tiến. Theo các bậc tiền bối, ông Năm Châu là người góp phần lớn nhất làm sâu sắc ý nghĩa thực tiễn của hai từ cải lương bằng cách đưa loại nghệ thuật tuồng này gần gũi với kịch hiện đại. Điều này được thể hiện bằng sự ra đời của các vở cải lương đề tài xã hội đương thời, và các vở cải lương theo tích cũ cũng được cải biến sao cho phần thoại và phần ca phù hợp với diễn biến tâm lý nhân vật và với nhịp điệu cuộc sống thực. Tiêu biểu cho khuynh hướng cải lương này là các vở Đời Cô Lựu, Nửa Đời Hương Phấn, Sân Khấu Về Khuya, Tuyệt Tình Ca cùng hàng chục vở khác…
Các vở cải lương đó rất được hoan nghênh vì chúng đúng bản chất của người dân Lục Tỉnh trung thực, thẳng thắn, rộng mở, chân thành, có sao nói vậy, dễ chấp nhận điều mới, mang đầy đủ khí chất khai phá. Khí chất đó cũng nằm trong cách diễn, tiếng ca của những diễn viên cải lương. Cải lương đạt đỉnh cao thịnh thời vào thập niên 1960 rồi sau năm 1975 còn kéo dài thêm một thập niên nữa nhưng chỉ là kéo dài thêm thời thịnh trước năm 1975 để dần dần lịm xuống.
Những ai quan tâm tới sân khấu sau năm 1975 chắc không xa lạ với việc một vở diễn muốn được ra mắt công chúng phải qua sáu bảy cửa phúc khảo. Còn đâu bầu trời tự do cao rộng trên vùng đất mới khai phá để cho cải lương tiếp tục sự nghiệp và sứ mạng của mình? Cải lương không còn được tự do cải tiến thích hợp với đà phát triển tiệm tiến của cuộc sống xã hội. Cải lương bị đứt gãy bởi vì xã hội cũng bị đứt gãy theo với cuộc đổi đời nghiệt ngã!
Thời gian mười năm 1978-1988 là thời gian của dòng thuyền nhân ào ạt di tản. Xã hội bị xáo trộn tung lên, nghệ sĩ cũng xôn xao, không ít người mơ chuyện vượt biên. Không chỉ nghệ sĩ hoang mang, hồn cải lương cũng không còn. Xã hội ngoảnh mặt trước hàng triệu người lương thiện trở thành nạn nhân của cuộc sắp xếp lại xã hội khốc liệt, làm sao cải lương giữ được lòng bao dung, nhân hậu, nghĩa tình? Xã hội đóng khung trong cơ chế xin cho, đông cứng trong ngăn sông cấm chợ, cải lương làm sao giữ được nếp phong lưu, phóng khoáng, trượng nghĩa khinh tài?
Mất đi những điều đó là cải lương đã mất tâm hồn của mình. Sau Tiếng Trống Mê Linh, Thái Hậu Dương Vân Nga, Trần Minh Khố Chuối, những vở cải lương ngày càng trở nên nhạt nhẽo, cạn xợt… Buổi chiều cải lương đã được thấy trước từ buổi trưa oi bức!
Viết gần xong bài này thì được đọc tiếng lòng quá đỗi ngậm ngùi của Nguyễn Văn Tiến Hùng trước sự ra đi của Diệp Lang, “Buổi chiều rất chiều của Cải Lương giờ chỉ là những tin buồn lặng lẽ”, tôi gởi bạn một câu bình:
Cám ơn Tiến Hùng vì giọt lệ, chỉ một giọt thôi mà lăn ra từ nỗi lòng với cải lương, với một thời Nam Kỳ Lục Tỉnh! Chiều Cải Lương có là hình ảnh của Chiều tàn phong cách, Chiều tàn tấm lòng một Lục Tỉnh mất bản sắc, bị đồng hóa, đang tha hương?
Sunday, March 5, 2023
Lời kêu cứu của thiên nhiên Việt Nam
https://vanviet.info/van-de-hom-nay/loi-ku-cuu-cua-thin-nhin-viet-nam/
24 Tháng Hai, 2023
Lời kêu cứu của thiên nhiên Việt Nam
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Ủng hộ lời kêu cứu cho Đồng Bằng Sông Cửu Long của nhà khoa học Ngô Thế Vinh
Quá muộn rồi. Sau đây, chúng ta sẽ đi về đâu, sự hỗn loạn hay một cuộc sống cộng đồng? (Martin Luther King)
Sự hòa hợp giữa Con người và Thiên nhiên là yếu tố cơ bản cho sự sinh tồn của chúng ta(1) (Aurelio Peccei và Daisaku Ikeda)
1. Văn hào Nga Lev Tolstoy trong luận văn Về cuộc sống đã trích làm đề từ một luận điểm của triết gia Kant nói rằng: Một trong hai điều luôn tràn ngập tâm hồn chúng ta bằng niềm ngạc nhiên và ngưỡng mộ luôn mới mẻ và ngày càng gia tăng, “bắt đầu từ điểm mà tôi đang chiếm giữ trong thế giới cảm tính bên ngoài” (2).
Cái điều đó là gì, nếu như trước hết không phải là Thiên nhiên? Tolstoy đã xác quyết rõ rệt: “Cuộc sống chân chính là đạt tới cái chân phúc không phụ thuộc vào mọi chuyển động hữu hình trong không gian và thời gian bằng sự quy phục trí tuệ”(3). Chân phúc, tức hạnh phúc đích thực và chân chính như vậy, theo văn hào, chỉ có thể đạt tới bằng sự vận dụng trí tuệ vào việc “quy phục, tuân thủ” những quy luật của thiên nhiên.
Bởi nếu không làm như thế, theo Tolstoy, “tất cả những hoạt động sôi động phức tạp của con người với thương mại, chiến tranh, với phương tiện truyền thông, khoa học, nghệ thuật của họ phần lớn chỉ là cảnh chen lấn của một đám đông điên rồ bên cánh cửa của cuộc sống”(4).
Tôi đã nhớ lại những điều mà L. Tolstoy nói đến từ những năm 70 của thế kỷ XIX, mỗi khi cảm thấy nhục nhã và đau đớn trước cảnh tượng hùng hổ tranh cướp ấn, hay cảnh hỗn loạn chen lấn của đám đông ở một số đình, chùa, giữa rác rưởi ô uế, giữa những con thú rừng bị thui đang há mõm như than khóc cho sự tận diệt thiên nhiên ở mức báo động đỏ. Còn đâu một mẩu nào của ánh sáng trí tuệ như L. Tolstoy đòi hỏi ở một “đám đông điên rồ” đang góp phần làm thiên nhiên tan hoang tơi tả kia, để có thể rung động nổi với cảnh Bụt cần có và đã từng có: “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lững lờ khe Yến cá nghe kinh” (Chu Mạnh Trinh)?
