Your vision will become clear only when you look into your heart.... Who looks outside, dreams. Who looks inside, awakens. Carl Jung
Tuesday, August 16, 2022
Dân Khí
...Đất nước độc lập, không phải chỉ đuổi lũ cướp nước là xong. Phải đuổi cái nô lệ ra khỏi cái đầu. Bạo lực có thể đạp đổ bạo lực. Nhưng bạo lực nào cũng có khuynh hướng thay thế bạo lực cũ để thống trị bằng cách nô lệ hóa cái đầu. Phan Châu Trinh đã đi trước thời đại bằng lời lẽ thống thiết kêu gọi phải thắp sáng cái đầu của người dân. Bởi vì thời độc trị của vua chúa đã qua rồi. Cái nguyên tắc mà Renan gọi là «tâm linh» (spirituel) không có gì là siêu hình cả, trái lại rất cụ thể. Đó là người dân. Mỗi người dân. Mọi người dân. Mỗi người dân nắm vận mệnh của mình và của dân tộc mình. Bằng thỏa thuận. Như thỏa thuận khi ký một hợp đồng. Dân tộc là linh thiêng, bởi vì trong lòng mỗi người dân đều có cái «hồn» của tổ tiên, nhưng dân tộc chỉ trường tồn trong hiện tại, trong tương lai, khi chính người dân, chứ không phải một ai khác trên cao xanh, cùng nhau thỏa thuận về vận mệnh của đất nước. Sự thỏa thuận ấy, tất nhiên biểu lộ bằng lá phiếu, và lá phiếu chỉ là lá phiếu khi trung thực. Không có trung thực thì không có thỏa thuận. Nhưng chữ “plébiscite” của Renan không có nghĩa tầm thường của một cuộc trưng cầu dân ý. Bởi vì trưng cầu dân ý cụ thể là con số: 51 %, 65 %, 70 %, vân vân. “Plébiscite“, trong cái nghĩa của Renan, không phải đo bằng con số. Đo trong lòng người, người dân nào cũng biết đo và đo rất chính xác, trung thực. Siêu hình chăng? Cam đoan không. Cứ hỏi mỗi người Việt Nam có biết đo không, câu trả lời sẽ rất giản dị. Đừng dối nhau làm gì, có thời chúng ta đã từng nghe: cái cột đèn cũng muốn đi. Và bây giờ lại nghe nói: ai có chút tiền đều một chân trong chân ngoài. Một dân tộc sống với cái đầu hoài nghi, cái chân bỏ phiếu, là một dân tộc đang tự thắp nhang cho mình, làm mồi cho cú vọ. Nếu ai có chút tiền đều muốn đưa con ra ngoài để học rồi để ở lại, thì tim đâu để máu chảy về? Thì đâu còn định nghĩa được tôi là ai? Thì lấy người khác làm mình. Thì đâu là «dân khí»? Cái «hồn» nằm ở đâu?
Ngoại xâm trước mắt đâu phải chỉ lấn đất lấn biển. Nó lấn cái đầu. Cái đầu ấy, ngoại xâm muốn ta giống nó. Nó rất sợ ta khác nó. Nó muốn ta giống nó bằng văn hóa, bằng ý thức hệ. Nó sợ ta khác nó với Phan Châu Trinh. Bởi vì chỉ cần ta định nghĩa ta là Phan Châu Trinh, ta có cái đầu văn hóa mở ra với những chân trời khác, những bình minh khác cùng sáng lên hai chữ «dân quyền», chỉ cần thế thôi, chỉ cần cái đầu văn hóa ấy thôi, vận mệnh của đất nước Việt Nam sẽ đổi khác về mọi mặt, bắt đầu là mặt chiến lược. Vì sao? Vì định nghĩa ai là bạn ai là thù bắt đầu từ đâu nếu không phải là từ anh khác tôi, tôi khác anh của Nguyễn Trãi?
Chỉ cần thế thôi, một bước ấy thôi, dân tộc chờ đợi từ thời Phan Châu Trinh. Chỉ cần một câu trả lời với Renan: Vâng, đúng thế, dân tộc là sự giao thoa của hai thỏa thuận song song: thỏa thuận giữa người dân với nhau cùng sống cùng chết trên cùng mảnh đất của tổ tiên ; thỏa thuận giữa người dân với chính quyền để cùng nhau đảm đương việc nước. Một bước. Cả vận mệnh nằm trong một bước. Bước đi ! Cái «tôi» của ngày nay, cái «ta» kiêu hùng, cả tổ tiên nằm trong môt bước.
https://thuvienhoasen.org/a38157/dan-toc-toi-chua-xung-voi-to-tien
Subscribe to:
Posts (Atom)