Cách đây gần 10 năm, sau một lễ hội Hoa Anh đào được tổ chức hoành tráng tại Hà Nội, một số trí thức, văn nghệ sĩ đã phải xót xa trăn trở: “Chỉ với hai cây Anh đào thật mà người ta làm nên cả một lễ hội, trong khi đó biết bao rừng hoa Ban tuyệt đẹp được coi là “Bà chúa Hoa rừng” trên Tây Bắc, và chỉ Tây Bắc mới có, thì đang bị đốt, bị chặt phá, và chẳng mấy ai thấy có trách nhiệm phải bảo tồn chúng!”. Một nhà báo mới đi Mỹ về kể: anh tận mắt nhìn thấy cả một trăm cây Anh đào được đem từ Nhật tới trồng tại Thủ đô Washington, và anh cùng tôi chợt buồn khi nghĩ về hoa Ban Tây Bắc… Sau bao đợt phá rừng đốt nương dữ dội, giờ đây lên Tây Bắc không còn thấy Ban ngợp trời dọc Quốc lộ 6 như cách đây vài chục năm! Tuy trên núi cao, trong rừng sâu, và nhiều đoạn đường cheo leo hiểm trở vẫn còn có hoa ban, nhưng chúng tồn tại giống như sự lẩn lút! Một trí thức người Thái ở Thái Lan khi sang Tây Bắc Việt Nam đã phải ngẩn người xúc động trước sự hoang sơ gần như nguyên vẹn của cảnh vật thiên nhiên, và đặc biệt là sự tồn tại của hoa Ban. Trong khi đó, ở nước ông, tất cả đã biến thành đường cao tốc, nhà cao tầng, khu công nghiệp, không còn đâu những mái nhà sàn cổ, những dòng suối nhỏ chảy róc rách, những thung lũng yên bình đẹp như mơ, và lấy đâu ra những vạt hoa Ban trắng ngần long lanh trong nắng sớm…!
Những năm qua, cứ mỗi lần biết được một sự tàn phá thiên nhiên tại Việt Nam, tôi tin rằng rất nhiều người cũng như tôi, đều tựa bị dao đâm, lửa đốt. Vì đâu nên nỗi? Thiên nhiên là một trong những Ngôi Đền thiêng liêng nhất của nhân loại từ xửa xưa, và của mỗi người dân Việt từ thuở ấu thơ, sao giờ lại là đối tượng bị tàn sát, bị truy đuổi một cách man rợ đến vậy ngay trên mảnh đất chữ S?
Thù ghét thiên nhiên thì làm sao yêu được con người? Còn khi dửng dưng trước thân phận, nỗi đau của người khác thì thiên nhiên cũng sẽ chỉ là thứ xa lạ, bị ruồng bỏ, hoặc chỉ để lợi dụng nó. Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bị xẻ thịt không thương tiếc bởi không ít quan chức và văn nghệ sĩ có tên tuổi để phục vụ cho hưởng thụ cá nhân! Trong hệ thống giáo dục của ta, từ bậc tiểu học tới đại học, thiên nhiên đã được dạy dỗ ra sao, để tới nay, số người hiểu biết thực sự về nó và bênh vực bảo vệ nó một cách hiệu quả còn quá ít ỏi, để lấn át đến nhức óc là những khẩu hiệu trơ trẽn hoặc những hoạt động với mục đích giải ngân về “Bảo vệ Thiên nhiên”!
Tài nguyên Thiên nhiên với Môi trường có mối quan hệ thế nào, tầm quan trọng của Thiên nhiên đối với sức khỏe, y tế, đời sống dân sinh, văn hóa, kinh tế, giáo dục ra sao, nhiều thầy cô giáo chưa có điều kiện hiểu rõ, và thậm chí nhiều quan chức các bộ có liên quan mật thiết tới những vấn đề này chắc cũng ngắc ngứ… Tài nguyên Thiên nhiên Việt Nam đã và đang bị tàn sát, bị đầu độc, dẫn tới biết bao bi kịch đau lòng chưa từng thấy. Mỗi người Việt cần làm gì để cứu lấy tài nguyên Thiên nhiên Việt Nam?
2. Cố GS. Trần Văn Giàu đã dẫn ra 7 giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa(5). Xin được mạn phép bổ sung một bản sắc: Lòng yêu thiên nhiên. Theo tôi, nó là cái gốc của các giá trị, và thậm chí, là kết quả sau cùng, tinh hoa của các giá trị nói trên. Bởi, Thiên nhiên được phản ánh trong tâm lý và tập quán người Việt Nam từ ngàn xưa, xét cho cùng, cũng là một thành tố hữu cơ của bản sắc dân tộc.
Nói bản sắc dân tộc Việt Nam tức là nói tới những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi, sẽ tạo ra những giá trị văn hóa hoặc là bản sắc văn hóa. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc đã từng đưa ra luận điểm độc đáo: “Văn hóa bốn F” để khái quát về văn hóa Việt Nam từ hàng ngàn năm qua (Fatherland, Family, Fate, Face – Tổ quốc, Gia đình, Thân phận, Diện mạo), và ông đã kể lại sự ngạc nhiên của nhiều học giả Pháp về mô hình làng xã kiểu Đông Nam Á mang đặc thù “văn hóa bốn F” gợi nhắc đến thành bang cổ đại của Hy Lạp(6). Trong đó, sự bảo vệ thiên nhiên như một yếu tố hàng đầu, bởi lẽ chính con người Việt Nam vốn “thương người như thể thương thân” và đùm bọc lẫn nhau trong hoạn nạn cũng được công xã làng mạc với các lũy tre làng che chở.
Đó là thứ văn hóa của những người yêu thiên nhiên tha thiết, đã dùng nhân nghĩa để đối xử tử tế với những kẻ thù đã đầu hàng: “Ai yêu như Người, cái lẽ hiếu sinh/ Một giọt nắng thanh bình/ Trên đầu ngọn lúa?” (Gửi Ức Trai – Lưu Trọng Lư). Và khi ông cha ta trông mong vào các lực lượng tự nhiên để bảo vệ cho mình trong cuộc sống nông nghiệp tự cung tự cấp, trong khi làm bạn với thiên nhiên và coi “người ta là hoa đất”, thiên nhiên cũng được tôn thờ, được thần thánh hóa (như: Con cóc là cậu ông Trời…).
Cái gốc của văn hóa Việt Nam là đạo Mẫu – thờ Mẹ xuất phát từ xa xưa, từ thời huyền thoại Âu Cơ và chảy mãi cho đến tận ngày hôm nay. Nó có sức sống lâu bền ở chính nền tảng nông nghiệp lúa nước. Gắn với nền kinh tế lúa nước ấy, người phụ nữ đã trở thành biểu tượng của sự cần cù, hy sinh, chịu thương chịu khó, của sự cầu may hạnh phúc no đủ, và thiên nhiên trở thành người Mẹ bao trùm, lúc ẩn sâu lúc hiển hiện trong Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải…
Danh nhân Nguyễn Văn Siêu trước cảnh vật Hồ Tây thời chưa bị ô nhiễm đã thốt lên: “Ôi, muôn vật trong trời đất, cái lớn nhất là con người, là sông núi, con người đã mất thì sông núi lại còn sao được! Chỉ có cái khí của trời đất, tích tụ chuyển vận bên trong, hun đúc nên con người. Con người được cái khí của sông núi mà thành; sông núi lại được cái khí của con người mà thể hiện ra, hợp thành cái khí bất diệt”(7).
Hầu như người Việt Nam nào cũng có một quê hương thi vị của tuổi ấu thơ in hằn trong tâm tưởng, xin đọc những dòng đẹp như thơ viết về thiên nhiên làng quê Bắc Bộ của cố GS. Địa lý học Lê Bá Thảo: “Từ thuở nhỏ, ai mà chẳng được sống trong lời ru của bà, của mẹ, mà âm điệu du dương của chúng mang bóng dáng của đất đai làng mạc đã tạo nền cho tình yêu quê hương đất nước thắm thiết lắng sâu vào tâm hồn…
Những cảnh vật quen thuộc của đồng bằng đã đến với tuổi thơ bao thế hệ thông qua những câu ca dao ca ngợi lao động và tình yêu quê hương, những bài tập đọc trong sách giáo khoa, những bức tranh miêu tả những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những thôn làng nằm yên ả sau luỹ tre, có giếng nước ao làng, có mái đình chùa rêu phong cổ kính, có những cây đa cổ thụ chơ vơ ngoài gò, ngoài bãi…”(8).
Tình cảm gắn bó với quê hương, với lũy tre, với cây đa bến nước sân đình… từ thuở ấu thơ đã mau chóng trở thành tình yêu Đất Nước. Cha ông ta đã gọi giang sơn của mình là Non Nước. Nước Non quấn quýt tình nghĩa trong cảm quan yêu nước của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu xét cho cùng xuất phát từ lòng yêu thiên nhiên trĩu nặng: “Nước Non nặng một lời thề/ Nước đi đi mãi không về cùng non”…
Các danh nhân văn hóa – lịch sử nước ta đều có nhiều vần thơ, bài thơ thực rung động về thiên nhiên và chúng đều đạt tới vẻ đẹp cổ điển của văn chương, như thơ của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, v.v. Trong số những câu thơ thuộc loại tuyệt đỉnh ở kiệt tác Truyện Kiều, không ít câu là viết về thiên nhiên: “Long lanh đáy nước in trời/Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng…”.
Có lần, từ trên máy bay tôi ngắm nhìn mê mải đồng bằng châu thổ vào mùa lúa chín. Câu ca xưa từ thuở mới cắp sách đến trường trở lại ngân nga: “Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, thấy mênh mông bát ngát/ Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, thấy bát ngát mênh mông/ Thân em như chẽn lúa đòng đòng/ Phất phơ giữa ngọn nắng hồng buổi mai”…
Tâm hồn dân gian mộc mạc và thi vị của người lao động đã vẽ nên bao cảnh đẹp say lòng của đồng bằng châu thổ, mảnh đất chôn nhau: “Làng ta phong cảnh hữu tình/ Dân cư đông đúc như hình con long”… Là người Việt Nam, ai mà chẳng đồng cảm với học giả Pháp Pierre Gourou khi nghe ông miêu tả cảnh làng quê Bắc Bộ:
“Thoạt nhìn phong cảnh châu thổ có vẻ đơn điệu xám xịt, không có duyên, nhưng dần dần, nét nên thơ và vẻ đẹp của nó lộ ra trước mắt những ai chịu khó đi tìm cảm xúc, lần theo các con đê và những con đường đất nhỏ trong các mùa khác nhau, và đi vào các xóm làng… Mặt nước mênh mông, bằng phẳng và gợn sóng, trôi chầm chậm về phía chân trời, tuỳ từng lúc mà điểm tô màu đỏ sậm, hồng nhạt hoặc xám lam; một khóm tre, đám cỏ trên thân đê, bộ lông vàng của con bò làm nổi thêm giá trị của nước phù sa đỏ cạch; đôi khi những tương quan cực kỳ tinh vi được tạo ra giữa màu hồng của sông nước và những mái rạ màu xám cũ kỹ của một làng ven sông. Những phong cảnh mà ở đó màu sắc trùm lên hình thể, việc thay đổi các sắc thái lấn át đường nét: tóm lại những cảnh quan ấn tượng chủ nghĩa…”
Đó quả là những bức tranh hội hoạ đặc sắc, là những khuôn hình điện ảnh kiểu mẫu, kèm theo lời chỉ dẫn pha màu cho hoạ sĩ hoặc cách phối màu sắc và ánh sáng cho nhà quay phim! Nhưng có lẽ, điều đặc sắc hơn cả trong công trình địa lý nhân văn của vị Uỷ viên thông tấn Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp nặng lòng yêu Việt Nam này là: Ông đã đúc kết được một cách tài tình nền văn minh châu thổ, mà ông gọi là “Nền văn minh nông dân”.
Nhà khoa học Pháp, vượt lên trên những sự kỳ thị của tầng lớp thực dân thống trị đương thời, đã hào hứng viết như sau: “Thật vậy, một trong những dáng vẻ đáng yêu nhất của châu thổ Bắc kỳ là sự hoà hợp hoàn toàn giữa con người với thiên nhiên. Từ bao thế kỷ, người nông dân đã biết tổ chức những mối quan hệ hài hoà với những cảnh quan quanh mình…”. Sau khi so sánh với sự tiến bộ hiện đại ở phương Tây mà thực chất là một sự tách rời giữa con người với ngoại cảnh tự nhiên, là sự huỷ hoại thiên nhiên, P. Gourou đã có một ý tưởng đột xuất mà cho đến hôm nay càng chứng tỏ tính chất dự báo, tính chất thời sự nóng hổi không những đối với Việt Nam mà còn mang ý nghĩa toàn cầu, buộc tất cả chúng ta phải suy nghĩ và có thể vận dụng vào thực tế hôm nay:
“Sự hài hoà cổ xưa giữa con người với thiên nhiên vẫn có thể gìn giữ được nếu như người Việt Nam, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp thượng lưu ưu tú, nghĩ rằng đó là di sản quý báu nhất của nền văn minh của họ… Nếu có một tinh thần yêu nước Việt Nam, thì họ phải dành tất cả sự quan tâm vào việc giữ gìn sự hài hoà quý báu đó giữa thiên nhiên và con người, vì đó là vấn đề tiên quyết, là vấn đề chi phối mọi vấn đề khác dù là kinh tế hoặc chính trị…”(9).
Khi đi lang thang trong một vùng thiên nhiên còn hoang sơ của huyện mới Vân Hồ, tỉnh Sơn La, tôi đã bất giác nhớ đến những dòng viết về thiên nhiên làng quê Việt Nam của hai học giả Lê Bá Thảo và P. Gourou, rồi chợt thảng thốt: Cái thiên nhiên kỳ diệu kia của vùng núi Tây Bắc nếu cũng bị phá tan nát như ở nhiều vùng quê Việt bây giờ, thì thực đau xót! Tôi đã bắt đầu có kế hoạch vận động một số nhà đầu tư có tâm huyết tới vùng huyện mới Vân Hồ làm Du lịch sinh thái hoang dã để góp phần bảo vệ kho báu tài nguyên thiên nhiên nơi này…
3. Triết gia danh tiếng người Ấn Độ Krishnamurti từng nói nhiều đến thiên nhiên trong cái “cảm giác ngưỡng mộ”, “sự tôn kính những gì phát sinh từ cái đẹp vĩ đại” của thiên nhiên, nơi sẽ diễn ra quá trình tự chữa trị vết thương lòng kỳ diệu, và “việc chữa trị ấy sẽ dần xảy tới nếu bạn sống với thiên nhiên”(10). Những đề nghị trở về với đời sống thiên nhiên, để mong đạt tới sự thảnh thơi tự tại, sự “thuận thiên” của Trang Tử hiện đang làm thế giới tiêu dùng phương Tây và khắp thế giới phải sững sờ tìm hiểu (11).
Các nhà giáo dục lớn xưa nay trên thế giới là những người hơn ai hết hiểu rõ vai trò của thiên nhiên trong việc hình thành nhân cách trẻ thơ. Trong tác phẩm Emile hay là về giáo dục, nhà văn, triết gia người Pháp J.J. Rousseau thế kỷ 18 đã cho thấy hình ảnh của nhân vật Emile – sản phẩm giáo dục theo hình dung của ông là: Vững chãi, độc lập trong tư duy, phán đoán và hành động.
“Vấn đề là chỉ ra cho nó cần làm thế nào để luôn khám phá ra sự thật hơn là bảo cho nó biết một sự thật”. Và để khám phá ra sự thật, không gì bằng môi trường thiên nhiên. Mục tiêu giáo dục của Rousseau là, trước khi và trong khi dạy cho Emile sự hiểu biết, cần làm cho Emile hạnh phúc tối đa trong lứa tuổi của cậu ta, với những gì được thiên nhiên trao tặng. Hình ảnh một người trẻ, độ tuổi 15 mà Rousseau muốn tạo ra là: “trí óc đúng đắn và không thành kiến, tâm hồn tự do… Không phá rối sự an tĩnh của ai hết, nó đã sống hài lòng, hạnh phúc và tự do, hết mức mà thiên nhiên cho phép”(12).
Bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori trong công trình Bí ẩn tuổi thơ đã có một khái niệm rất đáng quan tâm: “Đứa trẻ bị lệ thuộc” (cũng là một đề mục trong chương sách mang tên: “Những lệch lạc tâm thần”). Bà lo lắng rằng: Nếu như không tạo ra một môi trường tốt cho đời sống tinh thần trẻ em, không gắn trẻ em với thiên nhiên, không có một phương pháp sư phạm đúng đắn, sẽ tạo ra những đứa trẻ thờ ơ, lãnh đạm, lười biếng. Và những ai có ý định “máy móc hóa” học đường, “robot hóa” trẻ thơ, tách trẻ thơ ra khỏi thiên nhiên cần tỉnh ngộ trước những lời cảnh báo của Montessori cách đây hơn một thế kỷ: “Tiến bộ về mặt vật lý, hóa học và sinh học, và sự cải thiện các phương tiện giao thông chỉ làm tăng nguy cơ của sự tàn phá, khốn khổ và sự xuất hiện của cái man rợ độc ác…”(13).
Có một thực trạng nguy hiểm đang bắt đầu chiếm lĩnh tâm lý đám đông xã hội ở nước ta: Tâm lý thích hành hạ thể xác và tâm hồn người khác, nó đang nảy nở như nấm sau mưa và không chừa lứa tuổi nào! Điều này cho thấy tình trạng “tê cóng”, “bại liệt lòng nhân đức” của con người, mà có lẽ nguyên nhân sâu xa là thiên nhiên đã trở thành vật để mua bán, trục lợi, và tình yêu thiên nhiên chỉ còn chết đọng trong các câu chuyện cổ tích! (Các khái niệm nhân đức, tê cóng, bại liệt này, tôi dùng lại theo Mạnh Tử)(14).
Đây là một phương pháp giáo dục gắn với thiên nhiên mà nước ta cần học hỏi: Ý tưởng nuôi dưỡng trẻ em nhỏ tuổi sống giữa thiên nhiên còn hoang sơ xuất phát từ Đức vào cuối thế kỷ 18. Sau đó nó nhanh chóng được người Bắc Âu đón nhận và phát triển. Hoa Kỳ, đất nước của những đứa trẻ mất kết nối với thiên nhiên cũng nhanh chóng nhập cuộc. May mắn nhất, những đất nước kể trên đều là các quốc gia bảo tồn tốt hệ sinh thái và những khoảng xanh của mình.
Hiện nay, tại Đức có đến 700 trường mầm non trong rừng (chiếm khoảng 10% các trường mầm non trên toàn quốc). Số lượng các trường học theo mô hình này cũng chiếm tỉ lệ tương tự tại Hoa Kỳ. Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm ra sự khác biệt mà trường học trong rừng mang đến cho những đứa trẻ. Đặc điểm lớn nhất của thiên nhiên chính là sự đổi thay từng ngày, từng giờ… Sự bất ngờ, những điều mới mẻ luôn là động lực tốt nhất tạo nên sự hứng thú và ham thích tìm hiểu ở những đứa trẻ.
Vì thế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ học “trong rừng” có trí tưởng tượng tốt và phong phú hơn những đứa trẻ học “trong nhà”. Thêm vào đó, thiên nhiên rộng lớn và biến đổi liên tục chính là môi trường thuận lợi nhất để trẻ thực sự học được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống”.
Con người cần kết nối lại với thiên nhiên, đó lời kêu gọi khẩn cấp từ những nước phát triển! Một bài báo của nước Anh viết: “Một khảo sát gần đây đã nhận thấy một thực trạng đáng quan ngại là người dân đô thị đang dần mất đi sự kết nối với thiên nhiên, và cái giá phải trả ngày càng đắt. Chúng ta quên mất vẻ đẹp kỳ diệu của cây cối, không khí trong lành như thế nào, những loài động vật hoang dã cuốn hút ra sao, và khả năng làm giảm căng thẳng mà vùng nông thôn yên bình có thể mang lại cho con người… Có thể khẳng định rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ mà thiên nhiên bị “tước đoạt” nhiều nhất trong lịch sử.
Một khảo sát mới đây của nước Anh chỉ ra rằng cứ 7 trong số 10 người nói rằng họ hoàn toàn đã “mất liên lạc” với tự nhiên. Mối liên hệ giữa con người và hệ động thực vật chính là động lực thôi thúc con người muốn bảo vệ tự nhiên… Con người lìa xa thiên nhiên sẽ khiến thiên nhiên dễ bị hủy diệt hơn”.
Báo Pháp Khoa học và Đời sống từng viết về Tám hiểm họa môi sinh của thế kỷ XXI: 1/ Nhiệt độ tăng, 2/ Đất thoái hóa, 3/ Nước hết, 4/ Hóa chất làm ô nhiễm, 5/ Vùng biển bị khai thác quá mức, 6/ Phá rừng gây nên dịch bệnh mới, 7/ Mất cân đối dân số, nam nhiều hơn nữ, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ rệt, 8/Đô thị hỗn loạn. Người ta giải thích thêm điểm cuối: nay là thời của những THỊ DÂN HUNG DỮ; cuộc sống vô cùng hỗn độn bởi một số dân quá đông cùng sống trong một diện tích quá chật chội.
Trong chương CON NGƯỜI VÀ THIÊN NHIÊN của cuốn sách Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI, hai tác giả Ý và Nhật Bản viết những năm cuối thế kỷ trước mà như trực tiếp nói về những thảm họa môi trường sinh thái của nước ta gần đây, với sự phẫn nộ đanh thép: “Chúng ta vật lộn nhau, tranh giành phần thắng. Chúng ta vung dao lên để cướp lấy những lợi ích trước mắt, mặc ai bị thiệt hại, hoặc bất chấp việc vi phạm những chuẩn mực đạo đức. Hành động như thế, chúng ta đã phá hoại môi trường của mình… Sự hiểu biết và những quyền lực đó đã làm cho chúng ta trở thành tự phụ, ích kỷ, đến mức quên cả cảm thông với thiên nhiên… quên vai trò chủ yếu của thiên nhiên trong sự sinh tồn của mình”.
“Kho tàng phát sinh sự sống của thế giới được chế biến, phân hóa, hoàn chỉnh qua hàng chục hàng trăm triệu năm trong những phòng thí nghiệm của thiên nhiên, đang bị phá hủy, đảo lộn một cách tàn bạo. Những nơi cư trú cần thiết cho sự sống và sự tiến hóa của vô số giống loài đang bị hủy diệt vĩnh viễn. Vô số cơ cấu và hệ thống khác của sự sống tương đối đơn giản nhưng không thể thay thế, cần thiết cho sự cân bằng năng động và sự điều tiết của hệ sinh thái đang bị loại trừ không thương tiếc. Chỉ có sự ngu dốt hiện nay của chúng ta ngăn trở không cho chúng ta hiểu sự phân hóa kỳ lạ và đa dạng của thiên nhiên cần thiết cho sức khỏe của con người đến mức nào”(15).
“Chúng ta và con cháu chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt trong tương lai về sự giết hại sinh thái liên tục và tràn lan ấy. Chúng ta xem thường ý nghĩa của từ ngữ khi nói rằng đại dương và môi trường thiên nhiên là tài sản chung của nhân loại. Thực tế, tất cả chúng ta là tội phạm của sự cướp phá tài sản ấy, là tội phạm đồng lõa để cho người ta tàn phá, giết hại tất cả những hình thái của sự sống khác con người một cách vô độ…”(16).
Còn F. Engels trước đó hơn một thế kỷ cũng đã từng cảnh báo: Không thể thống trị giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài thế giới tự nhiên(17).
Trước cuộc sống hiện đại đang khiến cho xã hội lâm vào tình trạng hỗn loạn và đầy bất ổn, đã có không ít bài báo nước ngoài ca ngợi lối sống gắn với Mẹ Thiên Nhiên của người dân da đỏ, những người coi thiên nhiên là một món quà của Thượng Đế, và luôn tâm niệm rằng: Cần phải tôn kính, quý trọng thiên nhiên… Họ truyền dạy con cháu “bước khoan thai trên mặt đất, sống cân bằng và hài hòa”.
“Chỉ khi cái cây cuối cùng chết đi và khi dòng sông cuối cùng bị đầu độc và con cá cuối cùng bị đánh bắt thì chúng ta mới nhận ra mình không thể ăn được tiền”. Đặc biệt, có một bức thư của hai tù trưởng trả lời Tổng thống Hoa Kỳ là Franklin Pierce muốn người da đỏ nhượng bớt đất cho người da trắng, được coi là văn kiện hay nhất xưa nay nói về mối quan hệ thiêng liêng của các tộc người thiểu số đối với đất đai tiên tổ và quan niệm thâm thúy của họ về môi trường sống:
“… Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong ký ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mang trong đó ký ức của người da đỏ…
Nếu có bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải giữ gìn và làm cho nó thành một nơi thiêng liêng cho ngay cả người da trắng cũng có thể thưởng thức được những làn gió thấm đượm hương hoa đồng cỏ… người da trắng phải đối xử với các muông thú sống trên mảnh đất này như những người anh em”.
Báo cáo “Sự gia tăng gần đây về áp lực của con người và mất rừng đe doạ nhiều Di sản Thiên nhiên Thế giới” đã được nhận giải thưởng Elsevier Atlas. “Hành động cấp bách rất cần thiết để cứu những nơi kỳ quan này trước khi quá muộn”, Tiến sĩ James Watson của trường Đại học Queensland và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã nói: “Đó là tài sản thế giới, được cộng đồng quốc tế thừa nhận như viên ngọc quý trên vương miện khi nó được đưa vào bảo tồn thiên nhiên, và nó đáng được bảo vệ cho toàn thể nhân loại”.
Đại sư Shayalpa Tenzin Rinpoche đã ra thông điệp được BBC trích dẫn: “Theo thiển ý của tôi thì tất cả chúng ta ai cũng đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường chung và cuộc sống sẽ có ý nghĩa nếu chúng ta tìm ra cách thức tôn trọng môi trường tự nhiên tốt nhất trong khả năng của mình. Muốn chăm sóc bảo vệ môi trường thì cần chăm sóc bảo vệ chính chúng ta về lâu dài vì đó là điều đem lại lợi ích cho thế hệ sau… Thực sự, điều quan trọng nhất là biết tôn trọng và yêu quý vẻ đẹp thiên nhiên”.
Trước tình cảnh rừng Amazon sắp mất nửa số loài vì biến đổi khí hậu, và tình hình Trái đất đang trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết, 20.000 nhà khoa học đã ký vào một bức thư, đồng loạt cảnh báo về thảm họa diệt vong của nhân loại. Bức thư có tựa đề: Các nhà khoa học trên thế giới cảnh báo nhân loại: Lời cảnh tỉnh thứ hai (nguyên văn: World Scientists’ Warning to Humanity: A Second Notice). Đây là thông báo tiếp sau lá thư đầu tiên vào năm 1992 do Liên minh các nhà khoa học quan ngại (the Union of Concerned Scientists) phát hành, nhằm cảnh báo về vận mệnh của nhân loại.
Có khá đông người trẻ ở Hồng Kông đang từ bỏ những cơ hội tìm công việc có lương cao để chọn những công việc lương thấp nhằm giúp bảo vệ môi trường, thường gây nhiều thất vọng cho các bậc cha mẹ truyền thống.
Những hoạt động tích cực của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội – chính trị và khoa học khắp thế giới đang nhằm vào cái đích mà đất nước được mệnh danh là “Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” đã đạt tới: “Đó là khu bảo tồn sinh thái tốt nhất trên hành tinh của chúng ta…. Costa Rica cũng không chạy theo đồng Đô-la của các viện bào chế thuốc tây Âu Mỹ hay của các tập đoàn khai thác năng lượng phương Tây để bán rẻ tài sản thiên nhiên của mình…”.
Mơ ước tạo dựng nên những vùng đất hạnh phúc và đáng sống như thế, có biết bao “kẻ mộng mơ” từ Đông sang Tây hàng ngày cặm cụi, đơn độc làm công việc tưởng như “dã tràng xe cát” để đem lại dù chỉ một bóng cây, thậm chí có ông lão đã tạo nên cả một khu rừng nhiệt đới từ đám đất sỏi, có đôi vợ chồng già đã mất 15 năm để biến sa mạc thành ốc đảo… Và nhiều nhân vật có thực khác gây xúc động lòng người thấm thía trong bài báo ngắn của Phạm Thu Hương: Đời luôn sẵn kẻ mộng mơ.
4. Chúng ta tìm về thực trạng thiên nhiên Việt Nam giữa khi cả xã hội loài người đang xao xác tơi tả bởi những vấn đề Môi trường cùng các hệ lụy đau lòng bởi Môi trường bị tàn phá, Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, giữa khi con người trên khắp hành tinh đang bị Thiên nhiên trả thù đích đáng bởi sự thiển cận, độc ác, tham lam của chính mình…
Vào giữa thế kỷ trước, mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền Mỹ được giải Nobel Hòa bình, đã cay đắng thốt lên trước các thảm họa môi trường: “Quá muộn rồi. Sau đây, chúng ta sẽ đi về đâu, sự hỗn loạn hay một cuộc sống cộng đồng?”.
Bảo vệ môi trường lâu nay không còn là vấn đề riêng của một quốc gia mà là vấn đề sống còn của toàn nhân loại. Từ ngày 5.6.1972 tại Stockholm (Thuỵ Điển) đã có Hội nghị môi trường thế giới lần đầu tiên để nhắc nhở “Con người hãy cứu lấy cái nôi của chúng ta”, lấy ngày 5.6 hàng năm là ngày Môi trường thế giới.
Sau đó, tháng 6.1992 tại Brazil, Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường thế giới diễn ra với sự tham dự của hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế, một lần nữa khẳng định tình trạng suy thoái môi trường nghiêm trọng, kêu gọi mọi quốc gia hãy hợp tác hiệp lực trong trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Nhưng cho đến nay, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề nóng bỏng của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, sự trì trệ, bảo thủ, tầm nhìn hẹp, yếu kém về chuyên môn, cộng với tình trạng tham nhũng khoa học đã khiến Sự nghiệp Môi trường trở nên lạc hậu so với thế giới hàng thập kỷ, và là căn nguyên của một hệ thống chính sách sai lầm về các vấn đề Môi trường. Điều đó dẫn tới hệ quả là môi trường ô nhiễm tràn lan khủng khiếp chưa từng thấy, Tài nguyên (tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người) bị khai thác bừa bãi phung phí khiến những ai có lương tri và hiểu biết đều phải đau xót đến đứt ruột.
Trong một công trình nghiên cứu công phu, cuốn Môi trường và con đường phát triển(18), lần đầu tiên những vấn đề lý luận về Môi trường ở nước ta mới được đặt ra một cách hệ thống; ở đây, PGS.TS. Nguyễn Đắc Hy đã phân tích khá kỹ lưỡng hai nội dung khái niệm: “Tài nguyên Thiên nhiên” và “Tài nguyên Con người”, cùng khái niệm “Lượng giá trị của tài nguyên” và những vấn đề kinh tế học của Môi trường.
Sau khi nói đến tình trạng khai thác bừa bãi vốn thiên nhiên, vốn con người suốt những năm qua (sự bất cập, phi lý trong chuyện khai thác khu công nghiệp, sân golf… dẫn tới mất đất nông nghiệp, trong việc đầu tư, xuất khẩu lao động bừa bãi…), tác giả thốt lên: vốn tài nguyên đó của Đất nước nếu không biết quý trọng, không biết khai thác, quản lý một cách khoa học và có lương tâm thì sẽ có tội lớn với Dân tộc!
Ông bảo: Ở nước ta, người nghiên cứu kinh tế thường chỉ quan tâm đến đồng tiền nhảy múa mà bỏ quên vấn đề Tài nguyên (Thiên nhiên và Con người). Theo ông, khi người ta mới làm chính trị về môi trường, chứ chưa làm môi trường thực sự, thì số phận thiên nhiên vẫn còn bị đe dọa.
Quả vậy, hiện tại ở Việt Nam, hàng ngày vẫn đang tràn ngập những câu chuyện tàn phá môi trường: Chất thải đổ ra biển, rừng bị tàn phá nặng nề, kênh rạch, sông hồ bị ô nhiễm… Ngoài việc đổ thuốc trừ sâu xuống các hồ tôm cá, thả chông và mảnh chai xuống ruộng, còn những “hành vi trả thù” tàn ác khác như đốt mía, đổ thuốc vào thân dừa, chặt chân trâu bò… Khủng khiếp nhất là thảm họa Formosa, rồi bãi chôn xỉ lấn biển của Formosa, chuyện các nhà máy thép DANA, chuyện phá rừng để nuôi bò và thi hoa hậu, các nhà máy gây ô nhiễm khắp nơi, sông chết, biển chết trên cả nước; Hà Nội, TP. HCM thi nhau chặt cây trong lúc đây là hai thành phố thuộc diện ô nhiễm nhất thế giới…
Đau đớn nhất là chuyện những con chim bị khâu mắt, cột chân giữa nắng để làm mồi nhử đồng loại giữa quê hương đại thi hào Nguyễn Du! Báo chí trong nước đưa tin về các công ty nước ngoài đổ chất thải xuống biển, đã tự kiểm duyệt cụm từ “chất thải”, thay thế bằng cụm từ “vật liệu nạo vét”.
Báo Thanh Niên cho biết, việc khai thác khoáng sản titan tràn lan ở Bình Thuận sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngọt tự nhiên… Báo Một Thế Giới có bài điều tra về nạn cát tặc đang hoành hành tại miền Tây, được chính quyền bảo kê, dẫn đến hiện tượng sạt lở khủng khiếp. Cũng báo Thanh Niên: “Việc Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận, theo các chuyên gia, bản chất là xả thải. Nó sẽ hủy hoại vĩnh viễn cả một vùng biển giàu có và độc nhất vô nhị về nhiều mặt của Việt Nam”.
Theo báo Sài Gòn giải phóng, người dân “Bất an với gần 1 triệu m³ chất thải “chôn” xuống biển”. Còn tại Tây Nguyên, dẫn lời quan chức tỉnh Đắk Nông, báo Tuổi Trẻ cho biết, “người dân xã Nhân Cơ rất lo lắng trước hiện tượng chất bột màu trắng từ Nhà máy chế biến alumin Nhân Cơ phát tán và bám đầy trên cây trồng”.
Một trong những tiếng nói thấm thía nhất về sự tàn phá môi trường là loạt ký sự: Sơn Trà ký sự (Kỳ 6: Khoa học của sự tôn kính thiên nhiên) trên báo Một Thế Giới: … “Có thể nói, trong máu của người Đà Nẵng có linh khí của Sơn Trà. Đó không phải là thứ “linh khí” của niềm tin tôn giáo, mà là thứ linh khí có thật từ thảm thực vật và các loài sinh vật, trong đó có vô số dược liệu hấp thu nguyên khí của đất đai trời biển, lan tỏa theo nắng gió đến với con người… Đó là chưa kể đến việc khôi phục rừng tại Sơn Trà có ý nghĩa khoa học như thế nào đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học và khôi phục rừng trong cả nước và tác động quốc tế của nó, vì như đã nói, Sơn Trà có hội đủ các điều kiện dung trú hầu hết các loài thực vật trong cả nước và trên hành tinh… Sơn Trà không bị bom và chất độc hóa học, rừng nguyên sinh bị hủy diệt từ lòng tham và lợi ích thiển cận của con người”.
Khi Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái ký bừa để kỷ luật một người bảo vệ Sơn Trà, ta có thể nhận thấy: đằng sau sự việc này là sự dửng dưng trước số phận Thiên nhiên của ông Thứ trưởng, và đó là hệ quả đáng tiếc của cả một quá trình giáo dục mà ở đó, lòng yêu thiên nhiên không được coi trọng như các tiêu chí đạo đức khác.
Khi bệnh vô cảm và ích kỷ đã tràn lan khắp đất nước, đã có biết bao tiếng nói đau xót đến chảy máu mắt về thảm cảnh tàn phá thiên nhiên, như những tâm sự sau đây: “Hiện tại, U Minh Thượng hay U Minh Hạ, rồi Đất Mũi, tất cả rừng đước, sú, vẹt cả mấy trăm năm tuổi, thậm chí ngàn năm tuổi đang bị khai thác một cách vô tội vạ […] Cả một cung đường dài từ Nam chí Bắc đều là cây cối trơ trọi. Thay vào đó là hàng quán, đi chừng 300 mét đã có quán thịt rừng, đặc sản rừng, khu nhà trọ, quán nhậu […] Giờ có vẻ như Trường Sơn cũng chẳng còn bao nhiêu cây để chặt, người ta lại kéo về thành phố để chặt, mà đáng sợ nhất vẫn là chặt cây theo dự án! Có không biết bao nhiêu ngàn hecta rừng Trường Sơn bị chặt phá theo dự án thủy điện mà sự thật đằng sau cái dự án đó là bóng ma nhà buôn Trung Quốc.”
Vấn đề Môi trường và Thiên nhiên bị tận diệt cũng đã nóng lên trong các phiên họp Quốc hội. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong, người dân Việt Nam hiện không thể an tâm khi nhiều nơi rừng đã hết, có chỗ biển gặp sự cố môi trường nặng nề, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau dần cạn kiệt… Đại biểu Phong quan ngại về tình trạng đưa công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường vào trong nước gây ô nhiễm môi trường. “Khi đất đã chết, sông chết, rừng sắp hết, biển gần chết… thì tiền có nhiều đến đâu đi nữa cũng không thể mua được môi trường tươi đẹp mà chúng ta đã mất và đang mất”.
5. Tại Việt Nam, đã xuất hiện ngày một nhiều những tổ chức Mơ Mộng, những “người Mơ Mộng”, những hoạt động Mơ Mộng sẽ có khả năng giúp cho tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường sinh thái thoát khỏi nguy cơ rơi xuống vực thẳm. Như một vài nhà đầu tư đã dũng cảm tìm đến thiên nhiên còn nguyên sơ của huyện Vân Hồ làm du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp xanh và quy trình công nghệ sinh học khép kín.
Như Diễn đàn Nhà báo Môi trường đã từng cử nhà báo tới vùng lõi Tam Đảo đứng trước nguy cơ bị xẻ thịt để có dữ liệu phản biện một cách quyết liệt (người viết bài này là một trong hai nhà báo Việt Nam đầu tiên đã leo tới nơi xa xôi nguy hiểm nhất của Tam Đảo II để thực thi sứ mệnh trên của Diễn đàn này)(19). Như Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), với Dự án “Thực tập sinh và đại diện cộng đồng chung tay nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng tại các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam – Học hỏi và chia sẻ những bài học thực hành tốt giúp thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Vịnh Hạ Long”…
Như Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM, là một tổ chức quần chúng tự nguyện nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về bảo vệ thiên nhiên và môi trường; thực hiện các hoạt động phản biện xã hội, tư vấn về công nghệ, sản xuất sạch trong lĩnh vực môi trường; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ thiên nhiên và môi trường…
Như GS.TS Đặng Huy Huỳnh, nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam vừa được ASEAN vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN khi ngồi hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án lớn đã phản đối hoặc đề nghị bỏ không làm nhiều dự án để bảo vệ môi trường tự nhiên… Như nhóm yêu quý và bảo vệ Cát Tiên tổ chức triển lãm ảnh Rừng Việt: “Cát Tiên trong tôi”…
Như các sinh viên Khoa Ngữ văn Anh (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM) đã bằng vật liệu cũ và tái chế thiết kế nhiều bộ trang phục thời trang độc đáo và bắt mắt trong cuộc thi trình diễn thời trang… Như Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Phú Yên đã đưa kiến nghị bảo vệ rừng trắc tại lưu vực suối Đá Bàn… Như Không Gian Chia Sẻ S.hub với định hướng tập trung vào hỗ trợ phát triển giáo dục, góp phần giúp giới trẻ kiến tạo tương lai, đã giúp mọi người vừa hưởng thụ thiên nhiên miễn phí vừa bảo vệ thiên nhiên (như Khám phá Sơn Đoòng qua trải nghiệm thực tế ảo)…
Như Hội thi “Chúng em bảo vệ thiên nhiên, môi trường” – một trong những hoạt động giáo dục môi trường trong trường học, là một hợp phần thuộc Chương trình Trồng rừng được triển khai tại bốn trường THCS thuộc địa bàn vùng đệm VQG Ba Vì… Như 22 bạn trẻ đã đoạt được giải thưởng lớn nhất trong Cuộc thi Tê giác hoang dã (Wild Rhino Competition) từ 1.500 bài dự thi và được tham quan Nam Phi 5 ngày để trải nghiệm thiên nhiên hoang dã…
Như Hội chợ triển lãm quốc tế về Sản phẩm sinh thái (EPIF 2008) tại Hà Nội, sau đó Việt Nam tiếp tục đăng cai tổ chức EPIF 2017 tại TP.HCM với chủ đề “Công nghệ và sản phẩm xanh – Hành động cho tương lai”… Như tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Trẻ em với môi trường”, ghép tranh cổ động về môi trường, chương trình chiếu phim về khoa học và môi trường, thi tìm hiểu về sản phẩm sinh thái và công nghệ môi trường…
Như nhiều bậc phụ huynh đang kiên trì dạy con bảo vệ thiên nhiên môi trường, tìm cách kết nối con trẻ với môi trường tự nhiên, rồi chia sẻ giúp các phụ huynh khác khơi gợi tình yêu thiên nhiên ở trẻ… Như các nhà giáo, các nhà làm chương trình giáo dục đang vắt óc tìm cách lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường trong các bài giảng, trong các chương trình đào tạo giáo viên các cấp…
Như hoạ sĩ Văn Ngọc, người đã tìm mọi cách đưa thiên nhiên vào khung cảnh sống của gia đình mình ở Vũng Tàu – trong đó có cả những thứ phế phẩm như mẩu gỗ cháy dở, thanh côp-pha nham nhở vữa bỏ đi, nồi gốm sứt mẻ, ống thoát nước đất nung bị loại, v.v. Thế rồi, những con ong bay về tìm đến các hộp gỗ đục lỗ để làm tổ; dây leo cây dại mọc tự nhiên trên những hòn đá được bày làm ghế ngồi quanh sân…
Điểm sơ qua những việc, những người Mơ Mộng như thế để thấy: xu thế xây dựng nền văn hóa bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường đã bắt đầu trở thành một nhu cầu tự bên trong, có tính cấp thiết của xã hội.
6. Tạm kết
Một học giả Mỹ nghiên cứu sâu về phương Đông đã tâm đắc với nhà phê bình phân tâm học Pháp nổi tiếng G. Bachelard khi bàn về chất thơ của không gian trong thiên nhiên có tầm quan trọng thế nào đối với cuộc sống: Không gian có một ý nghĩa tình cảm hoặc thậm chí một ý nghĩa duy lý do một loại tiến trình mang tính thơ (a kind of poetic process)(20). Nếu không gian con người mất đi cái chất thơ này, sẽ xảy ra hiện tượng đau lòng và khủng khiếp mà học giả người Nga B.I. Kozlov đã cảnh báo: Có thể dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa nhân văn và dứt khoát loại bỏ Homo Sapiens ra khỏi vũ đài lịch sử. Và khi đó, điểm cuối cùng sẽ được xác định: Máy móc sẽ là cái duy nhất trong vũ trụ mang Tinh thần và Lý trí(21).
Rất nhiều nhà khoa học có lương tâm trên thế giới đã lên tiếng gay gắt trước nguy cơ chủ nghĩa vị kỷ độc ác hủy diệt Thiên Nhiên và Môi Trường sinh thái, và họ nhấn mạnh tới chủ nghĩa nhân đạo mang tính toàn cầu trong sự nghiệp cứu vãn trái đất cả phần xác lẫn phần hồn; xin dẫn ra một tiếng nói khá tiêu biểu giúp cho những người Việt Nam đang lo lắng cho vận mệnh Đất nước cùng suy ngẫm:
“Quả Đất Mẹ còn vô số những vấn đề chưa được giải quyết… Trước tiên, cần giải quyết những vấn đề mà chúng ta phải chịu trách nhiệm do quan hệ tồi tệ của chúng ta đối với Thiên Nhiên trên hành tinh này gây ra. Thiên Nhiên là phần thân thuộc của chúng ta, là nguồn thường xuyên và thiết yếu của sự sống. Cải thiện mối quan hệ đó là mục đích chính của chúng ta.” (22)
Còn một trong những mục đích chính và cấp thiết của tất cả người Việt Nam lúc này là: Hãy cứu lấy tài nguyên Thiên Nhiên của Đất Nước chúng ta đang có nguy cơ bị tận diệt!
Chú thích
1. Aurelio Peccei (Italia) và Daisaku Ikeda (Nhật). Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI, Trương Chính & Đông Hà dịch. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 25.
2. L. Tolstoi. Đường sống – Văn thư nghị luận chọn lọc, Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch, giới thiệu, chú giải (với sự tham gia của một số người khác). Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2015, tr. 171.
3. Đường sống… Sđd, tr. 226
4. Đường sống… Sđd, tr. 200.
5. Trần Văn Giàu. Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011.
6. Phan Ngọc. Một cách tiếp cận văn hóa, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1999, tr. 359-366.
7. Phương Đình văn loại. Trần Lê Sáng dịch. Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr. 34.
8. Lê Bá Thảo. Thiên nhiên Việt Nam, Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội, 1978.
9. Pierre Gourou. Người nông dân châu thổ Bắc kỳ – Nghiên cứu địa lý nhân văn, nhiều người dịch. Nxb Trẻ, TP HCM, 2003.
10. Krishnamurti tinh yếu. Nguyễn Ước dịch. Nxb Văn học, Hà Nội, 2002
11. Trang Tử và Nam Hoa kinh. Nguyễn Hiến Lê giới thiệu và chú dịch. Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1994
12. J.J. Rousseau. Emile hay là về giáo dục. Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch. Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2008, tr. 273, tr. 277.
13. Maria Montessori. Bí ẩn tuổi thơ. Nghiêm Phương Mai dịch. Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2014, tr. 281, tr. 326,
14. Francois Jullien. Xác lập cơ sở cho đạo đức – Đối thoại của Mạnh Tử với một nhà triết học Khai sáng, Hoàng Ngọc Hiến dịch và giới thiệu. Nxb Đà Nẵng, 2000, tr. 132.
15. Tiếng chuông cảnh tỉnh… Sđd, tr. 30.
16. Tiếng chuông cảnh tỉnh… Sđd, tr. 62.
17. Mác, Ăng-ghen toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994. tr. 655.
18. Nguyễn Đắc Hy. Môi trường và con đường phát triển, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2011.
19. http://vanviet.info/van/thin-duong-hay-dia-nguc/
20. Edward Wadie Said. Đông phương luận, Nxb Tri thức, H 2014. Tr.101.
21. Lương Việt Hải & I.K. Lixiev đồng chủ biên. Hiện đại hóa xã hội và sinh thái, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008, tr. 211.
22. Tiếng chuông cảnh tỉnh... Sđd, tr. 84.
Subscribe to:
Posts (Atom)